Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Thôi thúc mãi, cuối cùng chúng tôi cũng lên đường chinh phục cung đường Hồ Chí Minh đoạn A Đớt - A Tép, dài hơn 42km được xem là hiểm trở và kỳ vĩ bậc nhất của đường Trường Sơn huyền thoại xưa...

< Những cánh rừng huyền hoặc trong sương ở khu bảo tồn sao la.

Khởi hành từ TP Huế, sau gần hai giờ chạy xe máy ngược những con đèo quanh co, khúc khuỷu của quốc lộ 49, phố núi A Lưới hiện ra giữa ánh đèn vàng mù sương.

1 - Từ thị trấn A Lưới, tờ mờ sáng, chúng tôi phóng xe trên đường Hồ Chí Minh, men theo sông A Sháp, một phụ lưu của dòng Mekong thông qua đất Lào, để đến ngã ba A Đớt. Từ đây nếu rẽ phải, đi bốn cây số sẽ đến cửa khẩu A Đớt - Tà Vàng thông thương với nước bạn Lào. Xe rẽ trái, xuôi dốc A Roàng để tiến vào cung đường hiểm trở bậc nhất trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Ngay từ dốc A Roàng, nhìn lên dãy núi cao trước mặt đã thấy miệng hầm A Roàng 1 nằm cheo leo tít trên đỉnh như thách thức lòng người.

Chinh phục con dốc dựng đứng, quanh co liên tục dài hơn 5km từ chân núi đến cửa hầm A Roàng 1, chiếc xe máy 110 phân khối cứ “gầm gừ” vì phải lui về số 1, số 2. Hầm A Roàng 1 không lớn, chỉ dài 429,5m, rộng 10,4m, cao 6,9m, nhưng trông cứ hun hút vì không có điện chiếu sáng.

Chúng tôi bật đèn xe chạy vào hầm. Độ ẩm và nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cái lạnh thấm đến sống lưng, một cảm giác rờn rợn bao trùm như đang trong hành trình trở về ngày xa xưa nào.

2 - Ra đến miệng hầm, một không gian xanh thẳm, trùng điệp bất tận của núi rừng hiện ra trước mắt như trong một thế giới khác. Đây chính là Khu bảo tồn sao la rộng đến hơn 12.000ha vừa được thành lập để bảo vệ loài động vật móng guốc đặc hữu phát hiện tại khu rừng này hơn mười năm trước. Vùng rừng nguyên sinh vô cùng quý giá chưa bị tác động, điển hình cho loại hình rừng Trường Sơn ở Trung bộ có đến gần 900 loài thực vật, hơn 500 loài động vật, trong đó 10 loài thực vật và 48 loài động vật đang bị đe dọa tiêu diệt...

< Những mái nhà mới mọc trên cung đường hiểm trở.

Men theo con đường bêtông ngoằn ngoèo, chênh vênh giữa một bên núi cao tít mù, một bên vực sâu hun hút, trong làn gió mát lạnh mang theo nhiều hơi nước từ các khe đá, cảm giác người cứ lâng lâng... Người xưa cho rằng vùng rừng đầu nguồn sông Hương này có rất nhiều loài thạch xương bồ, đem lại hương thơm đặc biệt cho dòng sông và cái tên Hương bắt nguồn từ đó, thành tên một dòng sông - “sinh cảnh văn hóa” Huế vừa thâm sâu, vừa thơ mộng, hữu tình...

Có thể dừng lại tắm suối và thác bất cứ lúc nào bởi thác ở đây nhiều vô kể. Nằm cách đoạn vài trăm mét trên đường, có thác chảy trên hẻm đá núi lộ thiên đẹp như mơ, có thác chỉ nghe tiếng róc rách vì chảy trong lòng những đám cây bụi và lau sậy rậm rì. Ở những ngọn thác này, dù không còn tìm thấy loài thảo dược thạch xương bồ, nhưng cũng có thể cảm nhận được mùi hương sự tinh khiết qua làn nước rất trong và mát.

Vượt qua hơn 20km chênh vênh giữa rừng, đi qua rất nhiều cây cầu cạn vắt ngang những ngọn thác lớn, chúng tôi đến cầu A Moong bắc ngang sông A Moong, một trong những dòng sông đầu nguồn lớn nhất đổ về sông Hương. Cạnh cây cầu là đồn biên phòng Hương Nguyên (còn gọi đồn 637), vừa được dời tạm sang khu vực gần đó vì nằm dưới một quả núi lớn có nguy cơ sạt lở. Từ cây cầu này, đi ngược theo sông A Moong lên phía biên giới Việt - Lào có rất nhiều thác lớn và những nhánh rẽ vào các con suối. Những chân thác và một số chỗ hợp lưu của hai con suối hình thành nhiều hồ nước sâu, là nơi tắm lặn rất lý tưởng. Rất nhiều đoàn khách nước ngoài khi đi ngang đây cứ nằng nặc xin ở lại để hưởng thụ một đêm trong rừng nhưng điều kiện hạ tầng và an ninh chưa cho phép...

3 - Xuôi dốc về lại xã A Roàng, chúng tôi vào trạm xá quân dân y kết hợp A Roàng, mua vé ngâm mình trong làn nước khoáng nóng cho cơ thể “giãn ra” sau chuyến trải nghiệm đường rừng gian nan.

Trạm xá nằm cạnh một khe suối đầu nguồn sông Bồ, nơi có dòng khoáng nóng phun mạnh lên từ lòng đất, là chỗ tắm của người dân tộc ít người trong khu vực từ xưa nay. Ngâm tắm khỏe khoắn lại vào khu nhà gươl truyền thống của người Tà Ôi để khám phá kỹ thuật - nghệ thuật dệt zèng bằng sợi len và những hạt cườm do các cô gái Tà Ôi tự tay làm. Những tấm zèng với những đường kỷ hà đặc trưng, nhiều màu sắc và kích cỡ có thể trở thành những món quà quý giá mang về đồng bằng...

Trên đường xuôi theo những con đèo về Huế để kết thúc hành trình, lòng cứ vui lâng lâng khi gặp các đoàn xe máy của du khách nước ngoài chạy ngược chiều với vẻ mặt hào hứng. Họ cũng bắt đầu chinh phục cung đường huyền thoại đầy thú vị này.

Đường Hồ Chí Minh đoạn từ A Đớt - A Tép dài hơn 42km, được mở mới hoàn toàn đầu những năm 2000. Trong chiến tranh, khi mở đường đến đoạn này gặp núi non quá hiểm trở, quân ta đã phải mượn đường rẽ lối sang Lào một đoạn dài rồi vòng về Tây nguyên. Khi đường Hồ Chí Minh được đầu tư thành tuyến quốc lộ xuyên Việt thứ hai, đoạn này mới được nghiên cứu mở thông, trở thành đoạn đường hiểm trở và kỳ vĩ bậc nhất con đường Hồ Chí Minh huyền thoại...

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét