Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Người bản địa đứng từ Lang Biang nhìn xuống, thấy dòng chảy ngoằn ngoèo của suối Lạch vẽ lên thung lũng vàng những đường chỉ tay tài hoa lạ lùng của Yàng. Còn chúng tôi lại muốn được khám phá ngọn nguồn lãng mạn của những đường chỉ tay huyền bí ấy trong một chuyến du ngoạn “trekking” bằng xe máy.

Tự tình Bonour C

Từ Đà Lạt chạy đến trung tâm xã Lát-Lạc Dương, gặp hướng rẽ trái có bảng “Suối Vàng”. Ngày nắng, ven đường vào suối rộ lên hình ảnh những làng Bonour C- làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Chill dưới chân núi Lang Biang. Từ đây, dòng chảy thổ cẩm bản địa trở thành sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn riêng cho du lịch Lâm Đồng nói chung.

Dù thổ cẩm ở Lang Biang rẻ như bèo nhưng một phụ nữ Chill phải dệt 2 ngày mới được một chiếc giỏ lưu niệm bằng thổ cẩm và mất một buổi sáng để gùi bộ từ làng lên đỉnh Lang Biang mà bán chỉ với giá 20 ngàn đồng trở lại; một tấm ùi (thổ cẩm nguyên thảm 2x1m) mất cả tuần dệt cũng chỉ 80 - 100 ngàn đồng. Hình ảnh những phụ nữ Chill ngồi gầy sòng đánh bài bên gánh thổ cẩm ế khách trên Lang Biang không còn lạ.

Gần đây, người Lạch đồn với nhau rằng, nhiều con dân của làng uống nước suối Lạch nên được Yàng phú cho giọng hát hay, người thì đi xuống phố làm ca sĩ (như Bonneur Trinh, Kră Jãn Đich, Ka Ut), lứa thì ở lại làng mở nhóm văn nghệ cồng chiêng, làm du lịch như: K’Blin, Kră Jãn Tham... Nhiều người nổi tiếng, kẻ mua được xe hơi. Nghe cũng mừng. Nhưng đâu phải ai cũng uống được dòng nước trên khúc suối lảnh lót của Yàng đâu! Vào khu du lịch Lang Biang hôm nay, gặp trẻ con Lạch và người già đi theo vòi khách xin tiền cũng nhiều.

Có một dạo, dân nhiếp ảnh chọn xã Lát là một điểm màu mỡ để sáng tác ảnh nghệ thuật. Nhiều giải ảnh quốc tế lấy đề tài, nhân vật từ đây. Nhưng buồn nỗi, họ cũng tập cho trẻ con người Lạch biết ngửa tay xin tiền trước ống kính du khách.

Cận cảnh Dankia

Đường men theo dòng suối Lạch hấp dẫn nhiều hơn bởi vẻ hoang dã của nó. Hai bên đường là những ngọn đồi trọc cỏ xanh rờn bình yên, những bầy ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. Thỉnh thoảng trên dốc cao, có chiếc Simson thồ rau cải, sú... cao ngất tẹt khói phá vỡ cái lặng yên núi đồi.

Hành trình trên đường mòn ngược dòng suối Lạch gợi nhớ những dòng hồi ký của nhà thám hiểm A.Yersin năm 1893, có đoạn miêu tả Dankia thật lãng mạn: “Khi nhìn thấy cao nguyên Lang Biang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi này dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Dankir (Dankia) với Đà Lạt!”.

Và Dankia nhìn từ xa

Trên con đường chúng tôi đi qua, có ngọn đồi trọc, nơi đáp những cánh dù lượn của nhóm Vietwings. Cánh dù của Francoise, một huấn luyện viên Pháp vừa đưa nữ du khách tên Châu (Việt kiều ở Washington DC) bay ra giữa không gian thoáng đãng. Qua bộ đàm, chúng tôi còn nghe thấy tiếng reo hò hài lòng của Châu. Lát sau, Linh, Long cùng bung dù bay. Họ đang cảm Dankia từ ngọn gió hắt lên từ thung lũng còn thơm mùi cỏ lá rừng và mùi bùn của bầy trâu lấm.

Đã hiểu vì sao mỗi cuối tuần, Mỹ Linh, Duy Long và nhóm bạn bay dù của tôi lại nhảy xe, mang theo túi ngủ lên Lang Biang để tìm cảm giác bay bổng, có phần mạo hiểm qua những cánh dù lượn. Đức - một hướng dẫn viên bộ môn leo núi công ty Hồng Bàng Travel cho biết: “Bay lên nhìn xuống dòng nước suối Lạch thật tuyệt. Có hôm mải mê với phong cảnh bên dưới, bị một cột khí trở mưa hút cánh dù lên cao vài ngàn thước. Hết hồn. Phải trở về mặt đất ngay!”. Suýt nữa thì anh bạn tôi đã... gặp Yàng!

Dòng nước chảy qua chân núi cao nhất Nam Tây Nguyên đang thách thức người ta chinh phục bằng nhiều cách khác nhau. Với chúng tôi, Dankia đang mê hoặc những du khách mang dòng máu khám phá bằng sức hút mãnh liệt và bí ẩn của mình.

Nguyễn Vinh

Đi bằng cách nào?

- Thuê xe máy ở chợ Đà Lạt: 70.000 đồng/ chiếc (nên thuê tại khách sạn để tránh bị lừa bởi những dịch vụ trôi nổi bên ngoài).
- Đi Dankia: theo hướng đi xã Lát, gặp bảng “Suối Vàng” rẽ trái đi Dankia (cách Đà Lạt, 18-25km)
- Lên Lang Biang: vé xe Jeep 25.000 đồng (từ cổng khu du lịch núi Lang Biang).
- Giá bay dù lượn: 600.000 đồng/ lượt/ người Việt hay 50 USD người nước ngoài, bay có bảo hiểm.

Liên hệ:

Mỹ Linh: (090)3396923,
Duy Long: (090)3825607.
Tìm hiểu thêm về bay dù lượn:www.vietwings-hpg.com.

Du lịch, GO! - Theo SGTT

0 nhận xét :

Đăng nhận xét