Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Cái tên Mèo Niêm - Sơn Vạc, địa danh nghe thì quen lắm nhưng rõ ràng không hề có trên bản đồ hành chính. Nó được bắt đầu từ những câu chuyện tếu táo bên ly cafe thơm thơm mùi cồn khô trên đường đêm, trong ánh trăng rằm vằng vặc giữa rừng của 6 kẻ lữ hành vượt sông vượt suối khe, bùn lầy và đèo dốc từ cung Mèo Vạc xuyên sang Niêm Sơn để tới Cao Bằng.

Sáng sớm, sương vẫn còn mờ ảo, khí lạnh vẫn còn tràn trề trên những dốc phố núi Mèo Vạc, chúng tôi lên đường đi Niêm Sơn, vượt qua sông Nho Quế, rồi sông Gâm sang Cao Bằng, cung đường lạ lẫm đầy sự bất trắc bởi thông tin rằng đường đang sạt lở do lũ quét, có những đoạn không còn dấu vết, cầu qua sông cũng bị lũ cuốn trôi...

Cung đường này về phong cảnh tương đối đẹp, hùng vĩ và vẫn còn rất nhiều nét hoang sơ. Đồi núi cao ngất ngư, đèo dốc tít tận đến cây cầu bê tông đang xây bắc qua sông Nho Quế cách thị tứ Niêm Sơn khoảng 25 km.

Bắt đầu từ Mèo Vạc, rẽ trái ở ngã ba Bưu Điện, sẽ gặp ngã ba có biển chỉ dẫn, lối rẽ leo lên đèo là đi thăm chợ tình Khau Vai, còn lối đi thẳng là đi Niêm Sơn. Đó là quốc lộ 4D, nằm trong tuyến quốc lộ 4 “huyền thoại” vắt ngang từ Đông Bắc sang Tây Bắc Việt Nam, quốc lộ này đang sửa chữa, đường rất đẹp, núi non trập trùng, sương giăng mờ ảo cả ngày đêm....

Con đường men theo triền núi đá, bên kia dãy núi là chợ tình Khau Vai nổi tiếng, mây cứ trồi lên cuồn cuộn và phong cảnh biến ảo mỗi lúc mỗi khác. Chúng tôi ngừng lại đoạn giữa đèo, trên đỉnh một quả đồi cao, trông xuống là thung lũng Niêm Sơn mênh mang, nhà cửa bản làng xanh mượt bé tý xíu, mây đang ùn lên từ dưới thung lũng, dưới ánh nắng sớm, mây vàng mượt như tơ... Cả đoàn dừng lại, mấy cô gái bắc bếp "dã chiến" đun cafe để ngâm nga ngắm trời đất giao hoà. Tiếng ghi ta bập bùng hòa tấu với piano, giọng Bằng Kiều cao vút bản nhạc của Trịnh.

..Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi buồn..
Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời...

Cái sự thú vị và mơ màng lãng mạn khi ta đứng trên đỉnh một quả núi, nhìn ngang tầm mắt là mây trời ngút ngàn, dưới chân ta là cả một thung lũng mênh mang xanh rì nó thật sự đáng nhớ và khó có thể quên mỗi khi nhìn lại những bức ảnh kỷ niệm. Những dãy núi trập trùng và hùng vĩ khiến ta thấy mình thật bé nhỏ. Giữa cái lồng lộng của đất trời, sự giao hoà của đêm và ngày, trong muôn vàn thanh âm của gió và cây, khung cảnh bình yên đến ngây ngất !

Chúng tôi uống cafe nghe Bằng Kiều hát trong cái sự lãng du như thế....

Con đường Mèo Niêm Sơn Vạc uốn lượn như rắn bò trên lưng chừng núi cứ thế đổ dốc khoảng 40 km. Vượt qua thị tứ Niêm Sơn với cái chợ be bé lao xao tiếng H'mong, tiếng Giáy, tiếng Nùng chen lẫn tiếng Kinh, chúng tôi ngừng lại ở một ngã ba. Nhìn sang tay trái là con sông Nho Quế nước đang cuồn cuộn chảy.

Sông Nho Quế bắt nguồn từ những dãy núi cao nguyên Vân Nam Trung Quốc chảy qua đèo Mã Pi Lèng, qua chân núi chợ tình Khau Vai rồi đổ về đây trước khi nhập vào sông Chảy. Nhìn dòng sông tôi tự hỏi không biết những hạt phù sa kia bắt đầu từ cao nguyên Vân Nam lồng lộng gió hay từ trên các triền núi đá tai mèo Mã Pi Lèng hùng vĩ chảy về đây, nhập vào dòng Gâm và xuôi về Tuyên Quang bồi đắp nên miền trung du đồi chè xanh ngát, cọ “xoè ô" che nắng cho những em bé đến trường... Chao ơi! Dòng nước kia nhọc nhằn và sôi réo cứ chảy mãi, chảy mãi không ngừng, mải miết đi về nơi xa và hòa vào vùng châu thổ trù phú miền Bắc Bộ.

Đường xuống bến sông nhầy nhụa bùn đất, chúng tôi hỏi một anh chàng H'mong tay cầm con dao quắm với bộ mặt nhăn nhúm, thâm thâm, đôi mắt mờ đục vì á phiện:
- Ơ cái mày! Cho mình hỏi đường này qua sông để đi Bảo Lạc đúng không?

Anh chàng H'mong chẳng nói gì, quay mặt đi, ho húng hắng rồi chui tọt vào lán... Có lẽ anh ta không biết tiếng Kinh.

Sau một thoáng do dự, chúng tôi quyết định đi xuống. Con đường quá lầy lội, chiếc xe chỉ chực lăn kềnh, bánh quay tít mỗi khi phanh lại, đôi lúc nó trôi tuồn tuột.... Nhìn xuống bến sông, dòng Nho Quế cuồn cuộn chảy, một chiếc bè mỏng manh đang từ từ sang sông...

Tiếng hò hét sợ hãi của nhóm đi xe Mink khi chiếc bè chao đảo, chòng chành rồi trôi vun vút giữa dòng nước, anh chàng chống bè qua sông gầy gò đen xì, trên người xăm "vằn vện" những hoa lá chim muông cùng với đầu lâu xương chéo đẩy cái bè bằng cây sào dài cỡ 4m một cách rất thiện nghệ. Sau một hồi tròng trành đánh vật với dòng nước đang trôi phăm phăm, rốt cục anh ta cũng đẩy được nó vào mép sông, chiếc xe Mink nổ máy, khói đen xì "vặn vẹo" mãi rồi cũng lên được cái dốc trơn như đổ mỡ. Tôi sực nhớ rằng cần phải cho hết mấy cái máy ảnh, điện thoại và những vật dụng đắt tiền vào trong một cái bọc nilon đề phòng lật bè.

Gần 1 tiếng sau, cũng đến lượt tôi và chiếc xe cào cào Y.Serow qua sông. Cực kỳ hồi hộp khi lái chiếc xe xuống bè, không cẩn thận là cả người cả xe lộn cổ xuống sông... Hai anh chàng chống mảng mặt đầy vẻ "cô hồn", mắt lấm la lấm lét và nụ cười nhếch mép luôn thường trực trên đôi môi thâm xì vì thuốc phiện buông một câu cộc lốc: Ngồi yên vị trí...

Phải nói rằng đi bè qua sông giữa mùa nước lũ cũng là một sự mạo hiểm chẳng khác gì ta đánh đu bằng sợi dây chão trên cái vực sâu. Nói dại! Hôm ấy nếu có bị lật bè, thách cũng chỉ mong sao cứu được thể xác chứ 10 cái máy ảnh cũng bỏ, cho dù nó đắt cỡ nào. Nước cuồn cuộn thế kia....

Qua khỏi khúc sông, tưởng đã thoát khỏi chỗ khổ nhất, nào ngờ đó mới chỉ là khúc dạo đầu của con đường gian nan. Chỉ cách bến sông chừng 200 m, đường tự nhiên mất tích. Cả bọn ngơ ngác nhìn, ngó lên trên cái vách đồi bên tay trái thì thấy vệt đường đỏ thẫm dốc ngược lên núi. Thì ra nó ở trên kia, và muốn lên đó, chúng tôi phải cho xe tụt xuống 50m độ sâu xuống con suối cạn, vượt qua suối, xong phải "trèo" lên cái vách đồi muốn dựng ngược cả người lẫn xe.

Chúng tôi cẩn trọng cho xe tụt xuống lòng con suối cạn lổn nhổn đá hộc, nước lấp xấp, rồi cài số 1 cho xe vượt lên dốc cao khoảng 3 m đầy cây mắc cỡ tới được chỗ đất bằng phẳng, tập kết xe ở đó để leo vách đồi cao ngất đằng trước mặt. Ba người ở phía sau đẩy, một người lái, xe cài số 1 vặn hết ga, cả người cả xe "phụt khói" mới lên nổi con dốc... Quả đúng là "danh bất hư truyền" con đường Mèo Vạc - Bảo Lạc !
Khát nước. Đói. Trời càng ngày càng nắng gắt.

Vượt qua mấy khúc lầy nhầy nhụa bùn từ trên đồi chảy xuống, có chỗ bề mặt khô ráo ngỡ như đất cứng nhưng chỉ cần vô tình bánh xe lọt vào lập tức bùn nhão nhoẹt, ngập gần hết bánh xe. Chúng tôi đi trong một trạng thái nơm nớp như vậy suốt quãng đường dài khoảng 20km.

Qua khỏi khúc cua vách đen nhánh màu than non, tôi phóng vụt lên trước. Vừa nhìn thấy một bản người Nùng thì đường cụt. Đất từ trên sườn đồi lở tràn xuống, ngập hết cả lối đi, bên dưới vực sâu là một con suối đang cuồn cuộn chảy, nước réo ầm ầm. Để đi tránh, người ta làm một con đường nhỏ dẫn thẳng xuống bãi đá cạnh suối, nó bị cắt ra làm mấy khúc vì nước trên đồi xói lở....

Không thể tin nổi mắt mình khi nhìn thấy cả một mảng đồi to sụm xuống và bị dòng nước cuốn trôi, cây cối, đá mồ côi đổ rạp, ngổn ngang. Chứng tích của cơn lũ quét vùng biên ải thật là kinh khủng. Chúng tôi dò dẫm mãi rồi cũng tìm được cách đưa xe xuống bãi. Đứng trước dòng suối, tôi đã nghĩ sẽ cố gắng đưa xe qua bằng cách 2 - 3 anh em đẩy bộ, nhưng khi lội xuống thử, nước chảy xiết đến mức phải nhoài người vào bờ nếu không sẽ bị cuốn phăng lập tức.

Quanh quẩn mãi chưa tìm được cách nào đi qua, trời thì nắng như đổ lửa, cổ họng bắt đầu rát vì khát nước. Mấy cô gái cùng đi thấm mệt nên chui hết vào bụi cây lúp xúp tránh cái nắng gay gắt, khăn che kín hết cả mặt mũi. Bốn anh em chúng tôi lượn lờ chạy chỗ nọ chỗ kia tìm khúc suối hẹp và nước đỡ xiết nhưng cuối cùng đành thua....
Quay lui lúc này thì còn khổ hơn nữa.

Xoạt! Một anh H’Mong trẻ chui từ bụi cây tụt xuống trên sườn đồi, tôi mừng quá:
- Này em! Ở con suối này có đoạn nào nước chảy êm để đưa được xe máy qua?

- Không đâu! Suối sâu lắm à... Cuốn đi mất thôi !
- Em có thể tìm người giúp bọn anh khiêng xe qua suối được không?
Ngắc ngứ và thần mặt ra một lúc. Chắc đang nghĩ?!
- Không khiêng được đâu, sợ lắm....

Chợt tôi bỗng nghĩ tại sao không thuê tre hoặc gỗ bắc cầu nhỉ?! Lòng suối rộng khoảng hơn chục mét, thừa sức bắc cầu nếu như có gỗ hoặc tre luồng. Sau một hồi hỏi thăm, năn nỉ, chúng tôi thuê được tre và gỗ đủ làm cây cầu khỉ để qua suối. Gần 20 người thanh niên, cả nhóm đi xe Mink cùng hò dzo vác đá làm mố, mất một tiếng thì chúng tôi bắc xong cái cầu. Lần lượt từng chiếc xe được dắt qua....

Con đường êm ả được hơn chục km thì lại đến một khúc suối đang làm cầu, những cọc sắt nhọn hoắt nhô lên tua tủa, đường đi qua chỉ rộng đủ 1 người đi bộ, nếu dắt xe phải ngồi lên yên, chạy xe qua thì rất nguy hiểm vì dốc sâu, cái vực để làm mố cầu đầy sắt nhọn tua tủa kia sẵn sàng chọc thủng cả người lẫn xe. Bụng đói chân run, miệng khát khô trong khi bên kia sông Nho Quế nước vẫn chảy ào ào và những ngọn đồi lúp xúp cây cỏ đang muốn héo rũ vì nắng gắt. Chúng tôi đã phải cố hết sức lực còn lại để vượt qua đoạn này. Hơn 10 km nữa thì thấp thoáng một ngã ba sông và cây cầu treo. Đường nhựa đây rồi ! Ngã ba sông Gâm gặp sông Nho Quế đây rồi....

Giờ thì phải lên đường về Cao Bằng. Còn xa lắm nếu muốn có một chỗ nghỉ cho thoải mái cái thân thể đang đau nhừ, mặt thì bỏng rát vì nắng cháy. Con đường lúc này tự dưng như dài kinh khủng, chỗ đẹp chỗ xấu lổn nhổn đá thi nhau hành hạ 6 kẻ lữ khách đang muốn ngã vật ra vì mệt.

Nắng chiều dần khuất sau rặng núi phía Bắc Mê, nóng nực bớt đi rất nhiều nhưng gió thì vẫn mãi lang thang nơi xa tít. Chiều sâm sẩm tối, chúng tôi đặt chân tới thị trấn Bảo Lạc. Phố huyện đang cữ tan chợ, đường bụi mù, nhốn nháo người xe cùng với tiếng ngựa thồ đang dồn nước kiệu.

Nhìn thị trấn miền biên ải với dãy phố khá cũ kỹ, loe hoe mấy căn nhà cao tầng buồn tẻ. Sau một phút hội ý, chúng tôi quyết định đi tiếp về Tĩnh Túc.

Cung đường từ Bảo Lạc về Tĩnh Túc xa, quanh co và khá nguy hiểm bởi có nhiều chỗ, đá tảng trên vách núi rơi thẳng xuống, nằm ngổn ngang mà chưa được công nhân duy tu dọn dẹp. Đường vắng, thi thoảng mới gặp một chiếc xe ô tô hoặc xe máy đi ngược lại. Chiều tối, mặt trời đã khuất hẳn sau dãy núi xanh rì, bóng đêm bắt đầu chạng vạng....

Bốn chiếc xe máy luôn giữ cự ly gần nhau đề phòng có sự trục trặc hoặc gặp chuyện nguy hiểm. Lúc này tôi đã rất mệt, khi vào cua có lúc chiếc xe cào cào cùng hai đứa chúng tôi như muốn đổ vật ra đường. Con đường tối mù, cây cối rậm rịt khắp đồi núi, sương mù lan toả và khí lạnh bắt đầu ngấm vào người.

Cứ nối đuôi nhau vượt quãng đường vắng dài dằng dặc hơn 50km thì cả bọn dừng lại nghỉ bên một cánh đồng ruộng bậc thang, xóm làng người Nùng phía chân đồi lao xao tiếng trẻ con đùa nghịch, tiếng chó sủa và tiếng kèn kẹt của lũy tre. Nghỉ được một lát, chúng tôi bỗng ngửng lên, phía đỉnh núi cao mặt trăng tròn vạnh đang nhô lên toả thứ ánh sáng lung linh huyền ảo xuống khắp những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn và những quả đồi nối nhau trập trùng, ánh trăng lăn tăn trên dòng suối như dát bạc.

Cung đường giờ bỗng đẹp diệu kỳ. Chúng tôi đi qua một con đèo, trước mắt là cả một miền đất mênh mang dưới chân, trăng trên trời sáng vằng vặc soi rõ từng cánh rừng, từng con suối lăn tăn ánh nước chảy, những thửa ruộng bậc thang có những đám cọ xoè lá vươn lên trời, tít xa là đám mây trắng đang bềnh bồng trôi lững lờ, thảng hoặc có đốm sáng đỏ lừ hay vệt đèn pha xe máy thoắt ẩn thoắt hiện trên sườn núi thấp dần về phía Đông. Con đường nhựa loáng hơi nước, bỗng như được dát một lớp bạc mỏng cứ sáng lung linh dưới ánh trăng êm dịu....

Chúng tôi đi trên con đường đang lấp lánh dịu dàng, bên tay trái là những đỉnh núi nhấp nhô, thấp thoáng ẩn hiện trong mây trắng như những đụn bông đùn lên cuồn cuộn. Qua một ngã ba lối rẽ về Bắc Cạn, lúc này con đường xuống dốc, quanh co, vực sâu hút. Bỗng cả nhóm không ai bảo ai dừng tất cả lại. Một biển đèn chi chít như sao sa, lung linh huyền ảo dưới vực sâu thẳm, trên một cái nền đen thẫm của màn đêm. Một cảnh tượng đẹp vô cùng. Đó là thị trấn mỏ Tĩnh Túc.

Ấn tượng của tôi về Tĩnh Túc cho đến giờ là những căn nhà hai tầng tù mù sáng ngọn điện 45w, cả thị trấn là những dãy nhà tập thể. Những căn nhà tập thể của công nhân mỏ có từ rất lâu, cũ kỹ y như những người chúng tôi gặp. Đường từ Tĩnh Túc về Cao Bằng chạy men theo sườn phía Bắc của dãy núi.

Trăng lúc này sáng miên man. Rừng núi im ắng. Gió lạnh mang theo hơi nước ẩm ướt phả vào mặt lạnh toát. Đi được chừng vài chục km chúng tôi ngừng lại ở một bãi đất trống ngả bếp đun café. Dưới kia là một thung lũng huyền ảo trong sương và ánh trăng rằm…..

Còn nhớ, trong ánh trăng vằng vặc, hương thơm café nhè nhẹ lẫn trong mùi rừng và mùi sương đêm là nhạc ghi ta bập bùng, giọng Bằng Kiều cao vút:

Gọi nắng cho cơn mưa chiều, nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài gầy thêm nắng mai…

Nửa khuya, chúng tôi đặt chân đến thị xã Cao Bằng. Phố xá vắng lặng, tàng cây ven đường lao xao gió, những ngọn đèn phố vàng vọt không thể làm lẫn đi hết ánh trăng tỏa sáng, mặt trăng tròn vạnh vẫn đang lung linh trên bầu trời đêm.

Du lịch, GO! - Theo Bùi Quốc Hoàn, Thethao Vanhoa

0 nhận xét :

Đăng nhận xét