Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

(Tiếp theo)
Trở ra QL14D, bọn mình theo đường cũ hướng về QL14. Trọn khu vực rộng lớn với rừng núi chập chùng, bao la này vẫn thuộc huyện Nam Giang. Chính xác hơn nữa là thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh.

< Đoạn đường từ thác Grăng trở ra QL14D, lúc này đã loáng thoáng có ánh nắng rọi...

Theo thông tin từ web site huyện Phước Sơn: Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, giáp biên giới nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Với diện tích gồm 93.249 ha vùng lõi và 108.398 ha vùng đệm. Riêng khu vùng lõi được chia Thành 2 phân khu chức năng là khu bảo vệ nghiêm ngặt (75.373 ha) và khu phục hồi sinh thái (17.512 ha).

< Ra đến ngã 3 QL14D: mấy còn bò và dê còn đó nhưng cậu bé gặp khi nãy đã đi đâu mất. Hồi nãy ham thác nên vào nhanh, giờ ra định tặng tý quà thì trễ rồi, tiếc!

Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh có tổng số 831 loài thực vật bậc cao, đã được ghi nhận qua các đợt khảo sát vào năm 1997 và 1999 do WWF- Đông Dương và Viện điều tra quy hoạch rừng Việt Nam thực hiện. Trong số đó, có 23 loài hữu dụng, 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

< Trường tiểu học Tà Bhing - điểm trường Cà Dâng... với cổng khóa kín dù lúc này chỉ mới 9h55. Trường có hoạt động không nhỉ? Mong rằng vẫn còn để các em có được cái chữ, lớn thêm một tý lại có được cái nghề...

< Một chị người dân tộc ở rẫy về, lưng đeo gùi...

Hệ động vật rừng của khu bảo tồn này cũng rất đa dạng với danh mục gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá... Kết quả khảo sát cũng cho thấy sự hiện diện của nhiều loài thú lớn và hiếm như: hổ, báo, voi, voọc cá chân nâu, voọc cá chân xám, mang Trường Sơn...
Nơi đây phù hợp với những hoạt động nghiên cứu khoa học, khám phá, tìm hiểu...

< Đường vắng xe dù QL14D dẫn đến cửa khẩu Đắc Ốc giáp giới Lào. Thỉnh thoảng có chiếc xe ben chở đầy đất chạy ngang, chắc từ công trình thủy điện gần đó.

Đến khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, du khách còn có thể chiêm ngưỡng thác Grăng, cầu thác Nước và những cảnh đẹp nên thơ dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Khám phá những nét đặc trưng trong đời sống văn hoá vô cùng phong phú của đồng bào dân tộc Bh’noong.

< Chạy đến đây thì mình dừng lại, bỏ xe bên vệ đường. Phía trong là ngôi nhà nhỏ đặt trưng của người Cơ Tu với hai bác lớn tuổi đang nhìn dò xét bọn mình.
.
Bạn nghĩ gì khi bước đến hỏi chuyện trong ánh mắt dăm đăm của một người dân tộc mà tay ông cầm một loại dao dài cong cong, lưỡi sắc lẻm... thường thấy bà con hay dắt bên mình khi đi trên đường (Thú thật lúc đó ai mà dám chụp ảnh, ảnh này chụp sau đó vài mươi phút, lúc mình đã quen với mọi người ở đây).

< Qua vài câu hỏi, trả lời, dầu hơi khó hiểu một chút do cách phát âm... nhưng rồi câu chuyện cũng bắt đầu cởi mở hơn.
.
Bà xã tặng cậu bé trước nhà (chắc là cháu của ông bà) cái áo lạnh đẹp nhất trong mớ đồ mang theo, chiếc áo có viền lông - hơi rộng nhưng tuổi này mau lớn lắm.

< Những cô cậu bé gần đó còn e ngại dù bọn mình cười và vẫy tay gọi. Cuối cùng thì mình phải chủ động bước đến: kẹo nè bé ơi. Trông mặt em đăm đăm như vậy chứ mươi phút sau...

< ... thì vậy nè.
Tay cầm áo mới, miệng các em cứ líu rít như tiếng chim, bọn mình chả hiểu bọn trẻ nói gì - có trường không biết các em có được đi học không nhỉ?

< Rồi cái túi cũng nhẹ tâng. Đông vui khiến những người gần đó tò mò lại gần và... xin "Cho mình cái quần đi".
Không biết làm sao nên lấy luôn cái quần jin chưa mặc của mình ra tặng!
Trong chuyến phượt 6 ngày này: Dũng mình chỉ được bà xã xếp cho 3 cái quần - cái đang mặc là cái thứ 2, sáng giờ cày vào thác nên toàn mùi mồ hôi. Bi giờ tặng rồi thì mai phải lấy bộ đồ dơ của những bữa trước ra mặc! Không sao cả, 'ở dơ' chỉ hai ngày nữa thôi mà...
< Bỏ xừ chưa, còn sót cậu bé bơ vơ đàng kia. May mà còn kẹo, moi ra tặng các em hết.
Người ta có niềm vui nhưng bọn mình còn sung sướng bội phần. Chỉ là những món quà mọn không đáng gì, bọn mình ước mong được xem là chút tình của người phương xa.
< Bây giờ muốn có thêm đồ cũng... hổng có rồi! "Nửa kia" lấy luôn cái áo định dành mặc ngày mai cho chị gái kia... rồi lại đành phải hẹn: 'lần sau mình sẽ đem lên thêm' dù không biết lần sau là đến bao giờ.

< Rồi bọn mình cũng vẫy tay từ giã tiếp tục con đường đã đi. Phía trước sẽ là ngã 3 Bến Giằng, lúc này nắng khá gay gắt - điện thoại chỉ 10h15.

Chút thông tin về Nam Giang nhé:
Huyện Nam Giang nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, phía bắc giáp huyện Hiên (một huyện cũ của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Đông Giang và Tây Giang), phía tây là Lào (dài 72 Km đường biên giới), phía nam là huyện Phước Sơn, phía đông là huyện Đại Lộc và Quế Sơn.


< Giòng sông Thanh đỏ quạch phù sa chạy ven theo QL14D...

Huyện có diện tích 1.836km2 và dân số là 19.000 người. Huyện lỵ là thị trấn Thạnh Mỹ nằm trên đường Hồ Chí Minh, cách thành phố Đà Nẵng 60 km về hướng tây. Là nơi sinh sống của các dân tộc Ve, Cơ Tu, Tà Riềng...
< Nghe nói trước kia trong mùa lũ khá hung dữ với làn nước cuộn.

Các đơn vị hành chính của huyện Nam Giang gồm thị trấn Thạnh Mỹ và các xã: Cà Dy, Tà Bhing, Tà Pơơ, Đắk Pring, Đăk Pree, La Dêê, Chơ Chun, La Êê, Đắk Tôi, Chà Vàl, Zuôih. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên huyện được Chính phủ cho hưởng cơ chế như Tây Nguyên.
< Nhưng bây giờ thì như thế này: Rất nhiều đoạn trơ đá sỏi.

Do địa hình của huyện có nhiều sông suối, nên trong thời gian qua có nhiều đơn vị khảo sát, quy hoạch xây dựng thủy điện, hiện nay đã có 11 dự án về xây dựng thủy điện tại huyện Nam Giang. Trong đó, có dự án thủy điện Sông Bung 4 đang trong thời kỳ khởi công xây dựng với công suất 156MW.
< Qua cây cầu Km0 + 704 thì đến trung tâm hành chính huyện Nam Giang.

Nam Giang còn có vàng sa khoáng và vàng gốc, có trữ lượng đá vôi ở Thạnh Mỹ khá lớn hiện đang được lên kế hoạch thăm dò, khai thác và lập dự án xây dựng nhà máy xi măng tại Thạnh Mỹ.
< Ăng ten 'chảo' để xem truyền hình trước các nhà ven đường - có lẽ do nhà nước hỗ trợ món ăn tinh thần.

Website Nam Giang đã từng giới thiệu về du lịch của chính huyện mình: Nếu chỉ muốn khám phá một địa chỉ du lịch có tên Nam Giang, bạn chỉ mất khoảng 30 phút từ Đại Lộc trên quốc lộ 14B là dừng chân ở làng Rô, nơi che chở nuôi nấng cố nhà thơ Tố Hữu cùng nhiều chí sĩ cách mạng trong những lần băng rừng vượt ngục.
< Rời khỏi ngã 3 bến Giằng, QL14 bây giờ chạy theo sông Bung bên phải đường...
Nhưng nhìn kìa: lòng sông trơ đáy! Rừng Trường Sơn ngút ngàn, vậy nước đi đâu hết rồi? Hay do các thủy điện tóm gọn hết?

< Nắng bây giờ đã lên khá gắt. Thi thoảng trên đường lại có bóng ngươi dân tộc: chân xoải bước, lưng mang gùi,  vai khoác "lưỡi mác Tây nguyên" lóng lánh trong nắng.

< Xe mình thong dong chạy trên con đường vắng, nhìn phía phải trông như một nông trại nhỏ....

... Rồi dừng chân ở bến Giằng để lắng nghe khúc giao thủy của dòng sông Bung từng một thời là địa điểm gắn với các chiến công oai hùng. Là mạch nguồn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Những điều thú vị bỗng chốc ùa đến với bạn khi được tận mắt chiêm nghiệm những điều đã từng biết, đọc qua ở đâu đó hoặc với cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn bắt đầu từ ngã ba sông Bung.
< Bên trái là núi và rừng, bên phải không xa dòng sông Bung đâu.

Từ đây bạn có thể ngược trên quốc lộ 14D như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi. Một ngã ba có biển hướng dẫn, rẽ qua rẫy lúa, nương bắp, lúc ngang dọc qua suối là con đường dẫn đến thác Grăng. Đây là đoạn đường để lại dấu ấn nhiều nhất nơi du khách trong hành trình chinh phục “tam thác Grăng” (đây là con thác mà bọn mình vừa ra) bởi phải qua nhiều đoạn dốc, đường hẹp, ghềnh đá hiểm trở.
< Vượt qua cây cầu Sa Min, cắt ngang một phụ lưu của sông Bung. Đoạn sông này xem trên bản đồ lại mang tên Dak Mi.

Nhưng, bạn sẽ không dễ bỏ cuộc khi trên đường vào Grăng đã được kiến tạo sẵn những bộ ván dã chiến bằng thân cây, nhiều chiếc võng rừng bằng rễ cây tự nhiên làm những trạm nghỉ chân tiếp sức cho du khách.
< Nhưng tên gì thì tên, còn đáy nước vẫn trơ trọi...

Tất cả khó khăn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn. Đẹp nhất ở Grăng có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa trắng trên những vách đá bám rêu..
< Mình đã nghiên cứu đường trước khi đi - trong hướng dẫn mình đi có ghi rõ là sắp qua cầu: đường sẽ nằm bên phải sông.
Ngộ nghen, hồi ở Bến Giằng thì qua cầu: đường bên trái sông - giờ lại qua cầu để nằm bên phải...

< Đây rồi: cây cầu khá dài mang tên là cầu Xơi thuộc lý trình 1340 + 369.
"Xơi" đây chắc là bị xơi hết nước...

Suối nguồn trong trẻo Grăng tạo hấp lực mới để du khách tiếp tục khám phá Zơ Ra, một làng dệt Cơtu có từ lâu đời. Làng nhỏ, thanh bình với đàn bò ung dung gặm cỏ bên triền sông. Làng Cơtu nào cũng có người đan áo, dệt vải nhưng không đâu bằng Zơ Ra bởi nhà nhà đều có khung dệt với sản phẩm đặc trưng là những chiếc váy áo, tấm dồ thổ cẩm đính bằng những hạt cườm tinh xảo.
< ... nên dòng sông cuồn cuộn nước trước kia thì bây giờ như thế này nè.

Thổ cẩm Zơ Ra mang vẻ mềm mại như cách sống lặng lẽ của thiếu nữ Cơtu giữa rừng sâu. Sản phẩm giản đơn ở cách chế tác nhưng tinh xảo, cầu kỳ trong từng đường nét. Bạn lại sẽ có cảm giác thú vị khi được chứng kiến những sản phẩm này là chiếc cầu nối thêm sự gần gũi giữa hai dân tộc Lào - Việt anh em tại một phiên chợ sơ khai, bồng bềnh giữa màn sương trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển ở cửa khẩu Đắc Ốc...
< Một đường cong gần thôn Ngoi, phía trên núi là đường dây 500km Bắc Nam.

Nam Giang còn nghèo nhưng đẹp, nhiều tiềm năng để khai phá du lịch, khai thác khoáng sản, thủy điện... nhưng gìn giữ được những gì đang đã có cho ngày sau sẽ là bài toán khó trong việc hòa hợp giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên.
< Cột kilômet bên đường cho biết còn 37km nữa sẽ đến Khâm Đức. Mình đoán rằng thác Bà hoàng Mô ních không còn xa... nhưng không biết có đẹp như ảnh trên internet không với tình hình nước thế này.

< Áng chừng đây là địa phận thôn Rô...

Nhưng noi đây cũng cho bọn mình một ấn tượng khó phai nhòa về những cung đường, những ánh mắt và ngọn thác hoang sơ... mà nhất định bọn mình sẽ có ngày tái ngộ lại lần nữa.
Bây giờ, nơi bọn mình đang hướng đến là huyện Phước Sơn - Nơi dừng chân sẽ là thị trấn Khâm Đức, nơi từng có một thời người ta gọi là "Thị trấn giang hồ" với hàng ngàn người nhập cư tứ xứ về đây khai thác vàng...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18

0 nhận xét :

Đăng nhận xét