Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Nằm trong quần thể du lịch của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, từ lâu Bích Động đã được biết đến với danh xưng “Nam thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam sau động Hương Tích).

< Cổng chùa tam quan cổ kính ẩn hiện sau tán cây rậm rạp.

Trong tiết trời mát mẻ một ngày đầu thu, quãng đường hơn 100km từ Hà Nội về Bích Động dường như không lấy đi bao nhiêu sức lực của nhóm du khách trẻ. Nhìn từ xa, ngôi chùa thấp thoáng ẩn hiện trong tán cây rậm rạp của ngọn núi Ngũ Nhạc Sơn.

< Chùa Hạ với mái uốn cong chia làm hai phần.

Phải đến thật gần, đi qua một hồ sen cổng chùa tam quan cổ kính mới hiện ra trước mắt. Con đường lát gạch đỏ râm mát làm mọi người cảm thấy khoan khoái vô cùng. Chùa Bích Động xây dựng theo kiểu "Tam" Hán tự, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.

< Những bậc thang men theo vách núi lên chùa Trung.

Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc làm chùa chiền hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục. Ba ngôi chùa xây trên sườn núi cao, dưới gầm có động Xuyên Thủy. Giữa bức tranh núi rừng hùng tráng dát lên một phù điêu là những ngôi chùa cổ kính, mái ngói rêu phong, có đủ 8 cảnh đẹp mà người xưa từng gọi ''Bích sơn bát cảnh''.

< Chùa Trung nằm ở lưng chừng núi với kiến trúc bán mái phía ngoài.

Chùa Hạ có 5 gian xây trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ Phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Vì kèo, xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim. Mái chùa là hai tầng mái uốn cong, gồm 8 mái.

Năm 1705, có hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành.

< Khung cảnh thâm nghiêm, tĩnh mịch trong động tối.

Năm Đinh hợi (1707), hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối. Khoảng năm Giáp Ngọ (1774), Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782) đã đến thăm chùa và đặt tên cho chùa là Bích Động.

Sau khi tham quan chùa Hạ, trở ra sân quay về hướng bắc, bước khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, tới lưng chừng núi là đến chùa Trung, kiến trúc bán mái phía ngoài.


< Chùa Thượng tọa lạc ở vị trí cao nhất gần đỉnh núi.

Đây là một chùa rất độc đáo ít nơi có được, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên. Chùa có 3 gian thờ Phật. Lễ Phật xong ở thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời trau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế, sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...
Lên chùa Thượng, khách lữ hành phải bước gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, thờ Phật bà Quan Âm.


< Hình dạng độc đáo của những nhũ đá trong động Xuyên Thủy.

Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Đứng từ trên chùa Thượng thả tầm mắt bao quát quang cảnh núi non xen kẽ ruộng đồng như một bức tranh sơn thủy. Sau khi tham quan quần thể chùa độc đáo, cả nhóm hứng thú đi thuyền khám phá hang động Xuyên Thủy ngay dưới chân ba ngôi chùa.

Vừa vào trong mọi người đã choáng ngợp bởi vẻ đẹp của những nhũ đá rủ xuống từ trần hang. Những nhũ đá đủ hình dáng, màu sắc tạo thành vô số hình thù lạ mắt: lúc như một nụ sen, lúc như bầu sữa mẹ, có khi lại là hình một con cá sấu...
Đắm chìm trong không gian đẹp đến huyền hoặc, những ưu phiền lo lắng trong cuộc sống bỗng chốc như biến mất. Cả khi kết thúc hành trình, cảm giác yên bình vẫn còn lắng lại suốt trong lòng...

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thắng (Dulich Tuoitre)

0 nhận xét :

Đăng nhận xét