Một ngày giữa tháng 6, nghe lời rủ rê có chút khiêu khích từ đứa bạn: “Đi thử cho bớt chất công tử!”, tôi thoáng ngần ngừ rồi tặc lưỡi:”Ừ, thì đi...!”.
Chật vật kiếm tiền...
8g30 sáng chủ nhật 24-6. Tại điểm tập kết là trạm xe buýt ngã tư Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu, chúng tôi gửi lại đồ đạc cho một người bạn (không tham gia chuyến đi), chỉ giữ lại chứng minh nhân dân với 90.000 đồng/người - đủ để đón xe ra Vũng Tàu. Từ đó trở đi, mọi chi phí sẽ phải tự thân vận động.
9g, cả nhóm bốn người đã ngồi trên xe khách chuyến bến xe miền Đông - Vũng Tàu. Lần đầu đi du lịch kiểu này, bạn Đặng Nguyễn Đỗ Quyên (dược sĩ) không giấu được vẻ lo lắng: “Chẳng biết có trụ nổi tới cuối chương trình không vì chẳng còn gì trong tay cả”.
Lục khắp người, bạn Huỳnh Thị Kim Phụng lôi ra bịch khăn giấy nhỏ, gợi ý: “Hay là xếp hoa giấy đem bán”.
Nghe loáng thoáng câu chuyện của mọi người, bác Nguyễn Hàng Châu (hành khách ngồi cạnh Phụng) lắc đầu... Vậy mà nửa tiếng sau, bác Châu đã bị Phụng thuyết phục mua “mở hàng” một bông hồng giấy với giá 50.000 đồng...
11g30. Khu vực bãi sau Vũng Tàu đầy nắng rát. Cả nhóm ngồi cặm cụi gấp hạc từ những chiếc vé xe khách xin được, mồ hôi nhễ nhại. Hạc giấy, hoa hồng giấy sẽ bán với giá 20.000 đồng/cái. Biết là giá cao, nhưng đó là cách duy nhất để chúng tôi kiếm đủ tiền ăn trưa và mua vé xe về TP.HCM.
Phần lớn khách du lịch đang quây quần ăn, ai cũng nhíu mày khi chúng tôi sà vào mời mua hàng. Mất hơn một tiếng thuyết phục, giải thích mục đích chuyến đi, cả nhóm vẫn chưa bán thêm được thứ gì trong khi bụng đã đói meo. Tới gần 14g, chúng tôi mới bán được thêm vài món.
Lấy tiền mua đồ ăn trưa thì tiền đâu về lại TP? Cả nhóm quyết định... đi xin. Một anh phục vụ ở nhà hàng TT (đường Thùy Vân) sau khi nghe chúng tôi trình bày, đã đem trà đá và một ít bánh kẹo ra cho. Một anh bán kem dạo đứng gần đó cũng góp thêm vài que kem nhỏ.
< Bạn Huỳnh Thị Kim Phụng (thứ hai từ phải) thuyết phục một du khách mua hoa hồng bằng giấy ở bãi biển Vũng Tàu trưa 24-6.
16g. Số tiền thu về chưa tới 200.000 đồng. Không đủ tiền đón xe khách về TP, chúng tôi chọn cách đón xe buýt dù.
20g. Ngồi trên xe, thấy những tòa nhà cao tầng ở TP dần hiện ra, cả nhóm thở phào nhẹ nhõm...
Mất và được
Phải cố gắng hạ cái tôi xuống, phải tập cười, kiên nhẫn thuyết phục trước sự hoài nghi từ người đối diện, phải nỗ lực trong cái đói để tìm cách tồn tại... Đó là những gì chúng tôi thu hoạch được từ chuyến đi ngắn ngủi trong ngày.
Trên xe buýt, cẩn thận đếm từng đồng tiền lẻ, Quyên nói: “Bình thường hứng lên là đi shopping mà không thấy tiếc tiền. Có vào hoàn cảnh này mới biết quý tiền bạc”.
Lý Huệ Thủy (25 tuổi), một bạn trẻ từng đi du lịch “3 không”, cho biết: “Sau chuyến đi tôi thấy bớt lo lắng, ám ảnh về việc sống thiếu tiền, công nghệ”.
“Người tham gia du lịch “3 không” cần học một số kỹ năng để có thể trò chuyện, thuyết phục người mua mà không khiến họ cảm thấy bị làm phiền hoặc mua vì thương hại” - Hoàng Anh Quân, người thực hiện thành công hai lần du lịch “3 không”, chia sẻ. Quân cũng rất bất ngờ khi nhận ra trong xã hội hiện nay, người nghèo lại dễ mở lòng giúp đỡ những ai gặp khó khăn hơn là người giàu. “Tôi thấy hối hận khi luôn xem thường người nghèo và hay nghi ngờ, tính toán với bạn bè” - Quân nói.
Còn anh bạn người Pháp Thibault Mavel (21 tuổi, sinh viên ngành nhân sự Trường IGS, Pháp) đúc kết: “Tôi tham gia kiểu du lịch này để cải thiện sự thiếu tự tin. Cảm giác chiến thắng được chính mình thật tuyệt”.
Thử thách cần cho người trẻ
Du lịch “3 không” được khởi phát từ khóa học “Làm chủ bản thân và giải tỏa stress” của giảng viên Nguyễn Đức Quý (Công ty Prosales) từ tháng 5-2011, sau đó dần được phổ biến trong giới sinh viên một số trường như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP.HCM...
Chia sẻ về mô hình du lịch trên, ông Quý cho biết: “Ở Mỹ có một số chương trình huấn luyện kỹ năng sống đòi hỏi học viên đến một địa điểm bất kỳ, không được mang theo tiền. Học viên có nhiệm vụ khám phá nơi đó và tìm cách trở về an toàn. Tôi tìm hiểu và thiết kế lại chương trình với đòi hỏi cao hơn: học viên không được mang theo tiền, các thiết bị điện tử hay nhờ người thân trợ giúp”. Ông Quý đã áp dụng mô hình trên dưới dạng bài kiểm tra cuối khóa nhằm giúp học viên tự đánh giá, nhìn nhận bản thân.
Theo ông Quý và nhiều bạn trẻ từng đi du lịch “3 không”, điều quan trọng nhất thu hoạch được từ những chuyến đi đầy thiếu thốn chính là người đi học được cách lắng nghe, nâng cao khả năng giao tiếp, quản lý cảm xúc và làm chủ bản thân.
Du lịch, GO! - Theo C.NHẬT - K.THÁI (TTO), internet