Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Đền Ngọc Sơn xưa là đảo nhỏ trên hồ Lục Thủy. Bắc qua hồ để đến đền là cầu Thê Húc.
Tương truyền ở đây từng có một ngôi đền được dựng lên để thờ những người đã hy sinh trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đến đời Vĩnh Hựu nhà Lê, chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Khánh Thụy.

Lê tồn thì Trịnh tại
Lê bại thì Trịnh vong

Câu tục ngữ nói lên mối quan hệ giữa các vua Lê và chúa Trịnh trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi Lê Chiêu Thống được sự giúp sức của giặc phương Bắc đã đốt cung Khánh Thụy để trả thù chúa Trịnh. Đảo Ngọc Sơn tan hoang nên một người tên là Tín Trai đã lập ra một ngôi chùa gọi là chùa Ngọc Sơn trên nền cung cũ.

Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), một hội từ thiện đã bỏ gác chuông, xây lại các gian điện chính, các dãy phòng hai bên, đưa tượng Văn Xương Đế quân vào thờ và đổi chùa thành đền. Tuy nhiên, ra đền vẫn phải dùng thuyền vì không có cầu.

Trước sự xuống cấp của đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu, một nhà thơ và nhà văn hóa lớn của Hà Nội, đã đứng ra cải tạo và nâng cấp vào năm 1865. Ông cho xây dựng đình Trấn Ba với ý nghĩa ngăn chặn văn hóa ngoại bang, trên bờ ông cho xây tháp đá ngoài cổng cao 9 m, đỉnh tháp là ngọn bút lông gọi là tháp Bút.

Để nối bờ với đảo ông đã cho dựng cầu và đặt tên là Thê Húc (có nghĩa là giọt ánh sáng đậu lại). Dân gian có câu: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài" (cầu ở xứ Bắc không đâu đẹp bằng Nam Định, chùa thì không đâu bằng Bắc Ninh và đình không đâu bằng Sơn Tây) nên ông đã cho mời thợ Nam Định. Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Sau khi hạ thành Hà Nội năm 1882, đền Ngọc Sơn trở thành nơi ở của một viên quan tư trong quân đội viễn chinh Pháp. Khi quân Cờ Đen phải giải thể năm 1885 thì việc canh gác cho viên quan tư có phần lơi lỏng. Trước cảnh ngang trái ấy, một thanh niên là Nguyễn Văn Minh (còn gọi là Hai Minh) đã đốt cầu. Do còn quá trẻ nên người em cùng tham gia đốt cầu là Hai Nguyên đã kể cho một người bạn và rồi cậu này kể lại với bố là Cả Nghệ nhà ở phố Hàng Mắm. Cả Nghệ đi báo quan Pháp và hai ngày sau, lính ập đến nhà bắt Hai Minh.

Do chưa đến tuổi thành niên nên Hai Nguyên được tha. Trong khi đó vì mới 17 tuổi Hai Minh không bị tử hình nhưng bị bắt tù rồi sau đó chỉ huy quân Pháp ở Bắc kỳ đã đưa vào nhóm tải đạn, tải lương phục vụ cho lính Pháp đánh chiếm các tỉnh miền núi phía bắc. Mùa đông năm 1888, Minh bị đày lên Thái Nguyên theo cuộc hành quân của lính viễn chinh đánh vào chợ Chu. Lợi dụng lính canh mệt mỏi ngủ quên, Hai Minh trốn thoát nhưng vì không thông thạo địa hình cuối cùng cậu bị bắt lại và bị tử hình. Năm đó Hai Minh tròn 18 tuổi.

Sau khi cầu bị Hai Minh đốt, người ta sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để cho dân chúng vào lễ. Bức ảnh chụp cầu Thê Húc với những tấm ván lát dọc trên trang web về Hà Nội xưa là của Pierre Dieulefils (ông nổi tiếng nhờ những bức ảnh chụp Hà Nội và Bắc kỳ).

Trong cuốn Hà Nội và những vùng phụ cận của Claudius Madrolle xuất bản năm 1892, tác giả viết: "Cầu Thê Húc được trùng tu vào năm 1888 để thay thế chiếc cầu ọp ẹp. Nó được thay bằng một chiếc cầu gỗ duyên dáng có tính mỹ thuật, được sơn màu đỏ có dáng uốn cong như cầu vồng". Cầu Thê Húc trước khi bị đốt cũng đã đẹp như Claudius mô tả chiếc cầu trùng tu, chỉ có điểm khác là cầu được trùng tu cong hơn để chịu lực tốt hơn.

Vì đền thờ Văn Xương Đế quân nên các sĩ tử trước kỳ thi Hương bao giờ cũng vào đền khấn bái. Sau này các văn sĩ cũng thường xuyên vào đền vãng cảnh và thắp nén hương. Nhà văn Vũ Bằng kể lại trong thiên phóng sự Cai kỷ niệm của ông với cầu Thê Húc. Lần đầu tiên hút mấy bi thuốc phiện ở phố Mã Mây, ông lững thững đi vào đền Ngọc Sơn, nhưng đến giữa cầu Thê Húc thì ông phê thuốc: "Nửa giờ đi qua, tôi cứ đứng vịn thành cầu mà rỏ dãi xuống hồ. Toàn thân tôi không phải bằng da, thịt hay gân sụn...". Sau này khi cai được, ông ân hận vì đã phê thuốc giữa cây cầu duyên dáng nhất Hà Nội.

Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền quá đông làm cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên những đứa trẻ rơi xuống hồ không bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới. Để có thiết kế đẹp, ông Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của các kiến trúc sư cả Pháp lẫn Việt tham gia thì thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm (1908-1999) được lựa chọn.

Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa nhưng Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn. Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn như gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang và dầm dọc của Thê Húc đúc bằng bê tông để kéo dài tuổi thọ, tuy nhiên mặt và thành cầu ông thiết kế bằng gỗ.

Có một nhà văn, dịch giả gắn một phần đời với đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc là Lê Bầu. Lê Bầu sống ở khu tập thể đền Ngọc Sơn từ năm 1963 đến năm 1972. Trong bút ký Rùa hồ Gươm, ông viết: "Hồ Gươm làm cho Hà Nội duyên dáng và mềm mại hơn nhưng cầu Thê Húc lại là đồ trang sức quý giá của hồ Gươm".

Lúc còn sống Lê Bầu đã làm con tính, một năm đi làm, đi ăn ngày 2 lần ở bếp tập thể nên ông phải qua lại cầu Thê Húc 2.400 lần và nhân lên với 10 năm là 24.000 lần.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7 - Kỳ 8 - Kỳ 9 - Kỳ 10 - Kỳ 11 - Kỳ 12

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến (Thanhnien), internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét