Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Miền Tây mến yêu vốn là đồng bằng rộng nhất nước với hàng triệu hecta lúa và vườn cây ăn trái xum xuê cùng sông ngòi chằng chịt- đó là hình ảnh quen thuộc nhất. Nhưng ở những tỉnh đầu nguồn hoặc gần biển như An Giang, Kiên Giang lại có khá nhiều núi non và hang động hiểm trở, dư sức cho du khách tìm “cảm giác mạnh”.

Leo núi

An Giang có dãy Thất Sơn hùng vĩ mà trong đó cao nhất là ngọn Thiên Cấm Sơn, hơn 700m. Với không khí mát lạnh, nơi đây được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Tây”. Không chỉ vậy, núi Cấm còn có suối Tiên, động Thủy Liêm, nhiều đền chùa,… nên đường lên núi dẫu gồ ghề khó đi vẫn thu hút hàng ngàn lượt khách phương xa hàng năm.

“Đường lên dốc đá” dẫu “giữa đêm trăng tà” hay mặt trời vừa sáng đều… khó đi như nhau. Dù đã trang bị giày nhẹ, áo mỏng, nón rơm,… chẳng mấy chốc bạn vẫn thở phì phò còn hơn bể lò rèn vì núi cao dốc cao, đá sỏi chạy lạo xạo dưới chân trơn trượt. Vừa đi vừa… chống gậy, mắt chẳng dám… nhìn lên, sợ thấy đường còn xa thăm thẳm. Vậy mà các bà cụ chẳng bao giờ cho “than mệt”- cứ leo núi mà nói mệt thì không tới đỉnh được đâu...

Thật tình thì chúng tôi lén lút “mệt nói mệt chứ gì” còn chân cứ “ba bước tới một bước lùi” vì mỏi, nhưng rốt cuộc cũng tới nơi. Nhưng đứng trên đỉnh núi ngó xuống chân núi, mới thấy hoảng. Bởi nếu ai chưa leo núi cứ tưởng đường lên mới vất vả, nhưng thật ra không phải vậy.

Đường xuống nhiều khi… như cầu tuột. Sơ sẩy là trượt chân như chơi. Thân xác hồi lên thấy nặng nhọc, giờ càng thấy… nặng hơn. Nhìn mấy chiếc ôtô dưới chân núi cứ như đồ chơi con trẻ mà… ngao ngán lòng.

Vậy mà người dân nơi đây cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt gánh su su, măng tre trên núi xuống hoặc gánh nước đá dưới xuôi ngược lên. Thế mới biết, có sức người, sỏi đá… cũng chẳng nhằm nhò gì.

 Đường lên núi Cấm tuy “cảm giác mạnh” mà vẫn nhẹ lòng vì dọc đường đôi khi có những khạp nước nho nhỏ tặng không cho du khách. Nếu là một người ham “nghiên cứu” thì bạn còn thể tìm hiểu và “sưu tầm” các loại thuốc Nam, thuốc núi. Vô thiên lủng. Nào là kỳ hương, mỏ quạ, mật ong rừng… Bởi vậy, nhiều người cho rằng bánh xèo núi Cấm “ăn nên thuốc” bởi rất nhiều loại rau rừng có mặt nơi đây.

Tính từ lần tôi đến cách đây hơn 20 năm, người núi Cấm xem ra nay vẫn thế. Ngẫm ra chính tình đất tình người đã khiến cho du khách “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” là vậy.

Luồn hang

Dường như các ngọn núi ở miền Tây đều có hang động. Tuy không đẹp tuyệt như Phong Nha, Hạ Long, nhưng hang động miền Tây cũng đủ “thử lòng” du khách. Như đồi Tức Dụp (An Giang) với hàng chục hang động mà mỗi tên hang đều mang bóng hình lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là hang C6 (có hội trường sức chứa hơn 150 người), hang Quân Y, hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy,… Đồi Tức Dụp còn rất “có giá trị”, ít nhất là 2 triệu USD- đó là tổng số tiền mà bom đạn đã trút xuống đây để tiêu diệt cách mạng.

Tuy chỉ là đồi cao hơn 300m, nhưng không ít người (trong đó có tôi) cũng “bó chân” không thể trèo lên tận đỉnh hoặc vào hang sâu. Bởi đồi được cấu tạo toàn những tảng đá lớn nhỏ, mà theo truyền thuyết thì các tiên nữ đã đứng trên đỉnh núi Cô Tô ném đá xuống chân núi đùa chơi. Nhiều cửa vào hang còn được thiên nhiên “bố trí” một tảng đá khổng lồ, mà muốn thì chỉ có cách bò vào.

Thạch Động Hà Tiên (Kiên Giang) là một thắng cảnh với nhiều câu chuyện thần tiên. Những giọt nước mưa qua hàng ngàn năm đã tạo nên nhiều thạch nhũ độc đáo. Tương truyền trong động có một miệng hang sâu thăm thẳm, bao nhiêu người hiếu kỳ xuống hang đều không thấy trở về. Còn trên vách hang lờ mờ hình cô gái ẻo lả, dựng nên câu chuyện “Thạch Sanh chém chằn”. Hang nằm trên núi cao, nên trong hang lúc nào cũng mát rượi. Từ cửa hang, phóng tầm mắt nhìn xa xa thấy tận Mũi Nai và cửa khẩu Xà Xía.

Hà Tiên còn có núi Đá Dựng, là “tảng đá” cao chừng trăm mét, nằm chơ vơ giữa ruộng, nhưng theo đường dẫn đi hết 14 hang động thì phải qua hơn… 3.000m. Khi chúng tôi tới, trời đang mưa rỉ rả. Mọi người sắm ngay cái áo mưa 5.000đ rồi “hiên ngang” leo xuyên màn mưa. Nhưng chẳng mấy chốc đã è ạch thở vì đường đi hết dốc đứng lại… dốc ngược.

Có điều thiên nhiên đã “đáp lễ” bằng những hang động kỳ thú. Thạch nhũ mỗi hang mỗi khác, có nơi như chiếc hồ lô (hang Dơi), có nơi thạch nhũ lại chẳng khác nào giàn khổ qua (hang khổ qua), rồi hình cá đối, rồng bay,… Có nơi gió lồng lộng cửa hang, nhìn xuống chân núi, đồng bằng trải ra trước mắt. Nhưng đặc biệt nhất là hang Trống Ngực, bởi đứng tại đây, đấm tay vào ngực nghe như có tiếng trống (?).

Nói du lịch “cảm giác mạnh” miền Tây là tôi nói thật. Phần vì cảm giác leo núi hoặc vào hang cũng cần “bình tĩnh tự tin” chớ người “yếu bóng vía” hơi khó lòng làm được. Thêm nữa, là phải “mạnh thật sự” mới đủ sức khỏe leo trèo. Các bạn trẻ thường cẩn thận kiếm một cây gậy, trang bị giày thể thao, giắt lưng một chai nước, cột thêm chiếc áo khoác ngang hông, phòng khi nắng cháy. Nhưng du lịch “cảm giác mạnh” miền Tây bạn còn có thêm “cảm giác nhẹ” rất dễ thương. Đó là giá cả phải chăng, chỉ vài ngàn đồng một chiếc vé tham quan… tùy thích. Muốn đi đâu thì đi, muốn ở bao lâu thì ở.

Thức ăn, nước uống dẫu tuốt trong hang hay trên đỉnh núi cũng không đắt hơn ở chợ bao nhiêu. Nếu gặp khó khăn, du khách còn có thể nhờ cậy các chú bé địa phương đã theo bên cạnh tự lúc nào, sẵn sàng dìu đỡ hoặc nhảy thoăn thoắt qua các tảng đá để dẫn đường. Cậu bé Thạch Cha Van học lớp 7, nói rằng sau buổi học ra đây “trèo núi” một buổi cũng được vài chục ngàn đồng, mùa hè thì khá hơn, có khi cả trăm. Những hướng dẫn viên này rất dễ thương, cứ lặng lẽ theo sau, ai cần thì giúp, không mặc cả, không đòi hỏi, tùy lòng du khách vậy.

Du lịch, GO! - Theo Phương Nam (Vĩnh Long Online)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét