Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Bán đảo Sơn Trà, từ lâu được coi là lá phổi xanh điều tiết khí hậu, là bức bình phong chặn gió bão cho thành phố Đà Nẵng. Cùng với Ngũ Hành sơn ở phía nam, con sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng dưới chân Hải Vân sơn cao vời vợi, bán đảo Sơn Trà góp phần tạo nên vẻ đẹp hài hoà giữa sông, biển, núi - một không gian sơn thuỷ hữu tình hiếm hoi của dải đất hình chữ S.

< Nhìn từ đỉnh Sơn Trà.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà là một khu rừng xinh đẹp tập hợp của một kho tàng sinh thái phong phú, đa dạng và sống động; đầy sức hấp dẫn đối với du khách với những bí ẩn của rừng tự nhiên. Theo các nhà sinh thái học, hiện nay Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn.

Đặc biệt gần đây các nhà khoa học chuyên nghiên cứu động vật hoang dã của thế giới đã phát hiện khoảng 160 con voọc chà và chân nâu (còn gọi là voọc chà và chân đỏ), một loại linh trưởng đặc biệt hiếm hoi trên thế giới. Loại vọc chà và này được gọi là "nữ hoàng" của các loài linh trưởng cư trú trong rừng sâu bởi vẻ đẹp khác thường của nó.

Ngoài loài voọc này, Sơn Trà còn đặc hữu những loài khỉ mặt đỏ, voọc chà và, vượn cáo mongoose ... nên trước đây núi Sơn Trà còn có tên là núi Khỉ (Monkey Mountain). Trước nữa, người Pháp gọi Sơn Trà là núi Tiên Sa; chân núi có bãi Tiên Sa và ngày nay, cảng biển Đà Nẵng cũng được gọi bằng cái tên mỹ miều này. Hiện nay, ở Sơn Trà còn sót lại một đôi chim đại bàng thuộc giống ở Malaysia. Những ngày đẹp trời trên những cánh rừng xanh thẳm mênh mông của Sơn Trà, du khách còn có dịp ngắm đôi chim đại bàng bay lượn thật ấn tượng.

< Cây đa ngàn năm trên mũi Sơn Trà.

Núi Sơn Trà có độ cao 693 mét so với mặt biển, với vẻ hoang sơ hùng vĩ lại nằm cận kề thành phố Đà Nẵng nên đi lại thật dễ dàng tiện lợi. Bạn chỉ cần đi xe máy lên xuống trong ngày là đã thực hiện một chuyến du lịch dã ngoại lên rừng xuống biển trọn vẹn.

Con đường vòng quanh bán đảo Sơn Trà đang được mở rộng cho ô tô đưa du khách đi vòng quanh núi, thăm thú, ghé lại những điểm dừng chân có các chòi bát giác. Từ các điểm cao này, du khách tha hồ chụp ảnh, nhìn ngắm trọn vẹn thành phố Đà Nẵng, chiêm ngưỡng Hải Vân sơn với "thiên hạ đệ nhất hùng quan", vịnh Liên Chiểu và con đường Nguyễn Tất Thành uốn lượn ven biển qua cầu treo Thuận Phước với cửa sông bát ngát rồi nối liền với đường Sơn Trà - Điện Ngọc qua Ngũ Hành sơn ẩn hiện trong mây mờ phía đông nam...

< Các cơ sở du lịch vẫn đang xây dựng.

Trên đường lên đỉnh Sơn Trà, những cơ sở lưu trú dành cho du khách ở lại qua đêm đang được xây dựng. Từ trên núi cao chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố buổi hoàng hôn và ban đêm sẽ là cơ hội trải nghiệm thú vị giữa khung cảnh núi rừng trong bóng đêm và bên dưới, xa xa dưới chân mình là phố thị Đà Nẵng rực rỡ như một dải hoa đăng đầy quyến rũ.

Dưới chân núi Sơn Trà có rất nhiều bãi tắm còn nguyên vẻ nguyên sơ và những bãi tắm được đầu tư xây dựng như bãi Bụt, bãi Nam, bãi Rạng, bãi Xếp, bãi Con, bãi Trẹ với những tour du lịch thể thao lặn biển, đáp ứng nhu cầu cho những du khách có sức khoẻ tốt, thích phiêu lưu mạo hiểm để khám phá sinh vật biển.

< Từ núi Sơn Trà nhìn xuống bãi biển Phạm Văn Đồng.

Ở mũi Nghê, bãi Tranh với địa thế chênh vênh bên bờ đá dựng với những rạn san hô trải rộng trên 4, 5 héc ta cùng những bãi Bắc, hục Lỡ, vũng Đá (bãi Nồm) có tới 52 loại san hô, không chỉ đa dạng chủng loại mà tập hợp được nhiều màu sắc quyến rũ. Môn thể thao lặn biển trên những bãi san hô chắc chắn sẽ rất hấp dẫn, chưa kể đến những tour du thuyền, câu cá, câu mực sẽ đem đến những giây phút thư nhàn rất thú vị.

Vợ chồng tiến sĩ, bác sĩ thú y Ulike Strecher và Larry Ulibarri đã gần hai năm nay nghiên cứu về động vật quý hiếm tại bán đảo Sơn Trà, cho biết họ rất ngạc nhiên khi mới đến đây.

< Những lối quanh co dẫn đi khắp nơi trên ba ngọn núi giúp khách du lịch tận hưởng thiên nhiên.

"Thật đáng ngạc nhiên khi có một khu rừng xinh đẹp như thế này vẫn còn sót lại ở gần thành phố Đà Nẵng. Thông thường để đến một khu rừng yên tĩnh, nguyên sơ như vậy, chúng tôi phải đi rất xa.

Hệ sinh thái nơi đây còn giữ gìn gần như nguyên vẹn với thảm thực vật hầu như không bị đụng chạm đến. Và đây là một điều hết sức ấn tượng. Một trong những khác biệt dễ nhận thấy giữa rừng Cúc Phương và rừng Sơn Trà, ở chỗ với Cúc Phương rất nhiều động thực vật đã bị khai thác, săn bắt đến mức tuyệt chủng, thế nhưng thảm động thực vật ở Sơn Trà còn gần như nguyên vẹn…".

< Thiên nhiên tươi đẹp trên Sơn Trà.

Tuy nhiên, hai nhà khoa học này tỏ ra quan ngại về việc khai thác du lịch ở Sơn Trà, điều có thể khiến cho hệ sinh thái bị tàn phá, các loại động thực vật quý hiếm có thể bị biến mất nhanh chóng và đứng trước nguy cơ đe doạ tuyệt chủng… Họ cảnh báo bằng một thông điệp có ý nghĩa hình tượng về sự mất còn của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khi gọi đó là một "kho báu mong manh".

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG, ảnh Điền Gia Dũng

0 nhận xét :

Đăng nhận xét