Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Hồi năm trước: năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề “Thiên đường du lịch biển, đảo” đã diễn ra tại Phú Yên. Mở đầu cho hoạt động du lịch này là giải leo núi chinh phục đỉnh Đá Bia được tổ chức vào ngày 27-3. Đây là một trong những hoạt động thu hút sự chú ý tham gia của nhiều người.

Ngón tay của Chúa

Núi Đá Bia (còn gọi là Thạch Bi Sơn) được xem là một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn nhô ra biển đông. Ở đây, có đèo Cả xẻ núi dài 12km nối con đường thiên lý Bắc - Nam làm ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngọn núi này thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cao 706m, chân núi phía đông giáp với biển xã Hòa Tâm, phía tây là quốc lộ 1A, phía bắc giáp với cánh đồng xã Hòa Xuân Nam và chân núi phía nam là cảng biển Vũng Rô.

< Những bậc thang dựng đứng.

Theo truyền thuyết, ngọn núi linh thiêng cao vời vợi này có nhiều cách gọi khác nhau. Người Pháp gọi là Ngón tay Chúa (Le Doigt de Dieu), vì theo họ khi đi ngoài biển nhìn vào, tảng đá trên núi giống ngón tay chỉ lên trời cao.

Người Champa gọi khối đá đó là chiếc linga vĩ đại (tượng trưng cho dương tính) và biển Vũng Rô kề bên được xem như một yoni tuyệt trần (tượng trưng cho âm tính)... Hiểu theo nghĩa Hán tự, Thạch Bi sơn là bia đá trên núi. Cách hiểu này được xem là chính xác nhất.

Chính sử ghi rằng: Mùa xuân năm Tân Mão - 1471, vua Lê Thánh Tông, tiến quân đánh Chiêm Thành. Sau khi thắng trận, nhà vua cho người khắc dòng chữ Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong/ An Nam quá thử, tướng chu binh chiết (nghĩa là: Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất. An Nam qua đây, tướng chết binh tan) lên tảng đá khổng lồ này để ghi lại chiến công và làm cột mốc, phân định ranh giới giữa hai nước Đại Việt - Chiêm Thành.

Việc vua Lê Thánh Tông có khắc chữ trên núi Đá Bia hay không nhân dân vẫn xem đó là một huyền thoại, vì hiện nay trên chân núi này không tìm thấy một dòng chữ nào còn lưu lại. Dù vậy, ý nghĩa của huyền thoại này đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử về sự hình thành vùng đất Phú Yên.

Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đá Bia vào tuyên đỉnh - một trong chín chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại nội Huế. Cách đây hơn 63 năm, thi sĩ Hữu Loan khi trong đoàn quân Nam tiến hướng vào mặt trận đèo Cả, đã viết thi phẩm Đèo Cả nổi tiếng: Đèo Cả! Đèo Cả!/ Núi cao ngất/ Mây trời Ai Lao/ Sầu đại dương... Những người đi Nam tiến/ Dừng lại đây giữa đèo núi quê hương/ Tóc tai trùm vai rộng/ Không nhận ra người làng/ Rau khe cơm vắt áo pha màu sa trường/ Ngày thâu vượn hót/ Đêm canh gặp hùm lang thang...”.

Qua thời gian, núi Đá Bia vẫn hiên ngang sừng sững chọc trời. Năm 2000, Tỉnh đoàn Phú Yên đã triển khai dự án xây dựng con đường nhỏ lên đỉnh Đá Bia. Con đường này giúp cho những ai có ý định thử sức với độ cao tức ngực này.

Ngày 27- 3-2011, mở đầu cho Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Phú Yên đã tổ chức thành công “Giải leo núi chinh phục Đá Bia”. Giải đã thu hút sự chú ý của nhiều người trong và ngoài tỉnh. Tham gia giải có 39 vận động viên chuyên nghiệp đến từ các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Gia Lai, Đồng Nai, TP Hà Nội và chủ nhà Phú Yên tranh tài. Sau thời gian vượt dốc, vận động viên Tạ Thanh Xinh (Bình Thuận) đã trở thành người đầu tiên chinh phục núi Đá Bia.

Có thể nói đây là một cuộc thi có nhiều ý nghĩa, ghi dấu ấn mở đầu và hứa hẹn sự thành công cho hai sự kiện lớn: Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ và Phú Yên kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển.

Chống gậy leo núi

Hiện nay, ngoài sự thông thoáng của con đường, phong trào chinh phục đỉnh Đá Bia đã thôi thúc nhiều du khách đến với ngọn núi linh thiêng này. Để lên được đỉnh núi, du khách sẽ dừng chân trong khu du lịch sinh thái Hoàng Long dưới chân núi tại đèo Cả. Từ đây, người thực hiện hành trình leo núi phải chuẩn bị thức ăn, nước uống, chống gậy, mang balô... lên đỉnh. Tính theo đường chim bay, khoảng cách từ chân núi đến đỉnh núi khoảng 2,5km nhưng khi leo núi phải mất khoảng 3 giờ đi bộ.

Đi trên con đường độc đạo này tuy vất vả nhưng rất thích bởi dọc đường có nhiều điều hấp dẫn. Trước hết, đoạn đường ở chân núi dễ đi, thỉnh thoảng có chiếc cầu bêtông bắc qua suối, nước chảy róc rách, thi vị. Càng bước lên, ta thấy núi càng gần nhưng kỳ thực đi hoài mà chẳng thấy tới đích. Người leo núi nhất thiết phải chống gậy để lên được những bậc tam cấp, trèo lên những bậc đá cao, hẹp, luồn qua những cánh rừng.

Con đường nhỏ, hai bên cây rừng đủ loại. Du khách sẽ nhìn thấy cánh rừng nguyên sinh với những cây mìn lin cổ thụ, những cây cọ tuyệt đẹp, những loài cây rừng xòe tán mát rượi lá trổ nhiều màu đẹp tự nhiên trong tiết cuối xuân. Đi đường, du khách cũng sẽ thấy nhiều côn trùng ngộ nghĩnh, nhiều nhất là những con cuốn chiếu to bằng ngón chân cái đang khoanh tròn trong những cụm lá ủ khô.

Trước khi đến đỉnh, du khách sẽ qua một cốc cổng trời dựng đứng với 280 bậc tam cấp. Từ đây, du khách có thể ngắm viên đại thạch cao 76m khổng lồ vững chắc nằm lồng lộng giữa trời xanh, nhìn về biển đông trong xanh phẳng lỳ như chiếc gương, ngắm cả đồng lúa Tuy Hòa lớn nhất miền Trung, ngắm đèo Cả uốn cong như dải lụa mềm và những xóm làng nhỏ bé dọc theo cung biển song song với quốc lộ 1A.

Lên đỉnh Đá Bia ta sẽ được về với huyền thoại một thời lịch sử. Ngoài mục đích tham quan du lịch, du khách sẽ được “thử tài” và tự kiểm định sức khỏe của mình với một hành trình leo núi suốt 3 giờ. Lên đỉnh Đá Bia, ta được về với núi rừng thiên nhiên đích thực, nghe lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng...

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét