Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Theo tiếng Thái, loài vật này có tên "Tó Khum" (dịch ra tiếng phổ thông là ong đất), nổi tiếng hung dữ, có nọc độc gần như nọc rắn hổ mang.

< Món nhộng ong đất xào nước măng chua, một trong những món ăn khoái khẩu, đặc sản của núi rừng Tây Bắc.

Tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm vào rừng săn "Tó Khum". Năn nỉ mãi, tôi mới được một trong những nhóm thợ săn "Tó Khum" có tiếng cho bám gót trong 3 ngày 3 đêm...

Để chuẩn bị cho một chuyến đi săn “Tó Khum”, đồ nghề của tôi chỉ là 1 chiếc máy ảnh cộng 1 quyển sổ và mấy chiếc bút bi. Ngược lại, đồ nghề của những thợ săn loài ong hung dữ, chuyên làm tổ dưới đất lại rất phức tạp.

< Trong nắng chiều muộn vàng óng, các thợ săn chuẩn bị đồ nghề trước khi lên đường.

Nếu mang ra so sánh về đồ nghề đi săn trong rừng thì đồ nghề của thợ săn ong đất được xếp đầu bảng về mức độ lỉnh kỉnh và lặt vặt. Ngoài những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu khi đi dài ngày trong rừng, mỗi thợ săn phải có 3 bộ quần áo vải thật dày và 1 bộ quần áo mưa; 4 đôi găng tay, loại chuyên dùng để rửa bát đũa vào mùa đông; 1 đôi ủng; 2 ống tre có chu vi 8 cm đến 9 cm và dài 30 cm.

< Xuất kích khi đồng hồ điểm 1 giờ sáng.

Kèm theo những chiếc túi lưới dài rộng đều 50 cm, loại dùng để làm vách ngăn chạn đựng bát; cuốc, xẻng, dao, xà beng, đèn pin và 1 chiếc gùi; những chú dễ mèn hay cào cào làm mồi nhử ong; 1 cuộn dây thừng. Ngoài ra, còn 2 thứ không thể thiếu là 1 chiếc mũ bảo hiểm cùng một túi lưới đánh cá được các thợ săn cải tiến chùm ngoài mũ bảo hiểm để tránh ong đốt mặt.

Trong suốt quá trình đi săn ong đất mỗi thợ săn cần phải có, đôi mắt tinh nhanh, một tinh thần thép và sức bền của một vận động viên chạy việt dã…

< Trước khi bắt, phải dò tìm và bịt các đường ra của “Tó Khum”.

Địa điểm được chọn để tổ chức đi săn là bất kỳ đâu, miễn ở đó có tổ ong đất. Và trong chuyến đi săn này là những khu rừng Thồ Lộ thuộc bản Thẳm Cọng, xã Hua Trai, Mường La (Sơn La).
Để lên Thẳm Cọng, phải vượt gần 60 km từ Thành phố Sơn La đến xã Hua Trai. Sau đó vượt tiếp hơn 15 km từ trung tâm xã qua những đoạn dốc đá hay những đoạn đường mòn vắt vẻo trên những triền núi có vực sâu ngút tầm nhìn.

< Những chú ong đất hung hăng lao ra lọt hết vào túi lưới.

Mỗi khi gặp những đoạn dốc đá, để đưa được xe máy lên hay cho xe xuống đều phải có người hỗ trợ.

Thời điểm “đột kích” bắt ong đất là khoảng thời gian từ 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng. Vì khi đó trời tối tiện lợi hơn cho việc bắt ong đất. Phòng trường hợp ong bay ra sẽ không nhìn thấy “kẻ” tới phá tổ của chúng như ban ngày.

Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng với những thợ săn thì đây là công việc “hái ra tiền” để giúp họ nuôi sống gia đình. Bởi một mùa đi săn ong, bình quân mỗi người cũng mang về 20 triệu đồng từ tiền bán ong.

< Sau gần 2 giờ, tổ ong đã được các thợ săn hạ gục.

Do vậy, niềm vui lớn nhất của những thợ săn ong là sáng hôm sau mang được ong xuống núi cho kịp phiên chợ.

Khi xuống tới chợ, có sẵn những người chuyên buôn ong chờ ở đó. Thấy đội săn từ xa, họ đã ùa ra như ong vỡ tổ để kịp dành được cho mình vài kg “Tó Khum”.

< Và đây là kết quả sau chuyến đi săn đêm.

Với giá bán đổ cho những người chuyên buôn ong ở các chợ, các thợ săn bán được từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg nhộng và 350.000 đến 400.000 đồng/kg ong già. Thậm chí, vào cuối mùa giá bán đổ còn cao hơn.

< Sáng sớm hôm sau, các bà vợ đem ong xuống chợ.

Được biết, ong đất không chỉ được người sành ăn ưu dùng, là thứ hàng tiêu dùng đắt đỏ, mà tại các nhà hàng của Thị xã cũng đã bổ sung vào danh sách những món ngon của Tây Bắc để thu hút khách thập phương.

Mặc dù không được thưởng thức món ăn chế biến từ ong bày biện đẹp mắt trong các nhà hàng nhưng đến giờ tôi vẫn không thể quên mùi vị hấp dẫn của món nhộng ong đất, chiến lợi phẩm đêm ấy trong ống tre nướng trên bếp củi; nhộng ong xào với nước măng chua và ong già rán giòn với lá chanh hay nộm ong đất với các vị của rau thơm, ớt nướng cay xè...

< Và ong đất được bán ở chợ với giá 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg nhộng ong đất.

Đó là những món ăn được các thợ săn thể hiện sau khi chúng tôi rệu rạo từ rừng trở về.

Cũng trong đêm đó, bên bếp lửa hồng của gia đình anh Mùa A Di trên bản vùng cao Thẳm Cọng, các thợ săn đã quên đi những mệt nhọc, hoà mình vào những phút thảnh thơi, chếnh choáng khi truyền tay nhau bát rượu ngô mừng chiến thắng của 3 ngày 3 đêm đi săn “Tó Khum”.

Du lịch, GO! - Theo GD&TĐ

0 nhận xét :

Đăng nhận xét