Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Huế và TP Hồ Chí Minh có 2 quán cơm mà thương hiệu của nó do chính thực khách đặt tên: Âm Phủ. Lạ là cả 2 quán này đều đã có bề dày ngót gần cả thế kỷ, không chỉ được du khách trong nước mà cả người nước ngoài cũng biết đến.

1. Quán Âm Phủ ở Huế do một doanh nhân thuộc hàng vọng tộc – ông Tống Phước Kỳ - khai sinh những năm 1914 – 1918 cùng với sân vận động (SVĐ) Bảo Long, tên của con vua Bảo Đại. Ban đầu, quán có tên Đất Mới, do nằm trong vùng đồng hoang An Cựu. Sau, SVĐ đổi tên Tự Do, quán cũng đổi tên thành Âm Phủ. Tên Âm Phủ, do quán mở vào đêm khuya, leo lắt bóng đèn dầu, chỉ độc món cơm chiên.
Nói cơm chiên, nhưng thực chất là cơm trộn với các món ăn thừa của các hiệu cơm Tây gần Morin thải ra, đem chiên xào lại...

Gọi cơm xà bần chiên cũng được vì chuyên bán cho giới bình dân ăn khuya như phu kéo xe, gái làng chơi quanh khu đồn Tây đóng hoặc những người đi xem hát bội rạp Bà Tuần hay chơi cine rạp Tân Tân về khuya đói bụng. Lần hồi quán nổi tiếng, thu hút thêm khách vãng lai.


Thời Huế khó khăn, cơm Âm Phủ trở thành quán cơm xã hội bán giá bình dân. Còn là điểm đến của nhiều văn nghệ sỹ nên quán cơm Âm phủ đã đi vào văn học, bắt đầu là văn hóa dân gian, với bài vè Thất thủ kinh đô do cụ Mới, bị mù, dùng hai nang tre kẹp vào nhau để đệm âm thanh, nói vè trên các ngả đường:

Kể từ ngày thất thủ kinh đô,
Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam
Lên dinh ở tới Tòa Khâm
Chén cơm Âm phủ áo dầm mồ hôi

Chén cơm quán  Âm phủ chan mồ hôi, nước mắt những kẻ cơ hàn, những lãng tử không nhà nên cũng trở thành nổi tiếng như  những “thương hiệu” khác: chè bắp Cồn Hến, bánh bèo Tây Thượng, bánh canh Nam Phổ, cơm sen Tịnh Tâm, xôi gà Nguyệt Biều, bánh ướt Kim Long... mà những nhà thơ gốc Huế như Trụ Vũ, Hỷ Khương... từng làm thơ ca ngợi. Nhà thơ Hữu Thụ, trong một bài vè có đoạn: Muốn ăn cơm dĩa trữ tình, có quán Âm phủ ma rình phía sau.

Âm phủ nhưng bán cơm trần gian. Vì nay, trên cái nền cũ đã là Nhà hàng Âm phủ - số 35, Nguyễn Thái Học (Huế) – mở cửa từ sáng đến khuya và còn xuất hiện đậm nét trên các guide book để chào tour. Vẫn còn lưu giữ món cơm chiên “cổ truyền” thời đói khổ, nhưng đã xuất hiện rất nhiều món tân kỳ như mép môi bò chấm với mắm sò hay món nướng kiểu Hibachi...

Hiện tại, đây là điểm đến quen thuộc với các đoàn khách đến Huế.

2. Quán Âm Phủ của TPHCM ra đời cùng thời với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Gần chùa, nơi con dốc xuống bến tắm ngựa, có một quán bán các món chay trong nhà.

Quán không bán cơm, chỉ bán mì, cháo, cari, cuốn và sữa đậu nành nguyên chất. Quán do ông bà cụ thân sinh của cô Bé mở, nên khách quen gọi là quán Âm Phủ cô Bé. Tên Âm Phủ chính thức xuất hiện từ hôm cô Bé thay chỗ bà cụ quản lí quán, với một nguyên tắc “bất di bất dịch”: tất cả các nồi soong thức ăn dù đã sẵn sàng, lớp lớp khách đã ngồi chờ, nhưng cô cứ đủng đỉnh chờ đúng 9 giờ cô mới chịu múc thức ăn dù khách có năn nỉ mấy cũng mặc.

Khách đến theo từng đoàn, theo giờ lao động, kéo dài từ tối đến 2 giờ sáng mới chấm dứt. Tuy là món chay, nhưng hấp dẫn đậm đà hơn cả món mặn, giá lại bình dân: mỗi tô bình quân 8.000 đồng, nóng sốt, ngon bổ và rất sạch. Chỉ ngặt một điều, khách Tây “cao giò cao cẳng” vào quán phải ngồi ghế thấp nên rất khó xoay trở...

Khác với quán Âm Phủ ở Huế, quán Âm Phủ giữa Sài Gòn vẫn chưa chịu... bán cơm trần gian.

Du lịch, GO! - Theo amthuc365 và nhiều nguồn khác

0 nhận xét :

Đăng nhận xét