Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Cả năm đầu tắt mặt tối. Đến khi ngẩng lên mới biết năm nay Tết nghỉ hơi bị nhiều. Mấy anh chị em chớp nhoáng bàn nhau đi phượt ngay trước giờ giao thừa.

Trưa mùng Ba, một đại diện nói khó với nhà ga Hà Nội mua được vé ngồi mềm. Để đảm bảo tiến độ phượt, thành viên của đoàn: chị Chu Thu Hảo - hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam- đã cẩn thận móc nối với các hội viên nằm vùng.

Tối mùng Ba còn ăn đồ nhanh ở Hà Nội, trưa mùng Bốn đã ngồi bên bờ sông Hoài thưởng vị lẩu cá mù cu ngọt và cay cùng hai nhiếp ảnh gia địa phương: Huỳnh Hà và Thái Bích Thuận.
Món khai vị là ngô bãi sông Hoài luộc. Ngọt kém gì ngô bãi sông Hồng, lại to hơn. Tiết trời Hội An bữa nay trở mát. Chị Thuận kể, trong vùng mới có cá Ông dạt bờ, thế nào biển cũng động.

Có độ bốn tiếng để dạo phố cổ. Không gian Hội An có lẽ đậm vẻ Tết nhất hơn cả so với nhiều đô thị trên cả nước. Đèn lồng giăng ngang khắp các con phố. Hoa đầy vỉa hè và trước cửa nhà. Chúng tôi qua cửa hội quán Phúc Kiến miễn phí vì nhà chị Thuận trong đó.

Chị kể, người Hoa chuẩn bị Tết trước cả tháng. Nhà cửa phải sang sửa, vôi ve cho thật mới, bộ lư đồng phải bóng loáng. Rồi các lễ đón ông bà, lễ rước Phật… về ăn Tết cần phải cử hành khiến lưng chị muốn sụn. Mặc anh chị em ra ngoài mua nhà, Thuận nguyện gắn bó với nơi ở khiêm tốn này. Khi đêm xuống, hội quán tiễn người khách cuối cùng, nhà chị sẽ cực kỳ yên tĩnh.

Thượng đế cũng bị chửi

Nếu mấy người bị chửi biết mình bị chửi thì quả thực xấu hổ cho… nền du lịch nước nhà. Thật ra nếu chúng ta ở Việt Nam biết câu chửi tiếng Anh thì rất có thể du khách sang Việt Nam cũng ít nhiều hiểu chửi tiếng Việt.
Trên chuyến xe giường nằm của hãng Q.H đi từ Hội An tối mồng 4 Tết, đại đa số là du khách nước ngoài, nhưng không có lấy một nhân viên chịu nói tiếng Anh.

Xe vừa lăn bánh, một khách nữ bằng tiếng Anh hỏi, chăn của tôi đâu, tôi cần một cái chăn. Cô vừa nói vừa trỏ vào tấm đắp của khách bên cạnh. Sau một hồi giả lơ không xong, anh lơ xe nói bằng tiếng Việt, như thể phân trần với những người khác: “Con này nó lấy mất rồi thì biết làm thế nào!”
Và hất hàm về phía người thiếu phụ nói tiếng Nga ngồi ghế đầu. Theo anh, chỉ những khách mua vé nằm mới có suất chăn. Người cần chăn vẫn tiếp tục nói về chăn và chăn, cho đến khi một du khách Việt nhường cho cô cái chăn.

Trước đó, nhà xe đã được nghe khá nhiều tiếng Nga từ hai vị khách ngồi ghế. Xe rời điểm đón khách một đoạn bỗng dừng lại. Một đoàn ba bốn người Việt già có trẻ có ùa lên. Dường như họ đã hẹn trước với nhau.
Phụ xe nhanh nhẹn trải đệm xuống lối đi giữa hai dãy giường cho người phụ nữ và đứa trẻ. Diện tích xe chỉ đủ để bố trí ba dãy giường nên có người nằm trên lối đi thì người khác khỏi đi luôn. Anh lơ xe lôi mấy tấm chăn giắt ở sau ghế ra cho khách mới lên.

Rất nhanh nhẹn, ông khách nói tiếng Nga quay lại giật phắt lấy tấm chăn và xì xồ một tràng nữa, có thể là: Tại sao thừa chăn cho họ mà tôi lại không có? Lơ xe không có phản đối gì đáng kể. Hai vị khách hể hả khoác chiến lợi phẩm lên vai, ngồi tựa vai nhau rất tình cảm.

Một cô tóc vàng đi lên đầu xe nói gì đó bằng tiếng Anh, trong đó có từ stop. Hẳn cô muốn dừng xe. Phụ xe nói to và rõ: “No English!” (Không tiếng Anh!) Xong. Cô kia cun cút về ghế ngồi. Khách khứa chỉ biết nhìn nhau nhún vai. Một lát nữa, lại có một anh cao lớn lò dò đi lên.

Anh lại tuôn ra một tràng tiếng Anh, và đặt tay vào lưng, phía có quả thận. Nhà xe lại gân cổ: “No English! No English!” Hành khách tròn mắt nhìn nhau và xôn xao phản ứng bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, hình như có cả câu “không thể hiểu nổi” bằng tiếng Nga.
Có lẽ chán khẩu hiệu no English hay sao, tay phụ xe tuôn ra hàng tràng chửi bằng tiếng Việt: Đ.M.M! Đ.M.M!- giọng điệu nửa thật nửa đùa, song cũng đủ làm tình hình… dịu đi.

Anh Tây đứng tần ngần ở đầu xe hồi lâu rồi cũng đành về chỗ ngồi. Ấy nhưng chỉ ít phút sau, xe đã đến điểm nghỉ. Tất nhiên lúc khởi hành, nhà xe không có bất cứ lời nào chào đón khách, nói rõ lộ trình và quyền lợi của khách, mong gì câu xin lỗi vì trễ hơn một tiếng so với giờ xuất phát ghi trên vé.

Cực Đông vẫy gọi

Dự kiến bốn giờ sáng mùng Năm, cả bọn sẽ có mặt ở Tuy Hòa, để trở thành vài người Việt Nam đầu tiên thấy mặt trời trong ngày. Ai ngờ hai rưỡi xe đã đến nơi, làm cả nhà nhiếp ảnh gia Lê Minh - người lãnh trách nhiệm đưa chúng tôi ra cực Đông trên đất liền - mất ngủ.

Đồng hành trên tuyến đường 30km ra mũi Đại Lãnh còn có họa sĩ, nhà thơ Hoàng Cường. Đường đi ngày càng hoang lạnh. Chỉ thấy những mảng đen kịt chạy ngang trời, chắc hẳn là núi. Trời mưa dày hơn, chúng tôi đành dạt vào một ngôi quán không người ven biển trú tạm. Những đỉnh sóng bạc đầu trắng xóa trong đêm đen. Biển động.

Anh Minh liên lạc với anh Mười- người đàn ông túc trực dưới chân đèn Đại Lãnh. Trực chỉ nhà anh Mười. Đi một hồi, không thấy xe anh Cường đâu. Gọi điện, hóa ra hết xăng. Hảo sáng kiến cho xe quay lại đổ đèo khỏi cần xăng. May gặp những người coi đầm tôm. Họ nhiệt tình chiết xăng từ xe của họ cho.

Căn lều lợp tôn của anh Mười thế mà nổi tiếng cả nước, là địa chỉ du lịch trên mạng hẳn hoi. Thoạt đầu anh ở đây để buôn cá. Sau được một công ty thuê làm người bảo vệ tại chỗ cho khu đất nay mai sẽ thành resort. Vậy là 365/365 ngày, anh và gia đình có mặt ở đây. Giao thừa, anh tạt về nhà cúng ông bà xong lại ra lều.

Nhìn rõ đường một cái là chúng tôi leo hải đăng liền. Băng qua bãi Môn, cát bay chiu chíu. Một dòng nước ngọt men theo triền núi đổ ra biển. Nơi này cắm trại ngày đẹp trời thì phải biết. Quãng đường núi 700m thật kỳ thú với những con sóng bạc dưới chân, nền trời xám và những ghềnh đá ngất ngưởng trên đầu…

Sau chén nước trà làm quen với những người gác đèn, chúng tôi trèo lên đỉnh hải đăng. Cửa mở rồi, người đầu tiên thò mặt ra rồi lại thụt vào vội. Nếu gió mạnh nữa, đến người cũng có thể bay.
Mon men ra ngoài, bám vào lan can bằng inox, ngó xuống những ghềnh đá hiểm hóc. Có mỏm giống đôi chó khổng lồ ngồi canh biển. Còn đứng trên đèo nhìn xuống, sẽ thấy cái đầu người đá nghiêm trang dõi khơi xa.

Chúng tôi không quên chụp ảnh với miếng bê tông gắn mốc tọa độ. Anh Minh hẹn sẽ có ngày đi câu cùng người gác đèn. Anh Cường xin được cục đá về bày cảnh. Cả đoàn hỉ hả ra về, quây quần bên nồi cháo gà tại lều anh Mười.

Cháo được chế như sau: Gà luộc kỹ vớt ra, nước gà pha thêm vào nồi cháo đang sôi, bỏ lòng mề thái nhỏ cùng rau thơm ăn nóng. Gà Tuy Hòa ngon nổi tiếng- đến Nha Trang, chúng tôi mới biết điều này. Lúc chúng tôi ra về, du khách mới lục tục đến gửi xe để leo đèn biển. Anh Mười kể, hôm trước (mùng Bốn) anh nhận trông cả thảy 500 xe máy.

Lưng chừng đèo, xe của họa sĩ nhà thơ thủng săm. May có hai bạn trẻ đi xe máy qua chủ động hỏi thăm và cho đi nhờ. Cố chống lại cơn buồn ngủ sau hai đêm trên tàu xe, cả hội quyết tâm ghành Đá Đĩa thẳng tiến. Nắng lên rực rỡ.

Từng đoàn người kéo nhau khênh đồ ăn ra Đá Đĩa. Chưa kể những hàng quà bánh chăng lều đợi sẵn đó. Có cảm giác đây là địa điểm ăn và xả rác ưa thích của du khách trong vùng- giữa một khung cảnh thiên nhiên còn hầu như hoang sơ. Người miền Trung không kiêng mực đầu năm, nên chúng tôi có một bữa mực tươi nướng ngọt lịm bên đầm Ô Loan.

Taxi, xe ôm đánh nhau, hành khách “chết”

Chúng tôi gặp hạn ở cửa ngõ vào thành phố Nha Trang, cũng vì bắt xe dù. Nếu lên đúng xe Tuy Hòa- Nha Trang, chắc được đưa vào thẳng nội thành.
Đây trên chiếc xe đi TPHCM của hãng T.T, vừa chịu nhồi nhét, phải trả giá cao gấp đôi ngày thường, vừa bị thả xuống giữa ngã ba Nhà Máy Sợi quãng chín giờ tối.

Chân chạm đất, cả lũ hí hửng chui ngay vào chiếc taxi M.L đậu sẵn. Bỗng đâu có hai bóng đen hiện ra ở khung cửa. Một anh mặt sát xương, cố phanh áo khoác để lộ cái thẻ trăng trắng gắn trên túi áo sơ mi in họ tên và dòng chữ “tổ viên”. Chả biết tổ gì?

Anh ta gườm gườm với lái xe: “Ai cho ông chở khách?! Tôi thách ông chuyển bánh đấy! Ông có lệnh từ tổng đài không mà đòi đi?” Lố nhố mấy bóng người nữa vây quanh. Có người trèo lên ngồi trên nắp capô phía sau. Trước mũi xe đã án ngữ một chiếc xe máy từ bao giờ. Đằng sau cũng thế.

Mấy người tự xưng là quản lý cái chỗ mà họ gọi là bến xe này ra quy định xe taxi vãng lai có thể đỗ nhưng không được đón khách từ đây, trừ phi được tổng đài điều đến theo yêu cầu của khách.

Mấy người này hỏi anh lái xe số điện thoại của chúng tôi, tất nhiên anh ngắc ngứ không nói được. Trong khi chúng tôi ngồi trên xe, tài xế ra ngoài điều đình với những người kia. Không được. Lát sau anh lại chui vào, gọi điện cho thanh tra giao thông hãng.

Mười lăm phút trôi qua, chẳng thấy thanh tra đâu. Ngồi chán, chúng tôi ra khỏi taxi. Mấy thanh niên chặn taxi í ới gọi nhau. Từ chiếc lán dựng tạm bên kia đường, một bác lớn tuổi đi sang.

Bác tự giới thiệu là trưởng bến và trình cho chúng tôi xem đủ thứ giấy tờ đánh máy typo, hình như có cả dấu đỏ, để chứng minh sự tồn tại hợp pháp, có đóng thuế của nhóm những người quản lý bến xe. Chúng tôi nói rằng chúng tôi chẳng quan tâm.

Điều chúng tôi quan tâm là làm sao sớm về khách sạn. Chúng tôi tiếp tục gọi về tổng đài của hãng M.L đề nghị điều xe khác. Bác già già gợi ý, nếu không đi xe ôm thì chúng tôi có thể đi hãng taxi này- và chỉ vào một chiếc xe màu nâu đang được xịt rửa cạnh đó. Chừng như nó thuộc hãng taxi duy nhất được hoạt động tại ngã ba này.

Bác nói: “Khách đi xe nào thì tùy. Chúng tôi chỉ làm việc với các tài xế taxi đón khách bừa bãi!” Chúng tôi ngán ngẩm xách đồ tính đi bộ ra khỏi địa bàn quản lý của các bác.

Chiếc taxi M.L cũng sang bên kia đường đỗ. Mấy người “quản lý bến” cũng nhanh chóng đánh xe hai bánh chạy theo chặn tiếp. Đúng lúc đó, mấy chiếc taxi M.L nữa trờ tới. Một tài xế xuống xe. Anh này nhỏ con nhưng tròn trịa hơn anh trước. Anh nhanh chóng chất đồ của khách lên xe.

Mấy người kia quen thói hỏi: “Anh có biết số điện thoại của khách không?!” Anh tài xế điềm nhiên: “Chưa kịp nhớ! Số anh chị vừa gọi đầu 0913 chứ gì?” Chúng tôi gật gù, trèo ngay lên xe. Bọn thanh niên sừng sộ lại bảo phải có lệnh của tổng đài mới được đi.

Lái xe: “Xí! Đòi chặn taxi. Có quyền gì!?” Bác già cũng kịp thời ra tới nơi: “Thôi xe tổng đài điều xuống thì cho đi!” Vậy là chúng tôi được đi. Hóa ra trên lãnh thổ Việt Nam lại có một số công dân tự cho mình quyền cho hoặc không cho người khác thực hiện quyền tự do đi lại. Anh lái xe nói: “Mấy người đó là tổ xe ôm tự quản đó mà. Anh chị cứ gọi 113 họ lại chả co vòi ngay!”.

Thăm vườn san hô

Vì cháy phòng, nhiếp ảnh gia Lê Bu - chủ khách sạn La Paloma - phải nhường phòng của vợ chồng anh cho khách. Có người phải trải chăn ngủ ngay trên sàn. Đúng cảm giác đi phượt. Đêm cuối, cả bọn được ngủ đệm lò xo thì rất tiếc phải dậy sớm ra ga.

Sau khi lượn quanh thành phố, chúng tôi về con phố ven cửa sông thưởng thức món bánh xèo nhân mực. Mỗi con bằng ngón tay, còn nguyên bầu mực. Nước chấm cứ gọi là đen kịt. Bữa ăn có cả các ca sĩ biểu diễn góp vui ngay trên lòng đường.

Đồ nghề của mỗi ca sĩ gồm xe gắn máy với bộ loa choán hết yên sau. Khi di chuyển, ca sĩ ngồi ở chỗ lõm giữa tay lái và yên. Người cầm lái kiêm nhiệm vụ xin tiền. Có cả bố chở con đi hát. Cháu bé tên Hiền đang ở tuổi mẫu giáo hát tân cổ giao duyên khá hay. Bố cháu lịch sự hơn, không xin tiền mà mang khăn ướt bán tận bàn.

Du khách đón những tia nắng mới của ngày Bảy Tết tại đáy biển Hòn Mun, tất nhiên với sự dẫn độ chu đáo của các thợ lặn chuyên nghiệp. Sau khi đeo bình ô-xy và ngậm ống thở, có vẻ như khách chỉ việc nằm đờ ra cho thợ lặn của mình lôi xuống đâu thì tùy.

Tất nhiên cũng phải vài ba lần ngoi lên ngụp xuống mới tạm quen với việc ở lâu tại một nơi hoàn toàn không thuộc về mình. Một số khách (không chỉ người cao tuổi) lên thuyền luôn sau năm phút dưới nước. Độ sâu tối đa dành cho du khách lặn biển là 6m.
Nhưng đa số đành hài lòng với khoảng hơn 3m, chạm được tay vào một số loài san hô và cá. Cảm giác rất khác so với việc xem qua ti vi. Biết thế mua cái máy ảnh chụp một (vài) lần dưới nước có hai-ba trăm ngàn.

Giá dịch vụ chụp ảnh dưới nước ít nhất là hai trăm ngàn/người, được 25 kiểu ảnh mờ tịt. Dưới đáy biển có những dàn cây hình tam giác. Trên đó, người ta nuôi trồng những giống san hô từ nơi khác với hy vọng có thể bù đắp cho hệ sinh thái nơi đây.
Được chưa đầy nửa tiếng chơi đáy biển, du khách phải bỏ ra 36USD. Giá đó chắc không phải là đắt để trả cho những người chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính mạng của bạn dưới mặt nước.

Tuy nhiên chỉ cần 15USD, với kính lặn và ống thở, bạn đã có thể nằm sấp trên mặt nước, thò cổ xuống chiêm ngưỡng sơ bộ khung cảnh đáy biển. Cùng đoàn có một anh người Trung Quốc không lặn chìm (tiếng Anh: dive) mà chỉ lặn nổi (snorkel).

Anh cho biết còn mặc cả được xuống 14USD. Trên đường về, anh hỏi thăm, thường thì một bát bún/phở trên phố giá bao nhiêu xem có bị mua đắt so với người Việt không. Anh cho hay làm việc ở Thượng Hải, từng đi lặn ở nhiều nước và đang một mình xuyên Việt trong khoảng một tháng.

Nha Trang có hai điểm tham quan độc đáo là phòng trưng bày của hai nghệ sĩ chuyên chơi ảnh trắng đen: Long Thành và Đỗ Diên Khánh. Họ có tên trong nhiều sách hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài và sống thoải mái bằng tiền bán ảnh.

Đỗ Diên Khánh nhận dẫn khách Nhật Bản đi tour chụp ảnh xuyên Việt. Long Thành thu hút cả người nước ngoài đến theo học tráng phim rửa ảnh. Dù ở hai con phố, số nhà của hai ông chỉ khác một chữ: 126 và 126B.

Chuyến tàu bình thường

Đoàn tàu SE4 đưa chúng tôi về Hà Nội chắc hẳn khá nhạt nhẽo với những khách quen của đường sắt Việt Nam. Chắc tại chúng tôi lâu lắm mới đi tàu nên vẫn còn đôi chút ấn tượng.

Tàu đến chậm 20 phút thì cũng không thấm tháp gì. Bước chân vào toa, một mùi mạnh ùa ra đón. Cũng không sao, ngồi một lúc rồi quen. Nhưng trong khi tôi đang nhắm mắt lơ mơ, một mùi còn mạnh hơn xộc vào mũi khiến tôi choàng tỉnh. Hóa ra vì cửa toa đã mở ra. Và không khí trong toa được kết nối thẳng với thùng rác cùng nhà vệ sinh.

Từ Nha Trang, chúng tôi trải qua hai bữa cơm tàu. Còn khách đi từ TPHCM hẳn phải nhiều hơn. Tất nhiên cũng có hành khách chọn giải pháp xuống ga xép mua đồ lên tàu ăn. 25.000đ/suất cơm tàu đủ để cầm cự thôi, tuy nhiên nhiều người không ăn hết.

Ăn xong khách tự dọn lấy. Và thùng rác như muốn lè ra đồ thừa cùng các thứ rác rưởi đầy phè. Cộng với mùi của nhà vệ sinh thiếu nước phía đối diện. Qua cánh cửa mở, trong làn hơi nồng nàn đó, chị nhân viên đẩy xe ra điềm nhiên rao: “Trứng gà trứng lộn đây!”

Có cảm giác nhiệm vụ chính của nhân viên trên tàu là đi bán hàng rong. Đủ cả: đùi gà, chả cá, cháo thịt, ngô luộc, sữa, cà phê, bim bim… Đẩy đi đẩy lại cả ngày. Dấu hiệu của sự thu dọn chỉ là vài nhát chổi của một bác cao tuổi.

Lần đầu tiên được xem tivi trên tàu. Mỗi toa hai màn hình đâu hơn 20 inch. Phát vào các giờ vàng (gần các bữa ăn). Khán giả muốn hay không cũng phải xem hoặc nghe các chương trình giải trí, cũng vui tai vui mắt.
Tất nhiên có quảng cáo xen kẽ, nhưng không như các spot quảng cáo thường thấy trên truyền hình, mà là cả một phim tài liệu ngắn ca ngợi hết lời một doanh nghiệp hay sản phẩm nào đó.

Nguồn lợi mà truyền hình trên tàu đem lại cho ngành đường sắt là bao nhiêu? Khách đi tàu có được trợ giá từ nguồn thu này không? Không biết! Nhưng có vẻ như quyền tự do tiếp nhận thông tin của hành khách đã bị ảnh hưởng.

Từ biệt chuyến tàu bình thường, bước xuống ga Hà Nội, đụng phải các taxi khác thường. Tất cả các taxi mà chúng tôi hỏi và thậm chí đã lên ngồi lên rồi, đều được tài xế ra giá bằng miệng từ 30 đến 50 ngàn cho cùng một chặng đường, mà bình thường chạy theo đồng hồ, giá sẽ vào khoảng hơn 20 ngàn.

Thôi về với xe ôm cho lành. Với phượt, quả là trải nghiệm không chỉ ở đích đến mà còn trên đường đi.

Du lịch, GO! - theo Xaluan, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét