Cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, Aur - bản Cơ Tu trên đỉnh đại ngàn cao nhất ở xã A Vương, H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chẳng khác nào một bản làng treo giữa lưng trời, người dân quanh năm chỉ biết săn con thú, đi rẫy.
Có một điều rất lạ là những người biết đến tiền, biết đến những phương tiện hiện đại dưới đồng bằng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cuộc sống ở Aur lại rất no đủ, bản làng, con người Aur gọn gàng, sạch sẽ. Chính cái sự lạ này mà Chủ tịch UBND H. Tây Giang Bhriu Liếc đã gọi bản là: Aur là Singapore giữa đại ngàn xứ Quảng...
Không một phút nấn ná sau lời khơi gợi của ông chủ tịch huyện được mệnh danh là “người đi bộ nhiều nhất” - Bhriu Liếc, chúng tôi rời trung tâm H. Tây Giang để băng rừng đến với Aur.
Chuyến đi đầy mạo hiểm, nhưng vô cùng thú vị. Sạch sẽ, ấm no, trù phú là tất cả những gì chúng tôi được chứng kiến ở Aur. Có điều, đến được Aur không dễ, bất kỳ ai quyết định đi cần phải hội đủ các điều kiện: khỏe, kiên trì và cả chút lỳ lợm nữa.
< Đường lên Aur.
Từ trung tâm xã A Vương, mất 30 phút vượt qua những con dốc dựng đứng bằng xe máy, chúng tôi đến đầu thôn Zaréch theo lời chỉ đường của Đhơn - chàng giao liên xã - người định sẽ dẫn đường đưa chúng tôi đến Aur, nhưng vướng mắc chuyện gia đình, anh đành quay về. 13 giờ 30, nghe tôi đặt vấn đề nhờ người của thôn dẫn đường đến Aur, Đhơn cùng trai làng Zaréch tròn xoe mắt như chưa từng nhìn thấy người Kinh.
Những ánh mắt lạ lẫm làm tôi dự cảm được những khó khăn phía trước, nhưng tôi quyết đi bằng được. “Giờ này đi Aur không được đâu, nguy hiểm lắm. Chỉ những ai mệnh danh là vua đi núi mới kịp giờ, bằng không, trời tối, gặp mưa rừng thì chỉ có nước ngủ đứng giữa đại ngàn” - Đhơn cảnh báo. Phải năn nỉ tới 5 người tôi mới nhận được cái gật đầu của chàng thanh niên Bhlinh Chứt với mức thù lao 150.000 đồng.
Cuộc hành trình vượt suối của chúng tôi bị dằn mặt bởi con dốc dựng đứng hàng trăm mét của ngọn núi đầu tiên - núi T’Rong. Bhlinh Chứt cười bảo: “Dốc này à, chuyện vặt. Cứ đi rồi biết, đường đến Aur xa gần 10km, còn hàng trăm chỗ khác kinh hãi hơn nhiều”. Không phải là Bhlinh Chứt dọa mà suốt chặng đường đến Aur luôn đưa tôi vào thế tim đập, chân run bần bật mỗi khi nín thở qua những triền núi chênh vênh bên miệng vực. “Eo ôi khiếp” - phản ứng phát ra từ cửa miệng tôi khi đặt chân đến con dốc đất lở ngoằn ngoèo vắt qua miệng vực rộng chừng 20cm.
Như Đhơn đã nói từ trước, tôi bắt đầu thấy nản, nhưng đã đâm lao đành phải theo lao. Tôi nhắm mắt, khẩn trời đất ban cho mọi chuyện suôn sẻ rồi run rẩy nhích từng bước một. Vượt qua 10 ngọn núi cao (T’Rong, Ke, Can coo, Venv, Vo, Qrang, Put, Gia ruou, A Cách, Aur) ghép với nhau trải dài theo hình bậc thang, đến 18 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi mới hổn hển bò lên tới Aur. Tưởng như hết bị hành, dè đâu vẫn còn một thử thách nữa, đó là hành trình vượt 372 bậc tam cấp bằng gỗ dựng đứng để đặt chân đến đỉnh bản Aur - một sáng kiến của người Aur mà tôi chưa gặp ở bất kỳ bản dân tộc người Cơ Tu nào.
Trước mắt tôi, xung quanh bạt ngàn mây trắng. Aur theo như cảm nhận đầu tiên của tôi là: Sống ở trên trời. Nhiều lúc tôi cảm nhận, chỉ vài cái tay với thôi dường như tôi đã chạm tới trời xanh, còn Trường Sơn đại ngàn như ở đâu đó dưới kia, xa tít tắp...
< Già làng Alăng Zèng kể chuyện về con đường đến AUR.
Đêm. Bên ché rượu cần, đĩa cá liên đãi khách quý, già làng Alăng Zèng say sưa kể những câu chuyện về con đường đến Aur. “Chính già làng như tôi, hàng chục năm kinh nghiệm lên xuống còn thấy sợ, huống hồ gì cán bộ (tôi – P.V). Vất vả lắm, nên chỉ khi có việc thật cần thiết thì người ở Aur mới xuống núi, còn không thì 3-4 tháng xuống một lần để mua ít đồ khô, dầu ăn, muối phòng cho mùa mưa lũ”.
Rồi già làng chứng minh: Năm ngoái, để sắm cho gia đình chiếc tủ (mua dưới A Vương), già làng phải huy động hơn 20 thanh thiếu niên xuống núi. Cậy là chiếc tủ được tháo rời ra, mỗi người mang một phần để vượt núi. Bình thường, đi người không hết hơn 4 giờ đồng hồ thì lần ấy mọi người đi từ 9 giờ sáng tới xế chiều mới thấu Aur...
Câu chuyện khác của 2 thầy giáo ở Aur Lê Nam Uyên (1977, quê Bình An, Thăng Bình), thầy Dương Đông, quê Hiệp Đức – (chuyện thầy Uyên và thầy Đông tôi sẽ kể ở những kỳ sau) cũng vậy: Mấy năm trước, khi đưa những chiếc bảng lên dạy chữ cho học sinh phải huy động hàng chục người. “6-8 người khiêng một tấm bảng, đánh vật suốt gần 10 giờ đồng hồ chúng tôi mới mang được lên bản.
Nguy hiểm lắm, chỉ cần tích tắc sẩy chân coi như mạng sống của chúng tôi làm mồi cho vực thẳm, nhưng buộc phải vận chuyển lên để lấy phương tiện dạy chữ cho học sinh” - thầy Uyên tâm sự...
Đường lên Aur, tóm lại mang theo bất kỳ vật dụng lớn nhỏ gì đều gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mà lâu lâu người dân có dịp xuống núi cũng chỉ dám gùi lên vài chai dầu ăn nho nhỏ, gói mì chính và ít muối trắng. Sẽ phải trả giá bất cứ lúc nào nếu tham lam gùi nhiều. Già Alăng Zèng tiếp câu chuyện: Cách đây chừng một tuần, thằng Alăng Teo bắt (cưới) được vợ dưới thôn Zaréch. Hôm nhà trai xuống đưa dâu lên, vì có nhiều lễ vật nên suốt từ 6 giờ sáng tới chiều tối đoàn người mới lên được đến Aur.
Khó khăn về chuyện mang theo đồ lễ đã đành, thêm vào đó là do người dưới đó leo núi không quen nên thời gian đi lâu hơn vì phải nghỉ nhiều chặng. Rất may là không có chuyện gì xảy ra.
Singapore giữa đại ngàn xứ Quảng
Khép lại những câu chuyện khổ ải của con đường đến Aur đêm hôm trước, sáng hôm sau, già làng Alăng Zèng dẫn tôi đến giới thiệu với già làng cũ Ating Avi (95 tuổi, “về hưu” mấy năm trước) trước khi đưa đi tham quan. Sương sớm giăng đầy, Alăng Zèng đốt điếu thuốc trên chiếc tẩu, vừa dẫn tôi đi khắp bản vừa phấn khởi khoe về sự trù phú, giàu có và sạch sẽ của Aur. Quá nửa buổi, khi sương mù dần tan, Aur hiện ra đẹp như một bức tranh.
Bể tắm giặt của bản sạch sẽ, nước trong veo, chảy ào ạt cả ngày đêm, mát rượi. Trẻ con kéo nhau thành nhóm tròn mắt lạ lẫm nhìn khách rồi cười sung sướng trước ống kính máy ảnh chớp lia lịa. Lạ thật, tôi từng đến hàng chục bản làng người Cơ Tu, nhưng không giống những nơi ấy, trẻ em ở Aur da trắng trẻo, sạch sẽ quá.
< Nụ cười rạng rỡ của người Aur đón khách trên đỉnh đại ngàn.
Vừa tan buổi kiểm tra bài trên lớp, chị em Alăng Ngọc và Alăng Mai cười giòn tan khi tôi đưa ống kính máy ảnh lên. “Con được mấy tuổi?”. Ngọc lễ phép thưa: “Dạ năm nay con 10 tuổi, học lớp 4, còn em Mai 7 tuổi, mới học lớp 1”. Rồi Ngọc khoe, bố mẹ đi rẫy từ 5 ngày trước nhưng ở nhà hai chị vẫn đến lớp của thầy Uyên học bài, buổi nào cũng được thầy khen, cho điểm 9, điểm 10. “Chị em cháu thích học chữ của thầy Uyên, nên sẽ giữ thầy ở lại mãi thôi, không cho thầy về xuôi nữa” - Alăng Ngọc hồn nhiên...
Già làng Alăng Zèng tiếp tục dẫn tôi vào thăm từng gia đình trong bản. Những căn nhà được cất bằng gỗ, nhỏ nhắn, sạch sẽ, tươm tất đến không ngờ. Thấy tôi ra ngoài vứt điếu thuốc lá vừa tàn, thầy giáo Uyên kéo lại nhắc nhở: “May mà không ai nhìn thấy, không thì anh mất điểm với người dân rồi!”.
Đến lúc này tôi mới “ngấm” câu nói của Chủ tịch UBND H. Tây Giang và thán phục người Aur, bản Aur. Mỗi ngày 3 lần như lệ bản đã ban (sáng, đầu chiều và chiều tối), người già, trẻ em phải tập trung quét dọn nhà cửa, sân bản, nhà nào để phát hiện có rác, bụi bặm thì bị nhắc nhở, phê bình trong những lần họp thôn. “Không phải phê bình một lần mà nói miết cho phát ngại, khó chịu trong người để rồi đừng bao giờ tái phạm nữa” - Già Alăng Zèng cười.
Dạo hết một vòng, già làng Alăng Zèng đưa tôi về lại nhà mình để giới thiệu những vật dụng quý hiếm. Hấp dẫn nhất là bộ sưu tập chum, ché, chiêng cổ già đang sở hữu. Chỉ tay lên tường, già say sưa nói về cặp ché cổ có hình đôi rồng uốn lượn, hãnh diện: “Đây là cặp ché Rồng, có từ thời cụ, kỵ của tôi, nay nó đã hơn 200 năm tuổi. Nhiều lần bản làng ly tán đổi thay, di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, mất đi nhiều thứ lắm, nhưng với những cặp ché và chiêng cổ này, tôi luôn đeo nó bên mình như hình với bóng.
< Già làng đang giới thiệu với tôi bộ sưu tập chiêng, ché gia truyền.
Có nhiều người đòi đổi vàng, trả tôi tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, nhưng tôi không bán đổi. Có lần gặp người Kinh lên núi săn mật ong rừng, đòi đổi mấy chiếc xe máy để được sở hữu cặp ché này nhưng tôi cũng không duyệt vì đó là vật gia truyền”. Tôi tò mò, đưa tay chạm vào những hình đôi rồng được khắc họa tinh xảo trên cặp ché. Từng nét vân xanh biếc nổi lên trên nền sứ trắng như ngọc.
Alăng Zèng tỉ mẩn nói tiếp về cặp ché hoa: Cặp ché này gần 300 năm rồi đấy, nó có tên là Hoa giấy. Trước đây khi qua đời, ông cụ tôi có bảo rằng, nó giá trị gấp 3 lần cặp ché Rồng. Bên cạnh đó là chiếc ché có tên là ché Thượng Thùy. Nghe cái tên thì nhớ chứ thực ra tôi cũng chẳng hiểu nghĩa là gì, tuy nhiên tôi đoán rằng, đích thị phải là vật gia bảo, vì khi ông cụ mất đã kéo tôi lại trăn trối rằng, mất cái gì cũng được chứ ché Thượng Thùy không được để tuột khỏi tay".
Trước ánh mắt thán phục của tôi về bộ sưu tập chiêng, ché, già làng Alăng Zèng cất giọng cười lớn, rồi nắm tay tôi dắt qua nhà cụ Alăng Tinh - mẹ của già. Cụ bà năm nay đã quá trăm tuổi, đẹp lão, cặp mắt sáng tinh anh. Trong sàn nhà sạch sẽ ngăn nắp, thơm tho mùi gỗ, gia sản của cụ cũng là những bộ ché chạm hình rồng, hoa giấy và chiêng cổ. “Trước đây nhiều lắm, nhưng cho con cái hết. Thời thằng Alăng Zèng cưới vợ phải cho nó mấy cặp ché giá trị nhất rồi” - cụ móm mém miệng chậm rãi nói từng lời.
Nhìn cơ ngơi chum ché, chiêng cổ của gia đình già làng, cặp mắt tôi dần hoa đi vì sự tinh xảo của nó. Chẳng phải là tay buôn đồ cổ để có thể thẩm định được chất lượng, thời gian xuất xứ, nhưng với những gì được nghe lại từ tấm chân tình thật thà của người Aur, tôi chắc rằng, giá trị của nó khó mà đong đếm được.
Chiều. Trưởng bản Alăng Phốt bước lên đầu bản sau mấy ngày đi rẫy về. Nghe già làng giới thiệu, Alăng Phốt giơ cao xâu ếch rừng cùng giỏ cá niêng - hai đặc sản mà mỗi lần đi rừng, đi suối bắt được để dành khi nào Aur có lễ hội hoặc khách lạ mới thiết đãi, hồ hởi nói: "Khách gặp may rồi, tối nay đừng ngại, cứ thoải mái xài đặc sản của Aur nhé”. Nhanh như cắt, sau sự tập trung con cháu dưới bếp, mâm cơm trắng được dọn ra trong nhà Gươi. Mùi thịt ếch kho thơm phức, cá niêng nướng xiên béo ngậy.
Alăng Phốt tự hào: “Có lẽ năm 2009 và 2010 Aur được mùa khách đến thăm”. Nói rồi Alăng Phốt giở ra tờ giấy nhỏ có ghi lại cuộc gặp gỡ với người lạ hồi trước Tết Canh Dần đọc lớn: “Nhà báo Thanh Hải, báo Lao ĐộNG và nhà báo Nam Cường, báo Tiền Phong lên phỏng vấn. Hôm nay lại có nhà báo lên, người trong bản vui lắm”. Bữa rượu sắn, cá niêng, ếch núi cùng những câu chuyện về Aur kéo dài tới hơn nửa đêm. Già làng hứa với tôi, ngày mai sẽ cho tiếp xúc với một kỳ nhân của Aur - cụ già Alăng Thảo - nhân vật mà hàng chục năm qua, người Aur xem là anh hùng...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Du lịch, GO! - Theo CAND, Infonet
Có một điều rất lạ là những người biết đến tiền, biết đến những phương tiện hiện đại dưới đồng bằng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cuộc sống ở Aur lại rất no đủ, bản làng, con người Aur gọn gàng, sạch sẽ. Chính cái sự lạ này mà Chủ tịch UBND H. Tây Giang Bhriu Liếc đã gọi bản là: Aur là Singapore giữa đại ngàn xứ Quảng...
Không một phút nấn ná sau lời khơi gợi của ông chủ tịch huyện được mệnh danh là “người đi bộ nhiều nhất” - Bhriu Liếc, chúng tôi rời trung tâm H. Tây Giang để băng rừng đến với Aur.
Chuyến đi đầy mạo hiểm, nhưng vô cùng thú vị. Sạch sẽ, ấm no, trù phú là tất cả những gì chúng tôi được chứng kiến ở Aur. Có điều, đến được Aur không dễ, bất kỳ ai quyết định đi cần phải hội đủ các điều kiện: khỏe, kiên trì và cả chút lỳ lợm nữa.
< Đường lên Aur.
Từ trung tâm xã A Vương, mất 30 phút vượt qua những con dốc dựng đứng bằng xe máy, chúng tôi đến đầu thôn Zaréch theo lời chỉ đường của Đhơn - chàng giao liên xã - người định sẽ dẫn đường đưa chúng tôi đến Aur, nhưng vướng mắc chuyện gia đình, anh đành quay về. 13 giờ 30, nghe tôi đặt vấn đề nhờ người của thôn dẫn đường đến Aur, Đhơn cùng trai làng Zaréch tròn xoe mắt như chưa từng nhìn thấy người Kinh.
Những ánh mắt lạ lẫm làm tôi dự cảm được những khó khăn phía trước, nhưng tôi quyết đi bằng được. “Giờ này đi Aur không được đâu, nguy hiểm lắm. Chỉ những ai mệnh danh là vua đi núi mới kịp giờ, bằng không, trời tối, gặp mưa rừng thì chỉ có nước ngủ đứng giữa đại ngàn” - Đhơn cảnh báo. Phải năn nỉ tới 5 người tôi mới nhận được cái gật đầu của chàng thanh niên Bhlinh Chứt với mức thù lao 150.000 đồng.
Cuộc hành trình vượt suối của chúng tôi bị dằn mặt bởi con dốc dựng đứng hàng trăm mét của ngọn núi đầu tiên - núi T’Rong. Bhlinh Chứt cười bảo: “Dốc này à, chuyện vặt. Cứ đi rồi biết, đường đến Aur xa gần 10km, còn hàng trăm chỗ khác kinh hãi hơn nhiều”. Không phải là Bhlinh Chứt dọa mà suốt chặng đường đến Aur luôn đưa tôi vào thế tim đập, chân run bần bật mỗi khi nín thở qua những triền núi chênh vênh bên miệng vực. “Eo ôi khiếp” - phản ứng phát ra từ cửa miệng tôi khi đặt chân đến con dốc đất lở ngoằn ngoèo vắt qua miệng vực rộng chừng 20cm.
Như Đhơn đã nói từ trước, tôi bắt đầu thấy nản, nhưng đã đâm lao đành phải theo lao. Tôi nhắm mắt, khẩn trời đất ban cho mọi chuyện suôn sẻ rồi run rẩy nhích từng bước một. Vượt qua 10 ngọn núi cao (T’Rong, Ke, Can coo, Venv, Vo, Qrang, Put, Gia ruou, A Cách, Aur) ghép với nhau trải dài theo hình bậc thang, đến 18 giờ 30 cùng ngày, chúng tôi mới hổn hển bò lên tới Aur. Tưởng như hết bị hành, dè đâu vẫn còn một thử thách nữa, đó là hành trình vượt 372 bậc tam cấp bằng gỗ dựng đứng để đặt chân đến đỉnh bản Aur - một sáng kiến của người Aur mà tôi chưa gặp ở bất kỳ bản dân tộc người Cơ Tu nào.
Trước mắt tôi, xung quanh bạt ngàn mây trắng. Aur theo như cảm nhận đầu tiên của tôi là: Sống ở trên trời. Nhiều lúc tôi cảm nhận, chỉ vài cái tay với thôi dường như tôi đã chạm tới trời xanh, còn Trường Sơn đại ngàn như ở đâu đó dưới kia, xa tít tắp...
< Già làng Alăng Zèng kể chuyện về con đường đến AUR.
Đêm. Bên ché rượu cần, đĩa cá liên đãi khách quý, già làng Alăng Zèng say sưa kể những câu chuyện về con đường đến Aur. “Chính già làng như tôi, hàng chục năm kinh nghiệm lên xuống còn thấy sợ, huống hồ gì cán bộ (tôi – P.V). Vất vả lắm, nên chỉ khi có việc thật cần thiết thì người ở Aur mới xuống núi, còn không thì 3-4 tháng xuống một lần để mua ít đồ khô, dầu ăn, muối phòng cho mùa mưa lũ”.
Rồi già làng chứng minh: Năm ngoái, để sắm cho gia đình chiếc tủ (mua dưới A Vương), già làng phải huy động hơn 20 thanh thiếu niên xuống núi. Cậy là chiếc tủ được tháo rời ra, mỗi người mang một phần để vượt núi. Bình thường, đi người không hết hơn 4 giờ đồng hồ thì lần ấy mọi người đi từ 9 giờ sáng tới xế chiều mới thấu Aur...
Câu chuyện khác của 2 thầy giáo ở Aur Lê Nam Uyên (1977, quê Bình An, Thăng Bình), thầy Dương Đông, quê Hiệp Đức – (chuyện thầy Uyên và thầy Đông tôi sẽ kể ở những kỳ sau) cũng vậy: Mấy năm trước, khi đưa những chiếc bảng lên dạy chữ cho học sinh phải huy động hàng chục người. “6-8 người khiêng một tấm bảng, đánh vật suốt gần 10 giờ đồng hồ chúng tôi mới mang được lên bản.
Nguy hiểm lắm, chỉ cần tích tắc sẩy chân coi như mạng sống của chúng tôi làm mồi cho vực thẳm, nhưng buộc phải vận chuyển lên để lấy phương tiện dạy chữ cho học sinh” - thầy Uyên tâm sự...
Đường lên Aur, tóm lại mang theo bất kỳ vật dụng lớn nhỏ gì đều gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy mà lâu lâu người dân có dịp xuống núi cũng chỉ dám gùi lên vài chai dầu ăn nho nhỏ, gói mì chính và ít muối trắng. Sẽ phải trả giá bất cứ lúc nào nếu tham lam gùi nhiều. Già Alăng Zèng tiếp câu chuyện: Cách đây chừng một tuần, thằng Alăng Teo bắt (cưới) được vợ dưới thôn Zaréch. Hôm nhà trai xuống đưa dâu lên, vì có nhiều lễ vật nên suốt từ 6 giờ sáng tới chiều tối đoàn người mới lên được đến Aur.
Khó khăn về chuyện mang theo đồ lễ đã đành, thêm vào đó là do người dưới đó leo núi không quen nên thời gian đi lâu hơn vì phải nghỉ nhiều chặng. Rất may là không có chuyện gì xảy ra.
Singapore giữa đại ngàn xứ Quảng
Khép lại những câu chuyện khổ ải của con đường đến Aur đêm hôm trước, sáng hôm sau, già làng Alăng Zèng dẫn tôi đến giới thiệu với già làng cũ Ating Avi (95 tuổi, “về hưu” mấy năm trước) trước khi đưa đi tham quan. Sương sớm giăng đầy, Alăng Zèng đốt điếu thuốc trên chiếc tẩu, vừa dẫn tôi đi khắp bản vừa phấn khởi khoe về sự trù phú, giàu có và sạch sẽ của Aur. Quá nửa buổi, khi sương mù dần tan, Aur hiện ra đẹp như một bức tranh.
Bể tắm giặt của bản sạch sẽ, nước trong veo, chảy ào ạt cả ngày đêm, mát rượi. Trẻ con kéo nhau thành nhóm tròn mắt lạ lẫm nhìn khách rồi cười sung sướng trước ống kính máy ảnh chớp lia lịa. Lạ thật, tôi từng đến hàng chục bản làng người Cơ Tu, nhưng không giống những nơi ấy, trẻ em ở Aur da trắng trẻo, sạch sẽ quá.
< Nụ cười rạng rỡ của người Aur đón khách trên đỉnh đại ngàn.
Vừa tan buổi kiểm tra bài trên lớp, chị em Alăng Ngọc và Alăng Mai cười giòn tan khi tôi đưa ống kính máy ảnh lên. “Con được mấy tuổi?”. Ngọc lễ phép thưa: “Dạ năm nay con 10 tuổi, học lớp 4, còn em Mai 7 tuổi, mới học lớp 1”. Rồi Ngọc khoe, bố mẹ đi rẫy từ 5 ngày trước nhưng ở nhà hai chị vẫn đến lớp của thầy Uyên học bài, buổi nào cũng được thầy khen, cho điểm 9, điểm 10. “Chị em cháu thích học chữ của thầy Uyên, nên sẽ giữ thầy ở lại mãi thôi, không cho thầy về xuôi nữa” - Alăng Ngọc hồn nhiên...
Già làng Alăng Zèng tiếp tục dẫn tôi vào thăm từng gia đình trong bản. Những căn nhà được cất bằng gỗ, nhỏ nhắn, sạch sẽ, tươm tất đến không ngờ. Thấy tôi ra ngoài vứt điếu thuốc lá vừa tàn, thầy giáo Uyên kéo lại nhắc nhở: “May mà không ai nhìn thấy, không thì anh mất điểm với người dân rồi!”.
Đến lúc này tôi mới “ngấm” câu nói của Chủ tịch UBND H. Tây Giang và thán phục người Aur, bản Aur. Mỗi ngày 3 lần như lệ bản đã ban (sáng, đầu chiều và chiều tối), người già, trẻ em phải tập trung quét dọn nhà cửa, sân bản, nhà nào để phát hiện có rác, bụi bặm thì bị nhắc nhở, phê bình trong những lần họp thôn. “Không phải phê bình một lần mà nói miết cho phát ngại, khó chịu trong người để rồi đừng bao giờ tái phạm nữa” - Già Alăng Zèng cười.
Dạo hết một vòng, già làng Alăng Zèng đưa tôi về lại nhà mình để giới thiệu những vật dụng quý hiếm. Hấp dẫn nhất là bộ sưu tập chum, ché, chiêng cổ già đang sở hữu. Chỉ tay lên tường, già say sưa nói về cặp ché cổ có hình đôi rồng uốn lượn, hãnh diện: “Đây là cặp ché Rồng, có từ thời cụ, kỵ của tôi, nay nó đã hơn 200 năm tuổi. Nhiều lần bản làng ly tán đổi thay, di cư từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, mất đi nhiều thứ lắm, nhưng với những cặp ché và chiêng cổ này, tôi luôn đeo nó bên mình như hình với bóng.
< Già làng đang giới thiệu với tôi bộ sưu tập chiêng, ché gia truyền.
Có nhiều người đòi đổi vàng, trả tôi tiền triệu, thậm chí vài chục triệu, nhưng tôi không bán đổi. Có lần gặp người Kinh lên núi săn mật ong rừng, đòi đổi mấy chiếc xe máy để được sở hữu cặp ché này nhưng tôi cũng không duyệt vì đó là vật gia truyền”. Tôi tò mò, đưa tay chạm vào những hình đôi rồng được khắc họa tinh xảo trên cặp ché. Từng nét vân xanh biếc nổi lên trên nền sứ trắng như ngọc.
Alăng Zèng tỉ mẩn nói tiếp về cặp ché hoa: Cặp ché này gần 300 năm rồi đấy, nó có tên là Hoa giấy. Trước đây khi qua đời, ông cụ tôi có bảo rằng, nó giá trị gấp 3 lần cặp ché Rồng. Bên cạnh đó là chiếc ché có tên là ché Thượng Thùy. Nghe cái tên thì nhớ chứ thực ra tôi cũng chẳng hiểu nghĩa là gì, tuy nhiên tôi đoán rằng, đích thị phải là vật gia bảo, vì khi ông cụ mất đã kéo tôi lại trăn trối rằng, mất cái gì cũng được chứ ché Thượng Thùy không được để tuột khỏi tay".
Trước ánh mắt thán phục của tôi về bộ sưu tập chiêng, ché, già làng Alăng Zèng cất giọng cười lớn, rồi nắm tay tôi dắt qua nhà cụ Alăng Tinh - mẹ của già. Cụ bà năm nay đã quá trăm tuổi, đẹp lão, cặp mắt sáng tinh anh. Trong sàn nhà sạch sẽ ngăn nắp, thơm tho mùi gỗ, gia sản của cụ cũng là những bộ ché chạm hình rồng, hoa giấy và chiêng cổ. “Trước đây nhiều lắm, nhưng cho con cái hết. Thời thằng Alăng Zèng cưới vợ phải cho nó mấy cặp ché giá trị nhất rồi” - cụ móm mém miệng chậm rãi nói từng lời.
Nhìn cơ ngơi chum ché, chiêng cổ của gia đình già làng, cặp mắt tôi dần hoa đi vì sự tinh xảo của nó. Chẳng phải là tay buôn đồ cổ để có thể thẩm định được chất lượng, thời gian xuất xứ, nhưng với những gì được nghe lại từ tấm chân tình thật thà của người Aur, tôi chắc rằng, giá trị của nó khó mà đong đếm được.
Chiều. Trưởng bản Alăng Phốt bước lên đầu bản sau mấy ngày đi rẫy về. Nghe già làng giới thiệu, Alăng Phốt giơ cao xâu ếch rừng cùng giỏ cá niêng - hai đặc sản mà mỗi lần đi rừng, đi suối bắt được để dành khi nào Aur có lễ hội hoặc khách lạ mới thiết đãi, hồ hởi nói: "Khách gặp may rồi, tối nay đừng ngại, cứ thoải mái xài đặc sản của Aur nhé”. Nhanh như cắt, sau sự tập trung con cháu dưới bếp, mâm cơm trắng được dọn ra trong nhà Gươi. Mùi thịt ếch kho thơm phức, cá niêng nướng xiên béo ngậy.
Alăng Phốt tự hào: “Có lẽ năm 2009 và 2010 Aur được mùa khách đến thăm”. Nói rồi Alăng Phốt giở ra tờ giấy nhỏ có ghi lại cuộc gặp gỡ với người lạ hồi trước Tết Canh Dần đọc lớn: “Nhà báo Thanh Hải, báo Lao ĐộNG và nhà báo Nam Cường, báo Tiền Phong lên phỏng vấn. Hôm nay lại có nhà báo lên, người trong bản vui lắm”. Bữa rượu sắn, cá niêng, ếch núi cùng những câu chuyện về Aur kéo dài tới hơn nửa đêm. Già làng hứa với tôi, ngày mai sẽ cho tiếp xúc với một kỳ nhân của Aur - cụ già Alăng Thảo - nhân vật mà hàng chục năm qua, người Aur xem là anh hùng...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3
Du lịch, GO! - Theo CAND, Infonet
0 nhận xét :
Đăng nhận xét