Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Sa Pa dành chừng 15 phút lưu lại là quá đủ cho một tách càphê nóng, thuê xe máy, xốc lại hành lý; bắt đầu cuộc hành trình lấy Sa Pa làm… bàn đạp cho những kẻ mê khám phá Tây Bắc trên lưng “ngựa sắt”.
Chuyến tàu đêm Hà Nội – Lào Cai vào ga lúc trời tờ mờ sáng, sau bát phở ấm bụng trên con phố đối diện ga là chuyến xe mất khoảng một tiếng đồng hồ lượn đèo. Đến Sa Pa – thành phố du lịch vừa mới cựa mình tỉnh dậy.

Mường Hum, Y Tý đẹp như tranh

Chặng đường 35km đi Mường Hum bắt đầu dưới vòng lăn của bánh xe. Những dải ruộng bậc thang trải dài từ triền núi kéo dài xuống tận thung lũng bắt đầu hiện ra trước mắt với phảng phất mây vờn.

Những khe nước trong veo thỉnh thoảng lại róc rách chảy không ngừng suốt dọc đường đi. Những khúc cua tay áo nối tiếp nhau khiến người cầm lái dễ rơi vào cảm giác say đường, chẳng thể phân biệt đoạn nào đang lên, đoạn nào đang xuống dốc. Thỉnh thoảng, trước mắt lại hiện ra một rừng tre thẳng băng, cao vút, tăm tắp tưởng chừng chỉ được thấy trong phim.

Ba cây số cuối cùng đường đá hộc gập ghềnh, những đoạn suối “đột nhiên” chảy băng ngang, những vạt đất sạt từ trên vách núi xuống trở thành những thử thách mà không kém phần thú vị cho những người yêu cảm giác phiêu lưu. Dừng chân ở Mường Hum, nơi chợ phiên lớn nhất vùng nhóm vào chủ nhật hàng tuần với đầy đủ màu sắc văn hóa, ẩm thực và giao thương của các dân tộc sống nơi đây. Bữa trưa đầu tiên với lòng, lưỡi lợn đen, kèm rau củ, rau thơm mang hương vị đặc trưng xứ Nậm Pung – “Tây Bắc đệ nhất mỹ tửu”. Rượu Nậm Pung nấu bằng thóc và men lá, nặng nhưng rất đằm; chai vừa mở nút đã nghe thoảng hương thơm của thóc.

Mất khoảng hai giờ chạy xe nữa là đến Y Tý. Nằm ở vị trí cao hơn Sa Pa, ngoài cảnh quan hùng vĩ, một bên dốc sâu đổ thẳng xuống thung lũng, một bên là núi cao dựng đứng, nơi đây làm say lòng người với lúa, mây, tuyết và nhà trình tường.

Những ngôi nhà bốn mặt vách đổ bằng đất sét, dày tối thiểu nửa mét. Người ta thoạt đầu dùng gỗ làm nẹp xương, đổ đất sét đã trộn vào, nện chặt, rồi cứ thế cao lên dần cho đến khi vừa ý. Rui, mè, dầm, kèo cột đều là gỗ có sẵn, mái xưa lợp bằng lá gianh, nay thay dần bằng tấm lợp ximăng. Chỉ có vách đất sét mới chịu được cái lạnh khắc nghiệt mùa đông, nhưng mùa hè lại mát. Tại đây, có thể nghỉ qua đêm ở nhà Mỷ, nhà Si với điều kiện khá tốt: đầy đủ chăn nệm sạch sẽ, tắm nước nóng, ngâm thuốc người Dao… Chiều, bỏ xe leo bộ ngược lên Phan Cán Sử để tận hưởng cảm giác “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Heo hút cồn mây súng ngửi trời”*.

Đến Y Tý, không thể không thưởng thức rượu thóc Sim San. Nhẹ hơn Nậm Pung khá nhiều, vị hơi chua đặc trưng, Sim San khá thích hợp cho buổi tửu đàm, ngắm trăng đêm nơi vùng biên hẻo lánh này. Những ngày cuối năm có tuyết rơi, sáng sớm chạy xe trên những con đường đèo sát biên giới, qua Sim San, lên Hồng Ngài chiêm ngưỡng những khu rừng phủ tuyết, vương vất trên cành cây ven đường – những khoảnh khắc khó quên. Sáng sớm, mở cửa ra tận hưởng mây ùa vào nhà, mây giăng giăng khắp nơi, từ triền núi, xuống thung lũng. Cảm giác người như bồng bềnh trong mây. Ở Tây Bắc, có lẽ Y Tý là nơi mây đẹp nhất.

Tắm dược thảo, ăn vịt suối

Giữa tháng 9, mùa lúa chín, con đường xuôi theo A Lù, A Mú Sung xuống đến Lũng Pô tràn ngập những bức tranh rực rỡ sắc màu của ruộng bậc thang. Cảnh sắc tuyệt đẹp ùa vào tầm mắt, không khí se se lạnh khiến đôi lúc người cầm lái cứ vẩn vơ giữa cảnh sắc đất trời.

Lũng Pô là nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Chạy ngược đường vào ba cây số đến đồn biên phòng Lũng Pô, những chiến sĩ nơi đây sẽ dẫn đi xem cột mốc biên giới, ngắm nhìn ngã ba, nơi dòng sông nửa xanh biếc, nửa đỏ quạch phù sa đưa dòng sông Hồng nhập vào đất Việt, chảy về xuôi. Dọc theo dòng sông chạy về Lào Cai qua Trình Tường, Bát Xát, dòng sông thoắt ẩn, thoắt hiện theo những cung đường. Bên kia là đất Trung Quốc với con đường xuyên Á được đặt trên những cây cầu vượt dài vài chục cây số.

Bỏ lại sau lưng những cung đường vắng vẻ, hoà mình vào những đoàn xe đón đưa du khách từ Lào Cai lên, từ Sa Pa xuống để hoàn tất một vòng tròn về với điểm xuất phát – Sa Pa. Lại lướt qua phố xá tấp nập đầy sắc màu, người ngựa, xuôi theo đường nhỏ chạy thêm 15km thẳng xuống Bản Hồ. Con đường nhỏ dựng đứng đổ thẳng xuống, chạy qua một cây cầu nhỏ bắc qua dòng suối là đến nhà Lý Phủ Tình. Sáu bồn gỗ ngâm thuốc theo công thức bí truyền của người Dao lúc nào cũng sẵn giúp xua tan mọi mệt mỏi của một ngày rong ruổi trên yên ngựa sắt.

Sau 30 phút tận hưởng cảm giác say say, ngồ ngộ, dễ chịu khi đắm mình trong bồn thuốc thơm mùi dược thảo; rồi thưởng bữa trưa với món chính là vịt suối. Vịt suối ở đây lông xanh óng ánh, to như ngan (vịt xiêm), thịt thơm. Đi kèm là bí luộc, ngọn su su xào. Không thể thiếu tiết canh sóng sánh, ăn kèm đọt kinh giới hái ngay vườn nhà, đĩa ngô nếp rang và nậm rượu Thanh Kim. Rượu Thanh Kim được nấu ngay tại nhà, nặng và bớt chua hơn Sim San, mặc dù vẫn mang hương đặc trưng của thóc.

Ngược Sa Pa, lưu lại mươi lăm phút để làm thủ tục trả xe, đắm mình trong mùi thơm tách càphê nóng, ngắm cảnh chiều muộn nơi phố núi với mây giăng. Đón chuyến xe cuối về xuôi, mang theo nỗi nhớ cung đường Tây Bắc đầy thú vị mà ăm ắp luyến lưu. (* thơ Quang Dũng).

Du lịch, GO! - Theo Tiên Lâm (SGTT), ảnh internet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét