Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Cô bé mở cổng cho bọn mình chỉ độ chừng 12 tuổi, đội nón sùm sụp che gương mặt đen nhẻm vì nắng gió. Chuyến này có đem theo bịt kẹo Alpenliebe lớn nên 'nửa kia' vội mở túi treo xe, xé bọc và tặng cô bé hai
nắm lớn rồi bọn mình mới chạy xe vào trong.

Trên đoạn đường vòng vo dẫn vào KDL này, mình còn gặp một chị phụ nữ trong đó đi ra và hai chiếc xe gắn máy chạy ngược chiều chở vài anh thanh niên người dân tộc.
Chưa đầy 200m là đến phía trong, nơi này không một bóng người cả trong những mái nhà bán hàng lưu niệm (không có hàng), nhà hàng (không có ai). Vậy ai bán vé nhỉ? Thôi kệ, khi nào có người hỏi thì mua vé sau vậy. Cũng như mọi lần, mình dựng chống rồi bỏ đại xe tại đó sau khi khóa cổ rồi đi theo những lối đầy hoa xuống thác.

< Một trong hai lối đi xuống thác Bảo Đại.

Đường xuống quanh co có tay vịn bằng xi măng giả gỗ theo bậc thang lát đá ven theo những gốc cổ thụ già, nói chung thì quang cảnh hoàn toàn phù hợp với thiên nhiên.

< 'Xuống' bao giờ cũng là chuyện nhỏ, chừng 'lên' mới trở thành chuyện to...

Nửa đường xuống thì bà xã chợt nhớ rằng quên cái netbook trên túi treo xe nên mình trở lên lấy. Xe vẫn nằm đấy, túi treo vẫn yên vị trên yên - mình yên tâm mở túi, lấy cái máy cặp nách rồi lại trở xuống.

< Quang cảnh chung quanh thì đẹp lắm, toàn cây xanh, vách đá giữa núi rừng trong tiếc thác đổ ầm ầm vang vọng...

< Thấp thoáng dòng thác Bảo Đại ở phía xa xa...

Phải công nhận là giữa chốn rừng hoang dã: thác Bảo Đại (còn có tên là thác Hoang, thác Jráiblian) đẹp tuyệt vời! Những dòng nước cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống vùng trũng phía dưới khiến chân thác phủ một lớp bọt nước như màn sương mỏng. Tiếng nước đổ ì ầm vang dội cả góc rừng, nói chuyện với nhau; bọn mình phải lớn tiếng vì âm thanh mẹ thiên nhiên sẽ át hết. Lúc này là 11h20 ngày 6 tháng 8 năm 2012.
< Dĩ nhiên là lối đi nhân tạo làm theo cách thiên tạo nên trông tự nhiên lắm.

Những thông tin về thác Bảo Đại trên mạng, mình xin tổng hợp lại thế này:
Nằm giữa núi rừng Tà Hine thanh vắng, thác Bảo Đại cuồn cuộn tung bọt trắng xóa, tiếng ì ầm âm vang cả một khoảng trời, tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, bởi chưa bị “nhào nặn” của bàn tay con người. Có lẽ thác Bảo Đại là một trong những ngọn thác hiếm hoi ở Lâm Đồng còn giữ được nét tự nhiên, khơi gợi sự khám phá của những ai đã từng một lần đặt chân đến.
< Chổ ni thấy rõ hơn, những dòng nước cuồn cuộn đổ xuống thật dữ dội. Vậy nhưng cũng chưa bằng hơn mươi năm trước - thời điểm chưa hiện diện ông thủy điện nào tại vùng đất này...

Nếu đi từ Đà Lạt: ta xuôi theo hướng Nam khoảng 60 km, đến ngã ba Đại Ninh (QL 20) rẽ trái 9 km đển đến ngã 3 Tà Hine - từ nơi này đã thấy bảng hướng dẫn đường vào thác. 
< Vẫn còn đó những bậc thang, chân vừa bước, mắt nhìn ngắm...
Dòng thác như muốn hớp hồn du khách.

Con đường dẫn vào thác dài 3 km men theo bản làng của đồng bào DTTS bản địa được trải nhựa phẳng lì bằng nguồn đầu tư một phần của Công ty TNHH Phương Vinh - chủ nhân Khu du lịch sinh thái thác Bảo Đại. Trong hôm thanh vắng, rất có thể ngay từ khi vừa qua trạm công an xã Tà Hine cách Thác Bảo Đại vài cây số... đã nghe tiếng ầm ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam.

< Bạn thấy lối xuống không, đẹp tuyệt vời chưa? Thôi thà khi lên mệt một tý còn hơn là 'nặng lòng cả đời' vì giữa thiên nhiên hoang dã lại 'lòi' ra cái thang máy kỳ quái như vài thác nổi tiếng tại Đà Lạt.

Ngay từ ngoài cổng, vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Việt dẫn đường du khách vào thác bằng những hàng tre, trúc nối dài. Những túp lều dừng chân nghỉ ngơi được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc bản địa, khiến du khách vừa lạ lẫm, vừa thích thú...

< Hoàn hảo của thiên nhiên! À, chữ 'hoàn hảo' có lẽ hổng có được. Vậy thì cái khuyết duy nhất mà mình thấy được là đa phần các thác ở Tây nguyên có dòng nước màu vàng (do vùng đất đỏ), chỉ thế thôi.

... Dù khá mệt sau một chặng đường dài, nhưng không ai ngồi nghỉ chân được lâu vì tiếng thác nước vừa âm vang, vừa réo rắt như tiếng đàn thôi thúc những bước chân xuống thác.
< Tại nơi thấp nhất nhìn lên ngọn thác. Nếu muốn thấp hơn, có lẽ phải trèo qua lan can đá nhưng trượt chân là xuống âm phủ luôn đó - chừng đó làm âm binh tha hồ nhìn từ dưới lên trên.

Con đường dẫn xuống thác Bảo Đại bắt đầu bằng một cây si già vươn mình như một cánh cổng chào đón du khách. Những bậc đá gồ ghề còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên từ thời vua Bảo Đại vẫn thường chọn ngọn thác này làm nơi nghỉ ngơi sau những cuộc săn bắn. Tiếng thác nước như càng thôi thúc bước chân nhanh hơn dù đường xuống thác phải đi “rón rén” để khỏi ngã nhào xuống vực.

Nhưng con đường độc đáo nhất để đứng trước ngọn thác lại là đường luồn qua những vách đá dựng đứng, vừa ẩm ướt vừa hoang dã khiến du khách càng muốn khám phá. Đây đó những chùm phong lan vắt trên vách đá, những ngọn dây leo chùng xuống tạo nên một vẻ đẹp nên thơ. Bước chân du khách dường như không biết mỏi, bỗng ngọn thác sừng sững hiện ra ngay trước mặt mới biết mình đã đi hết đường luồn.

< Mình đang say mê 'chộp'. Chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân: quy tắc lượt phượt là thế đó.
Vậy nhưng nếu công trình du lịch đang xây dựng dang dở thì đừng 'để lại những dấu chân' trên nền vừa thảm xi măng... ướt của người ta nhé, he he...

Một dòng thác tuôn trào chia làm ba nhánh tung bọt trắng xóa khuấy động mặt nước phía dưới. Từng tia nước đuổi nhau tạo thành cầu vồng dưới ánh nắng mặt trời khiến du khách mê mẩn không chớp mắt. Người dân bản địa gọi đây là thác đá cao, tương truyền về một câu chuyện tiếng nước chảy qua lưỡi của con cá sấu tạo thành tiếng đàn, khiến dân làng bỏ việc đến để nghe cho đến khi chết đói hóa thành những tảng đá to dưới chân thác.

Từ vách đá cao chừng 70m, một dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu; những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn gợi nên sự tưởng tượng lý thú cho du khách khi có dịp "dừng chân lãng du".

< Bọn mình đi lên bằng một ngõ khác...

Tương phản với sự mạnh mẽ của dòng thác, cảnh vật ven bờ rất nên thơ. Bên phải thác, trên vách đá cheo leo một cây si già buông những cánh tay dài xuống thác như thể đang đùa vui với dòng nước.
Rồi những cành cây, dây leo mềm mại bò trên vách đá. Đây đó, thỉnh thoảng xuất hiện những chùm phong lan trắng muốt từ các cành cây rũ xuống điểm trang.
< Bạn trông xem: không khác gì đường lên tiên cảnh.

Bên trái thác, men theo con đường mòn nhỏ, ta sẽ gặp một hang đá có vách dựng gần như một giao thông hào đi sâu vào lòng thác gợi cho khách lòng ham muốn khám phá.

Jráiblian là cái tên quen thuộc mà đồng bào Churu trong vùng vẫn thường gọi dòng thác hùng vĩ này. Jráiblian có nghĩa là thác đá cao nhưng về sau thác còn có tên gọi là thác Bảo Đại do trong những năm tháng còn tại vị, vua Bảo Đại thường đi săn qua vùng này. Thác Jráiblian là điểm được ông chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn trong những buổi đi săn.

Đến bây giờ, đồng bào Churu trong vùng vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết lý giải về sự xuất hiện của thác Jráiblian - Truyền thuyết như sau:
< Đến một khoảnh rộng nghỉ chân, từ nơi này có thể nhìn thác Bảo Đại phía trên cao. Xem ảnh lớn có thể thấy rõ mặt con sông đang cuồn cuộn chảy.

Ngày xưa ở vùng Ktun có hai cậu cháu, người cậu tên là Zuwar, người cháu là Stak. Hai cậu cháu thường rủ nhau đi bắt cá. Một hôm nọ ra suối suốt cả ngày mà vẫn không bắt được một con cá nào. Chiều đến, đói rã cả người, hai cậu cháu vẫn chưa tìm được gì để lót dạ. Khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì hai người cùng nhìn thấy một quả trứng lớn nằm trong hốc đá. Cậu Zuwar định lượm nhưng Stak ngăn không cho; một lát sau Stak cũng muốn lượm nhưng Zuwar lại can ngăn vì sợ...

< Thêm vài mươi bước chân nữa là đến khu công viên phía trên.

Hai người giằng co nhau mãi và đến cuối cùng thì họ quyết mang luộc. Khi trứng được luộc chín, hai cậu cháu lại dành nhau về chuyện ăn thử. Zuwar thì nói mình già rồi, có chết cũng không sao nên đòi ăn trước. Stak cũng không chịu, sợ cậu chết nên cố đòi ăn trước. Cuối cùng cháu Stak ăn được trước. Ăn xong, thấy ngứa hết cả mình mẩy, bèn nhờ cậu gãi giùm nhưng vẫn không hết.
< Vòng tròn đá Stonehenge tại thác Bảo Đại.

Càng gãi càng ngứa, hoảng quá Stak nhảy xuống suối ngâm mình trong nước. Một lúc sau người lớn bằng con bê và đến sáng đã lớn bằng con trâu. Zuwar buồn quá  đành để cháu lại chạy về báo với người trong nhà. Khi mọi người trong gia đình chạy ra thì Stak vẫn sống mà một phần chân tay đã có vẩy như cá sấu, phần dưới mọc một cái đuôi dài. Stak ngẩng đầu lên nói với cha mẹ rằng: mình sẽ không sống làm gì nữa khi biến thành cá sấu, nên xin cha mẹ trước khi chết được ăn đủ trâu, bò, gà, vịt mỗi thứ 7 con. Người nhà liền làm theo.

Nhưng Stak vẫn không chết, mà lúc này người đã lớn bằng cái nhà dài. Trong họ hàng nhà Stak bắt đầu có sự bàn cãi, giằng co nhau, có nên để cho nó sống nữa hay không. Cuối cùng họ cắt một miếng mâm sắc nung đỏ và mang tới nói là một miếng thịt đỏ rồi ném cho Stak, lúc này đã là một con cá sấu khổng lồ. Nuốt xong, nó nằm vật ngửa ra chết, xác nằm chắn ngang giữa suối. Lưỡi nó thè ra, nước tràn qua lưỡi tạo nên âm thanh hay hơn cả tiếng đàn. Hay đến nổi trứng gà trong tổ cũng lăn tới bờ suối để nghe. Tất cả các loài muôn thú và dân trong vùng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ đó, bỏ cả công ăn việc làm tới nghe đến nỗi phải chết đói.

< Mình vừa tậu được cái máy ảnh bán chuyên Nikon Coolpix L120, chuyến này đem theo thực nghiệm luôn nên mỗi người một máy: tha hồ chụp choạc - khi về lựa ảnh xem mệt nghỉ. Mặc dù chưa quen với cái máy mới nên một số ảnh hơi tối, có điều độ nét thì hơn hẳn máy nhỏ du lịch.

Vua Chàm liền sai 100 người buộc dây kéo cái lưỡi ra. Nhưng kỳ lạ thay, cái lưỡi cứ dài ra rồi lại co rút lại làm cho cả đoàn người lăn tõm xuống vực sâu mà chết. Thưong hại con người, "Giàng" liền sai một con chim đen xuống mách bảo: phải lấy da ông già làm dây mới kéo được. Mừng quá, vua Chàm liền sai người rao tìm người già tình nguyện chết để cứu dân làng. Vừa lúc đó có một cụ già chống gậy tới xem, biết chuyện ông liền bước tới trước vua Chàm xin được chết. Vua Chàm mừng rỡ sai người mổ trâu bò làm tiệc thết đãi ông già rồi sau đó mổ lấy da bện thành dây thừng để kéo.

< Khó khăn lắm mình mới ngoái lại chụp được tấm mấy đứa bé vừa nhận phần kẹo còn lại này... chỉ vì đường rất dốc: thắng sau vẫn đạp trong khi thao tác nhưng chiếc Win cùng túi đồ nặng cứ chực chờ tuột lạo xạo ra phía sau - kinh nghiệm 'té' nhiều lần cho biết rất dễ bị đo ván!

Quả nhiên cái lưỡi bị gãy văng ra khắp nơi, dính cả vào cây lồ ô, cây tre bên cạnh. Nhưng cái lưỡi vẫn còn ba phần lớn. Một thành thác Jráiblian, một phần văng tới vùng Tu Tra (thuộc huyện Đơn Dương bây giờ) và một phần ở Ma Bó thành suối.
Cũng vì vậy mà ngày nay tre và lồ ô là những loại cây có khả năng phát ra âm thanh nên được sử dụng làm các loại nhạc cụ.

Thác Bảo Đại được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 2000. Năm 2003, Công ty TNHH Phương Vinh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để khai thác thành khu du lịch sinh thái. Một năm sau, dù chưa đi vào hoạt động chính thức nhưng thác Bảo Đại vẫn đón khách vào tham quan miễn phí với nhiều loại hình dịch vụ như đi ca nô vào các đảo xung quanh hồ nước rộng trên 3.000 ha. Nhà hàng được thiết kế theo kiểu nhà sàn để phục vụ du khách các món đặc sản địa phương như gà thả đồi, heo tộc, rau rừng và đặc biệt là cá hồ dưới chân thác.
< Đã quá 12h trưa, bụng đói cồn. Giờ mà đi đến Lương Sơn tìm cái bỏ bụng thì cái bệnh bao tử bùng phát lại mất. Vậy nên gắng nhìn quanh, lòi ra cái quán ăn này...

Khu du lịch đã tương đối đúng nghĩa là du lịch sinh thái vì người ta vẫn để vẻ đẹp tự nhiên của thác Bảo Đại chinh phục du khách chứ không can thiệp quá nhiều vào những gì thiên nhiên đã ban tặng cho thác nước này. Ước muốn của KDL sẽ góp tên cho sự phong phú của những điểm du lịch ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng, góp phần làm cho đời sống của đồng bào DTTS xã nghèo Tà Hine được cải thiện, thông qua những mặt hàng truyền thống của bà con nơi đây khi được giới thiệu đến du khách gần xa.

< ... cùng cái món ni: Bún giò heo, tạm gọi là như vậy.
Chị chủ quán bắt chuyện nói rôm rả, hóa ra chị và gia đình từ ngoài Bắc vào đây, lập nghiệp lâu dài.
Nước uống bọn mình cũng không còn nhiều nên tận dụng nước trà tại đây luôn. Quán xập xệ nhưng cũng có nguyên bình nước tinh khiết phía trên kệ để khách tự do giải khát - mình khoái trà hơn.
Trả 25k tiền tô bún cho chị, bọn mình lại đi.
< Ở ngã 3 ra ngoài: mình quẹo trái là hướng đi đèo Đại Ninh - góc trái là tấm bảng giới thiệu khu du lịch thác Bảo Đại.

Thác hùng vĩ và đẹp, quang cảnh KDL cũng rất quyến rũ nhưng người đến tham quan thác phần lớn là dân cư quanh vùng này. Có lẽ do đường xá không thuận tiện nên đến nay: Khu du lịch thác Bảo Đại vẫn hoạt động cầm chừng như bạn thấy đấy. Tuy nhiên: chính do điều này mà thác vẫn còn cực kỳ hoang sơ, kỳ bí và là điểm du lịch đầy tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng...
< Một hồ nhỏ mé trái - nhưng cũng chưa chắc nhỏ vì rất có thể nó thông nhau qua những hồ khác.

Ngồi ngắm thác một hồi rồi tự nhiên mình có cảm giác gì đó lạ lắm. Một nỗi bức xúc không tên cứ thôi thúc trong lòng khiến mình đang say mê trước con thác đẹp nhưng trong ý nghĩ lại muốn trở lên. Xe vứt tùm lum trong các chuyến đi nhưng có bao giờ mất đâu? Vả lại chiếc xe cũng thâm niên lắm rồi. Còn netbook, điện thoại, bóp tiền cũng đã mang xuống bỏ vào túi nhỏ đeo vai - xem ra trên túi treo xe chỉ còn quần áo chứ có gì đáng giá đâu?

< Tiếp tục gặp những khúc đường bị cày hoặc những dốc đá, những đoạn này chỉ chạy cao lắm là 25km/h kẻo đá chém một phát là tiêu tùng luôn!

Chần chừ một hồi rồi mình gọi 'nửa kia' trở lên. Đoạn lên, bọn mình theo ngõ 'khe đá' độc đáo. Cái lối này như mộ lằn nứt lớn giữa 2 vách đá cao vút, hai bên cây rừng lòa xòa. Thoạt trông cứ ngỡ như lối lên thượng giới vậy.

Lên nửa chừng lại có một khoảnh rộng ngồi nghỉ, đây cũng là chổ nhìn thác với góc cạnh khác: trên cao. Có chổ 'thở', lại có chổ ngắm cho hả, lấy lại sức cho phần leo tiếp sau - thác là vậy đó: đa số thác bọn mình từng đến là đi xuống, ngắm đã rồi thì lại bò lên. Vậy nhưng cũng có những 'ngoại lệ, ví như thác Triệu Hải tại Đạ Tẻh: lếch thếch lội bộ vài cây số vào là thác ngay trước mặt - Còn như thác Đạ Grăng thì leo lên bở hơi tai mới đến tầng một, oằn xương sống thêm mấy đỗi để đến tầng 2 và 3... nhưng đường xuống lại phẻ.

< Đường lại tốt, hai bên vẫn rất ít nhà nhưng rẫy và đồi trồng cây công nghiệp khá nhiều.

Sự bức xúc vẫn âm thầm thôi thúc nên bọn mình lại đi lên, lối này khác đường xuống. Hóa ra cũng lên con đường nhỏ chạy theo mép vực của thác Bảo Đại.

Trở ra lối chính, mình lại bị những tảng đá trong khu vườn cảnh lôi cuốn. Tại đây có những tảng đá lớn được sắp xếp theo kiểu vòng tròn đá Stonehenge ở Anh trông hay hay. Nhưng chổ này không nhìn ra đến được chổ đậu xe trong khi mình muốn biết nó còn hay 'mất bố nó rồi'.

< Vậy nhưng cái tốt cũng không kéo dài lâu. Nghe chị bán béo giò hun, à quên: 'bún giò heo' nói rằng cái lưng tưng phải đến Ninh Loan mới hết - có lẽ cũng không còn xa...

Tiếng nửa kia kêu khiến mình nhanh bước chân đi ra phía ngoài, quang cảnh khiến cả hai tròn mắt: Xe vẫn còn đấy. Túi treo xe cũng vẫn còn, duy chỉ có cái nắp túi bị mở toạc... còn trên mặt đất, bạn biết có gì trên đó không?
Kẹo! Đúng vậy: vô số những viên kẹo Alpenliebe có bao bì riêng từng chiếc trong bọc ký lô mà mình đem theo nằm vương vãi trên mặt đất. Trong túi treo xe thì bao kẹo không còn trong khi mọi thứ khác vẫn y nguyên. Nhìn quanh thì hoàn toàn không bóng người. Trộm chi mà chỉ trộm mỗi túi kẹo? Đâu ai biết ngoài cô bé khi nãy bọn mình đã cho? Có lẽ là...

< Qủa vậy, mình thấy nhà cửa xuất hiện nhiều hơn...

Nhưng quả thật là mình áy náy, cũng tại ta 'gợi lòng tham' khiến một đứa bé 'nổi lên sự thèm muốn', muốn có hết và có đủ! Phải chi khi nãy đông các em, mình trao tặng hết luôn thì đâu có cảnh tệ hại này nhỉ? Phải chi cô bé xin hết bao kẹo to để về cho em út thì bọn mình cũng đâu có tiếc? Mang theo chủ ý làm chút quà nho nhỏ cho các bé vùng cao mà?

Hai đứa mình lui cui lượm lại những bì kẹo rơi vương vãi, bỏ đầy được bao túi xốp. Lúc này thì ngh có tiếng xe chạy vào: có vài cặp đôi đến tham quan. Mình chỉ họ xuống thác rồi đạp máy xe, rời nơi này. Ngoài kia: cô bé cùng mấy con bò cũng không còn ở nơi đó nữa.

< Xuất hiện bảng báo ngã 3: chạy thẳng là đi Bắc Bình, quẹo phải là vào trung tâm xã Ninh Loan.

Trên đường trở ra, bọn mình gặp một nhóm trẻ con đang vui đùa trong sân những căn nhà. Mình dừng lại ngay dốc để nửa kia lấy phần kẹo còn lại cho đám trẻ - vậy nhưng không dễ đâu:

Mấy đứa nhỏ thấy người lạ đeo kiếng, trùm khăn (che nắng mà) thì hoảng, ta to tiếng gì đó và... bỏ chạy. Chỉ duy nhất con bé mặc áo vàng là đứng im, mắt mở tròn xoe - đưa kẹo cũng không lấy, còn mấy bé kia túm tụm sát hiên nhà nhìn ngó hai người lạ.

< Cổng xã đây, biển ghi 'Ninh Loan quyết tâm xây dựng xã văn hóa'. Đây là khu dân cư cuối cùng trước khi vào đèo Đại Ninh, con đèo hiểm trở.

Bà xã phải xé vỏ bọc một viên kẹo rồi bỏ vào miệng mình, sau đó dúi túi kẹo cho con bé thì nhỏ mới chịu cầm. Nửa kia chỉ quanh và nói 'chia cho mấy đứa kia nữa nghe con'.
Chỉ chờ có vậy: đám kia nhào tới dành phần kẹo của mình - Ôi thôi, thấy thương những bé ở vùng xa quá. Khổ nổi phổ cập tiếng Kinh chắc vẫn còn lâu, lâu lắm.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

0 nhận xét :

Đăng nhận xét