Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

Ngày Tết, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những bánh chưng xanh, hoa đào đỏ, thịt mỡ, dưa hành... thì mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên chiếm một vị trí quan trọng trong ngày Tết của người dân Việt. Mỗi loại trái cây một màu sắc, tượng trưng cho thuyết ngũ hành, nhắc nhở con cháu luôn nhớ ơn ông bà tổ tiên và thể hiện ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc.

Ngũ là năm (5) vì vũ trụ được tạo bởi Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong đạt được một điều gì đó. Trên cơ sở này, ở mỗi vùng miền, người ta sẽ chọn những quả ngon ngọt, màu sắc đẹp, to tròn để bày biện.

< Mâm ngũ quả của Bắc bộ.

Ở miền Bắc, trên mâm ngũ quả của miền thường có 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt.  Chuối xanh tượng trưng cho bàn tay che chở; bưởi tròn trịa hứa hẹn một năm mới no đủ, may mắn; đào - hồng - quýt đỏ thắm mang lại sự ấm cúng, thành đạt, giàu sang…

Thường, người Bắc chọn những nải chuối to, già, còn xanh, đều hoặc 2 nải nhỏ ghép bên nhau trên chiếc bệ cong gồm 2 tầng nâng đỡ hoàn toàn hoa trái khác. Ở đây có sự phối hợp màu sắc, mâm ngũ quả đẹp là đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa bệ mâm xanh sẫm, trước đây bày quả phật thủ hoặc quả bưởi to, đẹp, chín vàng nổi bật trên bệ chuối màu xanh. Những quả chín đỏ đặt xung quanh, những chỗ khuyết dưới đặt xen kẽ quýt vàng và táo màu xanh ngọc, còn bao nhiêu lá xanh cố tình để sót lại ở cuống quả như hoàn thiện những nét trang trí cuối cùng.

< Mâm ngũ quả của người miền Nam  không bao giờ có chuối.

Tuy nhiên, ngoài 5 loại quả kể trên, đối với người Bắc, hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày trên mâm ngũ quả, không kiêng cả quả ớt (cay đắng), miễn sao đẹp mắt và "hoành tráng" là được...

Khác với người Bắc, trên mâm ngũ quả của người miền Nam lại không bao giờ có chuối. Người dân nơi này quan niệm, từ chuối có âm giống từ "chúi", thể hiện sự nguy khó, không ngẩng lên được do vậy họ không dùng.

Người Nam cũng không bày quả cam bởi câu: "quýt làm cam chịu". Vì thế, Mâm ngũ quả của người Nam thường có các loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu "cầu vừa đủ xài sung"), thêm "chân đế" là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng.

Trong khi ở miền Bắc và miền Nam có nhiều sự lựa chọn trong việc sắp đặt mâm ngũ quả thì ở miền Trung, do thời gian Tết thường rơi vào mùa đông nghiệt ngã, lại chịu nhiều bão lụt trước đó nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Hơn nữa, miền Trung nghèo, đất sỏi đá, it hoa quả nên đa số dân chúng thôn quê có gì cúng nấy, phần lớn là cúng nải chuối, nhà giàu có hoặc gặp buổi chợ đông hàng về thì mới có cam xã Đoài, hay trái cây Sài Gòn.

Do vậy mâm ngũ quả không có nét đặc trưng nhất định của địa phương, mua được gì , nhà có gì cúng nấy, không nhất thiết là ngũ quả hay tam quả.

Ý nghĩa của từng loại quả:

< Mâm ngũ quả của người Huế là sự giao thoa giữa hai miền Bắc Nam.

- Chuối, phật thủ: như bàn tay che chở.
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
- Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
- Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
- Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Đào: thể hiện sự thăng tiến.
- Mai: do điển phiếu mai, con gái phải có chồng, hạnh phúc, không cô đơn.
- Táo (loại trái to màu đỏ tươi): có nghĩa phú quý.
- Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
- Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.

- Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
- Dừa: có âm tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu.
- Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
- Đu đủ: mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.
- Xoài: có âm na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.

Nhiều năm gần đây, khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao, giao lưu kinh tế, văn hóa cũng ngày càng được mở rộng, mâm ngũ quả ngày Tết không còn chỉ gồm 5 loại trái mà đã trở thành lục, thất,… thập quả, với đủ sắc màu, kiểu dạng.  Nhưng tựu chung lại, mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt. Chính vì vậy, người dân Việt dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình…

Du lịch, GO! - Theo Datviet, Yeudulich... và nhiều nguồn ảnh khác.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét