Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Từ cửa Ðông – thị xã Quảng Ngãi, theo đường về thắng cảnh Cổ Lũy – Cô Thôn chừng mười cây số là đến phố Thu Xà. Gọi là phố Thu Xà vì nơi đây vốn là một trung tâm buôn bán rất sầm uất của Quảng Ngãi, với hoạt động thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa biển của các nhà buôn bán lớn của người Thu Xà một thời nổi tiếng…

< Hoàng hôn Thu Xá.

Trong sách Quảng Ngãi tỉnh chí xuất bản năm 1933, tác giả Nguyễn Bá Trác từng viết: “Xưa nay sự buôn bán rất thuận lợi là ở phố Thu Xà vì món độc tôn xuất cảng ở Quảng Ngãi là đường…

Thu Xà đã tiện lợi về đường sông, những đường xuyên ngang của sông Trà Khúc và sông Vệ đều có thể vận tải về Thu Xà được, mà muốn chở đường xuất cảng thì cũng phải do đàng Thu Xà chở ra cửa Cổ Lũy”.
Ðúng vậy, Thu Xà có vị trí địa lý khá đặc biệt, phía nam giáp sông Vực Hồng – một nhánh của sông Vệ bị tách dòng chảy trước khi đổ ra biển qua cửa Lở – cách phố Thu Xà chừng một cây số; phía bắc – cách Thu Xà chừng bốn cây số là cửa Cổ Lũy (còn gọi là Cửa Ðại) nơi dòng Trà Khúc đổ ra biển, rất thuận lợi cho thông thương đường thủy nên người dân Thu Xà xưa đã biết lợi dụng vị thế này để mở rộng giao lưu buôn bán các sản vật với bên ngoài, và biến Thu Xà thành một thương cảng lớn trong khu vực, có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi xưa kia.

Thu Xá thuở ban đầu

Về mặt hành chính, phố Thu Xà trước đây nay thuộc thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, có diện tích tự nhiên hơn một cây số vuông, dân số chừng 2.500 người. Trước đây, nơi đây vốn có tên gọi là Vạn Thu Xà, thuộc làng Tiên Sà – tên làng đầu tiên khi người Việt đến khai phá và định cư tại vùng đất này. Theo sự lý giải của các cụ già trong thôn thì tên Tiên Sà có nghĩa là làng có đầu tiên và làng có nhiều bè rớ (tiên là trước, sà là bè – bè rớ). Mốc chính xác khi người Việt đến đây khai phá lập làng chưa được xác định, nhưng cũng phải từ rất sớm, rồi sau này do biến động chính trị ở Trung Quốc, nhà Thanh thay thế nhà Minh (thế kỷ 17), những người chống lại nhà Thanh ở Quảng Ðông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam theo đường biển đi về phương nam tìm nơi định cư.

Dần dần, do vị thế buôn bán thuận lợi, kinh tế phát triển, đã hình thành nên phố Thu Xà, bao gồm một phần đất của làng Tiên Sà và làng Hà Khê. Phố xưa nay chỉ còn lại trong ký ức của những người cao niên ở Thu Xà và một số người dân Quảng Ngãi. Ðó là ký ức về một thời Thu Xà từng là một trung tâm giao lưu buôn bán trong nam, ngoài bắc, rồi do chiến tranh tàn phá, lại do biến đổi dòng chảy của sông Vệ, sông Vực Hồng, đã gần như san phẳng phố Thu Xà xưa, vết tích còn lại chỉ là một số chùa chiền, hội quán, đình làng, lăng thờ của các cộng đồng người từng tụ cư sinh sống tại đất này.

Qua nhiều lần về Thu Xà, được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bậc cao niên trong thôn, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào về một thời thịnh vượng Thu Xà, để rồi xen lẫn cảm giác nuối tiếc bởi sự mất mát do sự biến đổi thời cuộc. Theo các cụ thì phố Thu Xà xưa kia không khác phố cổ Hội An ngày nay, nhưng quy mô phố xá có nhỏ hơn. Dòng sông Ðào (nay bị bồi lấp) là nơi tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa từ những chiếc ghe bầu ở các địa phương khác đến và mang hàng hóa sản xuất trong tỉnh như: đường, quế,… đi trao đổi, buôn bán khắp nước, đến tận Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc).

Dọc hai bên dòng sông Ðào là phố xá chủ yếu của người Minh Hương với đặc trưng kiến trúc Trung Hoa tại các chùa chiền, nhà cửa, kho tàng,… Mãi đến sau này, khoảng những năm 40 của thế kỷ 20, khi cửa Lở hẹp dần, sông Ðào bị bồi lấp, và yếu tố quyết định hơn cả là đường xe lửa vận chuyển hàng hóa được đưa vào sử dụng thì Thu Xà không còn là trung tâm giao lưu buôn bán và xuất nhập hàng hóa, sự thịnh vượng không còn nữa, để lại một phố cũ buồn lùi dần vào ký ức con người. Ðiều này được Bích Khê – một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, quê ở Thu Xà, cảm tác: Nơi đây: làng cũ buồn thu quạnh – Anh có khi nào trở lại chưa – … Nơi đây thành phố đời ngưng mạch – Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ…

< Làm nhang tại Thu Xá.

Trong chiến tranh, sau khi bị san phẳng thành bình địa vào năm 1972, đến năm 1975 người dân Thu Xà mới trở về đất cũ xây dựng lại xóm làng, nhưng những gì mà Thu Xà đã có đều được người dân trong làng ghi nhớ rất rõ, và hình ảnh về phố Thu Xà xưa cũng như truyền thống văn hóa – lịch sử của Thu Xà trở thành niềm tự hào trong mỗi người dân. Những vị cao niên trong làng đều nhớ và kể lại rất rõ lịch sử hình thành, truyền thống làng Thu Xà xưa cũng như nay, với niềm say mê và tự hào. Theo lời kể, đến thời Pháp thuộc thì bộ mặt Thu Xà đã có những thay đổi.

Xác định Thu Xà là một vị trí phát triển kinh tế – xã hội quan trọng, thực dân Pháp đã xây dựng ở đây một số thiết chế cai trị như: nhà bang tá, đồn lính, nhà bưu điện, bệnh viện, trường học,… biến Thu Xà trở thành một trung tâm phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ngãi. Trường Tiểu học Thu Xà được xây dựng từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã góp phần đào tạo nên nhiều trí thức vốn là người gốc gác ở trong làng như nhà thơ Bích Khê, Giáo sư Lê Hoài Nam, tiến sĩ Nguyễn Văn Tại; các tướng lĩnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam như Trần Tiến Cung, Phan Ðường,… Và họ đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống cách mạng quê hương xã Nghĩa Hòa anh hùng.

Ngoài những nhà thơ, nhà khoa học và tướng lĩnh quân đội xuất thân từ làng Thu Xà, ở đây còn có một nhà cách mạng nổi tiếng mà tên tuổi và hành động của ông đã khắc sâu trong lòng nhân dân Quảng Ngãi, tô đậm truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương, đó là nhà cách mạng Thái Thú.


< Chùa Ông Thu Xà (tên chữ Hán là Quan Thánh tự, hay Đại Tự Quan Thánh).

Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do ông lãnh đạo nổ ra tại Thu Xà vào năm 1894, dù thất bại do thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhưng hình ảnh của ông dũng mãnh dẫn quân đánh chiếm đồn Cổ Lũy rồi làm lễ tế cờ trước khi tiến đánh thành Quảng Ngãi đã để lại trong lòng nhân dân Thu Xà niềm kính phục. Ông bị thực dân Pháp bắt và xử chém tại làng Thu Xà. Nơi ông bị xử chém nay là ngôi trường trung học phổ thông Thu Xà, mộ ông hiện nay nằm khiêm nhường trong nghĩa trang liệt sĩ xã Nghĩa Hòa với tấm bia khắc ghi: “Nhà cách mạng Thái Thú, sinh năm Giáp Tuất, mất 24-12 năm Bính Thân”.

Ðến Thu Xà hôm nay, du khách thường đến thăm chùa Ông (Quan Thánh tự). Ðây là ngôi chùa còn giữ khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa, như là sự pha trộn kiểu kiến trúc của người Hoa và người Việt. Chùa được xây dựng vào năm 1821 do “tứ bang Minh Hương” (gồm Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Quảng Ðông) cùng tạo lập. Chùa có lối kiến trúc hình chữ tam, gồm ba tòa nhà liên kết nhau: tiền đường, chính điện và hậu cung.

Trong chùa Ông thờ rất nhiều tượng Quan Công, Chu Thượng, Quan Bình, Phật Bà Quan Âm, cụm tượng Thiên Hậu và Kim Ðẩu. Nét nổi bật của chùa Ông là nghệ thuật chạm khắc gỗ và trang trí hết sức tinh xảo, sinh động. Ðó là kỹ thuật đắp nổi, chạm nổi, chạm thủng ở các bình phong, khám thờ, trụ chống, vì kèo. Ðề tài trang trí nội thất chùa Ông khá phong phú và đa dạng, đó là các mô-típ dây leo thực vật, tứ linh, bát bảo, lưỡng long tranh châu, cành mai, hoa cúc. Nét độc đáo nhất là bốn vì kèo chồng rường giả thủ của nhà tiền đường chạm nổi đầu rồng với những đám mây lửa và hoa cúc được chạm khắc sắc sảo dưới các bề mặt… Dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng ở Thu Xà vẫn giữ được một số dấu tích văn hóa khá độc đáo.

< Kẹo gương Thu Xá.

Ngoài chùa Ông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia – tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc Hoa – Việt tồn tại ở Quảng Ngãi, thì rải rác khắp phố Thu Xà còn khá nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng được phân bố đan xen. Nếu như tín ngưỡng của người Hoa tại Thu Xà là các chùa chiền thờ Quan Thánh, Thiên hậu… được thờ tự tại chùa Ông, chùa Quảng Ðông và các chùa Hải Nam, chùa Quảng Châu (hai ngôi chùa này đã dời về TP Quảng Ngãi), thì tín ngưỡng của người Việt ở đây lại thờ cá Ông (lăng thờ cá Ông đã bị phá hủy nay chỉ còn lại di tích nền cũ, mà nhân dân gọi vùng này là gò Lăng), thờ Thiên Yana và một số di tích đình làng của người Việt.

Chính điều này làm cho Thu Xà mang một sắc thái văn hóa riêng, độc đáo biểu hiện khá sinh động sự tiếp nhận và giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt – Hoa. Biểu hiện rõ nét nhất là qua lối kiến trúc và sinh hoạt tín ngưỡng tại các chùa chiền và sinh hoạt kinh tế làng nghề truyền thống của Thu Xà. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, những giá trị văn hóa truyền thống mà làng Thu Xà còn lưu giữ được đến ngày hôm nay là quá ít so vốn văn hóa được tích lũy từ quá trình tồn tại, phát triển.

Thu Xà hôm nay không còn là “làng cũ buồn thu quạnh” nữa, mà đã là một thị tứ ngày một thay da đổi thịt và năng động trong kinh tế. Những nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của Thu Xà như: làm kẹo gương, dệt chiếu, làm vàng mã, làm thuốc bắc,… được khôi phục và phát triển, đã góp phần bảo đảm đời sống của người dân trong thôn.

Ðặc biệt, lễ hội chùa Ông – Thu Xà được phục dựng lại đã góp phần tô đậm nét văn hóa truyền thống của làng Thu Xà. Hy vọng với một truyền thống văn hóa đặc sắc của quê hương, người dân Thu Xà sẽ biết giữ và khôi phục phát triển để làm phong phú đời sống tinh thần và làm động lực thúc đẩy xây dựng đời sống kinh tế – văn hóa ngày một đi lên, biến Thu Xà thành một phố thị sầm uất tương xứng với vị thế mà một thời Thu Xà đã có.

Về nơi có “nàng lai khách”

Đã chuyển sang xuân nhưng tiết trời vẫn còn lành lạnh. Về Thu Xà (nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) những ngày này để lắng lòng mình trong phố xưa, nơi từng đi vào thơ ca có “nàng lai khách” mơ màng... của thi sĩ Bích Khê thì không còn gì bằng.

Rời con đường Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi ồn ào, chúng tôi trực chỉ hướng đông qua những xóm nhà, những cánh đồng lúa đương thì con gái. Sau những ngày rộn rã đón xuân, các thôn nữ Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng đã ra đồng, bón thêm phân, tháo thêm nước, giữ ấm cho gốc để lúa đẻ nhánh, ra đòng. Thoáng chốc, dòng sông nhỏ đã hiện ra bên chiếc cầu dưới ngã tư quán Láng. Đò cắm sào đứng đợi dưới rặng thông ngàn trong mưa phùn lất phất, không gian như ngưng đọng trong chiều xuân.

Phố xưa Thu Xà còn nhiều ngôi nhà dọc hai bên phố theo hình chữ đinh. Thong thả nện gót qua con phố dài, thi thoảng lại bắt gặp dấu xưa đọng lại trên cột kèo một ngôi nhà cổ. Theo những bậc cao niên, từ nhiều thế kỷ trước người Hoa ly hương đã chọn vùng đất ven cửa biển Cổ Lũy và cửa Lở cuối dòng sông Trà Khúc và sông Vệ để sinh sống. Cuộc “hợp hôn” giữa cư dân người Việt và Hoa kiều trong nhiều thế kỷ đã làm nên phố Thu Xà.

Từ Thu Xà, nhiều thương thuyền ngược dòng sông Trà Khúc, sông Vệ lên vùng cao Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long mua quế, cau, chè, mật ong, sa nhân rồi xuôi dòng sông về họp lại nơi đất Thu Xà, trước khi chuyển lên ghe bầu theo đường biển chở đi bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Khi trở về, những chuyến thuyền lại chở đầy tơ lụa, hàng hóa. Tại Thu Xà, để thuận lợi cho việc vận chuyển, mua bán, cư dân đã đào sông Vực Hồng chạy dọc phố tạo cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.

Nhớ quê xưa, nhiều dòng họ người Hoa đã bỏ tiền của lập nên chùa theo từng tỉnh như Triều Châu, Phúc Kiến, lập hội quán... Theo Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, Thu Xà trước gọi là Thu Sa. “Nơi đây nhà cửa trù mật, người Việt, người Tàu tụ hội buôn bán đông đúc giàu có. So với các hạt ở miền Nam thì phố này kém thua phố Hội An ở Quảng Nam mà thạnh hơn phố Tân Quan ở Bình Định, cũng gọi là một chỗ đô hội vậy”. Phố xưa đến nửa đầu thế kỷ 20 vẫn còn khá sầm uất. Cảnh đó, người đó đã làm nên nguồn cảm hứng để thi sĩ Bích Khê viết nên những dòng thơ sâu lắng về quê hương mình:

< Mộ Bích Khê tại Thu Xà, Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.

“Nơi đây thành phố đời ngưng mạch.
Mấy nàng lai khách vẫn buồn mơ
Đường lên hội quán sương khuya xuống
Đâu mấy chàng trai rõi nhớ hờ...
(Làng em)

“Mấy nàng lai khách” chính là hiện hữu của cuộc “hợp hôn” giữa cộng đồng người Việt và Hoa kiều trên đất Thu Xà. Tháng năm và chiến tranh nên Thu Xà đổ nát. Tuy vậy, vẫn còn ngôi chùa Ông thờ đức Quan Thánh cùng ngựa hồng và hàng trăm pho tượng, mà ngày thường hay dịp Tết Nguyên đán hàng ngàn du khách vẫn đổ về dâng hương.

Dạo quanh những đường phố nhỏ, viếng nhà thờ họ Lê mà sinh thời Bích Khê còn sống, thắp hương trên mộ Bích Khê thi si tài hoa phái tượng trưng, thả mình trong thơ, nhạc... khách lại cùng nhau đi dọc sông Vực Hồng ngắm nhìn trời mây, sông, biển. Thú nhất là được xem người dân ngụp lặn dưới sông Vực Hồng, sông Tân Mỹ cào don, nhủi hến rồi ghé quán bà Thương hoặc các hàng quán ven đường nhấm nháp bát don ngọt lịm, uống rượu với những món hải sản tươi sống mà quên đi cái lạnh sau tiết đông tàn vẫn còn vương vấn dịp đầu xuân...

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Quảng Ngãi Quê Tôi, TTO, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét