Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Sau khi được thầy mo nhập đồng, chàng thanh niên nhảy vào đống lửa nhảy múa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn tại Hà Giang độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ.

< Phụ nữ Pà Thẻn ca hát nhảy múa trước khi lễ hội nhảy lửa bắt đầu.

Dân tộc Pà Thẻn có khoảng trên 5.000 người sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa.

Lễ hội nhảy lửa diễn ra vào bất cứ lúc nào, khi người Pà Thẻn cảm thấy thích, cảm thấy muốn tổ chức. Khi thì vào lúc tiết trời lạnh giá, công việc nông nhàn;

< Nghi thức cầu cúng thần linh.

Khi thì mừng lúa được mùa; khi có tin vui trong bản, bản làng quây quần bên nhau nói chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, nói chuyện tương lai và những lúc đó người Pà Thẻn tổ chức lễ hội nhảy lửa.

< Từng đám thanh niên chân trần lao vào đống lửa mà không cảm thấy bỏng rát.

Lễ hội thường bắt đầu bằng việc cầu cúng thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có một bát hương, một chiếc đàn sắt, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội bắt đầu.

Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Sau khi  thầy mo cúng thần linh, các thanh niên Pà Thẻn như được tiếp sức mạnh và lòng quả cảm đầy thần bí, họ có thể nhảy vào đống lửa trong vòng 3 - 4 phút, không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát gì.

< Lửa như là biểu tượng sức mạnh của thần linh có sẵn trong con người Pà Thẻn.

Những người đứng xung quanhchứng kiến lễ hội nhảy lửa trố mắt kinh ngạc. Họ im lặng như bị thôi miên, nhìn những người đàn ông liên hồi nhảy đôi chân trần lên đống than đỏ rực rồi lại nhảy ra ngoài. Từng đám thanh niên lắc lư mạnh dần theo, rồi cả người rung lên bần bật, chân nảy lên, người chồm lên và bắt đầu lao vào đống lửa.

Đám than đỏ rực tung lên thứ bụi than nóng hừng hực, mặc cho những người nhảy lửa cứ nhảy vào nhảy ra đống lửa đỏ. Dường như thần linh đã ban cho họ sức mạnh kỳ lạ để đám lửa không làm bỏng chân họ. Họ nhảy như đang trong một cơn mê.

Lễ hội này được coi như lễ mừng lúa mới, bắt đầu vào giữa tháng 10 âm lịch và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Lễ hội cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet

0 nhận xét :

Đăng nhận xét