Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Đã bao lần đón năm mới xa nhà, khi lang bạt trên các cung đường Tây Bắc bạt ngàn hoa đào, hoa mận trong giá lạnh tê tái, lúc rong ruổi cùng nắng gió hào sảng của đất miền Trung…, nhưng cái Tết dương lịch đáng nhớ nhất với chúng tôi là ở Pù Luông – với hai chiếc bánh chưng, một nồi cơm nửa sống nửa chín và một soong… thịt chó trong căn lều canh sắn chơ vơ giữa rừng hoang cùng những con người hồn hậu, thân thiện.

< Bản nhỏ mến khách ven đường.

Tết dương lịch năm ấy, chúng tôi chọn Pù Luông – khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa để trốn khỏi phố phường ồn ào, mở hàng cho hành trình phiêu du năm mới.

Bỏ túi hai chiếc bánh chưng để cho tiệc tất niên, cả lũ hơn chục chiếc xe máy hăm hở lên đường vào ngày cuối cùng của năm cũ.

Sáng đầu tiên tới Mai Châu êm ả, nhẹ nhàng và một bữa trưa ngon miệng cùng cơm lam, gà đồi, xôi nếp nương thơm lừng cùng vò rượu cần sóng sánh giữa bản Lác khiến chúng tôi càng thêm phấn chấn. Cho tới khi rẽ vào đường 15C – con đường gập ghềnh nổi tiếng khó đi xuyên ngang khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, những bánh xe quay đều vẫn còn hăm hở lắm.

Những tia nắng lọt qua tán luồng xanh rậm rì nhảy nhót trên mặt đường, còn chúng tôi nhảy nhót trên yên xe qua đoạn đường lổn nhổn đá dăm lẫn đá hộc.

Thử thách đầu tiên là suối Pưng. Vào mùa khô, lòng suối cạn đầy đá cuội to hơn nắm tay cũng chẳng là gì với những kẻ đang háo hức. Đường ngày càng khó đi hơn, dốc cao, trơn trượt, đầy bùn đất cũng không làm những kẻ “say” đường bận tâm. Tất cả còn đang mê mải với cảnh rừng hùng vĩ mở ra trước mắt với bãi cỏ xanh mướt như trên thảo nguyên, những nếp nhà sàn tỏa khói yên bình và con đường mòn ngoằn ngoèo uốn lượn giữa lưng núi.

Cứ vẩn vơ với mây gió, núi rừng, chợt mọi người đều giật mình bởi nhận ra mình đã lọt vào một bãi bùn nhão hằn sâu hai vệt bánh xe tải như hai luống cày kéo dài bất tận. Đã là gần 4 rưỡi chiều. Rừng hoang hiu quạnh, không một nóc nhà. “Ác mộng” Pù Luông bắt đầu.

Những bước chân bị bùn nhão dính chặt. Những chiếc xe máy đã trở thành những khối sắt nặng ngàn cân, đứng thẳng chẳng cần chân trống giữa bãi bùn ngập gần hết bánh xe. Mệt mỏi, rét mướt, lo sợ, trong đầu chúng tôi lởn vởn hiện lên một đêm tất niên nhịn đói giữa rừng hoang tê tái lạnh với ánh đèn pha xe máy, đèn pin thay ánh nến lung linh.

Giữa bóng đêm hoang mang ấy, bỗng thấy ánh đèn le lói, chập chờn phía xa, chỉ nhỏ xíu như con đom đóm, nhưng ấm áp và rực rỡ hơn cả pháo hoa đêm giao thừa. Lại còng lưng bì bõm đẩy xe giữa bãi bùn nhão nhoét. Rồi chúng tôi tròn mắt khi thấy “thiên đường” của mình hiện ra - một căn nhà sàn trống hơ hoác, vách nứa thủng lỗ chỗ gió thổi hun hút bốn bề, mà sáng hôm sau chúng tôi mới biết đó là một cái lều canh sắn. Chàng thanh niên chủ nhà tên Sáng thì tròn mắt trước đám “ma bùn” không hiểu từ đâu chui ra giữa rừng với lỉnh kỉnh máy ảnh, balô. Sáng còn kinh ngạc hơn nữa khi “những người thành phố” chen chúc bên bếp lửa leo lét trong căn lều tuềnh toàng mà hỉ hả như thể đang được ở trong lâu đài.

Chàng thanh niên trẻ ấy cứ ái ngại vì cái lâu đài giữa rừng ấy chỉ có một lu nước nhỏ chẳng đủ cho mọi người rửa sạch đôi chân dính đầy bùn đất, cũng chỉ có những cái chăn đơn dùng để trùm sắn bết đất mà lũ chúng tôi tranh nhau co kéo và vài ba cái bát sứt mẻ, dăm đôi đũa bên bếp lửa nhỏ xíu khiến mọi người đều phải ăn bốc. Nhưng mặc kệ, chúng tôi vẫn “mở tiệc” tất niên với hai cái bánh chưng mang theo từ nhà, một nồi cơm nửa sống nửa chín và một soong... thịt chó vừa được Sáng đi kiếm gần một tiếng đồng hồ mới mang về được đã bị chúng tôi xào cháy sém chỉ trong vài phút. Bữa tiệc tất niên ấy cứ kéo dài suốt đêm bên bếp lửa hồng bập bùng với những câu chuyện rôm rả bất tận, những tràng cười vang cả núi rừng.

Sáng sớm, Sáng cùng vài người bạn chặt cây lót đường cho chúng tôi đẩy xe qua cái “đầm lầy” dài đến gần trăm mét ngay trước cửa lều. Không chỉ có Sáng, hình như cả bản nhỏ cách đó gần năm cây số cũng biết sự có mặt của chúng tôi, chẳng biết bằng cách nào, không có điện thoại, không sóng di động, không loa phát thanh. Suốt dọc con đường đất đi ngang chừng chục nóc nhà sàn lợp lá đơn sơ, những đứa trẻ má đỏ hồng vì nẻ tíu tít chạy theo xe chúng tôi, những bà cụ nheo nheo mắt cười trìu mến, những chàng thanh niên vẫy tay chào vui vẻ. Bữa tiệc đón năm mới trong căn lều canh sắn với Sáng và ánh mắt, nụ cười của những con người hồn hậu ở miền rừng heo hút, nghèo khó ấy đã theo suốt chúng tôi trong những ngày đầu năm mới tê tái lạnh ngoài trời, nhưng ấm áp trong lòng giữa đại ngàn Pù Luông.

Du lịch, GO! - Theo Ngân Hà (Laodong), internet
Hàng triệu người dân đã cùng đếm ngược những giây phút cuối cùng của năm 2011. Pháo hoa đã sáng rực trên bầu trời. Xin chào năm 2012 mang đến cho chúng ta nhiều hy vọng mới.

< Pháo hoa chụp từ phía Q.2, TP.HCM (miệng hầm Thủ Thiêm).

Tại TP.HCM: Từ chiều tối 31-12, người dân đã dạo phố nườm nượp trên các tuyến đường kéo về khu vực trung tâm Q.1 và các địa điểm tổ chức sự kiện đón năm mới như Công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11) và đầu đường hầm sông Sài Gòn - hay còn gọi là hầm Thủ Thiêm (Q.2)…


< Đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ.

Tại Đầm Sen - một trong hai địa điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa - công tác chuẩn bị cho lễ bắn pháo hoa đã hoàn tất, nhiều bậc phụ huynh dẫn con em mình tới vui chơi háo hức đón năm mới. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm Q.1, các tuyến đường được trang hoàng ánh sáng rực rỡ và âm thanh sôi động.

< Đường Lê Lợi, TP.HCM trở thành phố đi bộ cho người dân đến chào đón năm mới 2012.

Bốn tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Duẩn tại trung tâm Q.1 là điểm nhấn của Lễ hội Tết 2012 tại TP.HCM năm nay. Với chủ đề “Tỏa sáng đón năm mới”, hàng ngàn đèn LED đã được thắp lên sáng bừng đường phố.

Người dân đi chơi Tết còn đặc biệt thích thú khi từ 19g30 các ngọn đèn LED được điều khiển theo nhịp điệu của những bài nhạc sôi động như “Happy new year”, “Xuân đã về”…

Từ 20g ngày 31-12-2011, trục đường Nguyễn Huệ đã rực sáng lung linh với phần biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại các cao ốc Sunwah, khách sạn Palace Saigon, nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ…
Cũng trên đường hoa Nguyễn Huệ, những biểu tượng quả địa cầu và đồng hồ đếm ngược đã thu hút rất nhiều người dân đến chụp hình lưu niệm.

Đi khắp các tuyến đường, đâu đâu cũng được chứng kiến những nụ cười vui vẻ của người dân. Đặc biệt, khu vực nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành…cũng có rất nhiều du khách nước ngoài cùng ra đường đón năm mới với người dân Việt Nam.

Từ 22g, lượng người đổ dồn về khu vực bến Bạch Đằng (Q.1) để xem bắn pháo hoa ngày càng đông khiến khu vực này bị kẹt xe nghiêm trọng. Từ bờ sông Sài Gòn Q.1 có thể nhìn thấy pháo hoa được bắn từ phía bờ Q.2.

Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hàng ngàn phương tiện lưu thông chiếm hết phần đường hướng từ cầu Sài Gòn tới bến Bạch Đằng đối đầu với dòng phương tiện lưu thông hướng ngược lại tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo.

Cả chục ngàn người bị chôn chân kẹt cứng tại khu vực bến Bạch Đằng. Tình hình giao thông tại khu vực này vô cùng lộn xộn.

Nhiều bạn trẻ đã mua vé để được đi những chuyến cuối cùng của phà Thủ Thiêm sang bờ sông Sài Gòn phía Q.2. Từ khi đường hầm Thủ Thiêm được thông xe lượng người đi phà Thủ Thiêm giảm quá nửa, thế nhưng trong những giờ phút hoạt động cuối cùng của bến phà, chuyến phà nào cũng đầy khách. Nhiều người phải xếp hàng để được qua phà.

Ở Nha Trang: Từ 20g, đã có rất đông người dân và du khách tập trung về quảng trường 2-4. Tiết trời Nha Trang hôm nay mát mẻ, nhiều mây cộng thêm gió nhẹ rất đẹp để mọi người chuẩn bị đón năm mới. Chương trình bắt đầu phần khởi động, những bản nhạc dance sôi động đã vang lên để mở màn buổi lễ.

Các bạn trẻ hào hứng nhún nhảy, múa tay theo nhạc để hưởng ứng. Bạn Nguyễn Quốc Đông (Nha Trang) chia sẻ: “Mình rất thích màn mở đầu này, rất hay, làm nóng bầu không khí của buổi lễ”. Cùng đó là hiệu ứng ánh sáng được chiếu liên tục trên màn hình LED phía trên sân khấu. Sau 75 phút biểu diễn của DJ Việt Nam - Thức, chương trình chính thức bắt đầu.

Chương trình này là cầu truyền hình trực tiếp trên kênh HTV7 nối hai điểm sự kiện là Quảng trường 2 -4 (Nha Trang) và Đại lộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Ca sĩ Thu Thủy mở đầu đêm nhạc bằng bài hát Người đang yêu và liên khúc Microphone sôi động càng làm cho không khí tại Nha Trang "nóng" hơn.

Ca sĩ Hà Anh Tuấn với hai bài hát dễ thương Radio và Come with me. Những tiết mục của nhóm X5, ca sĩ Hiền Thục, ca sĩ Minh Thư… cũng đã đem đến cho khán giả sự thích thú và mau chóng hòa mình với những điệu nhảy sôi động.

Bầu trời Nha Trang đôi lúc có những hạt mưa xuân lất phất, mọi người cảm nhận mùa xuân đã rất gần và hồi hộp chờ đón một đêm không ngủ đón mừng năm mới.

< Màn bắn pháo sáng tuyệt đẹp.

Phần trình diễn của DJ nổi tiếng Liviu Hodor với những bản nhạc dance cực kỳ sôi động làm cho không khí càng về khuya càng "bốc". Bạn Đặng Dương Thanh Thanh Huyền bày tỏ niềm vui: “Chương trình hôm nay thật sôi động, không chỉ bởi những giai điệu của các DJ mang đến mà còn bởi không khí náo nhiệt, rạo rực”.

Sau phần trình diễn của ca sĩ Mona kéo dài 30 phút, khán giả Nha Trang lại tiếp tục nhún nhảy cùng những điệu nhạc sôi động.

Gần 24g, mọi người cùng đếm ngược thời gian 3..2..1 và chào đón năm mới. Đúng thời khắc giao thừa, mặt biển Nha Trang rực sáng bởi những màn pháo hoa thật đẹp mắt. Ai cũng tranh thủ lấy điện thoại ra quay, chụp lại những thời khắc lung linh, cùng chúc nhau lời chúc mừng năm mới.

Sau 10 phút bắn pháo hoa, sân khấu vẫn còn rất đông người tiếp tục nhảy múa hát hò đón chào năm 2012. Đường phố Nha Trang đông nghẹt người. Bạn Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ: “Chương trình sôi động và vui quá. Năm mới đến rồi! Chúc mọi người nhiều thành công, hạnh phúc”.

Tại Hội An, nơi này đã đón chào vị khách du lịch quốc tế thứ 1,2 triệu của năm 2011. Thành phố tổ chức đêm “Nhạc hội Giao thừa 2012” tại Bãi bồi Đồng Hiệp, bên sông Hoài với phần biểu diễn của các DJ, và những tiết mục rock sôi động với chủ đề Happy new year.

Ở Đà Nẳng: Từ tối, trời đã bớt mưa nên nhiều người dân đã ra đường phố, đến các điểm vui chơi dọc bờ sông Hàn, cầu Thuận Phước… để chơi và chào đón năm mới.

Các tuyến đường phố chính của Đà Nẵng như Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Bạch Đằng…đều được trang hoàng màu sắc lung linh và những con rồng được tạc bằng ánh sáng rất đẹp mắt.

Đúng vào tối 1-1, tại Nhà hát Trưng Vương diễn ra chương trình ca nhạc rất quy mô với nhiều ca sĩ nổi tiếng có chủ đề “Nhịp điệu thành phố trẻ” nhân kỷ niệm 15 năm Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương và khởi đầu chào đón năm 2012.

Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cũng tổ chức đêm hội chào đón năm Nhâm Thìn 2012 và tặng quà cho các công nhân.

Tại thủ đô Hà Nội: Hàng nghìn người đã đổ về phố hoa Hà Nội để hòa vào không khí chào đón năm mới. Ngay từ 21g, phố hoa đã trở nên quá tải, nhiều người đành phải đi vòng ngoài chứ không thể len nổi vào bên trong.

< Đông đảo người dân chụp ảnh lưu niệm bên cạnh những tác phẩm trong lễ hội hoa Hà Nội 2012.

Tháp Bút, Đài Nghiên, đền Ngọc Sơn thu hút rất đông gia đình đến tham quan và đón năm mới.

< Tại chân tượng đài Lý Thái Tổ, một thanh niên đang ký họa chân dung cho một bạn trẻ.

Bác Xuân (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết dù thời tiết khá lạnh nhưng vẫn cố gắng đưa các cháu đến Đài Nghiên đón giao thừa, mong một năm mới các cháu học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ.

Cùng với đợt gió mùa tăng cường, Hà Nội chìm trong rét đậm, nhưng thời tiết không ngăn nổi hàng nghìn người đổ về hồ Gươm. Các ngả đường đổ về hồ Gươm cũng trở nên đông nghịt. Tuy nhiên, phương án phân luồng từ xa đã giảm đáng kể tình trạng tắc nghẽn giao thông.

< Hai bố con anh Trương Nam và bé Trương Thịnh (3 tuổi) dạo phố trong những giờ khắc cuối cùng của năm 2011.

Dù còn hơn 2 tiếng nữa mới đến khoảnh khắc giao thừa nhưng rất nhiều người cũng đã tập trung về phía Nhà hát Lớn Hà Nội để hòa mình vào chương trình đếm ngược thời gian đón năm mới.

Ban nhạc The Asteroids Galaxy Tour đến từ Đan Mạch, ca sĩ Thanh Bùi, dàn nhạc giao hưởng trẻ Rhapsody Philharmonic, DJ Ronski Speed... là những vị khách của đêm hội này.

Cũng tại đây, nhiều thanh niên Hà Nội đang rất hào hứng tham gia chương trình “Năm 2012, tôi sẽ...” để chia sẻ những dự định của mình cho năm mới.

Huế đón năm mới dưới cơn mưa nặng hạt. Cơn mưa rả rích kéo dài suốt 2 ngày qua, phần nào đã làm cho không khí đón năm mới tại Huế có phần trầm lắng hơn mọi năm.

Khoảng 18g tối, tại nhiều tuyến đường như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Lê Lợi, Bến Nghé…đèn đường đã được bật sớm hơn mọi ngày để đón chào năm mới. Tuy nhiên, có lẽ vì những cơn mưa nặng hạt, cộng thêm cái lạnh của ngày đông đã làm cho nhiều người dân Huế “ngại” xuống đường.

Sinh viên Nguyễn Ngọc Anh, trường Đại học Kinh tế Huế, chia sẻ: “Bốn năm sinh sống và học tập tại Huế, có lẽ không khí đón năm mới 2012 có phần ảm đạm hơn so với mọi năm”.

Thời điểm ngày cuối năm, nơi ồn ào và náo nhiệt hơn cả tại đất cố đô Huế phải kể đến các khu phố Tây ở các tuyến đường: Võ Thị Sáu, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An…

< Hai bạn trẻ Huế đang giúp nhau trang điểm một khuôn mặt thật đặc sắc để đón năm mới 2012.

Những du khách nước ngoài rộn ràng, háo hức, chờ đợi một cái tết vui tươi, ấm áp, an lành và hạnh phúc. Anh Deano, du khách đến từ Úc tỏ ra hồ hởi: “Hai cái tết gần đây trên đất Huế đều diễn ra dưới tiết trời se lạnh, kèm theo những cơn mưa rả rích. Đây là một điều rất riêng tại đất nước bạn, hy vọng rằng đêm nay có lẽ là thời khắc vui vẻ, ấm áp nhất của cuộc đời tôi…Happy New Year…tất cả mọi người.

Mặc dù mưa, chương trình dạ hội thanh niên chào năm mới 2012 vẫn diễn ra trong không khí tưng bừng với sự tham gia của hơn 5.000 bạn trẻ.

Chương trình kéo dài từ 16g ngày 31-12 đến 1g sáng ngày 1-1-2012, do Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Đoàn trường Đại học Huế tổ chức tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh.  Các bạn trẻ đã hòa chung trong không khí lễ hội với hàng loạt hoạt động cộng đồng sôi nổi như: nhảy dân vũ quốc tế, các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, lễ hội hoá trang, biểu diễn võ thuật,…

Điểm nhấn của dạ hội là chương trình Rock thanh niên do các nhóm nhạc rock của Huế và Đà Nẵng biểu diễn. Dưới tiết trời mưa dầm  lạnh buốt, hàng ngàn bạn trẻ đã nắm tay nhau hát vang những bài ca năm mới.

Tại Cần Thơ: Không khí đón năm mới tối 31-12 tại Cần Thơ náo nhiệt trên mọi ngả đường, phố xá đông đúc chật người qua lại.

< Một góc chợ đêm Ninh Kiều.

Tại bến Ninh Kiều, nhiều người dân đã đến vui chơi, thắp hương trước tượng đài Bác Hồ.

Các ghế đá trong công viên bến Ninh Kiều dường như kín chỗ trước lượng người đến vui chơi quá đông.
Khu vực chợ đêm Ninh Kiều và nhà lồng chợ cổ Cần Thơ tấp nập khách đến tham quan mua sắm.

Các kiốt lúc nào cũng rộn rã người ra kẻ vào. Chị Huỳnh Anh cho biết chị đi làm ở TP.HCM được nghỉ ngày cuối tuần và ngày tết nên về quê, tranh thủ vừa đi chơi với bạn bè vừa mua sắm, giải trí dịp cuối năm.

Trong khi đó, tại công viên văn hóa miền Tây, nơi vui chơi giải trí cho thiếu nhi, nhiều bậc cha mẹ đã dẫn con cháu đến vui chơi kín cả khuôn viên rộng lớn của khu vực này.

< Đường phố Đà Lạt trong đêm giao thừa.

Điểm nhấn của đêm chuyển giao giữa hai năm 2011 – 2012 tại Cần Thơ là lễ hội đón năm mới diễn ra tại khu vực công viên Sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Hàng trăm diễn viên của các đoàn nghệ thuật, văn hóa thông tin đóng trên địa bàn đã diễn nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi Bác Hồ, mừng Đảng, mừng xuân. Hàng ngàn người dân đã đến xem, đài truyền hình địa phương cũng phát sóng trực tiếp phục vụ người dân.

Đà Lạt: Lễ khai mạc Festival hoa Đà Lạt năm 2012 vừa khép lại bằng màn trình diễn pháo hoa đặc sắc, hoành tráng kéo dài gần 30 phút bên bờ hồ Xuân Hương. Ngay sau đó, vũ điệu đường phố với sự tham gia của hàng ngàn người lại tiếp nối kéo dài qua thời khắc chuyển tiếp năm cũ và năm mới.

< Hàng ngàn bạn trẻ sống động với vũ điệu.

Tiếng nhạc, tiếng hát, kết hợp với những vũ điệu đường phố sôi động mà nghệ sĩ chính là người dân phố núi hiền hòa và hàng ngàn du khách gần xa đã làm nên một đêm giao thừa nhộn nhịp, đầy ý nghĩa giữa thành phố sương mù tràn ngập hương hoa.

Du lịch, GO! - Theo TTO + internet
Theo các nhà nghiên cứu trang phục thì có thể yếm ra đời từ thời Lý. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng không chỉ ra được tại sao nó ra đời vào thời kỳ này. Yếm của phụ nữ Việt Nam thực ra là chiếc áo lót như quan niệm của người phương Tây, phía trước yếm che kín đến tận cổ. Từ trẻ con đến phụ nữ cao tuổi đều mặc yếm. Song đáng nói chính là chiếc yếm với thiếu nữ.

Mùa hè, xứ đàng ngoài nóng bức nên các bà, các cô chỉ mặc độc chiếc yếm nên yếm vừa là áo lót và cũng chính là áo ngoài và họ đi cùng làng cuối ngõ với chiếc yếm. Còn mùa đông, gió đông bắc thổi lạnh cắt da cắt thịt thì cái yếm ở yên bên trong với nghĩa là chiếc áo lót hiền lành.

Thực ra người Việt ý thức được sự “khoe khoang” hay “hững hờ” của cái yếm phụ nữ trong cuộc sống hàng ngày nhưng dường như họ cứ mặc. Yếm đi vào thơ ca hò vè khi thì bóng gió, cũng có khi nói toạc ra. Trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa của vở Quan Âm Thị Kính có câu: “Gió xuân tốc dải yếm đào. Chàng trông thấy oản sao không vào thắp hương?”.

Trong tình cảm, yếm là vật để các chàng trai mang ra trêu chọc, thách thức khi hát đối: “Trời mưa lấy yếm mà che. Có anh đứng gác còn e nỗi gì”.

Các cô cũng chẳng vừa đáp lại: “Ước gì sông hẹp tầy gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”.

Yếm cũng tượng trưng cho tình cảm của các cô gái trong chuyện trao gửi tình cảm: “Trầu em têm tối hôm qua. Buộc trong dải yếm mở ra mời chàng”.

Hay mong ước của chàng trai và cũng có thể là lời của một cô gái gửi cho người mình yêu: “Trời mưa trời gió kìn kìn. Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông”.

Trong bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, chiếc yếm lại trở thành “chuẩn đạo đức” cho các cô gái ở nông thôn: “Còn đâu cái yếm lụa sồi. Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân...”.

Nếu cái yếm ở các miền quê Bắc bộ chỉ đơn thuần là chiếc áo lót may bằng vải thô nhuộm nâu hay bằng đũi thì ở Thăng Long - Hà Nội, không chỉ là chiếc áo lót mà nó trở thành vật trang điểm cho người phụ nữ và càng hấp dẫn hơn khi yếm được may bằng lụa với hình dạng khác nhau, từ cổ tròn, đến cổ chữ V...

Từ màu nâu ở thôn quê ra Thăng Long lại là màu trắng, màu xanh lơ, hoa hiên và màu hoa đào phơn phớt. Song khác với phụ nữ ở vùng quê có thể mặc yếm ra đường mà không ai dị nghị và dè bỉu thì phụ nữ - nhất là phụ nữ chưa chồng - ở Thăng Long không bao giờ chỉ mặc độc chiếc yếm ra đường vì mặc như vậy bị cho là con nhà không có người dạy.

Thăng Long - Hà Nội còn có hẳn chợ chuyên bán yếm lụa là “Đồng Lạc quyến yếm thị” ở phường Đồng Lạc và phường Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương (nay là đình Đồng Lạc ở 38 phố Hàng Đào). Đình thờ ba vị trong tứ trấn thành Thăng Long là Bạch Mã Thành hoàng Quốc đô, Thánh Linh Lang (thờ chính ở đền Voi Phục Thủ Lệ) và Thánh Cao Sơn trấn phía Nam (thờ chính ở đình Kim Liên).

Tại đây có tấm bia đá tạc sau rằm tháng tám năm Bính Thìn 1856 đời Tự Đức, do cử nhân Phạm Đình Viên người phủ Khoái Châu, Hưng Yên soạn. Mở đầu có đoạn: “Đình chợ bán yếm lụa do Hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng đời Lê, quy mô rộng rãi. Nhưng vì chiến tranh, đình bị phá hủy. Về sau, ông Hà Đình Nguyễn Cảnh Thê đứng ra lo việc trùng tu lại...”.

Song truyền thống phụ nữ xưa thường tự mua lấy lụa may yếm cho mình thì tại sao Thăng Long - Hà Nội lại còn xuất hiện cả một cái chợ dành cho phường bán yếm? Có lẽ gọi là chợ yếm nhưng ở đó bán cả những sản phẩm tuyệt hảo của tơ tằm để đàn bà, con gái Thăng Long rủ nhau đến chọn lụa may yếm và không chỉ thế, họ còn sắm sửa lụa là gấm vóc để may quần áo tứ thân, năm thân, áo cánh, dây lưng, khăn vấn… và kể cả đồ trang sức vàng bạc nữa…

Thời kỳ hậu Lê, đàn bà lao động mặc yếm cổ xây (miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, ở góc trên có khoét hình tròn). Phụ nữ quyền quý thì trước yếm có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình lưới quả trám. Màu sắc của những chiếc yếm thời kỳ này còn giản đơn, chủ yếu được nhuộm bằng những loại màu có nguồn gốc tự nhiên. Và không chỉ là vật trang điểm, yếm của phụ nữ Thăng Long - Hà Nội còn thể hiện nghề nghiệp và đẳng cấp trong xã hội. Con gái quan lại mới được mặc yếm màu đại hồng, các cô làm nghề ca kỹ thường mặc yếm màu hoa đào, màu được cho là lẳng lơ, không đứng đắn.

Phụ nữ giầu có còn cho gắn các viên ngọc lên cổ. Yếm cũng làm nên sự lịch lãm và tinh tế của phụ nữ Kinh kỳ khi mặc kiểu áo 5 khuy, các cô chỉ cài 4 khuy dưới và để hở khuy ngực khoe cái yếm cổ xây, ôm lấy cái cổ cao ba ngấn nõn nà. Trong các ghi chép của nhiều người Pháp đến Hà Nội cuối thế kỷ XIX thì họ đều sửng sốt trước cái yếm. Bác sỹ Hocrquad viết: “Chỉ có một mảnh vải đơn sơ trước ngực nhưng nó làm cho cánh đàn ông phải suy nghĩ nhất là các cô gái thắt chiếc dây ở ngang lưng một cách lỏng lẻo”.

Cùng với nón có quai tua, chân đi guốc, yếm xanh, yếm đào là mốt của con gái nhà khá giả cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mốt này còn kéo dài cho đến đầu những năm 30 thế kỷ XX khi mà Nguyễn Nhược Pháp phải lòng người đẹp: “Nho nhỏ cái đuôi gà cao. Em đeo cái dải yếm đào. Quần lĩnh áo the mới. Tay em cầm chiếc nón quai thao. Chân em đi đôi guốc cao cao”.

Trải qua thời gian, chiếc yếm có sự thay đổi, tuy nhiên có một thứ không bao giờ thay đổi là 4 chiếc dây, hai dây buộc cổ và hai dây buộc ngang thắt lưng. Chỉ cần hai dây buộc thắt lưng mà thắt lỏng là câu chuyện đã khác, vì thắt lỏng hai bên sườn lộ ra, có lẽ vì thế mà có câu: “Đàn ông mặc áo đuôi lươn. Đàn bà mặc áo hở lườn mới xinh”.

Chiếc yếm dường như ít được phụ nữ mặc hơn vào cuối những năm 1930 khi mà lối sống Pháp, thời trang Pháp ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đến đầu những năm 1950 thì không còn thấy phụ nữ mặc yếm, trừ những người có tuổi. Thay thế chiếc yếm là chiếc áo lót kiểu phương Tây được nhập vào Việt Nam. Bây giờ chiếc yếm xưa lại sống lại, tuy nhiên nó được cải tiến, không may bằng lụa mà may bằng vải thô mỏng, cổ khoét sâu hơn cốt để khoe bờ ngực. Quần bò và áo yếm một giai đoạn cũng là mốt của thanh nữ Hà thành.

Áo yếm - Di sản trang phục của Việt Nam

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Ngọc Tiến, Hanoimoi - internet
Dân Cù Lao Chàm (Quảng Nam) hiện nay chỉ có ba cái “ồ” tuy nhỏ mà người dân mừng nhất. Ồ, có điện rồi! Ồ, có nước về! Ồ, đò ra!”

Từng con sóng cao vút lao lên đập vào bờ. Bãi vắng, khơi xa không bóng thuyền. Đảo vốn tĩnh lặng, càng yên tĩnh. Gió cùng tiếng sóng vọng lại từ sườn núi. Trên đỉnh núi, mây trắng phủ dày, hơi lạnh phả xuống từng luồng, những xóm nhà chìm nổi theo mây.

Dạo quanh một vòng, cả đảo chỉ có âu thuyên là nơi sôi động tiếng máy nổ bơm nước tàu thuyền, tiếng cọt kẹt của những chiếc thuyền đánh cá va vào nhau. Hoàng hôn buông xuống, khói bếp chiều bốc lên từ ngôi làng mang theo mùi cá tươi thơm lựng...

Trên con đường nhỏ bé, lâu lâu bắt gặp vài thiếu nữ với đôi thùng gánh nước trên vai, gặp người lạ, nở nụ cười thân thiện. “Mấy em ở đâu?”. “Dạ thôn Bãi Ông”. “Sao mà phải đi gánh nước xa thế?”. “Ở thôn trước đây có đường ống dẫn nước suối về, nhưng mấy ngày ni hệ thống bị hư, nước không về được, bọn em phải lên suối gánh nước về dùng”...

Đi thêm một đoạn nghe gọi “Vô đây làm ly cho ấm anh ơi!”. Năm bảy người đàn ông đang ngồi quanh bếp than đỏ rực, kề bên là rổ cá trích tươi chờ nướng. “Làm ly đi chú em”. “Dạ, cảm ơn mấy anh”. Ực ly rượu gạo nghe hơi nóng chạy tràn từ cổ xuống tới bụng.

“Làm con cá nướng đi, mấy anh vừa thả lưới chiều ni đó. “Sao hôm nay mấy anh không đi biển?”. Anh Tám - chủ nhà bật cười, khoát tay bảo: “Trời này ai dám mò ra biển chú. Mà có ra biển đánh được cá về cũng bỏ vì không có đá để ướp”.

Trời nhá nhem tối, dường như ai cũng đã thấm hơi men nhưng không khí trầm tĩnh hơn. Ngoài trời gió rít từng hồi, một người rầu rĩ bảo, gió sen (mạnh) ri không biết kéo dài đến bao lâu nữa. Chán thiệt!

Tiếng chuông chùa bỗng ngân vang. “Ồ, gần có điện rồi”, mọi người đồng thanh. “Với người dân Cù Lao Chàm, tiếng chuông chùa mỗi chiều đã trở thành tín hiệu sắp có điện”, một người giải thích. Đúng là ngay sau đó, ánh sáng bừng lên khắp nơi.

“Ba ơi, mở ti vi cho con xem phim hoạt hình”. Cu Tí con anh Tám nũng nịu. Anh Tám nhìn lên đồng hồ: “Trời, 6 giờ 15 rồi, hết phim hoạt hình rồi Tí ơi”.
Cu Tí giãy giụa khóc la bắt đền ba. “Thôi, con nín đi, mai mốt có đò ra, ba vào đất liền mua cho con đầu đĩa với mớ phim hoạt hình về cho con xem nghe. Ngoan, nghe lời ba lên nhà trên xem phim với bà nội”.

Cu Tí đi rồi, anh Tám lắc đầu thổ lộ: “Ở xứ ni mỗi lần đỏ điện là vui từ trẻ con đến người già vì được xem ti vi. Cánh đàn ông chỉ xem thông tin dự báo thời tiết để đi biển, còn tất cả nhường lại cho vợ con xem, vì thời gian có điện chỉ vài giờ tối là lại cắt. Tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ, không thể xem chương trình phim hoạt hình lúc 5 giờ 30 chiều”.

“Sao điện đỏ ít thế anh?”. “Có chừng nớ là nhiều rồi em ơi. Dân ở đây cũng nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin tăng thêm 2 giờ nữa nhưng chưa được. Mình thấy thương cho con, cùng lứa tuổi nhưng ở đất liền đứa mô cũng hiểu biết hơn, còn con cháu mình thì mù tịt. Không phải trẻ ở đảo không thông minh, mà chỉ vì không có điện, không thể tiếp cận được nhiều thứ. Con em ngoài ni học hành kém hơn đất liền cũng phải”.

Đêm lạnh hơn, nhưng bây giờ cuộc chuyện trò mới bắt đầu “nóng”. Tâm sự của mọi người trút theo hơi men...
“Em thấy không, cả đảo không có được một tiệm intenet, thử hỏi làm sao theo kịp người ta. Dân đảo hiện nay chỉ có ba cái “ồ” tuy nhỏ mà người dân mừng nhất. Ồ, có điện rồi! Ồ, có nước về! Ồ, đò ra!” - anh Tám nói.

Du lịch, GO! - Theo Theo MINH HẢI (Quảng Nam Online)
Trong khi các ngả đường phượt ngập tràn “xế nổ” thì lại có những bạn trẻ chọn “xế điếc” để thỏa niềm ham mê xê dịch.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ mê phượt chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển cho mình. Theo các bạn í, bởi "xế nổ" đi quá nhanh nên không ngắm được kỹ cảnh vật hai bên đường, không trải nghiệm được hết cảm xúc trong mỗi chuyến đi.

Thành viên yosaraha của câu lạc bộ Ê mông (CLB của những người yêu phượt bằng xe đạp) chia sẻ: "Mỗi lần muốn thay đổi không khí ngột ngạo là mình lại vác ba lô đi phượt. Vừa đi vừa ngắm cảnh, pose hình thật thích. Khi vác ba lô về lại cảm thấy tiếc nuối, nhớ nhung và lại chờ mong cho những chuyến đi kế tiếp. Qua những ngả đường, những mảnh đất, chiếc  xe cũng nhuốm bụi và hòa vào với lòng người".

< Những bức ảnh đẹp mê hoặc của câu lạc bộ Ê mông trên cung đường Háng Tà Chơ.

Và một điều dễ hiểu là đối với teen, khi chưa được đi xe máy thì những chiếc xe đạp là phương tiện phượt vô cùng hữu ích. Tuy mất nhiều thời gian hơn so với xe máy nhưng thiết kế đơn giản của "xế điếc" giúp các bạn ấy dễ dàng sửa chữa khi gặp trục trặc. Khi gặp những cung đường lầy lội, khó đi thì việc dắt xe, vác xe băng qua cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Không như xe máy, dân phượt bằng xe đạp thường chỉ thích những nơi dốc cao, đèo sâu. Còn những con đường “hiền lành” như quốc lộ 1 lại ít khi được lựa chọn.

Với những cung ngắn thì đèo Hải Vân quả là một thử thách thú vị. Thiên hạ đệ nhất Hùng quan sừng sững chắn ngang đường vào Đà nẵng. Với độ dài 20km, những con dốc nghiêng 7- 10% cùng những khúc cua liên tiếp là một thử thách không nhỏ cho những dân phượt. Đứng lên bàn đạp, bặm môi nghe hơi thở rít qua kẽ chân răng, ý chí con người như được tột cùng thử thách. Dừng lại hay đi tiếp, đạp xe hay dắt bộ, những câu hỏi cứ liên tiếp xoáy trong trí óc để rồi khi vượt qua được chính mình, bước lên đỉnh Hải Vân vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

< Rất nhiều đoạn đường xấu, việc đạp xe chuyển sang dắt thậm chí là … vác xe.

Nếu Hải Vân là cung đường thú vị với teen Đà Nẵng thì Tam Đảo lại mê hoặc những bạn trẻ của đất Thăng Long. Chuyến đi Tam Đảo đặc biệt hấp dẫn với 20km lên đèo.

Tuy không nổi tiếng như Hải Vân nhưng độ dữ dội, thử thách thì nhân lên gấp bội. Những khúc cua ngoằn nghèo và luôn trong trạng thái lên dốc làm cho những con xế nổ còn bị trôi ngược nếu tắt máy giữa chừng. Chấp nhận đạp lên Tam Đảo là chấp nhận với nguy cơ đứt xích, đứt phanh và không loại trừ khả năng dắt bộ. Nhưng phong cảnh đẹp mê hồn của những hàng thông thẳng tắp, của những sương mù như một Sapa vùng nhiệt đới, của đích đến với Tam Đảo trong mây bao năm qua vẫn là một sức hút khó lòng cưỡng lại.

Chuyến đi 5 ngày “sớm mai tắm nước hang Tà Chơ, trong đêm chinh phục đèo Yên Ngựa” của câu lạc bộ Ê mông được những dân phượt hưởng ứng. Chặng đường 5 ngày đêm, vượt những đỉnh cao lên đến 1.800m. Dù có lúc đi phải nằm sàn ô tô, đạp xe trong đêm lạnh mà không biết đâu là chỗ ngủ, nhiều đoạn phải vác xe nhưng đến đỉnh dốc, phóng tầm mắt ra xa, được pose ảnh trong khung cảnh hữu tình, được tắm suối mát lạnh là bao nhọc mệt, bao khó khăn dường như tan biến hết.

Và cứ thế, cứ thế, những chuyến đi nối tiếp những chuyến đi. Những cung đường liên tục mở ra dưới vòng xe đạp. Nếu bạn cũng có chung sở thích thì hãy tìm đến box xe đạp của diễn đàn phượt hoặc trang web emong.org nhé. Những chuyến đi đáng nhớ đang chờ bạn cùng khám phá.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, internet