Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Hòn Bà thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 37km (đường chim bay) về phía tây nam. Với độ cao 1.500m, nơi đây là điểm đến lý thú cho du khách trong dịp đầu xuân.

< Đường lên đỉnh Hòn Bà.

Đến với Hòn Bà là đến với một khu rừng nguyên sinh để tận hưởng khí hậu của vùng ôn đới. Nơi đây bác sĩ Yersin đã dựng nhà để ở và trồng cây canh ki na dùng làm nguyên liệu chế ra thuốc ký ninh trị bệnh sốt rét.
Từ quốc lộ 1A (đoạn thuộc xã Suối Cát, H.Cam Lâm) rẽ vào khoảng 2 km là đến chân núi, du khách sẽ bắt đầu hành trình lên đỉnh Hòn Bà với đoạn đường dài khoảng 30 km. Đoạn đường hiểm trở, với những khúc cua “rợn tóc gáy” và đầy thử thách đối với các tay lái, nhưng khi lên cao nhìn xuống thì giống như một dải lụa mềm vắt ngang lưng chừng núi.

Đường lên hòn Bà nay đã được nâng cấp thành đường trải nhựa trơn tru, sáng sủa nhưng vẫn như ngày xưa, qua sông suối thác ghềnh, đèo dốc thung lũng, rừng rậm nguyên sinh với không gian thanh tịnh, lắng đọng vô ưu, và mở toang ra phía trước ta một chân trời mới thật sự tinh khiết, trong lành. Một cảm giác lặng người khi ngắm nhìn và chạm tay vào những dấu vết mà người xưa đã để lại nơi đây.

Thảm rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi xanh ngắt bao bọc quanh con đường nhỏ tạo nên một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Khi lên đến độ cao 1.300m, đoạn đường bắt đầu được bao phủ bởi sương mù. Mùa này, khí hậu trên đỉnh Hòn Bà không khác gì Đà Lạt hay Sa Pa những ngày đầu đông, mặc dù cái nắng khá oi bức vẫn đang hiện hữu phía dưới chân núi. Lên đến đỉnh Hòn Bà, nhiệt độ đo được là 12 độ C.

< Đường lên đỉnh Hòn Bà mở tới đây là hết, chạm vào cánh rừng trước mặt. Hai tấm bảng ghi cao độ và xác nhận di tích.

Nhà của bác sĩ A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà là một ngôi nhà gỗ, 2 tầng, được thiết kế giản dị, gần gũi đúng như tính cách của ông. Năm 1915, bác sĩ A.Yersin khi đó đang làm việc tại Nha Trang đã thực hiện một chuyến thám hiểm, tìm đường lên đỉnh Hòn Bà. Ông đã phát hiện ra nơi đây có khí hậu mát mẻ, rất thích hợp trồng cây canh ki na dùng làm nguyên liệu chế thuốc trị bệnh sốt rét. Từ đó, A.Yersin dựng cho mình một ngôi nhà trên đỉnh núi và thường xuyên lui tới để chăm sóc các giống thuốc.

< Ngôi nhà gỗ của bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà đã được phục chế lại theo nguyên bản. Lau lách, cây cỏ vây bọc chung quanh.

Qua thời gian, ngôi nhà xưa bị hư hỏng, chỉ còn lại phần nền. Hiện nay một ngôi nhà khác của bác sĩ A.Yersin đã được phục chế nằm cạnh nền nhà cũ, giống như nguyên bản của ngôi nhà xưa. Ngôi nhà nằm giữa bốn bề thanh vắng. Những ngày trời đẹp, đứng tại đây nhìn xuống có thể quan sát phong cảnh trữ tình của núi non trùng điệp, nhìn lên tưởng chừng như chạm tay vào mây trời bay lơ lửng trong không gian. Bên trong căn nhà trưng bày nhiều tranh, ảnh, những kỷ vật về các hoạt động nghiên cứu khoa học và cuộc sống hằng ngày của A.Yersin.

Gió ngang qua đây, u u lồng lộng, buôn buốt lạnh, mang theo hương rừng, tiếng rừng và cả hồn rừng mênh mông huyền bí. Đến tiếng ve, tiếng mang tác, tiếng vượn hú, tiếng chim ríu rít… nghe cũng lạ, cũng gieo vào ta lắm nỗi niềm.

Những ngày đầu xuân, ngôi nhà nhỏ của bác sĩ A.Yersin ẩn hiện trong màn sương trên đỉnh núi cao tạo nên một khung cảnh huyền ảo tuyệt đẹp. Đông đảo du khách, nhất là các bạn trẻ đã đến đây để cảm nhận những trải nghiệm thú vị với đất trời.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ Thanhnien, Vietnamnet
Không chỉ đẹp và lãng mạn, chùa Hương còn nổi tiếng là miền đất Phật thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến hành hương, thưởng lãm.

< Chùa Hương là một danh lam, thắng cảnh đẹp bậc nhất ở miền Bắc.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày khai hội, chùa Hương lại đón tiếp hàng nghìn lượt du khách tham dự. Dự kiến trong mùa lễ hội năm nay, chùa Hương sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách.

Trong không khí của ngày hội, người ta vẫn nhận ra vẻ đẹp rất riêng của nơi này với núi, sông, mây, nước với hương khói mơ màng của cảnh sắc cũng như toát ra từ chốn tâm linh.
Dưới đây là một số bức ảnh đẹp về chùa Hương trên Corbis...

Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội lớn nổi tiếng kéo dài trong suốt 3 tháng, từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Trong đó, thời điểm đông nhất, náo nhiệt nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.
< Bến thuyền trong mùa trẩy hội.
Các tuyến trong khu thắng cảnh Hương Sơn bao gồm: Đền Trình - Chùa Thiên Trù - Động Tiên Sơn - Chùa Giải Oan - Đền Trần Song - Động Hương Tích - Chùa Hinh Bồng; Chùa Thanh Sơn - Động Hương Đài; Chùa Long Vân - Động Long Vân - Hang Sũng Sàm; Chùa Bảo Đài - Động Chùa Cá - Động Tuyết Sơn...
Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi.
Nổi tiếng trong hệ thống danh lam, thắng cảnh chùa hương là động Hương Tích. Động có dáng như là con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Tháng ba năm Canh Dần(1770), Chúa Trịnh Sâm từng thăm quan động và đặt tên cho động là "Nam Thiên đệ nhất động" tức động đẹp nhất trời Nam.

Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với biết bao hình thù kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ, Hoa Phiền Não, Đụn Gạo, đụn Tiền, núi Cậu, núi Cô, Cây Vàng, Cây Bạc,...


Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian khi vào hội...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Datviet, Daophatngaynay
Về Hà Tiên, du khách ghé Ngã Ba Hòn lên tàu ra Hòn Nghệ để viếng Liên Tôn cổ tự. Đây là một ngôi chùa cổ kính, hoang sơ với cảnh quan tuyệt đẹp.

< Trên đường ra hòn Nghệ: đây như “Tiểu Hạ Long” phương Nam.

Sau hai giờ hải hành trên biển với gió thường cỡ cấp 2, cấp 3, tàu cập bãi Nam của Hòn Nghệ. Từ phía biển, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh non nước hữu tình của hòn đảo xinh đẹp này. Ấn tượng đầu tiên là tượng Phật Bà Quan Âm cao 20m đứng uy nghi, tự tại giữa lưng chừng núi Lầu Chuông. Đây là ngọn núi đá vôi bị xâm thực nên có hình dáng đẹp, kỳ vĩ với nhiều hang động bí hiểm.

Khách sang thuyền nhỏ vào bờ. Sau mươi phút nghỉ ngơi đã có thể bắt đầu khám phá Hòn Nghệ. Chùa cổ Liên Tôn là điểm đến chủ yếu của chuyến đi.

Liên Tôn cổ tự có từ rất lâu đời, nằm cheo leo dựa lưng vào vách núi. Bạn phải qua hàng trăm bậc đá ngoằn ngoèo, quanh co, lúc lên cao, khi xuống thấp. Gần tượng Phật Bà có Hòn Đá Chuông kỳ lạ, dùng một cục đá nhỏ gõ vào, đá sẽ vang lên tiếng “boong... boong... boong...”, như tiếng chuông chùa ngân nga, đồng vọng.

Đến gần chùa, bên trái vách núi là một quần thể tượng các vị La Hán bằng đá trắng được tạc đẽo, tạo dáng rất công phu, tỉ mỉ và thanh thoát. Trên bề mặt của một tảng đá to sau lưng vườn tượng, nước mưa chảy, gió biển mài mòn, xâm thực lâu ngày tạo thành những dòng chữ lạ lùng.

< Liên Tôn cổ tự.

Chánh điện chùa cổ nằm sâu trong hang đá chừng 20m, phải đi theo một lối mòn hẹp mới đến được chỗ thờ Phật, nơi đây nở rộng ra chừng 80m2. Quanh vách động có nhiều hình tượng lạ lùng do nước xoi vào đá tạo nên như  rồng, voi, sư tử, beo, cọp...

Trên nóc động có vài lỗ thông gió, ánh sáng rọi xuống hang tạo thành những vệt sáng xiên xiên mờ ảo... Ở sân chùa, có một cây bồ đề cổ thụ cành lá sum sê.

< Tượng Phật Bà Quan Âm ở núi Lầu Chuông.

Đêm trên chùa Liên Tôn sẽ cho bạn nhiều cảm xúc. Vào những ngày có trăng từ mồng 10 đến sau rằm, cảnh vật núi Lầu Chuông và biển Hòn Nghệ đẹp như chốn non bồng. Biển sáng lấp lánh với muôn vàn vẩy bạc ánh lên từ những ngọn sóng có khi lăn tăn, yên ắng, cũng có lúc trắng xóa, bạc đầu. Chùa cổ như trầm tư trong làn sương mỏng huyền hoặc, thâm u. Du khách mơ màng trong tiếng trống mõ, chuông chùa hòa với tiếng sóng biển vỗ xào xạc vào những ghềnh đá hoang sơ...

Chúng tôi theo sư Thích Minh Công khám phá hang Phật Cô Đơn. Đường đi qua nhiều ngóc ngách quanh co lắt léo, có khi phải bò qua những mỏm đá. Hang nhỏ bằng một gian phòng khách, có một tượng Phật lẻ loi bằng đá, khoác áo cà sa màu gạch tôm mà ai đó đã đặt chẳng biết tự bao giờ. Từ cửa hang có thể nhìn thấy biển đẹp như bức tranh thủy mặc...

Tiếp đến là hành trình dài chừng 100m khám phá hang Gia Long dành cho những ai thích mạo hiểm. Hang nằm sát biển ở độ cao trên 10m, vách gần như thẳng đứng. Có hai con đường đi đến hang, một dọc theo mép biển, hai vượt qua đỉnh núi đá tai mèo cheo leo. Cả hai con đường này rất hiểm trở với gành đá, vực sâu, núi cao, gây cảm giác mạnh cho khách.

Vào các dịp lễ hội hoặc những ngày rằm lớn, khách hành hương từ các nơi vượt biển đến với chùa Liên Tôn khá đông đúc, nhộn nhịp. Mọi người như trút hết những phiền não, tĩnh tâm chiêm nghiệm lời kinh tiếng kệ ấm trầm ngân vọng giữa chốn thiền lam u nhã...

Hòn Nghệ với Liên Tôn cổ tự và các hang động như hang Phật Cô Đơn, điện Sư Tổ Đạt Ma, hang Quýt, hang Gia Long với những truyền thuyết và huyền thoại ly kỳ vẫn còn ẩn giấu rất nhiều điều bí mật, lạ lùng đang chờ được du khách khám phá!

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
Quảng Ngãi còn được biết đến với cái tên vùng đất núi Ấn sông Trà, và chính từ trong dòng chảy của con sông, địa hình của rừng núi đã sản sinh ra những sản vật, những món ăn dân dã thân quen, mang đậm dấu ấn của tình đất, tình người.

Quảng Ngãi có 4 con sông lớn, mùa lũ nước ầm ào giận dữ như con ngựa bất kham, mùa khô lại êm ái, lặng lờ xuôi chảy. Đó là các con sông: Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu. Bốn con sông này cũng chia Quảng Ngãi từ Bắc vào Nam dài 130km thành các phần tương đối bằng nhau. Sông nước quê hương không chỉ bồi đắp phù sa, tưới tắm cho vùng đồng bằng mà còn là mạch nguồn nuôi dưỡng những sản vật đặc trưng, lưu luyến người đến ở, nhắc nhớ người đi xa.

1. Món don: Ở dòng sông Trà Khúc, trước khi hoà mình vào đại dương, tại nơi vị ngọt của sông gặp gỡ vị mặn của biển mà người dân địa phương gọi là nước chè hai đã hình thành vùng cư trú của một loài nhuyễn thể nước lợ, đó là con don.

Vào những ngày nắng ráo của hai mùa xuân - hạ, từ sáng tinh sương, khi mực nước chè hai vừa tầm, ở một số vùng miền đông, người ta rủ nhau đi cào don. Người ta sử dụng một loại dụng cụ có hình dạng như cái máng đổ nước gọi là nhủi, để cào don. Cái nhủi được đan bằng những nan tre khung dày, khung thưa vừa đủ để cho cát lọt ra ngoài, dưới nhủi có từ 10-12 răng tre nhọn.

Người ta buộc dây quanh lưng và cầm cái nhủi cào don trong tư thế đi giật lùi. Con don vốn cùng họ với con hến nhưng bề ngoài trông khác biệt, vỏ cong, mỏng, dài hơn và đặc biệt là vị của nó rất khác so với con hến.

Don mang về được ngâm, rửa qua nước lạnh cho sạch, sau đó cho vào nước đã đun sẵn hâm hẩm kèm chút muối. Khi nước sôi bùng lên thì khuấy đều và mạnh để don há miệng nhả ra chất ngọt. Luộc don ngỡ đơn giản nhưng cũng phải khéo để nước có vị ngọt thanh và thơm.

Từ xa xưa người dân Quảng Ngãi đã có câu "nghèo nghèo, nợ nợ có phước gặp cô vợ bán don, rủi mai có chết cũng còn cặp ui" Dù nghèo nàn, túng quẫn còn hạnh phúc gì hơn là có cô vợ bán don, có cặp ui đựng don để lúc nào cũng có tô don thơm nóng, niềm mơ ước chân chất, giản dị, nó gói gọn cả tình yêu quê hương xứ sở. Dẫu bây giờ nghèo nợ dần lùi xa, cặp ui bằng đất nung cũng ít ai còn dùng đến thì cô gái bán don và món don rẻ tiền quen thuộc vẫn hiển hiện như một nét văn hoá của vùng núi Ấn - sông Trà.

Món don tuy mộc mạc, lại không cầu kì, và được chế biến theo công thức giản dị mà không trùng lặp với bất kì món ăn nào trên đất nước ta. Bánh tráng sống và thịt don được cho vào tô chan nước luộc don thêm ngọt, đã có thêm gia vị ăn kèm với bánh tráng đã nướng giòn và những trái ớt chỉ thiên. Sức hấp dẫn của nó chính là ở hương vị nguyên sơ của sông nước Trà giang và ở lời ví von ngọt ngào của những chị bán don trong quán ăn dân dã.

2. Cá bống sông Trà: Một món ăn quen thuộc nữa của người dân Quảng Ngãi là cá bống sông Trà. Dù trong bữa cơm dân dã hay trong những bàn tiệc sang trọng thì vẫn vậy, bao giờ cá cũng phải được làm sạch, ướp kỹ với gia vị và phải dùng trách đất để kho.

Một bí quyết để cá bống luôn thơm ngon, giữ được vị riêng là khi kho cá không bao giờ cho nước lã mà chỉ kho cá bằng thứ nước mắm và đường cát. Vì thế ngày nay, cá bống kho tiêu không chỉ là thương hiệu đặc sản ẩm thực của Quảng Ngãi mà còn là thông điệp từ văn hoá của những con người dân dã, mến khách của vùng núi Ấn - sông Trà.

Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi, sông Trà không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho quê hương mà còn là điểm tựa cho tâm hồn con người. Ở đó mang sự lắng đọng ẩn chứa những niềm tự hào xứ sở. Ví như bờ xe nước một thời vang bóng hay ví như con cá bống sông Trà nhỏ nhoi: Ngon, ngọt, đắng rất riêng của dòng nước trong xanh này.

Cá bống sông Trà ngon nhất vào khoảng tháng 5 âm lịch, đây là mùa cá trưởng thành và đẻ trứng, vào mùa này người ta bắt cá bống bằng cách thả những ống tre khô ở những chỗ nước trong không chảy. Không như con don cá bống thì ở đâu cũng có, vậy mà cá bống sông Trà thấm thía mùi đất, mùi nước của xứ sở đã mang trên mình hương vị  kết tinh đặc trưng.

3. Cá niên: Cũng như tấm lòng rộng mở của con người Quảng Ngãi, con sông Trà bao dung với tất cả những ai sống vì nó. Nếu nơi cửa biển, sông cho người con don; nơi dòng chảy quanh co đồng bằng; sông cho người cá bống thì ở đầu nguồn Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng sông cũng cho bà con một sản vật ngon không kém đó là cá niên.

Cá niên có môi trường sống rất riêng, chúng chỉ cư trú ở những con sông, suối có vùng nước chảy, nước trong xanh và nhiều đá ở tận thượng nguồn. Mùa sinh sôi phát triển của cá niên diễn ra rất nhanh, chỉ kéo dài từ tháng chạp cho đến tháng tư âm lịch năm sau tức vào tiết xuân, còn khoảng thời gian còn lại trong năm, cá xuất hiện thưa thớt hơn.

Người ta xem cá niên là con cá sạch, bởi chúng chỉ ăn những rong, rêu hoặc những con vật nhỏ xíu ở tảng đá, vách đá dưới lòng sông suối.

Cách chế biến cá niên dân dã và thơm ngon nhất đó là nướng. Người ta đem nướng cá để nguyên cả bộ ruột, vì ruột cá niên ngon và hấp dẫn hơn ruột cá tràu. Trước kia cá niên chỉ có ở vùng núi Quảng Ngãi, giờ đây với sự lan toả nhờ hương vị của nó, cá niên đã khiến cho hình ảnh của núi rừng và con người miền núi trở nên gần gũi và thân quen hơn.

4. Chim mía: Hằng năm, vào dịp cuối thu sang đông, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, cùng với gió lạnh cũng là lúc nhiều đàn chim về cư ngụ trong những đồng mía mênh mông của các vùng Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ, Hành Minh, Nghĩa Hành… người dân địa phương quen gọi những con chim ấy với cái tên chung là chim mía.

Thật ra đó là rất nhiều loại chim khác nhau, sau khi tìm mồi dưới đất hay ăn lúa ở những cánh đồng xa về ngủ trong những lớp mía dày. Từ rất lâu, người dân địa phương đã có sáng kiến rất độc đáo, đó là đánh chim mía bằng lưới, đây là thú vui đồng quê, vừa có tác dụng bảo vệ mùa màng.

Chọn những đám mía tốt và dày, người ta chống những cây sào để căng lưới ra sẵn sàng như cất vó khi bắt cá, sau đó hai người trong nhóm đi đánh chim, căng sợi dây luồn từ cuối đám mía bắt đầu giật từ dưới lên để xua đàn chim bay ra. Những người giữ sào nhanh chóng ghép sít các sào lại, thế là chim mía đã nằm ngay trong lưới.

Chim mía có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon bởi chúng có xương mềm, thịt không quá béo và rất bổ.

5. Đường phèn, đường phổi: Vùng đồng đất Quảng Ngãi không chỉ là nơi đất lành cho con chim mía cư ngụ mà những nông sản nơi đây cũng còn là nguyên liệu để tạo nên những thứ quà bánh mộc mạc mà thơm thảo, gần gũi thân quen với bao thế hệ người dân nơi đây.

Từ rất lâu, người ta đã biết đến đường, một sản phẩm của cây trồng truyền thống trên đất Quảng Ngãi, đó chính là cây mía. Không chỉ với đường cát trắng, mà còn với những thứ đường được chế biến bởi bàn tay khéo léo của người dân quê tôi để tạo hương vị riêng đó là đường phổi, đường phèn.
Khi nấu đường phèn, người ta cho thêm vôi bột và trứng gà để biến chất dơ trong đường thành bọt. Đây là bí quyết để tạo nên thứ nước đường thanh, sạch và thơm.

Đường được nấu chín, sau đó múc ra đưa vào những thùng chứa có để những nòng tre ghim sẵn và chính ở những nòng ghim này mà đường phèn được đóng khối và kết tinh trong vòng khoảng một tuần.

Những sợi chỉ lính dính còn mắc lại trong những miếng đường phèn khi người ta nhấm nháp chính là những sợi chỉ được kết thành trước nòng ghim. Nơi xứ sở của mía đường này, chất ngọt ngào của thiên nhiên và đôi bàn tay lao động cần cù của con người đã tạo nên những thứ đường kết tinh thô ráp mà đầy ân tình, mang phong vị riêng của cả một vùng đất.

Từ lúa, từ mía, hai loại nông sản quan trọng của vùng núi Ấn sông Trà, đã có hai làng nghề được hình thành nổi tiếng gần xa, đó là mạch nha Mộ Đức và kẹo gương Thu Xà. Mộ Đức với những cánh đồng lúa bát ngát, trải rộng được biết đến với nghề nấu mạch nha có từ lâu đời.

Theo người dân địa phương, nghề này xa xưa xuất phát từ gia đình ông bà Phó Sáu ở làng Quang Hiển, nay là xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, sau đó lan rộng ra khắp vùng. Nguyên liệu để làm mạch nha giản đơn chỉ là nếp và mộng lúa già, mộng lúa là tên gọi của hạt lúa đã được ngâm cho nảy mầm.

Nghệ thuật nấu mạch nha nằm chủ yếu ở việc cô lại chất nha đã ép cho đặc, mạch nha đặc hay lỏng, ngon hay dở, để được lâu hay không phụ thuộc vào cách thức cô. Mạch nha trước đây là thứ quà bánh rất được yêu thích, có lẽ cái quá khứ chưa đủ đầy và chưa thừa thải món ăn thức uống như hiện nay vẫn còn gợi nhớ trong lòng nhiều người khi nhìn thấy những lon mạch nha giản dị, chứa đựng hương thơm, vị ngọt thanh, dịu của một thời.

Ở phố cổ Thu Xà, nơi một thời là phố cảng sầm uất, sự giao thoa văn hoá đã đem đến cho vùng đất này một thứ kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc, đó là kẹo gương hay còn được gọi là kia cứng hay pualýthừng nghĩa là kẹo pha lê.

Theo chân một số người Hoa ở Triều Châu, Quảng Đông đến sinh sống lập nghiệp tại Thu Xà, nghề làm kẹo gương lan truyền và phát triển, và đã trở thành nghề truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Nguyên liệu làm kẹo gương là đường, mè rang và đậu phụng. kỹ thuật nấu kẹo gương tinh tế, khéo léo ở khâu nấu đường sao cho tới độ, mè rang sao cho vừa chín trắng, đậu phụng rang sao cho vừa chín thơm và khâu kết hợp lại tất cả những nguyên liệu nói trên.

Những người thợ lành nghề biết cách để kéo hỗn hợp đường, đậu, mè sao cho vừa nhẹ vừa nhanh để tránh tình trạng kẹo nóng gặp lạnh bên ngoài sẽ đọng lại thành một khối. Từ trong khoảng 15-20 phút, người thợ đã tạo được thành một tấm kẹo gương rộng và dài như mảnh kính trong. Vị ngon thanh khiết của kẹo gương cũng đã khiến những người con của mảnh đất này ấp ủ niềm trăn trở.

Ngày Xuân, thưởng thức những món ăn quen cũng là thưởng thức cả một bản sắc nghệ thuật dân dã rất riêng của vùng đất này để thêm hiểu niềm tự hào của người dân nơi đây. Càng tự hào, người ta càng mong mỏi những món ăn dân dã, độc đáo của quê hương sẽ đến gần hơn với du khách ghé thăm và đến rộng hơn, xa hơn với những vùng đất khác.


< Chợ đêm sông Trà.

Về ăn Tết, khi rời quê, những người con Quảng Ngãi lại mang theo mình hủ cá bống, lon mạch nha, gói kẹo gương làm quà. Và dù đi đến những mảnh đất nào thì những món ăn dân dã của quê nhà vẫn đau đáu, luyến nhớ trong lòng họ bởi hương vị mộc mạc rất riêng của xứ sở.

Ngày Xuân xin điểm lại những món ăn dân dã, làm ấm lòng người dân quê tôi. Những người xa quê tìm thấy ở những món ăn dân dã của quê nhà một kỷ niệm về thuở xa xưa, một bến nước, con đò, ruộng lúa, nương dâu... và nhắc với nhau rằng đừng vội quên quê hương bản quán.

Người đang sống ở quê nhà thấy dòng sông Trà bấy nay âm thầm xuôi về biển mà sao nay cứ quyến luyến vấn vương, ngọn núi Thiên Ấn phía xa xa bỗng trở nên lung linh, huyền ảo hơn trong nắng Xuân vàng rộm.

Du lịch, GO! - Theo HUỲNH THẾ (Quảng Ngãi Online)
Không chỉ nổi tiếng với “mó nước tình nhân” mà vùng Ngọc Chiến (Sơn La) còn có phong cảnh đẹp như cõi tiên.
Muốn đến Ngọc Chiến phải qua đèo Sam Síp, vượt 30 con dốc quanh co luồn trong mây ngàn, lối vào duy nhất để đến với xứ sở của những ngôi nhà làm bằng gỗ pơ mu thơm lừng và những câu chuyện như huyền thoại.

“Vương giả” giữa đại ngàn

Nhìn cảnh hoa đào rụng hồng mái nhà sàn pơ mu, tôi ngỡ như đang lạc vào vườn xuân. Từ đầu đến cuối bản, hàng nghìn nếp nhà sàn nối san sát nhau, màu nâu gỗ quý dậy lên mùi thơm lừng của thiên nhiên. Sang trọng đến thế là cùng! Đấy là tôi nghĩ vậy, chứ hàng trăm năm qua, sống với rừng, với gỗ thì còn lựa chọn nào khác ngoài lấy gỗ sẵn có để làm nhà, dựng bản.

< Gỗ pơ mu được sử dụng làm nhà ở Ngọc Chiến.

Thầy Vũ Duy Thi, Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Chiến cho biết: “Khí hậu mát mẻ quanh năm, ngay cả vào tháng 8 mà cà chua mọc hoang ngoài hiên lớp học cũng trĩu quả, chín đỏ mọng”. Rồi tôi cũng phải tin lời thầy Thi khi đến bản người Mông, thấy hoa đào, mận nở trái mùa làm ong bướm bay xốn xang khắp vườn. Cuộc sống ở Ngọc Chiến không phải chuyện hoang đường, mà có thật. Theo các chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên, vùng tiểu khí hậu mát mẻ quanh năm như Ngọc Chiến, không chỉ làm con người khoẻ mạnh mà ở đó còn có nguồn dược liệu quý mà không nơi nào có được.

Đến Ngọc Chiến, sẽ không thể tìm được nhà nghỉ, phòng trọ nhưng  có thể vào bất cứ gia đình nào. Họ quý khách như người thân, giúp có nơi ăn ngủ thịnh soạn cùng gia đình ở gian nhà sàn pơ mu trang trọng nhất.

Những người biết đến Ngọc Chiến ví nơi đó như Đà Lạt của Tây Nguyên, như Sa Pa của Tây Bắc. Cánh đồng Mường Chiến rộng đến 5,6km2, được bao bọc bốn phía bởi những dãy núi cao ngất, chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Mùa tháng 8 đang vào vụ nếp Tan chín trĩu bông.

Loại nếp này chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, dẻo. Việc thu hái nếp Tan cũng khác, không gặt, chỉ hái từng bông. Hoa đào, hoa mận nở thắm quanh năm. Hoa dại cũng vậy, rất khác thường, cùng loài hoa dứa dại nhưng ở Ngọc Chiến bông hoa to gấp 5 - 6 lần ở nơi khác, cao đến gần 10m. Thấy đây là vùng đất có tiểu khí hậu đặc biệt, năm 2004, một số chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa giống hoa tulip, ly về trồng thử nghiệm bên dòng suối Chiến. Thật bất ngờ, hương và sắc hoa đẹp đến ngỡ ngàng, cánh dầy, hương thơm nồng nàn.

Huyền thoại núi rừng

< Người dân đang tắm ở “mó nước tình nhân”.

Tiết trời vùng “bồng lai tiên cảnh” Ngọc Chiến rất lạ kỳ. Vào mùa hè, ở Sơn La còn nắng gay, nắng gắt thì phía bên kia đèo Sam Síp đã lạnh tê tái, mây cứ giăng mắc trắng trời. Người dân Ngọc Chiến xa xưa coi Sam Síp như thành lũy vững vàng bảo vệ bản làng, còn bà con hôm nay thì giận cái đèo này nhiều hơn quý. Chỉ tại nó ngăn cách mà mãi tới năm 1998, người dân ở Ngọc Chiến lần đầu tiên mới được nghe tiếng còi ô tô bíp vang thôn bản.

< Đỉnh Sam Síp cao quanh năm mây phủ.

Có người bảo, Sam Síp cao và khó đi như vậy thì mới có Ngọc Chiến đẹp đến hoang sơ. Nhiều chuyện có thật như huyền thoại phải vượt qua Sam Síp mới thấy. Từ đỉnh Sam Síp xuống gần đến bản Khùa Vai, bản đầu tiên của xã Ngọc Chiến, có “mó nước tình nhân” chữa bệnh cho dân bản. Nhiều người đã đến để chữa bệnh và có thấy chuyển biến về sức khoẻ.

Lò Văn Thoa, một sinh viên nghiên cứu về văn hoá các dân tộc, quê Ngọc Chiến thừa nhận: “Mó nước đó rất khác biệt, nơi nước chảy ra có hình hài giống hệt hai bộ phận sinh dục của nam và nữ”. Để đến đó được, theo lời Thoa, “phải gửi xe ở bản Khùa Vai, đi bộ mất nửa ngày mới đến. Chỗ đó có một bản với 7 nóc nhà, nhưng nay đã chuyển đi nơi khác vì mấy năm nay thấy nhiều người đến lấy nước về chữa bệnh, họ sợ nhiều người lạ đến sẽ sinh bệnh cho bản”.

Ông Lò Văn Phát, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến cho biết: “Tôi thấy người ta đi chữa bệnh về khoẻ ra, hỏi thì họ bảo chữa bằng nước ở “mó tình nhân”. Nhưng không phải họ chữa như người ta đồn đâu, phải sinh sống ở đó cả tháng, ăn uống nước đó mới khoẻ ra được. Còn chuyện uống nước đó giúp người hiếm muộn có con thì tôi không dám chắc. Có người đến chữa sau này về sinh con được nhưng không biết do nước hay do thuốc họ uống trước đó. Cũng có người bảo, bản tôi toàn người khoẻ, những cụ già 90 tuổi vẫn chặt củi, vác củi đi phăm phăm thì vào đó làm gì”.

< Ở Ngọc Chiến nhiều huyền thoại được lưu truyền qua lời kể của người già bên bếp lửa.

Băng qua Sam Síp còn được nghe chuyện về một người Mông ở xã Ngọc Chiến có tài nối tay đứt. Ông Tráng A Sử, Phó Chủ tịch xã Ngọc Chiến  kể: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi bị máy cưa cắt đứt lìa 4 ngón tay phải. Khi ra Bệnh viện tỉnh Sơn La được bác sĩ phẫu thuật ba ngón đứt nông, còn ngón trỏ do bị nặng nên không nối được. Khi tôi bị nạn, ông Lý Tẩn Pha biết và đuổi theo tôi ra tận bệnh viện để giúp. Ông Pha mang theo 2 con gà thiên cổ, loại gà đen từ lông đến xương, cổ luôn vươn lên trời, người ở Ngọc Chiến thường nuôi để làm thuốc.

Thấy bác sĩ bảo ngón trỏ bị nặng, không nối được, ông Pha liền giật tay tôi, bôi cái gì đó có mùi hơi tanh và bó lại. Mấy ngày sau về bản, ông vẫn tiếp tục đắp thuốc giúp tôi. Giờ chính ngón tay trỏ ông Phá nối giúp lại hoạt động được bình thường, còn 3 ngón khác chỉ khum chứ không xòe thẳng ra  được như ngón trỏ”.

Ở Ngọc Chiến còn có những điều mê mẩn khác. Ví như sự khéo tay và tài tình của người phụ nữ Thái, se tơ dệt vải, đan váy khéo léo đến điêu luyện. Những đồ dùng sinh hoạt trong nhà đều tự tay đan, làm lấy như cái Bem được kết bằng mây dùng để đựng quần áo giống chiếc vali của người Kinh nhưng đẹp và kỳ công đến khó tin.

Hay người Thái có cái coóng khẩu được ví như “chiếc tủ nóng” mang đi nương. Coóng khẩu như cái giỏ, được đan kết tinh xảo bằng mây dùng để đựng cơm đi nương. Bằng cách đan lồng ghép mà coóng khẩu có 2 mặt phải, ở giữ 2 mặt ghép để trống nhưng kín bưng giữ cho cơm nóng lại không bị hấp hơi nước.

Ở miền Tây Bắc đồng bào vui xuân hết tháng Giêng, Hai. Cái Tết ở Ngọc Chiến đến nay vẫn được cho là đậm bản sắc hiếm nơi nào sánh được. Phải chăng, đỉnh Sam Síp chính là điều diệu kỳ để giữ được điều kỳ bí và bản sắc của bản người Thái bên dòng Nậm Chiến.

Du lịch, GO! - Theo báo Gia đình & Xã hội Cuối tuần
Đây là những lễ hội thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ vào mỗi dịp du xuân đầu năm.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", sau một năm làm việc tất bật và mệt mỏi, người Việt vẫn dành thời gian để đến với những lễ hội Xuân và cầu mong một năm mới may mắn và hạnh phúc.
.
1. Lễ hội chùa Hương
.
Kéo dài suốt 3 tháng (tính từ thời điểm khai hội mùng 6 tháng giêng đến giữa tháng 3 âm lịch), lễ hội chùa Hương xứng đáng được mệnh danh là lễ hội đẹp nhất nước ta. Chùa Hương và động Hương Tích là danh lam nổi tiếng của Việt Nam thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km. 



Chùa Hương là một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên, vừa nhân tạo bao gồm núi, đồi, hang, động, suối rừng, chùa tháp...

Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.


Mùa lễ hội năm nay, một số dịch vụ tại Chùa Hương có tăng lên, đặc biệt như vé đò tăng từ 25.000 đến 35.000 đồng cho một vé, vé thắng cảnh tại khu di tích cũng tăng lên.


2. Lễ hội Yên Tử


Vùng núi Yên Tử ở xã Thượng Yên Công cách trung tâm  thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) khoảng chừng 14 km.  Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, núi Yên Tử cao hơn 1000 mét, vút lên như một tòa tháp, đã từng nổi tiếng là ngoạn mục. Các triều đại vua chúa xếp Yên Tử vào hạng "danh sơn" của nước ta. Đây là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Ðồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068 m (so với mặt nước biển).


Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng mùa xuân. Sau phần nghi lễ long trọng của lễ hội tổ chức dưới chân núi Yên Tử là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với chùa Đồng ở trên đỉnh núi. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng.


3. Lễ hội đền Gióng


Hàng năm cứ đến ngày 9/4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), người dân bốn phương từ mọi ngả xa gần lại đổ về để xem lễ, dự hội tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).


Đây là mảnh đất đã sinh ra một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - “Phù Đổng thiên vương”. Người xã Phù Đổng vẫn truyền nhau câu ca dao: “Ai ơi mùng Chín tháng Tư/ Không đi hội Gióng cũng hư mất đời…”


Hội Gióng thực sự là một lễ hội “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Nó là một “hội trận”, vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, vừa thể hiện mong ước “Quốc thái dân an” của nhân dân.


Trong lễ hội sẽ có những màn diễn xướng độc đáo thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, tôn vinh vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng. Lễ hội Thánh Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.


Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2010, Hội Gióng đền Sóc năm nay càng đặc biệt thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.


4. Hội Xoan


Hội Xoan được tổ chức vào ngày 7 - 10/1 âm lịch tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội suy tôn bà Xuân Nương, một nữ tướng của Hai Bà Trưng và ca ngợi công lao của các vua Hùng. Lễ hội có cuộc thi hát xoan - một văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Tổ Phú Thọ.


Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật có từ thời Hùng Vương, sau đó truyền rộng rãi trong dân chúng và được tổ chức thành các phường hát. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người hoặc đông hơn. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép.


Trong ngày hội, các phường hát thường tổ chức hát tại cửa đình. Nét đặc sắc nhất là tục giữ cửa đình. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng.
Hát xoan là di sản văn hóa vô giá của người dân vùng đất Tổ - tỉnh Phú Thọ.


5. Lễ hội Bà chúa Kho


Trên vùng quê Kinh Bắc cổ kính và văn hiến có không ít những đền thờ thần mẫu linh thiêng, huyền diệu, một trong số đó là đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ - một làng ven chân núi kho, nằm bên bờ sông Cầu thuộc địa phận thị xã Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị mà còn là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách thập phương có mong muốn mang một chút tài lộc đầu năm về cho gia đình và người thân. Vì vậy hàng năm cứ từ mồng 10 tháng Giêng âm lịch trở ra, khách thập phương lại lũ lượt đổ về đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh lễ bái cầu tài cầu lộc và vay tiền Bà cho cả năm làm ăn.


6. Hội chùa Keo


Ven theo triền đê sông Hoàng Hà, chạy qua địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, du khách sẽ nhìn thấy ở phía bắc có một khu kiến trúc cổ sừng sững giữa cánh đồng lúa xanh bạt ngàn - đó là chùa Keo.


Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, xưa và nay là một danh thắng độc đáo kỳ vĩ vào bậc nhất của Việt Nam.


Lễ hội chùa Keo với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ đã có sức cuốn hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp cư dân trong vùng. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào hai kỳ:


- Hội xuân được tổ chức vào ngày 4 Tết Nguyên Đán
- Hội thu được tổ chức vào các ngày 13-14-15 tháng 9


Hội vui xuân chùa Keo xưa, ngoài lễ Phật là các cuộc đua tài giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, trong đó, đáng chú ý là ba trò thi: Bắt vịt, nấu cơm và ném pháo.


Các lễ thức trong 3 ngày hội tháng 9 của chùa Keo vừa mang tính lễ hội nông nghiệp, đua tài giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử mà cả xâu chuỗi các hành động. Hội là một bản diễn xướng lịch sử về hành trạng của Quốc sư Dương Khổng Lộ, trong đó những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo.


Trải qua bao thăng trầm, đến nay một số lễ thức trong hội chùa Keo đã bị giảm lược, nhưng các nghi thức trong đám rước vẫn cơ bản được giữ nguyên, múa ếch vồ và múa chèo chải cạn vẫn được duy trì.


7. Lễ hội Lim


Không phải ngẫu nhiên người ta bảo Hội Lim (Tiên Du) là lễ hội đặc sắc vùng Quan họ. Không biết bởi duyên trời hay tình người Quan họ đằm thắm mà giã bạn rồi, du khách thập phương cứ vương vấn mãi câu hát “Người ở đừng về”… Và vì thế, cứ 12, 13 tháng Giêng hàng năm, không hẹn mà gặp, người người nô nức kéo về vùng Lim trẩy hội.


Cũng như các lễ hội truyền thống khác, hội Lim cũng có những hoạt động nghi lễ trang nghiêm, thành kính nhằm tôn vinh công đức các vị thần như lễ rước, lễ tế hay các trò hội dân gian mua vui, thi tài. Sáng sớm ngày 13 là lễ rước kinh từ chùa Trũng tới chùa Hồng Ân, sau những nghi thức tế lễ, đoàn rước đón nước thiêng từ chùa Hồng Ân trở về chùa Trũng. Kết thúc lễ rước, vào lễ khai hội.


Đến hội Lim, khách du xuân được xem và nghe hát trên đồi, hát sau chùa, hát trên thuyền và hát trong các tư gia (hát trong nhà); lại có thể nghe hát đối từng cặp (đôi nam, đôi nữ), hoặc "bọn" nam, nữ. Khách hành hương, trẩy hội Lim còn được xem nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác của địa phương, hay tham dự các trò chơi đu bay, chọi gà, chọi chim, đấu vật, tổ tôm điếm... vốn là những trò chơi của hội làng cổ truyền mà hội Lim vẫn giữ lại như một di sản.


Du lịch, GO! - Theo Eva

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Tranh thủ những ngày nghỉ cuối năm, các nhóm và diễn đàn lên kế hoạch “phượt” từ nhiều tháng trước. Nhóm đi xe máy, nhóm đi ô tô, nhóm đi tàu hỏa, tùy theo điều kiện.
Đích đến đối với họ chỉ là cái cớ, chủ yếu là được đi, được dịch chuyển, khám phá những con đường mới lạ. Và có lẽ quan trọng hơn cả, đó là cảm nhận của họ về tự do. Họ đi để làm tươi mới lại cảm xúc, nạp lại năng lượng, nạp khí trời khí đất, sau đó sẽ lại tiếp tục quay về với cuộc sống bộn bề...

Offroad (cùng đường) - được coi như là một thú chơi xa xỉ nhất của dân "phượt" - thú chơi của những người yêu tiếng động cơ 4 bánh, yêu cái cảm giác trải nghiệm sự khắc nghiệt của con đường sau vô lăng và yêu cả cái sự... phá xe cộ...

Chính vì vậy, điểm đến của dân offroad là những nơi... không có đường, mò mẫm trong đêm ở những con đường mà ban ngày đi còn khó...

Sau mỗi chuyến đi, những chiếc xe "độ" sẽ lại được họ chăm sóc, sửa chữa, "độ" tiếp cho tốt hơn để sẵn sàng cho chuyến... phá xe kế tiếp. Có một câu nói đã thành "châm ngôn" của dân offroad: "Đủn xe, một phần tất yếu của offroad".

Khác với dân offroad, dân "phượt Fan" (Fanxipan) không cần phải có tài chính dồi dào, cái họ cần chính là sức khỏe, lòng quyết tâm và những đôi giày "hầm hố"...

... Họ muốn một lần được đứng trên nóc nhà Đông Dương, sau khi trải qua nhiều giờ leo núi rã rời, cắm trại qua đêm, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Đứng trên độ cao 3.143m, cầm lá cờ Tổ quốc và hát vang bài Quốc ca, phần thưởng mà không phải ai cũng có được.

Chưa bao giờ các diễn đàn xuất hiện nhiều như hiện nay trên mạng internet. Ngoài các diễn đàn tổng hợp có số lượng thành viên khổng lồ, các diễn đàn khác hầu hết đều là chuyên biệt, liên quan đến những sở thích nào đó, ví dụ như diễn đàn của những người yêu thích điện ảnh, bóng đá, ca nhạc, du lịch, dã ngoại, nhiếp ảnh, ô tô xe máy, chim cây cá cảnh, câu cá, đồ chơi mô hình… thôi thì muôn hình vạn trạng.

Hầu như các bạn trẻ chỉ cần một lý do nào đó là đã có thể lập ra một website, một forum để tập hợp những người có một vài điểm chung, sở thích, vài nét tương đồng nào đó, gần giống như mô hình các câu lạc bộ. Do số lượng các diễn đàn trên mạng quá lớn, ở đây chúng ta sẽ nhắc đến những nhóm tiêu biểu. Đầu tiên là các nhóm sở thích du lịch, chụp ảnh (với sự phát triển ồ ạt của kỹ thuật số, hầu như ai cũng sở hữu máy ảnh số), và nhóm yêu thích chơi ô tô xe máy, họ đều có chung niềm đam mê dịch chuyển, bấy lâu được gọi với cái từ lóng là “phượt”. Có một số cách giải thích về từ này, bắt nguồn từ nhóm Tây Bắc group, đó là rút gọn từ lượt phượt, đọc chệch từ lớt phớt, lướt phướt… Thế rồi mặc nhiên từ “phượt” được dùng để chỉ việc du lịch bụi lang thang.

Kể từ những năm 1990 trở lại đây, cùng với sự phát triển của ngành du lịch, số lượng các hướng dẫn viên du lịch (tour guide) tăng vọt, họ đi rất nhiều, am hiểu tường tận các vùng đất xa xôi, họ cũng làm quen với thú “đi bụi” của “Tây ba lô” và dần dần sở thích dịch chuyển đây đó ngấm vào máu lúc nào không hay, ngay cả khi họ đã không còn làm nghề hướng dẫn du lịch nữa. Lúc này, họ phượt chỉ để thỏa nỗi nhớ phượt.

Nhiều du học sinh Việt Nam ở khắp các nước trên thế giới cũng tranh thủ những kỳ nghỉ để lang thang đây đó, ngoài đi để khám phá những kỳ quan thiên nhiên, họ luôn thu nhận những kiến thức về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, ở những nơi đặt chân đến. Xem những tấm ảnh tuyệt đẹp mà họ chụp, đọc những dòng cảm nhận tinh tế của họ sau mỗi chuyến đi, thật sự kinh ngạc về hiểu biết và khối lượng kiến thức phong phú mà họ thu nạp được. Tất cả những điều đó đều được họ chia sẻ tự nguyện trên các diễn đàn hoặc blog, hoàn toàn không có chút vụ lợi, đó chỉ đơn thuần là niềm đam mê khám phá và dịch chuyển. Tiếc là phạm vi bài viết này không cho phép đi sâu vào chi tiết những chuyến “phượt toàn cầu”, mà trước hết chủ yếu để nói về thú vui lượt phượt của các bạn trẻ trong nước.

Hành trình ưa thích của các nhóm này là các cung đường Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, xuyên Việt, thậm chí nhóm chơi Vespa còn thực hiện một vòng hành trình Tây Bắc - Lào - Quảng Trị. Nhóm “Bộ lạc câu” ở Hà Nội thì mặc dù cuối tháng 12 xuất phát, nhưng họ đã lên kế hoạch dã ngoại câu cá trên sông Poco cách đây vài tháng, slogan của họ là “Tiếng gọi nơi hoang dã”. Diễn đàn otofun.com có số lượng thành viên rất lớn, liên tục tổ chức các nhóm phượt khắp nơi, theo từng loại xe và sở thích khác nhau, với tinh thần “vui là chính” - như chính cái tên diễn đàn của họ.

Một trong những điểm đến yêu thích của những tay phượt là A Pa Chải, điểm cực Tây đất nước, nơi có cột mốc số 0, ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Đây là một điểm đến khá hấp dẫn bởi mức độ khó khăn vất vả phải trải qua, những cung đường xấu, nguy hiểm, cái lạnh của vùng núi cao… Nhưng chính vì thế nó lại càng thách thức các tay lái. Cũng trên cung đường Tây Bắc, phải kể đến đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m - là nơi nhiều bạn trẻ chọn làm nơi “vượt qua thử thách”, họ muốn một lần được đứng trên nóc nhà Đông Dương, sau khi trải qua nhiều giờ leo núi rã rời, cắm trại qua đêm, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Có lẽ cuộc sống đô thị nhàm chán đã thôi thúc họ tìm đến thú vui lang thang trên những cung đường vắng, khám phá phong cảnh và thiên nhiên bao la.

Nhóm những bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh cũng thường xuyên tổ chức những tour đường dài. Điểm chung giữa các nhóm này, dù là hội câu cá hay chơi xe, du lịch, nhiếp ảnh… là họ đều tìm cách đi xa khỏi thành phố, đặc biệt là nhân dịp kỳ nghỉ cuối năm hoặc đầu xuân. Thậm chí một số bạn trẻ còn đi xa hơn nữa, họ chọn cách đón giao thừa nơi đất khách xa lạ, cùng một vài người bạn, hoặc có khi đơn độc cùng "chiến mã", đơn giản chỉ để được… ở một mình.

Tuy nói vậy, nhưng rất nhiều đôi bạn trẻ nam nữ đã tìm thấy một nửa của mình, khi cùng nhau trải qua những cung đường xa xôi. Nếu như lúc xuất phát họ là những người xa lạ thì chính những giây phút trải nghiệm vất vả, những vui buồn trên đường, đã khiến họ hiểu nhau, gần nhau hơn. Đích đến đối với họ chỉ là cái cớ, chủ yếu là được đi, được dịch chuyển, khám phá những con đường mới lạ, điều quan trọng đối với họ chính là quãng hành trình mà họ trải qua. Và có lẽ quan trọng hơn cả, đó là cảm nhận của họ về tự do. Họ đi để làm tươi mới lại cảm xúc, nạp lại năng lượng, nạp khí trời khí đất, sau đó sẽ lại tiếp tục quay về với cuộc sống bộn bề, và bắt đầu một năm mới tràn đầy lạc quan hy vọng.

Giới trẻ Sài Gòn hào hứng phượt đầu năm mới

Lên Đà Lạt dự Festival hoa trong không khí se lạnh, về xứ dừa làm từ thiện, đến Long Hải hòa mình giữa trời biển…, Tết Dương lịch trùng với dịp nghỉ cuối tuần nên nhiều bạn trẻ tổ chức những chuyến "phượt" thú vị.
Chỉ còn thời gian ngắn nữa là kết thúc đời sinh viên, nhóm bạn của Thanh Thảo, Đại học Công nghiệp TP HCM tranh thủ lên tổ chức chuyến "phượt" Đà Lạt.

< Phong cảnh hữu tình, mộng mơ của phố cao nguyên Đà Lạt đã thu hút không ít bạn trẻ trong dịp năm mới.

Từ miền Trung vào TP HCM học, Thảo đã ấp ủ ước mơ được đến "thành phố ngàn hoa". Nơi đó, mọi người có dịp thả mình giữa bạt ngàn hoa xứ lạnh, chìm trong câu chuyện tình yêu huyền thoại của chàng Lang và nàng Bian, khám phá hang Cọp, thăm những địa danh nổi tiếng như đồi Mộng Mơ, hồ Than Thở, thác Cam Ly…

Với lịch trình cẩn thận từ trước, sáng 30/12/2011 cả nhóm lên đường, đến Madagui thì dừng lại câu cá, nghỉ ngơi tại nhà một người bạn trong nhóm. Hôm sau cả nhóm tiếp tục đường đến Đà Lạt, nhập với những "thổ địa" là nhóm bạn cũ đã và đang học trên đây để bắt đầu khám phá phố núi. Với chi phí phù hợp với sinh viên, lại được thong dong giữa những cung đường ngập sắc xanh trên suốt hành trình, chứng kiến bao điều mới lạ, nhóm của Thảo rất hào hứng.

< Bỏ lại phía sau cảnh tấp nập Sài thành, nhiều bạn trẻ tìm đến với những miền đất mới bằng chính cách đi "bụi bặm" của mình để thỏa mãn niềm đam mê du lịch, khám phá.

"Mình không ngờ có ngày được đón giao thừa giữa tiết trời se lạnh của phố cao nguyên, cùng dạo Festival hoa đẹp đến mê hồn, cùng hít hà hương cà phê Tây Nguyên nồng nàn với đông đảo bạn bè như thế này", một bạn trong nhóm phấn khởi chia sẻ.
Mê "phượt" từ ngày còn sinh viên, chàng kỹ sư trẻ Công Hải cùng bạn gái và hội của mình cũng tranh thủ làm một chuyến đi về Long Hải để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Đây cũng là dịp để Hải nạp thêm năng lượng đón năm mới, tìm thêm cho bộ sưu tập nhiếp ảnh của mình những góc máy đẹp.

Hải và bạn gái quen nhau do một lần cùng bị lạc mấy giờ liền trong chuyến đi "phượt" đến vườn quốc gia Bù Gia Mập. "Mỗi chuyến đi là một cơ hội để trải nghiệm khả năng của chính mình, khám phá những điều mới lạ của thế giới xung quanh, không khí tự do này mình không thể tìm thấy được trong những tour du lịch được sắp đặt sẵn", Hải tâm sự.

< Vừa được tự do khám phá thiên nhiên, vừa kết hợp làm từ thiện là điều không ít bạn trẻ hiện nay hướng đến.

Là thành viên của một nhóm từ thiện, lên lịch tham gia chương trình Xuân yêu thương tại Bến Tre nhưng Tuấn Anh, chàng sinh viên vừa ra trường đã không chọn cách đi xe khách với cả đoàn mà cùng 5 bạn trong nhóm "phượt" xuống trước một ngày rồi đợi cả nhóm xuống sau.

Có sở thích lang thang và ưa mạo hiểm nhưng mấy năm trước do bận thi cử, học hành nên dịp năm mới Tuấn Anh chỉ quanh quẩn trong thành phố. Năm nay vừa được tham gia các hoạt động ý nghĩa, các bạn trẻ vừa được hòa mình giữa mây trời, sông nước miệt vườn, cùng tập chèo ghe, câu cá và thưởng thức các món ăn xứ Dừa. Tiếp xúc với những phong cảnh mới lạ, với những con người hồn hậu, dễ mến, mỗi nơi đi qua đều để lại trong lòng Tuấn Anh những kỷ niệm khó quên.

Cậu bạn thành thật: "Tuy không có ánh đèn điện tấp nập, đông vui như thành phố nhưng năm mới ở một vùng quê bình yên tự nhiên cho mình nhiều cảm xúc lạ. Đêm giao thừa, cả bọn chỉ đốt lửa ngồi quây quần, cùng chia nhau những trái bắp nướng, khoai nướng mà vẫn thấy hạnh phúc vô cùng".

Du lich,GO! - Theo offroad.vn, Tinmoi