Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Với người Thái ở Tây Bắc, từ “khách nhà sàn” dùng để chỉ những người khách quý, họ hàng ở bản xa đến chơi nhà...
.
Nhưng, riêng người Thái ở Bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) từ cửa miệng “khách nhà sàn” như dùng để chỉ một sản phẩm du lịch độc đáo chỉ nơi này mới có.

< Nhà sàn ở bản Lác được ví như những “Hotel” giữa núi rừng, rất thích hợp cho các kỳ nghỉ cuối tuần.

Có lẽ vì thế, khi chúng tôi đặt chân đến nhà sàn của anh Hà Văn Minh lần đầu đã có một cảm giác quen thuộc. Sàn nhà được dát bằng tre rộng mênh mông, đệm gối sắp đều tăm tắp. Đây là gian nghỉ ngơi của chúng tôi vào buổi đêm. Dưới gầm sàn là nơi để ngồi ăn cơm, uống trà.

< Đến bản Lác du khách có thể dùng xe đạp khám phá bản làng.

Anh chủ nhà vừa rót ly trà nóng vừa bảo: “Nấu cơm cho hai người, nếp Mai Châu, luộc con gà, làm bát canh cá chép măng chua nhắm rượu với thịt trâu gác bếp nhé ?”, chúng tôi đã ứa nước miếng.

< Hoặc dạo bộ tìm hiểu những sinh hoạt thường nhật của người bản địa.

Chiều buông lành lạnh, hương lúa ngạt ngào, chúng tôi thả bộ quanh những con đường trong bản, tha hồ xem và chọn những mặt hàng đặc trưng của người Thái. Trước nhà sàn nào cũng bày vài ba chiếc bàn con, trên đó là các loại thổ cẩm như ví tay, túi xách, khăn piêu...

< Và thích thú khi mua được những món quà ưng ý dành tặng cho người thân.

< Du khách thích thú với những bộ áo cóm cúc bạc do người Thái bản địa làm ra.

Quanh nhà còn treo la liệt những súc vải dài hay áo cóm người Thái với hoa văn đặc trưng. Ngoài ra, rất nhiều đồ đi săn của người bản địa được làm mộc mạc bằng tre, gỗ như cung nỏ, dao đi rừng...

Nhiều mặt hàng độc đáo như mõ trâu, sáo trúc, ống đựng thư pháp bằng tre. Những sản phẩm này đều do những người Thái ở đây tự làm.

Chúng tôi có thể thoải mái ngắm nhìn, chuyền tay nhau các món đồ mà chẳng ngại phiền hà bởi chủ nhân còn mải chăm chút vào khung dệt, guồng tơ. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của dân tộc Thái, nhờ đó tạo nên bản sắc văn hoá riêng hấp dẫn du khách ở bản Lác.

< Búp bê thổ cẩm, áo cóm cúc bạc, vòng thổ cẩm, váy, dao, cung, nỏ... rất sắc màu và tinh tế được người Thái ở bản Lác bày bán phục vụ du khách.

Cái nét dân tộc của người Thái thể hiện rất rõ qua trang phục: Khăn chít ngang đầu, áo ba gang màu thanh thiên, váy thâm kín gót, mỗi cô quấn quanh ngực một tấm thổ cẩm làm “cặp váy” ép chặt bộ ngực tạo nên vẻ dịu dàng kín đáo.

< Bà Hà Thị Mưới trình diễn cách dệt thổ cẩm của người Thái ngay dưới gầm nhà sàn phục vụ du khách. 

Đêm Mai Châu rộn ràng trong tiếng chiêng trống của đội văn nghệ bản. Trước đó, anh Minh - ông chủ nhà sàn đã nổi những hồi trống dài. Tiếng trống báo hiệu tại nhà sàn của anh tối nay có múa sạp.

< Buổi tối, du khách được hòa mình vào trò chơi nhảy sạp cùng những cô gái bản địa xinh đẹp và mến khách.

Ở bản Lác, nhà nào cũng có thể tổ chức múa sạp nhưng thường thì họ luân phiên nhau, khách đến nhà nào đông thì tối sẽ múa sạp ở nhà đó. Đội múa xòe gồm những cô gái xinh đẹp, họ được học múa, học hát và học cả ngoại ngữ để tiếp khách. Đêm đó, đội biểu diễn trên 10 tiết mục ca múa bằng tiếng Thái, kết thúc là màn múa sạp. Các cô gái mời khách cùng uống rượu cần làm chúng tôi như nghiêng ngả trong không gian của núi rừng.

< Du khách thưởng thức điệu múa bông truyền thống của người Thái ở bản Lác.

Tiệc rượu tàn trong cái lạnh dịu dàng hòa quyện với vị ngọt rượu cần đưa chúng tôi vào giấc mộng ấm áp với chăn sui, gối cỏ, trên sàn nhà mộc mạc, nên anh bạn đồng hành bảo chúng tôi đi du lịch kiểu “khách nhà sàn” ở bản Lác là bởi vậy.

Chú thích: Bản Lác có 25 nhà sàn làm du lịch được xây cất theo quy hoạch kiểu bàn cờ, đánh số theo thứ tự từ 1 đến 25. Giá ngủ 1 đêm ở nhà sàn chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/người. Du lịch gần như là nguồn thu chính của bà con nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo VNP

0 nhận xét :

Đăng nhận xét