Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

“Vi vu đèo dốc vượt qua,
Trèo lên bao đỉnh nóc nhà Trường Sơn.
Nắng mưa Tây Bắc chập chờn
Đường như rồng lượn đuổi vờn mây bay…”. 

< Đường tuần tra biên giới khu vực Sơn La, một bên là vực sâu, một bên là núi đá.

Những câu thơ của Thiếu tướng Hoàng Kiền – Giám đốc Ban quản lý dự án 47 (Bộ Tổng tham mưu) gợi lên nhiều cảm xúc khi chúng tôi trở lại các nẻo rừng biên cương Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Bắc, nơi những cung đường tuần tra biên giới đang tiếp tục vươn dài trong mùa hoa đào, hoa mận…

Những đoạn đường xuyên mây

Đoàn cán bộ của Bộ Tổng tham mưu do Thiếu tướng Nguyễn Kim Sơn – Cục trưởng Cục Chính trị dẫn đầu đã đến “xông đất” đầu xuân công trình xây dựng đường tuần tra biên giới thuộc huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Tham gia đoàn công tác còn có Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên – Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Nguyễn Công Linh-Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 47 cùng một số cán bộ của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.

Tham gia thi công những gói thầu ở huyện miền núi phía tây Thanh Hóa này có Tổng công ty 319 (QK3), Công ty 49, Đoàn H29 (BTL Công binh), Đoàn M31 (Công binh Hải quân), H99 (Binh đoàn Quyết Thắng)... Từ mồng 8 Tết Tân Mão, lực lượng thi công của các đơn vị đã có mặt đầy đủ và tiếp tục triển khai nhiệm vụ trên công trường.

Chỉ vài làn mưa xuân giăng mắc lúc buổi sáng mà con đường dẫn vào địa điểm thi công đã lầy lội, trơn trượt. Lên tới lán trại của những đơn vị nằm ở độ cao 300-400m trở lên thì mây mù bao phủ dày đặc, tầm nhìn xa chỉ vài chục mét. Anh em cho biết, hầu như quanh năm sương mù như thế, số ngày nắng thật hiếm hoi. Cả một dải biên cương trùng điệp, mây mù trùm kín núi rừng. Ở nơi rừng sâu, núi cao, xa trục đường chính nên các đơn vị đều quan tâm đến điều kiện ăn ở sinh hoạt chu đáo cho bộ đội theo phương châm “An cư mới lạc nghiệp”.

Đoàn H99, H29 và Công ty 49 có nhà khung sắt, lợp tôn; có máy phát điện và đầy đủ sách báo, ti-vi. Đặc biệt, anh em còn làm được sân chơi thể thao, vườn trồng rau xanh và chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, chó, ngan, vịt. Mùa đông, bộ đội được tắm nước nóng. Dịp Tết vừa qua, anh em tổ chức thành hai đợt về ăn Tết, duy trì 50% quân số trực ở công trường, vừa trông coi vật tư, máy móc, vừa vui xuân cùng bộ đội biên phòng và bà con các dân tộc thiểu số vùng biên giới.

< Kiểm tra đoạn đường ở Nà Khoa (Mường Nhé, Điện Biên) do công ty Trường Thành thi công.

Nhờ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ lại có nguồn vốn do Ban quản lý dự án 47 (BTTM) đáp ứng kịp thời nên các đơn vị đều cố gắng thi công đúng tiến độ đề ra. Trước khi nghỉ Tết, hầu hết các gói thầu đã hoàn thành việc thông tuyến và bắt đầu công việc san nền, xây cống.
Ở đoạn tuyến chạy qua Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương (Nghệ An), gặp các đơn vị COECCO, B14 (Công binh QK4), Binh đoàn Trường Sơn, chúng tôi cũng chứng kiến một khí thế ra quân đầu xuân sôi động và hiệu quả cao như thế.

Mùa xuân đầu tiên

Xuân Nha, một xã biên giới nghèo thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Dọc con đường đang trải nền, đồng bào Mông đã dựng nhà sàn, bám đường, mở quán làm ăn. Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Văn Thăng, Phó giám đốc Xí nghiệp TK21 (Công ty 319), mới hơn một năm trước, hôm đón thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu vào kiểm tra, ô tô không chạy nổi, xe máy cũng chịu, đành mời các thủ trưởng ngồi lên một chiếc xe ủi bánh xích, lò dò như con rùa xuyên đồi, vượt suối vào tuyến.

Đồng bào dân tộc Mông ở đây rất nghèo, tập tục còn nhiều lạc hậu, lương thực, thực phẩm phải ra tận Mộc Châu mua về. Công nhân, lao động phổ thông đều phải đưa 100% từ dưới xuôi lên làm việc. Cát, đá, vật liệu cũng phải “cõng” từ Hòa Bình, Mộc Châu lên. Chỉ có con đường độc đạo, hai đơn vị TK21 và Xí nghiệp 665 phải nhường nhau, “anh chở vật liệu, tôi thi công”. Nhờ chủ động tìm mỏ đá, bố trí tốt vốn, vật liệu, nhân lực, con đường cứ thế nhanh chóng vươn dài.

Anh Thăng kể, đồng bào nơi đây từng mơ ước có một con đường từ bao năm nay. Ban đầu, con đường chưa có trong phương án xây dựng. Một dự án được nước ngoài hỗ trợ song triển khai rất chậm vì vốn rót quá ít. Trong một cuộc họp, chính đồng chí Thào Xuân Sùng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã trực tiếp đề nghị Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quan tâm, đưa tuyến đường Xuân Nha vào dự án đường tuần tra biên giới.

Anh Trần Khánh Hòa, chỉ huy trưởng công trường TK21 xúc động nói: “Mùa xuân này hoa đào nở muộn nhưng lại là mùa xuân đầu tiên Xuân Nha vui đến thế. Đường mở đến đâu, nhà mới mọc đến đó. Ven suối, đồng bào tấp nập rửa xe máy mới mua. Ngày trước, có tiền đấy nhưng không mua xe vì không có đường.

Hạt xi-măng vùng biên kể chuyện

Đêm Mường Nhé đã về khuya, gió Lào hầm hập nhưng Trung tá Hà Đức Thuận, Giám đốc Xí nghiệp xây lắp 1-Công ty Trường Thành cùng anh em công nhân vẫn chụm đầu bên màn hình ti-vi chỉ trỏ, bàn tán. Từ bản Nà Khoa ra Điện Biên xa tới 180km, thiếu thực phẩm, thiếu sách báo, người lính đã quen thiếu thốn.

Năm ngoái, để đẩy nhanh tiến độ khi còn vướng mặt bằng, lại bị kẻ xấu kích động bà con người Mông, anh Thuận cùng anh em bê cả những chiếc ti-vi mới mua tặng cho đồng bào kèm loa, đài cho các thôn bản. Sáu hộ dân đòi đền bù giải tỏa nhưng trước những việc làm tốt của bộ đội, đã hiểu ra, không đòi tiền, chỉ đòi… ở lại ven đường vì thấy con đường làm xong quá đẹp! Hôm nay, Thuận và anh em đang xem một đĩa vi-đê-ô quay cảnh Đoàn H19 đang đổ bê-tông mẫu. Công ty Trường Thành tham gia làm đường, không thể để thua chị kém em, phải xem để học, để làm sao cho thật tốt.

Nói về sự ra đời cái đĩa này, sâu xa phải nói đến thực tế ở nước ta vẫn chưa có tiêu chuẩn hóa đường bê-tông xi-măng, Thiếu tướng Hoàng Kiền từ mô hình làm tốt của các công ty: ACC, Tân Cảng tại Tây Nguyên đã trực tiếp biên soạn thành tài liệu gần 100 trang rồi chính ông lại trực tiếp lên lớp tập huấn, triệu tập hàng trăm đơn vị thi công về học. Năm 2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã biểu dương và đề nghị phát triển sáng kiến của Thiếu tướng Hoàng Kiền thành đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục, đề tài cấp bộ vẫn chưa ra đời. Cái thiết thực hơn được ra đời trước chính là đĩa hình này để làm mẫu trực quan cho anh em học theo, làm theo.

Nhưng vẫn còn không ít những cam go, nhọc nhằn. Ngược ngàn Mường Nhé, hôm chúng tôi về huyện Sốp Cộp của Sơn La, đang mải ngắm những cây gạo đỏ rực ven đường, chợt nghe Thiếu tướng Hoàng Kiền lệnh cho lái xe phanh “két”. Bên đường, một nhóm công nhân đang đổ bê-tông.

- Hình như bê-tông hơi nhiều nước, xuống xem sao!
Ngồi trên xe mà ông Kiền vẫn đoán trúng phoóc bê-tông nhão. Một đoạn đường ngắn do Công ty 99 mới đổ bị ông liên tục lắc đầu khi phát hiện vài vết nứt:
- Một hạt xi-măng đưa lên đây tốn bao tiền của mà các cậu làm thế này sao?
Lệnh: Xúc bỏ toàn bộ bê-tông đã trộn, cho máy xúc gỡ toàn bộ đoạn đường đã đổ. Làm lại!

Hôm trước, vào kiểm tra chi nhánh Hòa Bình của Tổng công ty Thành An, lãnh đạo Ban quản lý dự án 47 cũng rất gay gắt trước việc chậm trễ tiến độ. Đã có rất nhiều việc làm như thế để mỗi ngày mới ở vùng biên, con đường bê-tông xi-măng vươn dài, sáng lên dọc dáng hình đất nước.

Du Xuân trên đường tuần tra biên giới Lạng Sơn

Tiếng máy xúc san ủi mặt bằng xây dựng bản mới Bản Nặm Trang thuộc xã biên giới Bính Xá, huyện Đình Lập đã phá tan sự tĩnh lặng của núi rừng vùng biên những ngày cuối năm rét buốt. Những dãy núi trùng điệp đan xen là những đồi thông non sát với đường tuần tra biên giới đang được người dân thuộc các thôn Bản Chắt, Nà Lầm, Nà Vang, xã Bính Xá từng ngày chăm sóc nhằm biến mảnh đất khó trở thành một vùng đất no đủ trên địa bàn huyện biên giới Đình Lập này.
 
Từ năm 2007 dự án xây dựng đường tuần tra thuộc tỉnh Lạng Sơn được khởi công xây dựng. Đến cuối năm 2010, dự án thuộc khu vực các xã biên giới của huyện Đình Lập đã cơ bản hoàn thành, với tổng chiều dài tuyến trên 30km, toàn bộ mặt đường được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền cơ sở phối hợp với lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới. Nhưng đối với những người lính biên phòng, nhiệm vụ bảo vệ đường biên mốc giới, giúp dân phát triển kinh tế ngày càng thêm nặng nề hơn.

Trong ngôi nhà khang trang của mình, ông Hoàng Văn Tằng, Trưởng thôn Bản Chắt tâm sự: với sự giúp đỡ của các đơn vị đứng chân trên địa bàn, tình hình kinh tế xã hội của người dân Bản Chắt ngày càng khởi sắc; năm 2010 có khoảng 50% số hộ có thu nhập đạt 30 triệu đồng từ khai thác nhựa thông, giờ đây cây thông trở thành một cây kinh tế chủ lực có hiệu quả trong cơ cấu cây trồng của bà con nơi đây.
 
Rời xã Bính Xá, chúng tôi di chuyển trên đường tuần tra biên giới từ địa phận thôn Bản Chắt tới khu vực phụ trách của đồn Biên phòng Bắc Xa có chiều dài khoảng hơn 20km, không gian núi rừng những ngày cuối năm ở khu vực biên giới xã Bắc Xa thật hùng vĩ. Những dãy núi trùng điệp được khoác trên mình những thảm cỏ đã ngả màu vì sự khắc nghiệt của thời tiết, xa xa là những những con đường đất vòng vèo trải dài từ dãy núi này tới dãy núi khác để phục vụ cho nhiệm vụ của vùng biên và bà con nhân dân đi lại sản xuất.

Chúng tôi đã từng được đi trên con đường tuần tra và ngắm đất trời nơi đây vào những ngày mùa hè với không khí trong lành, bầu trời cao trong. Một đồng nghiệp của tôi đã ví dải đất biên cương này như một khu nghỉ dưỡng Mẫu Sơn thứ 2 của Lạng Sơn. Vào mùa đông, không gian và cảnh vật dọc theo tuyến đường tuần tra lại có một vẻ đẹp khác.

Không có ruộng bậc thang, lác đác là những bản tái định cư và các công trình phúc lợi đang được đầu tư, không có màu trời xanh mát mắt hay màu xanh tươi của thảm cỏ, hiếm hoi tiếng trẻ thơ ồn ào sau những giờ tan học, chỉ là những dãy núi trùng điệp gối đầu nhau và những bản làng đơn sơ gợi cho chúng tôi một niềm yêu thương và ngập tràn cảm xúc khó tả rằng Tổ quốc mình thật đẹp và thiêng liêng.
 
Lại một mùa xuân nữa đang về trên khắp các bản làng, từ Bản Tắp Tính, Bắc Xa, Song Phe xã Bắc Xa hay bản Nà Lầm, Phạ Tầm và tương lai không xa là Bản Nặm Trang, Nà Căng, Pò Có, Bản Loòng, Pò Bó thuộc các xã Bính Xá và Tam Gia. Chúng tôi tin với sự quyết tâm bám đất, bám bản vượt khó của bà con nơi đây, cộng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, nơi phên giậu của Tổ quốc chắc chắn ngày càng được củng cố, phát triển vững mạnh toàn diện.

Du lịch, GO! - Theo QĐND + báo Lạng Sơn + internet

Con đường dài nhất Việt Nam
Con đường “Nam quốc sơn hà” (Kỳ 1)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét