Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Hẹ ở đây không phải hẹ trên cạn mà là hẹ nước, một loại rau dùng để ăn sống. Đặc biệt ở chỗ đây là loại rau do thiên nhiên ban tặng và không phải đâu đâu của vùng Đồng Tháp Mười cũng có.
.
Người dân ở Ấp 5, huyện Mộc Hóa (Long An)– một huyện của vùng Đồng Tháp Mười- gọi loại hẹ này là “của trời cho”.

Quà tặng của thiên nhiên

Người dân gọi đây là “của trời cho” cũng phải thôi, bởi giống hẹ này không chỉ là loại rau ngon mà còn có giá trị kinh tế, đặc biệt chỉ tự mọc (không thể trồng), vùng đất nào có hẹ thì dù có luân canh thế nào, “hễ tới mùa nước nổi- đất trống là hẹ lại sinh sôi”.

Không biết loại hẹ này có tự bao giờ nhưng theo những người di cư đến vùng Mộc Hóa (Long An) từ 20 năm trước đã thấy loại hẹ này mọc ngoài đồng. Nhiều người thấy hẹ mọc nhiều trên đất mình, còn tìm cách diệt bớt... Nhưng đến khoảng năm 2008- 2009, thấy có thương lái từ xứ khác đến hỏi mua mới biết cây này mang lại giá trị kinh tế. Từ đó, đất của người nào có hẹ thì trở thành “mỏ quý”. Người người đổ xô đi cắt hẹ xem như của chung nhưng dần dần, chủ đất đã “kỹ tính” hơn nên “đất ai chủ nấy”- không còn thu hoạch tràn lan.

< Nhân công làm việc nhộn nhịp bên đồng hẹ.

Hẹ nước thường có nhiều và sinh trưởng nhanh (lá to, dài chừng 3– 4 tấc) vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8, 9, 10 âl…). Còn mùa này, chỉ có “hẹ nuôi”.

Tất nhiên, hẹ nuôi cũng bắt nguồn từ hẹ thiên nhiên (tự mọc) nhưng khi chủ đất biết mình có “mỏ” thì tạo điều kiện cho cây sinh trưởng sớm để bán được giá cao. Dì Trần Thị Phụng (Ba Phụng) có hơn 12 công hẹ- một trong những người có mỏ hẹ lớn ở Ấp 5 cho biết: Muốn có hẹ sớm cũng dễ, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân (khoảng tháng 4) thì làm nhuyễn đất (cày, xới…) và bơm nước vào ngập ruộng, rồi cứ để… tự nhiên, hẹ sẽ xuất hiện. Khoảng 45 ngày sau thì thu hoạch, lúc đó hẹ sẽ cao chừng hơn 2 tấc.

Dì Phụng cho biết thêm, gia đình dì di cư từ Vĩnh Long về vùng Đồng Tháp Mười này hơn 20 năm nay rồi, lúc đó đất đai khô cằn, chỉ có cây tràm là sống nổi nhưng đã thấy cây hẹ nước tươi tốt ngoài đồng. Không có rau, người ta hái hẹ về ăn sống thay rau, loại hẹ này chấm với món kho, “đặc biệt là mắm kho thì ngon bá chấy!” Tuy nhiên, lúc đó cũng chưa vui bằng lúc biết cây hẹ này có thể mang lại thu nhập cao ngoài vụ lúa.

Niềm vui vùng “mỏ hẹ”

Nhớ lại những năm đầu mới đến định cư ở vùng này, ông Đoàn Văn Long (Ba Long)– chồng dì Ba Phụng nói: Thời đó, từ Vĩnh Long lên, tui mua được 3 mẫu ruộng (30 công) nhưng lúc đó làm lúa thất lắm, chừng 7– 8 giạ/công mà mỗi năm chỉ làm được một mùa nên phải bù lỗ suốt. Nhiều người cùng di cư đến, chán nản bỏ xứ này mà đi. Cả nhà 9 người quần quật bắt tôm cá suốt ngày ngoài đồng mới đủ sống nhưng cũng “rầu thúi ruột”. Sau lúa trúng mùa hơn, lại thêm có thu nhập từ cây hẹ, mới thấy mừng trong bụng và nghĩ có thể trụ lại đất này.

Vừa nói ông vừa hướng mắt ra đồng– nơi các nhân công trong xóm đang đua nhau nhổ và lặt đám hẹ của ông, chờ lái đến cân, tươi cười và nói: “Theo tính toán của tui, cả mẫu hẹ này năm nay chắc thu hoạch được chừng 5 tấn, giá đang ở mức 10.000 đ/kg, trừ chi phí thì ông sẽ có lời chừng 30 triệu”.

Không chỉ mang lại nguồn lợi cho chủ đất, cây hẹ nước còn giúp tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho những người làm công (nhổ, lặt hẹ) hoặc mướn đất có hẹ “lấy công làm lời”…

Anh Hai Tân- cũng ở Ấp 5- cho biết, năm rồi, anh cùng 3 người khác thuê một lô đất (1,5 mẫu) có hẹ, thu hoạch có lời, mỗi người chia ra được chừng chục triệu nên năm nay, anh cũng thuê đất nhiều hơn. Còn chị Trần Thị Bé thì vui vẻ: “Quê gốc của tôi ở Huế, vô đây cũng khoảng 10 năm rồi, không có đất đai, vợ chồng làm thuê kiếm sống và nuôi con ăn học. Mùa nước là nhờ có hẹ này mới đủ sống, không thì thiếu sống”.


< Tập kết bên bờ chờ lái đến cân, những người lặt hẹ chờ cân phần của mình để lãnh công.

Được biết, giá nhân công nhổ hẹ khoảng 100.000 đ/ngày (làm 8 tiếng), lặt hẹ thì chia phần trăm với chủ ruộng. Bất kể giá hẹ là bao nhiêu, chủ ruộng hưởng 7 phần, công lặt hẹ hưởng 3 phần. Do cách tính công đơn giản, công việc lặt hẹ cũng dễ dàng (bỏ gốc, rửa sạch) nên hễ tới mùa người lớn hay trẻ em đều có thể tham gia.

Ngoài ra, còn một cách mang lại thu nhập từ hẹ khá phiêu lưu, đó là: “săn hẹ” (do chủ đất có quá nhiều mỏ hoặc ở quá xa đồng… thả tự nhiên– PV). Nhiều người cho biết, khi nước nổi về lênh láng cánh đồng cũng là thời điểm nhiều người chống xuống hoặc “phi” vỏ lãi xé nước băng đồng đi “săn hẹ”. Những người đi săn cũng phải là những thợ lặn cừ khôi vì nước nổi ở Đồng Tháp Mười thường cao ngập quá đầu người.

Theo chị Châu Thị Mo– thương lái có hơn 10 năm mua hẹ này cho biết: Không chỉ có ở Mộc Hóa, hẹ nước cũng có ở một số huyện khác của Long An như Đức Huệ… Tui mua rồi phân phối ở các chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)… Ngoài lái trong tỉnh, còn có lái từ Tiền Giang, Tây Ninh…

Theo quan sát, loại rau này đang được tiêu thụ mạnh nhất ở Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên cũng có không ít người thành phố hay miền Tây cũng chưa biết tới loại rau độc đáo này. Bà Ba Trùm ở Vĩnh Long thì nói: Trước đây, ở dưới đồng mình cũng có nhưng lá nhám và ăn vị chát chát nên… hổng ai ăn, còn hẹ ở đây lá mềm, vị lơ lớ. Người dân ở vùng này nói, hẹ được dùng thay rau trong đám tiệc vì dễ ăn và hậu thanh mát.

Ông Ba Long thì cho biết, những năm gần đây, người dân vùng này còn có thêm nguồn thu từ sen. Ông Ba Long cho biết, để tăng thu nhập thì lúc bơm nước cho hẹ sinh sôi, cũng là lúc ông gieo sen xuống ruộng, để hẹ vừa thu hoạch xong thì quay qua sen.

“Nguồn lợi từ ngó sen, gương sen khi xong mùa nước năm rồi chừng 60 triệu chớ có ít đâu”- ông Ba nói. Nhờ vậy, sau nhiều năm vất vả gắn bó với vùng đất này, ông Ba đã thấy an tâm vì chỉ cần mình cố gắng, đất không phụ mình và ông cũng vững tin rằng “đất lành thì chim đậu” nên “tui đang định xây nhà tường, đo đạc xong hết rồi, sẽ xây nhanh đặng kịp ăn tết”.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, người nhổ- lặt hẹ phải trầm mình suốt ngày trong nước phèn không đảm bảo vệ sinh. Người dân cũng cho biết, tới mùa nước thì có hiện tượng rớt giá trong khi thương lái vẫn tranh mua tranh bán. Thiết nghĩ, các ngành chức năng địa phương cần quan tâm hơn đến những người dân vùng “mỏ hẹ” này để cây hẹ nước thật sự đem lại lợi ích cho người dân.

Là người miền Tây nhưng hễ có dịp đến thăm vùng Đồng Tháp Mười là tôi lại thấy nôn nao. Ở đó, cái mộc mạc, chất phác chân quê của vùng đồng bằng sông nước miền Tây vẫn còn đậm chất. Rời Mộc Hóa- Long An, tôi còn vấn vương lời hẹn: mùa nước sẽ trở lại nơi này để cùng người dân ra đồng “săn” hẹ nước.

Du lịch, GO! - Theo Tuyết Hiền (Vĩnh Long Online), internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét