Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Thị trấn dưới chân Hòn Ngang...
Gió Hòn Ngang thổi sang núi Lá,
Mai em về anh trả nghĩa nhơn.
Lời nguyền đành rã keo sơn,
Cầm bằng như kẻ chơi đờn đứt dây.
.
Gió Hòn Ngang thổi sang Hòn Ó,                    
Trăng Hòn Ó soi tỏ Hòn Ngang.
Mai em về cách trở quan san,
Một lời thề thốt đá vàng em mang theo.

Hòn Ngang nằm chênh chếch từ đông sang tây thị trấn Củng Sơn, dài hơn cây số, cao chừng 35m. Trước kia núi có nhiều cây rậm rạp, sau đó dân làm rẫy phân chia thành từng khoảng nhỏ trồng các loại cây lương thực ngắn ngày.

Phía đông núi thoai thoải, phố xá nhà cửa xây dựng đẹp đẽ, khang trang. Trước năm 1945 và trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, dưới chân Hòn Ngang dân ở rải rác. Trong vòng 25 năm nay, nơi này đã trở thành huyện lỵ khang trang, đông đúc.

Phía tây Hòn Ngang, cùng với sự phát triển, bộ mặt thị trấn Củng Sơn của huyện miền núi Sơn Hòa ngày càng khởi sắc.

Củng Sơn nguyên là thôn Phước Sơn thuộc Tổng Thượng, huyện Đồng Xuân, đông và bắc giáp thôn An Hội Tân Lập, tây giáp suối Thá, nam giáp thôn Đà Rằng. Năm 1832, vua Minh Mạng chia lại đơn vị hành chánh. Huyện Tuy Hòa mở ra phía bắc sông Đà Rằng bao gồm làng Củng Sơn thuộc tổng Hòa Bình.

Năm 1899, Thành Thái thứ 11, huyện Sơn Hòa được thành lập, Củng Sơn là huyện lỵ thuộc tổng Sơn Bình. Đến tháng 8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời gọi Sơn Hòa là huyện Quang Trung. Năm 1946, làng Củng Sơn cùng với Tịnh Sơn thành xã Cộng Hòa.

Thị trấn Củng Sơn đông giáp xã Sơn Hà, tây giáp xã Ea Chà Rang, nam giáp huyện Sông Hinh, bắc giáp xã Suối Bạc, diện tích 22,21km², có 4 thôn là Đông Hòa, Tây Hòa, Trung Hòa và Tịnh Sơn, dân số 10.078 người.

< Một góc thị trấn Củng Sơn hôm nay.

Thị trấn còn có hồ Suối Bùn xây dựng năm 1984 sức chứa 374.450m³ tưới 3.000 ha ruộng lúa và trạm bơm ở Tây Hòa. Xóm vườn ở Đông Hòa trồng thơm, mít, cau, trầu, cam, bưởi… Cam Củng Sơn không nhiều nhưng nổi tiếng.

“Cam Củng Sơn - thơm Chợ Đồn”

Chợ Củng Sơn ban đầu có tên là chợ Đồn, nơi giao lưu giữa đồng bằng và miền núi, giữa đồng bào Kinh và người dân tộc thiểu số trước đây. Trước năm 1945, nhà thương Củng Sơn do một y tá trông coi, năm 1954 mới có bệnh xá với một cán sự y tế phụ trách.

< Bò 'một nắng' Củng Sơn.

“Nhà dây thép” Củng Sơn lúc đầu bằng tranh tre, trước 1975 chưa có hệ thống điện thoại. Hiện nay hệ thống điện thoại rộng khắp đến các xã.

Củng Sơn có đình làng, có chùa Sắc Tứ Phước Sơn ở thôn Đông Hòa và nhà thờ Tịnh Sơn.
Thời Nho học, Củng Sơn có hai vị cử nhân là ông Đặng Châu (khoa Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên tại trường thi Bình Định) và em là Đặng Lang (khoa Bính Ngọ Thành Thái 18, tại trường thi Bình Định).

Năm 1920 nơi đây có trường sơ học gồm ba lớp: Đồng ấu, dự bị và sơ đẳng. Đầu năm 1956 mới có trường tiểu học cấp 2, 3 Phan Bội Châu và một trường thanh niên dân tộc nội trú. Năm 1974, ông Thái Văn Châu người làng Củng Sơn đậu y khoa bác sĩ, là người tốt nghiệp đại học đầu tiên của huyện này.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đình Chúc (báo Phú Yên), internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét