Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Chúng tôi đã bị thuyết phục bởi lời giới thiệu của những người bạn Phú Yên về cảnh đẹp gành Đá Dĩa cùng món ngon ở đầm Ô Loan nên quyết định tới đây tận mục sở thị. Bên cạnh đó còn nhiều thông tin “thêu dệt” khá thú vị với không ít huyền thoại phủ lên địa danh này.

Có truyền thuyết kể: xưa có một người nọ rất giàu có nhưng chẳng may vợ chết sớm. Vốn là người chung thuỷ, người chồng ở vậy và quyết định tu tập Phật pháp. Ông đem vàng bạc châu báu phân phát cho người dân, số còn lại thì cất vào kho cạnh bờ biển với ý định sau khi đắc đạo, sẽ dùng xây chùa... Chưa kịp dùng số của cải này thì ông đắc đạo và về cõi Niết Bàn. Biết có kho tiền ở bờ biển, nhiều kẻ nảy lòng tham tìm đến trộm cướp nhưng tất cả kho báu đã biến thành đá.

Nhiều dị bản khác cũng giải thích gành Đá Dĩa chính là số của cải vàng bạc của một người thương buôn tốt bụng biến thành. Hay câu chuyện từ các cụ già lại ly kỳ hơn khi cho rằng xưa kia vùng đất này có cảnh trí rất thơ mộng, đến nỗi các vị tiên từ thiên đình chọn nơi đây làm nơi đối ẩm đề thơ nên họ đã chuyển chén vàng dĩa ngọc từ cung đình xuống để bày yến tiệc rồi bỏ quên, lâu ngày hoá thành gành Đá Dĩa...

Lạ mắt ở gành Đá Dĩa

Đến gần biển, dễ bắt gặp những dãy hàng rào cùng nhiều ngôi nhà nhỏ của người dân được ghép bằng các phiến đá trông rất lạ mắt. Thật háo hức trước những thông tin ưu ái dành cho gành Đá Dĩa nên quãng đường gần 12km từ quốc lộ 1A vào gành Đá Dĩa sao bỗng thấy xa ngái. Và khi đến nơi vẫn không giấu được cảm giác ngạc nhiên trước thắng cảnh độc đáo này của xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Nhìn từ xa, tôi cứ hình dung đó là một tổ ong khổng lồ, bởi các phiến đá hình ngũ giác màu đen liên kết với nhau mà thành. Nhưng đến gần mới thấy đó là những cột đá ken dày với nhau, bề mặt có hình ngũ giác, lục giác và hình tròn. Có người lý giải kết cấu đá xếp chồng như chén, dĩa nên gành được đặt tên là Đá Dĩa.

Nhiều số liệu cho biết gành Đá Dĩa có chiều rộng 50m và chiều dài 200m. Tuy nhiên, cái lạ mắt của gành đá được nâng tầm bởi bãi cát trắng mịn cùng vùng biển xanh biếc nơi đây. Thiên nhiên quả là dụng công để tạo ra bố cục hài hoà đó. Mấy người bạn trẻ trong đoàn đưa ra vài giả định vui, như có thể trước kia đây là một bến tàu, người ta chuyển đá đến đây để làm bậc lên xuống; còn người bạn mê phim phiêu lưu viễn tưởng lại cho rằng đây có thể là một kỳ quan của người ngoài hành tinh, là cánh cổng mở ra một kho báu hay hang động chi đó…

Thế nhưng ông trưởng đoàn, vốn là người đi nhiều và đọc rộng, dập tắt những ý tưởng ấy bằng các thông tin khoa học từ nghiên cứu của các nhà địa chất rằng loại đá bazan dưới chân chúng tôi được hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa vùng cao nguyên Vân Hoà (huyện Sơn Hoà). Nham thạch văng tới đây, bị nước biển lạnh làm đông. Theo thời gian, khối đá nham thạch bị nứt theo mạch dọc tạo thành những trụ đá hình thù như ngày nay.

Vùng County Antrim (Bắc Ireland) có địa danh Giant’s Causeway, một điểm du lịch hấp dẫn và đã được Unesco công nhận là kỳ quan thiên nhiên của thế giới vào năm 1986, cũng có gành đá với đặc trưng như gành Đá Dĩa. Nghe thông tin này, tôi thấy luyến tiếc bởi thuộc diện thắng cảnh quốc gia nhưng gành Đá Dĩa lại trơ trọi. Du khách đến đây chỉ ngắm rồi đi, không có chỗ nghỉ chân hay các dịch vụ du lịch đi kèm. Không chỉ rác chai lọ bỏ lại mà nhiều người còn phóng uế tại đây. Không biết, cái “hữu xạ tự nhiên hương” của gành Đá Dĩa sẽ thu hút được khách tham quan đến bao giờ?

Sản vật ngon ở đầm Ô Loan

Cùng nằm trong địa phận huyện Tuy An nên chúng tôi chỉ mất chừng 20 phút đi ngược trở ra thì đến được đầm Ô Loan. Ở đây không chỉ có thắng cảnh đẹp mà còn có nhiều món ăn ngon và những đặc sản ấy đã hoá thành thơ khi nhà thơ Tản Đà, Xuân Diệu, Nguyễn Mỹ… dừng chân chốn này. Nhà thơ Xuân Diệu từng thốt lên: “Đầm Ô Loan, đầm Ô Loan – Nước trời cùng với mây liên hoàn – Mặt đầm đôi cánh chim loan mở – Khí mát lan bay sắc đẹp tràn”.

Địa chí Phú Yên cũng viết rằng: đây là một địa danh gắn với phong trào Cần Vương của tỉnh Phú Yên. Đầm rộng khoảng 1.200ha. Đứng trên đèo Quán Cau nhìn xuống, Ô Loan giống như con phượng đang xoè cánh, còn trên bản đồ, Ô Loan giống như con thiên nga đang thong thả bay... Hàng năm, vào ngày 7 tháng giêng âm lịch, người dân ở đây tổ chức lễ hội đua ghe truyền thống hay các ngày lễ cúng thần, cầu ngư…

Đi giữa nắng gió biển miền Trung, khi đặt chân đến đây bỗng thấy nhẹ nhõm bởi màu xanh của bóng cây và sóng nước. Hệ thống nhà hàng không chỉ bám bờ mà còn thả nổi trên nước để du khách cảm thấy gần hơn với biển. Và đặc sản thì ghi đầy thực đơn: sò huyết, hàu, gỏi sứa, tôm, cua huỳnh đế, ghẹ… Trong đó, sò huyết là món được nhân viên ở đây dành nhiều mỹ từ nhất để giới thiệu. Nhà thơ Nguyễn Mỹ từng viết: “Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp – Sò huyết sinh trong đáy giếng mờ xanh”. Bạn có thể theo chân vào tận nhà bếp để xem các đầu bếp chế biến sò huyết nướng, sò huyết chấy tỏi, rang me…

Đó là những con sò huyết ngon nhất mà tôi được ăn bởi vị ngọt và mùi thơm rất đặc trưng. Sò huyết ở đây ngon đến mức đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Những người ở đây còn cho biết nếu du khách ở lại lâu có thể thuê thuyền đi xem cách người dân bắt sò hay thuê thuyền đi câu và thưởng ngoạn cảnh đẹp trong đầm. Dù hiện nay cá tôm đã vơi nhiều nhưng bám biển vẫn là nghề chính của họ…

Cũng như gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan được khoác lên mình nhiều nét huyền thoại ly kỳ. Tuy nhiên, chính sự chân chất, thật thà của con người nơi đây khiến chúng tôi ấn tượng hơn. Ấy là hình ảnh người em hè hụi đẩy xe lăn chở người anh khuyết tật băng qua cây cầu gỗ bắc qua đầm mà miệng vẫn cười nói ríu rít. Ấy là khi chúng tôi gọi món, người phục vụ đã quả quyết khuyên không nên gọi thêm, hết món nào gọi món đó kẻo lãng phí. Đó là cách hành xử rất văn minh, khác với những nơi chỉ chực chờ “chém đẹp” nếu thấy khách đi xe sang trọng hay khách lạ từ nơi xa tới.


Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi nhìn phiếu thanh toán tiền. Giá khá rẻ so với đồ ăn thức uống đã dùng. Vậy mà chị chủ quán cho biết khách đến đây chỉ lai rai. Một thắng cảnh du lịch đẹp có tiếng và nhiều đặc sản ngon hình như vẫn còn nhiều tiềm năng cần quảng bá, khai thác. Và cầu mong cơn lốc du lịch kiểu “ăn xổi” đừng kéo qua đây.

Du lịch, GO! - Theo Trọng Văn, Bảo Chương (SGTT) và nhiều nguồn ảnh khác.

Kỳ vĩ Gành Đá Dĩa (Ghềnh Đá đĩa)
Ẩn số 'đá xếp chồng' ở Ghềnh Đá Đĩa

YuMe: Bạn có thể ngồi hàng giờ tại gành Đá Đĩa câu cá dìa, cá vẩu... và thả hồn theo sóng nước để rồi cảm nhận được lời thì thầm của đá hoặc cùng người địa phương đi cạy ốc “vú nàng” rồi nướng muối ớt xanh và thưởng thức tại chỗ.

Nếu muốn tắm biển, thì phía Nam gành Đá Đĩa có bãi tắm nước trong vắt, bờ cát hình lưỡi liềm, trắng, sạch và mịn. Phía Bắc gành có bãi nham thạch rất đẹp trải dài trên 500m, lên đến gành Đèn là cửa vịnh Xuân Đài, một vịnh nổi tiếng ở Phú Yên.

Nếu có dịp đến Phú Yên, bạn hãy dành một ngày đi tham quan di tích thắng cảnh cấp quốc gia gành Đá Đĩa (được công nhận từ ngày 23-1-1997) để hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, giao lưu cùng người dân địa phương luôn hiếu khách, bạn sẽ có một kỷ niệm khó quên trong đời...

0 nhận xét :

Đăng nhận xét