Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Trong những ngọn thác ở Tây Nguyên, thác Pongour nằm ở phía nam Đà Lạt được tôn vinh là "ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương".

Theo tiếng địa phương, Pongour có nghĩa là sừng tê giác - một cái tên thật oai dũng mang đẫm hơi thở của đại ngàn cao nguyên đất đỏ. Vậy mà mãi gần đây, Pongour vẫn bí mật ẩn mình trong rừng sâu mặc dù hình ảnh của nó vẫn thường được dùng làm nền cho rất nhiều bài hát karaoke vi tính. Con thác hùng vĩ này có chiều cao bằng một cao ốc 14 tầng, bề rộng gấp đôi chiều dài của một sân bóng đá. Suốt ngày đêm tiếng nước đổ ầm ào vang xa đến dăm bảy cây số.
Thác nằm lọt giữa một vùng rừng già nguyên sinh rậm rạp. Trước kia, để đến con thác này, người ta phải phát cây băng rừng hoặc trôi thuyền theo dòng Đa Nhim vào đến gần, rồi bám rễ cây mà thả người men ra bờ thác. Thế rồi vào năm 1999, rừng già Pongour đã mở cửa.

Một con đường nhựa 6km nối từ thị trấn Đức Trọng về hướng dòng thác và khu du lịch sinh thái Pongour ra đời. Người ta vẫn cố giữ được tán rừng nguyên sinh, không xâm phạm vào dòng thác và con sông đã có từ ngàn xưa. Vì thế, du khách vẫn thấy hết được vẻ đẹp hoang dã của núi rừng Tây Nguyên nơi đây.

Nằm ngay gần con đường từ Sài Gòn lên Lâm Đồng, chỉ cách Đà Lạt chưa đến một giờ xe chạy, hiện mỗi ngày Pongour đón tiếp không dưới một ngàn du khách. Ngay đầu con đường là chiếc cổng chào bằng đá có khắc đậm dòng chữ "Nam thiên đệ nhất thác". Dọc bờ sông là những ngôi nhà sàn Tây Nguyên bằng tre duyên dáng.

Bị các mỏm đá chặn lại, dòng sông xé ra thành một chục dòng thác gieo mình trải dọc bờ vách thẳng đứng. Nước thác tung lên thành các bức tường bọt trắng dày xốp và thành những đám mây hơi nước khổng lồ bao trùm lên khắp mặt sông.

Dưới chân thác, con sông sục sôi bỗng hiền hòa trải mình thành một mặt hồ thênh thang cho cây rừng và vách đá soi bóng lung linh. Hàng trăm tấm đá phẳng lạ lùng nhô lên trên mặt nước như đón chân du khách băng qua làn mưa bụi nước ngay dưới chân thác.

Đứng đó, ta thấy mình như người tí hon rơi xuống một miền đất thần tiên khác lạ. Qua đến bờ bên kia, người ta rủ nhau tìm đường leo lên sườn núi đi vào những cánh rừng già hoặc đến thăm những ngôi nhà gỗ đơn sơ ẩn mình sau nương ngô xanh mát.

Những người chân yếu có thể đứng ngắm dòng thác dưới mái vòm của một đài quan sát ngay gần khu trung tâm. Đây là góc nhìn đẹp nhất và cũng là nơi trước kia mà Vua Bảo Đại thường dừng chân trong các chuyến xuyên rừng săn hổ dữ.

Trái ngược với sự sôi động của dòng thác, ngay trên đỉnh thác có một bến thuyền du lịch chạy điện, êm ả đưa khách dọc ngang mặt sông mà không hề có tiếng máy nổ, không hề có khói bụi ồn ào. Đặc biệt, ở Pongour có một bảo tháp ba tầng vươn lên giữa một hồ nước, là nơi người ta có thể tọa thiền để dưỡng tâm và thụ hưởng khí lành. Con đường nhỏ dẫn ra tháp nằm chìm dưới mặt nước khiến người ra như đang bay trên mặt hồ.

Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây quần bên ngọn lửa trại, cùng hòa giọng ca và cùng nắm tay các bạn trẻ Tây Nguyên quay tròn trên các vũ điệu cồng chiêng. Chia nhau những miếng cơm lam, chuyền tay các ống rượu cần, các xiên thịt nướng, cho đến khi sương đêm đẫm ướt. Chui vào những chiếc lều trại, nằm nghe nước rơi trên mái, nghe hương rừng tan giữa ầm vang thác đổ và nghe tiếng cỏ dại đâm chồi ngay bên dưới lưng mình. Nghỉ đêm giữa rừng Pongour huyền ảo có thể cho ta những cảm giác không thể tả được bằng lời.

Điền Gia Dũng: Đã từng có thời điểm Pongour trở thành dòng thác chết do thủy điện ngăn dòng, giữ nước. Để cứu thác, đơn vị quản lý thác phải huy động 3 máy bơm nước công suất lớn để tạo nên dòng thác “nhân tạo”, nhưng lượng nước không thể phủ lấp hết mặt đá hoa cương.
Hiện nay, người ta đã xây dựng hồ chứa nước ở thượng nguồn giúp thác có nước cả trong mùa khô. Mặc dầu không thể so sánh với lúc chưa có thủy điện nhưng thác Pongour vẫn rất đẹp và ấn tượng trong mắt người tham quan.

Du lịch, GO! - Theo Eva, ảnh Dulichgo, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét