Cứ đến tháng Ba, những người con xa quê luôn nhớ về những chiều vác cần đi câu ếch. Nhớ món ếch đồng xào dứa trong bữa cơm giữa nơi làng quê đến nao lòng.
Tháng Ba, khi bông lúa vụ xuân đang vươn mình ngậm sữa để dâng cho đời hạt ngọc trắng ngần thì cũng là lúc nước trên đồng tụ về những chiếc ao bên cạnh ruộng lúa. Cá đồng, ếch, nhái và nhiều loài thủy sinh cũng theo nước tập trung về trú ngụ để tránh cái nắng nóng của mùa hạ đang đến gần.
Chiều nhạt nắng, người dân xứ Quảng quê tôi lại vác cần câu ra đồng, tìm đến những chiếc ao um tùm lau sậy để câu ếch. Dụng cụ câu ếch thường là chiếc cần trúc nhỏ hơn ngón chân cái người lớn với chiều dài khoảng trên 2m được nối với sợi dây cước. Bên cạnh đó còn có chiếc vợt lưới để đón lấy ếch trước khi rơi trở lại ao.
Không giống như câu cá và những loài thủy sinh khác, câu ếch không cần dùng lưỡi câu mà chỉ cột mồi vào sợi dây cước. Mồi câu là nhái đồng, thỏi cao su… hay có thể là một đóa hoa vạn thọ to chừng bằng ngón tay cái buộc chặt vào đầu sợi dây để dẫn dụ ếch.
Người câu cứ việc đong đưa chiếc cần sao cho thỏi mồi luôn di động trên mặt nước thế là ếch ta liền nhảy vồ tới đớp. Chỉ chờ có thế là nhấc nhẹ chiếc cần lên cao và đưa vợt đón lấy những chú ếch béo tròn, tránh giật mạnh sẽ làm cho ếch rơi trở lại ao trong tiếc nuối khôn nguôi.
Khi bị nhấc lên khỏi mặt nước, theo phản xạ tự nhiên, ếch cố ngậm chặt mồi và bám hai chân trước vào nơi tiếp giáp giữa mồi và sợi dây câu đến khi nhận ra bẫy thì đã nằm gọn trong vợt.
Với người dân quê thì có nhiều cách bắt ếch, nhưng thú nhất vẫn là đi câu và bắt ếch bằng tay lúc chúng đang giao phối khi những cơn mưa đầu mùa tắm mát ruộng đồng. Nhưng thịt ếch ngon nhất vẫn là tiết tháng Ba với câu nói cửa miệng: “Ếch tháng Ba, gà tháng Mười”.
Với gà thì tháng mười là thời điểm thu hoạch lúa mùa, tha hồ nhặt thóc rơi vãi, nên thịt rất béo và thơm ngon. Và tháng Ba là thời điểm ếch có nhiều thức ăn sâu bọ và côn trùng, còn là khoản thời gian tích tụ năng lượng cần thiết cho mùa sinh sản nên ếch luôn mập tròn, thịt rất thơm ngon.
Thịt ếch có thể làm nhiều món như: ếch nướng sả ớt, xào lăn, xào mướp, nấu cháo… nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là món ếch đồng xào dứa.
Ếch sau khi câu về, rửa sạch, chặt bỏ đầu và bàn chân, mổ bụng rồi chặt miếng nhỏ vừa ăn, rửa qua nước gừng và để cho ráo. Sau đó, chuẩn bị đầy đủ gia vị như: muối, tiêu, đường, mỳ chính, nước mắm… ướp với thịt ếch.
Dạo quanh vườn nhà chọn hái trái dứa vừa chín và gọt sạch, bỏ lõi rồi cắt miếng vừa ăn. Kiếm ít hành lá cùng với các loại rau thơm ưa thích. Đun nóng chảo dầu ăn cùng với hành tím và tỏi đã băm nhỏ và cho thịt ếch vào xào chín rồi mức ra đĩa. Tiếp tục làm nóng dầu ăn để xào dứa rồi cho thịt ếch trở lại chảo, đảo nhanh tay và nhấc xuống khỏi bếp, múc ra đĩa, rắc hành lá và rau thơm lên trên thế là ta đã có món thịt ếch xào dứa.
Đĩa ếch đồng xào dứa như mời gọi với màu vàng của dứa và thịt đã chín, màu xanh của hành lá và các loại rau thơm cùng với màu đỏ tươi của vài lát ớt thái mỏng để tăng thêm vị cay… khiến ta không thể ngó lơ nơi khác.
Gắp miếng thịt ếch cho vào miệng như đang thưởng thức cả hương đồng gió nội với vị ngọt thơm của thịt ếch, thơm nồng của tỏi, hành tím, vị cay dịu của tiêu… cùng với vị ngọt xen lẫn vị chua thanh thoát của dứa. Thật là “cả đất trời đang nằm gọn trong ta” như những “thi sĩ vườn” vẫn thường ngâm nga khi được nhấm nháp món khoái khẩu này. Miếng dứa cũng ngon không kém làm thỏa lòng cả những thực khách sành ăn.
Phụ nữ khéo tay chỉ cần dăm con ếch do chồng, con câu về cùng với rau trái trong vườn nhà là có thể chế biến thành món ăn “hút” cơm. Có đĩa thịt ếch xào dứa, các ông liền mang ra mái hiên nhà rồi hú gọi vài người hàng xóm là đã có một bữa nhậu thịnh soạn.
Nhiều người khi chế biến món ếch đồng xào dứa đã cho thêm thịt heo và mộc nhĩ, nhưng với người dân quê tôi thì chỉ cần thịt ếch và dứa cùng với vài loại gia vị là đã “hút” cơm, “bắt” rượu lắm rồi… Và cứ đến tháng Ba, những người con xa quê luôn nhớ về những chiều vác cần đi câu ếch. Nhớ món ếch đồng xào dứa trong bữa cơm giữa nơi làng quê đến nao lòng.
Du lịch, GO! - Theo Trang Thy (báo Quảng Ngãi), ảnh internet
Tháng Ba, khi bông lúa vụ xuân đang vươn mình ngậm sữa để dâng cho đời hạt ngọc trắng ngần thì cũng là lúc nước trên đồng tụ về những chiếc ao bên cạnh ruộng lúa. Cá đồng, ếch, nhái và nhiều loài thủy sinh cũng theo nước tập trung về trú ngụ để tránh cái nắng nóng của mùa hạ đang đến gần.
Chiều nhạt nắng, người dân xứ Quảng quê tôi lại vác cần câu ra đồng, tìm đến những chiếc ao um tùm lau sậy để câu ếch. Dụng cụ câu ếch thường là chiếc cần trúc nhỏ hơn ngón chân cái người lớn với chiều dài khoảng trên 2m được nối với sợi dây cước. Bên cạnh đó còn có chiếc vợt lưới để đón lấy ếch trước khi rơi trở lại ao.
Không giống như câu cá và những loài thủy sinh khác, câu ếch không cần dùng lưỡi câu mà chỉ cột mồi vào sợi dây cước. Mồi câu là nhái đồng, thỏi cao su… hay có thể là một đóa hoa vạn thọ to chừng bằng ngón tay cái buộc chặt vào đầu sợi dây để dẫn dụ ếch.
Người câu cứ việc đong đưa chiếc cần sao cho thỏi mồi luôn di động trên mặt nước thế là ếch ta liền nhảy vồ tới đớp. Chỉ chờ có thế là nhấc nhẹ chiếc cần lên cao và đưa vợt đón lấy những chú ếch béo tròn, tránh giật mạnh sẽ làm cho ếch rơi trở lại ao trong tiếc nuối khôn nguôi.
Khi bị nhấc lên khỏi mặt nước, theo phản xạ tự nhiên, ếch cố ngậm chặt mồi và bám hai chân trước vào nơi tiếp giáp giữa mồi và sợi dây câu đến khi nhận ra bẫy thì đã nằm gọn trong vợt.
Với người dân quê thì có nhiều cách bắt ếch, nhưng thú nhất vẫn là đi câu và bắt ếch bằng tay lúc chúng đang giao phối khi những cơn mưa đầu mùa tắm mát ruộng đồng. Nhưng thịt ếch ngon nhất vẫn là tiết tháng Ba với câu nói cửa miệng: “Ếch tháng Ba, gà tháng Mười”.
Với gà thì tháng mười là thời điểm thu hoạch lúa mùa, tha hồ nhặt thóc rơi vãi, nên thịt rất béo và thơm ngon. Và tháng Ba là thời điểm ếch có nhiều thức ăn sâu bọ và côn trùng, còn là khoản thời gian tích tụ năng lượng cần thiết cho mùa sinh sản nên ếch luôn mập tròn, thịt rất thơm ngon.
Thịt ếch có thể làm nhiều món như: ếch nướng sả ớt, xào lăn, xào mướp, nấu cháo… nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là món ếch đồng xào dứa.
Ếch sau khi câu về, rửa sạch, chặt bỏ đầu và bàn chân, mổ bụng rồi chặt miếng nhỏ vừa ăn, rửa qua nước gừng và để cho ráo. Sau đó, chuẩn bị đầy đủ gia vị như: muối, tiêu, đường, mỳ chính, nước mắm… ướp với thịt ếch.
Dạo quanh vườn nhà chọn hái trái dứa vừa chín và gọt sạch, bỏ lõi rồi cắt miếng vừa ăn. Kiếm ít hành lá cùng với các loại rau thơm ưa thích. Đun nóng chảo dầu ăn cùng với hành tím và tỏi đã băm nhỏ và cho thịt ếch vào xào chín rồi mức ra đĩa. Tiếp tục làm nóng dầu ăn để xào dứa rồi cho thịt ếch trở lại chảo, đảo nhanh tay và nhấc xuống khỏi bếp, múc ra đĩa, rắc hành lá và rau thơm lên trên thế là ta đã có món thịt ếch xào dứa.
Đĩa ếch đồng xào dứa như mời gọi với màu vàng của dứa và thịt đã chín, màu xanh của hành lá và các loại rau thơm cùng với màu đỏ tươi của vài lát ớt thái mỏng để tăng thêm vị cay… khiến ta không thể ngó lơ nơi khác.
Gắp miếng thịt ếch cho vào miệng như đang thưởng thức cả hương đồng gió nội với vị ngọt thơm của thịt ếch, thơm nồng của tỏi, hành tím, vị cay dịu của tiêu… cùng với vị ngọt xen lẫn vị chua thanh thoát của dứa. Thật là “cả đất trời đang nằm gọn trong ta” như những “thi sĩ vườn” vẫn thường ngâm nga khi được nhấm nháp món khoái khẩu này. Miếng dứa cũng ngon không kém làm thỏa lòng cả những thực khách sành ăn.
Phụ nữ khéo tay chỉ cần dăm con ếch do chồng, con câu về cùng với rau trái trong vườn nhà là có thể chế biến thành món ăn “hút” cơm. Có đĩa thịt ếch xào dứa, các ông liền mang ra mái hiên nhà rồi hú gọi vài người hàng xóm là đã có một bữa nhậu thịnh soạn.
Nhiều người khi chế biến món ếch đồng xào dứa đã cho thêm thịt heo và mộc nhĩ, nhưng với người dân quê tôi thì chỉ cần thịt ếch và dứa cùng với vài loại gia vị là đã “hút” cơm, “bắt” rượu lắm rồi… Và cứ đến tháng Ba, những người con xa quê luôn nhớ về những chiều vác cần đi câu ếch. Nhớ món ếch đồng xào dứa trong bữa cơm giữa nơi làng quê đến nao lòng.
Du lịch, GO! - Theo Trang Thy (báo Quảng Ngãi), ảnh internet
0 nhận xét :
Đăng nhận xét