Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Hòn Sơn Đừng là một thôn của xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có một làng chài rất nhỏ, với những tảng đá thiên tạo mang dạng hình các loại thú, nơi không có xe cộ, kể cả xe đạp. Đúng là một bảo tàng của hoang sơ...

Nhưng có nhiều lý do để du khách đến Sơn Đừng từ khung cảnh thiên nhiên đẹp lạ thường, biển và núi... những tảng đá thiên nhiên mang dáng hình các con thú, những vách núi được cây cỏ bám vào. Với những ưu đãi của thiên nhiên ban tặng, Sơn Đừng đang bắt đầu làm du lịch theo cách của mình.
Tựa lưng vào những đồi cát vàng chập chùng, hòn Sơn Đừng nhìn ra biển. Mỗi khi thủy triều rút lộ ra bãi cát trắng mịn, sạch. Bên phải hòn là một bãi đá đẹp, là nơi tắm biển khá an toàn. Do sống xa và tách biệt với đất liền, người ta đặt Sơn Đừng là “làng Robinson”.

Vài năm trước, muốn đến Sơn Đừng, từ đất liền phải đi nhờ tàu đánh cá, cả đi và về phải mất hai ngày. Ngày nay, nếu không đi đường bộ đến tận nơi thì có thể đi tàu cắt ngang vịnh Vân Phong với chỉ 3 tiếng đồng hồ. Thời gian trên tàu, du khách thỏa sức ngắm vịnh đẹp, với cảnh thanh bình của những làng chài nép mình dưới rừng dừa xanh ở chân núi, những cồn cát trắng mênh mông và những dãy núi chập chùng xa xa...

Dưới ánh nắng, nhìn từ xa Sơn Đừng đẹp tựa tranh vẽ. Cách bờ chừng 100m, tàu không cặp bến được vì bờ biển lài ra khá xa. Phải dùng thuyền thúng vào bờ. Nhưng đa số khách du lịch lại thích nhảy xuống lội vào. Nước biển trong vắt, sạch và ấm.

Ở Sơn Đừng không có đường sá và tất nhiên không có cả xe máy, xe đạp. Con đường chính của Sơn Đừng đi men theo mép biển nên khi nước lên thì đường mất. Giữa các nhà dân qua lại với nhau, người ta rải san hô thành những lối đi nhỏ trên cát.

Xóm biển nho nhỏ này cũng có một câu chuyện cổ tích: Ngày xưa, có một nhóm người thuộc dân tộc Đàng Hạ đi biển gặp bão, bị đắm tàu và đã trôi dạt vào bờ biển này sinh sống. Thời đó, họ chẳng có quần áo để mặc nên dùng lá cây làm trang phục.

Sau đó, một số con trai, con gái lớn lên đã quyết định rời bỏ bãi biển buồn tênh này vào đất liền lập nghiệp. Nhưng cũng có những người vì tình yêu mà chọn chốn này an cư lạc nghiệp... Người dân Sơn Đừng làm rất nhiều nghề để sinh nhai như: nuôi tôm hùm lồng, đánh bắt mực, cá, lên rừng đốn củi và nghề trồng điều, trồng cây ăn trái. Giờ đây, họ thêm công việc làm du lịch.

Hàng ngày, đám trẻ con tung tăng ra tận bãi rước khách du lịch, phụ nữ chuyên lo ẩm thực với những món ăn dân dã, độc đáo. Đàn ông ở thôn ai cũng giỏi nghề nuôi tôm hùm và lặn biển. Những căn nhà của các cư dân ở đây được trang trí theo kiểu quán ăn bình dân nhưng khá tiện nghi và có kèm thêm dịch vụ “tua điền dã”. Khách đến Sơn Đừng, bất kể Tây hay ta, đều thích dùng thử món “ốc mặt trăng” ướp sả, nướng hoặc hấp và cháo cá thu.

Hầu như ai tới Sơn Đừng cũng tò mò tìm hiểu về nguồn nước ngọt dồi dào ở ngay trên bãi cát sát mép nước biển. Ý thức được nguồn tài nguyên du lịch thiên phú của mình, cho nên người dân Sơn Đừng bảo vệ triệt để bãi biển trước mặt làng.

Tương truyền, khi vua Gia Long thua quân Tây Sơn tới đây, đã đào thử một hồ nước ngay bãi cát trên mép nước biển. Điều kỳ diệu đã xảy ra: họ tìm được nước ngọt và đến nay, giúp người dân Sơn Đừng có nước uống và có sản phẩm giới thiệu với khách du lịch. Từ giai thoại đó, người dân Sơn Đừng có hẳn một đền thờ nhỏ được lập để thờ vua Gia Long.

Người dân ở đây khai thác nước ngọt có lẽ là “độc nhất vô nhị”: họ chỉ cần ra bãi biển, cách mép nước chừng nửa mét, lấy tay đào một lỗ nhỏ là sẽ có ngay nước ngọt. Công việc “biểu diễn” đào “giếng” được những đứa trẻ nơi đây làm rất thuần thục cho du khách xem.

Theo các nhà địa chất, do vùng đất này có nhiều mạch nước ngầm chảy từ núi xuống nên nước ngọt mới tinh khiết, không có vị mặn như vậy. Người dân vo gạo, rửa cá, chén bát tại những lỗ nhỏ đào trên bãi biển; nếu cần nhiều nước để tắm, giặt họ đào hố lớn hơn. Đến đây, du khách nào cũng muốn lấy một chai nước mang về.

Hấp dẫn hơn nữa, du khách ra sau làng, leo lên đồi cát để tìm cảm giác chinh phục đồi cát hoặc theo người dân địa phương, ra bè đang trên biển, lựa mua tôm cá rồi trở vào bờ biển luộc hay nướng bên bếp than, củi và thưởng thức theo cách dã chiến để tận hưởng cảm giác sung sướng giữa thiên nhiên miền biển.

Hoang sơ Sơn Đừng

Du lich,GO! - Theo Báo Cần Thơ, internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét