Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Cũng như bao vùng quê khác, Nậm Cần có những nếp nhà nằm chênh vênh bên sườn núi và có những chiếc chòi lợp ngói, thưng gỗ bốn bề, nền làm cao hơn mặt đất chừng 30 - 40 cm... Đó là kho thóc của người Dao đỏ nơi đây.

Ngược dốc men theo con đường quanh co bên vách núi, uốn lượn trong sương mù, chúng tôi đến Nậm Cần, bản người Dao đỏ ở xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) khi dòng Nậm Chăn đang mùa nước cạn. Theo tiếng địa phương, thì Nậm Cần gọi là “Nậm Cân”, còn thời xưa, người Pháp gọi là “Nậm Cấn”. Tên bản, tên suối đều mang tên Nậm Cần. Đây là thôn xa nhất xã Dần Thàng. Nằm chênh vênh ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, thời tiết ở Nậm Cần cũng khá giống với Sa Pa. Mây mù bao phủ núi đồi, thỉnh thoảng có sương mù ướt áo...

Cây “cổ thụ” giữa đại ngàn

Đến suối Nậm Cần, qua cầu treo, gửi xe máy vào một quán nhỏ ven đường, chúng tôi bắt đầu cuốc bộ gần 3 cây số vượt dốc trơn trượt để vào bản. Thỉnh thoảng chỉ vào vệt bánh xe máy lằn sâu trong lớp đất, anh bạn đi cùng bảo: Đây là vệt xích đấy. Dường như thấy tôi chưa hiểu, bạn giải thích thêm: Đường đất trơn nên để đi xe máy được, họ dùng xích quấn quanh bánh xe, tạo ma sát, bám đường để chống trơn trượt đấy... Ra vậy! Trong “cái khó ló cái khôn” là thế. Mặc dù không xa, nhưng mãi đến gần trưa chúng tôi mới vào đến đầu bản khi đã thấm mệt.

< Miệt mài học chữ cổ Nôm - Dao.

Lên tới bản, chúng tôi được Trưởng thôn Triệu Xuân Quý hồ hởi tiếp đón. Có hẹn từ trước nên ông đã đợi sẵn, mặc dù theo như lời con trai cả thì: bố tôi rất ít khi ăn cơm nhà. Lẽ ra, hôm nay ông Quý cũng phải đi cúng giải hạn cho một gia đình trong bản. Là người am hiểu, biết nhiều chữ Nôm Dao, đọc được sách cổ các cụ để lại, nên ông đã trở thành thầy cúng cho cả bản. Tuy vậy, có hẹn rồi, ông ở nhà để đón chúng tôi. Rót chén chè nóng mời khách, ông trò chuyện: Chè này ông cụ tôi làm đấy!

Trước lời mời mọc, tôi nhấp một ngụm chè. Không phải vị đắng chát của loại chè đen chúng tôi vẫn thường uống, mà là thứ chè Shan Tuyết trên núi cao. Cây chè to phải trèo lên mới hái được. Lá chè được hái về, cho vào nồi luộc rồi đem giã nát thành bột, sau đó sấy khô rồi cho vào ống vầu non, treo trên gác bếp. Cứ thế chè để dùng quanh năm. Mỗi khi dùng, lấy một nhúm bột nhỏ, rồi hãm vào phích uống nóng...

Bố ông Quý là cụ Triệu Long Tỉnh, đã 43 tuổi Đảng, người có 25 năm làm Xã đội trưởng của Dần Thàng ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, bộc bạch: Thứ chè uống của người Dao chúng tôi đó. Người già thì vẫn thích uống chè kiểu truyền thống như vậy. Bên bếp lửa sưởi ấm, bao nhiêu câu chuyện lâu ngày giờ được cụ Triệu Long Tỉnh, năm nay đã gần 80 tuổi như “cởi cả tấm lòng”... Từ chuyện tham gia kháng chiến chống Pháp ở tận Yên Bái, rồi có những ngày tham gia giải phóng thị xã Lào Cai cuối năm 1950. Sinh ra ở Thẩm Dương, nhưng từ nhỏ theo gia đình vào Nậm Cần khai hoang và sinh sống cho đến giờ.

< Thi đẩy gậy tại Hội Xòe chiêng.

Tuổi đã cao, nhưng cụ Tỉnh vẫn còn khoẻ và minh mẫn lắm, như cây cổ thụ giữa đại ngàn. Đứa chắt nội của cụ đã 13 tuổi... Vừa trò chuyện vừa nhìn lên những huân chương kháng chiến, huy chương chiến công, hay những tấm bằng khen, giấy khen những năm tham gia làm xã đội mà Đảng và Nhà nước trao tặng mới thấy những nỗ lực của cây “cổ thụ” giữa đại ngàn...

Con trai cụ - ông Triệu Xuân Quý, cũng đã từng tham gia công việc xã hội, giờ được bà con tín nhiệm trao cho chức danh “người vác tù và hàng tổng”... Việc hệ trọng gì của bản, ông Quý đều có mặt.

“Tầm sư” học chữ cổ Nôm Dao

Điều làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên là khi đến nhà ông Quý, được tận mắt chứng kiến không khí của buổi học chữ Nôm Dao. Những cậu học trò đang mải miết luyện chữ. Người thì đang lầm rầm đọc những bài học mà thày Quý đã giảng. Con trai của ông Quý, anh Triệu Xuân Yên cho biết: Lớp học do bố tôi phụ trách và trực tiếp giảng dạy. Lớp học như thế này đã duy trì được 3 - 4 năm nay rồi.

Nhờ tham gia hoạt động xã hội, lại sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, lại là một đảng viên gương mẫu, nên ông Triệu Xuân Quý được thừa hưởng khá nhiều lợi thế... Đọc thông viết thạo, sau khi được làm lễ “cấp sắc”, ông đã tự mình học chữ, rồi tự mình mượn sách cổ của người già trong bản, chép lại những bài cúng, bài răn dạy con người.

< Các em học sinh sinh hoạt tại trường.

Có chút vốn kiến thức, ông Quý đã mạnh dạn mở lớp dạy chữ Nôm Dao như thế. Thù lao chẳng đáng kể, chủ yếu là lòng ham học hỏi của các cháu mà thôi. Có những cậu học trò từ thôn Nậm Miện (xã Thẩm Dương) cách xa mấy chục cây số cũng “khăn gói quả mướp” vào tận bản Nậm Cần để “tầm sư” học chữ cổ Nôm Dao...

Nhìn lên vách nhà có một khung hình chữ nhật, thấy tôi tò mò như muốn tìm hiểu, ông Quý giới thiệu ngay: Khung làm giấy bản truyền thống của người Dao đấy. Nhà nào cũng làm, nhưng chủ yếu làm giấy chỉ để cúng lễ thôi. Làm giấy cầu kỳ lắm. Nhưng đó là một nét văn hoá rất riêng của người Dao đỏ ở đây. Cũng vì gắn bó với rừng, nên việc tự “sản xuất” ra giấy bản để dùng trong gia đình được người Dao ở Văn Bàn duy trì. Cùng với những chiếc rổ, rá, gùi hay khung đỡ để ủ men rượu, giỏ bắt cá suối... thì làm giấy cũng là một nghề truyền thống khá độc đáo.

Những “kho” thóc... no ấm

Cũng như bao vùng quê khác, Nậm Cần có những nếp nhà nằm chênh vênh bên sườn núi, nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn là có những chiếc chòi lợp ngói, thưng gỗ bốn bề, nền làm cao hơn mặt đất chừng 30 - 40 cm... Anh bạn dẫn đường giải thích: “Kho” thóc của bà con đấy! Nhà nào cũng có một chiếc kho để chứa thóc như thế. Với 65 ha ruộng cấy lúa nước một vụ mùa, nhưng nhà nào cũng cấy 2 loại, vừa thóc tẻ và thóc nếp.

< Tiết mục múa quạt của đội văn nghệ Nậm Cần biểu diễn tại Hội Xòe chiêng.

Nhà ông Quý cấy một năm cũng thu được khoảng 6 tấn thóc tẻ và 4 tấn thóc nếp. Gạo tẻ dùng để ăn, còn gạo nếp dùng nấu rượu. Có nhà cấy nhiều ruộng, thu 13 -14 tấn thóc... Điều đó cũng lý giải vì sao, đồng bào Dao đỏ ở Nậm Cần lại có những “kho” chứa thóc như thế.

Trước khi đưa tôi đến Nậm Cần, anh bạn đi cùng khoe: Người Dao ở đây giàu lắm nhé! Chừng như biết tôi còn nghi ngờ, bạn giải thích thêm: Ở đây họ giàu lên nhờ thảo quả đấy. Nhà ai cũng trồng thảo quả. Tuy năm nay năng suất không cao, nhưng thảo quả được giá nên nhà nào cũng có khoản thu khá từ bán thảo quả khô. Nhà ít cũng thu được 20 triệu, nhà nhiều như hộ ông Triệu Xuân Phủ, Đặng Hữu Vi thu gần 1 tấn thảo quả, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ.

Trưởng bản Triệu Xuân Quý cũng cho biết: Năm nay, gia đình thu được 50 triệu đồng từ bán thảo quả! Đặc biệt, nhờ hướng dẫn của ngành nông nghiệp, bản đã xây dựng được quy ước về trồng, chăm sóc và chế biến thảo quả bền vững. Do đó, người dân đã cam kết thu hoạch đúng vụ, để có chất lượng thảo quả tốt, chứ không thu hoạch non như những năm trước nữa. Do vậy, giá bán thảo quả cũng được giá hơn. Nhưng có lẽ, điều để người ta nhớ đến Nậm Cần không chỉ là địa phương có diện tích trồng thảo quả khá lớn của Dần Thàng mà còn là một làng nghề truyền thống nấu rượu nếp đặc sản với men lá bí truyền.

Du lịch, GO! - Theo Kiều Lê (Lào Cai Online)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét