Mã não quyền uy
Lang thang qua những bản làng miền tây Quảng Trị, đâu đâu cũng thấy những người phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều đeo trên cổ, trên tay những chiếc vòng mã não nhiều màu sắc.
Chẳng biết tự bao giờ, phụ nữ vùng cao có tục đeo vòng mã não, không riêng gì đồng bào Pa Kô, Vân Kiều mà cả người Tà Ôi ở Thừa Thiên-Huế cũng còn giữ nét văn hóa này. Ngày nay, việc bỏ tiền ra mua một vòng mã não hẳn sẽ không khó, nhưng nếu là ngày xưa kiếm đâu ra chúng giữa chốn rừng thiêng nước độc?
Mã não hẳn phải là biểu trưng cho một điều gì đó không thể thay thế thì mới có thể tồn tại từ đời này sang đời khác. Luẩn quẩn trong những câu hỏi chẳng có câu trả lời, nhưng rồi tôi mau chóng quên đi hết thảy bởi bị vẻ đẹp của những chiếc vòng lạ cuốn hút.
Chiếc vòng linh hồn
Theo ông Caray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, người được mệnh danh là nhà “Pa Kô học”, có 2 cách để những vòng mã não hiện diện ở người phụ nữ. Bởi ngay từ khi sinh ra, mỗi bé gái đều có một chiếc vòng mã não cho riêng mình. Đó là một chiếc vòng chỉ có một hạt mã não, là vật thiêng để Giàng Cợt (thần bổn mạng) trú ngụ. “Vòng mã não này sẽ là linh hồn của mỗi người, sẽ ứng với cuộc đời người đó, không được cho, tặng bất kỳ ai. Nếu lỡ làm mất thì phải làm lễ cúng để làm lại vòng khác và khi chết đi cũng sẽ được chôn theo”, Caray Sức nói.
Khi tình yêu xuất hiện thì cũng là lúc vòng mã não một lần nữa thể hiện uy quyền. Từ xưa, vòng mã não luôn là thứ không thể thiếu trong việc cưới hỏi của người Pa Kô, Vân Kiều. Đó có thể là một trong những vật thách cưới mà bên nhà nữ yêu cầu phải có hay giản đơn là một kỷ vật biểu trưng cho tình yêu của chàng trai dành cho bạn tình của mình. Tùy vào điều kiện, “vòng mã não tình yêu” có thể gồm 3 hạt trên 1 xâu hoặc 4 hạt trên 1 xâu gồm 2 chuỗi. Tương truyền, hễ con gái nhận vòng mã não của người khác giới có nghĩa là trái tim đã thuộc về người đó. Vậy nên dù cô gái có xinh như đóa hoa rừng, có mái tóc dài như suối, da trắng như mây thì trai bản cũng không “thèm” (hoặc không dám) để ý nếu thấy cô ta đã đeo lên cổ một chuỗi hạt thề hẹn.
“Nhưng mã não không chỉ đem lại điều tốt đẹp, đôi khi chúng gây nên nhiều tai hại, nhiều tình yêu ngang trái. Có chàng trai yêu cô gái đã nhiều năm, đã định ngày sang dạm hỏi thì tá hỏa khi thấy “dấu hiệu” nàng đã thuộc về người khác. Nói mô xa, thằng Kưm, cháu trai của ta, cũng đã giận dỗi bỏ sang Lào lấy vợ vì người yêu phụ tình, ham chiếc vòng mã não đẹp...”, bà Giả Hươu (trú thôn A Đăng, xã Tà Rụt), người đã sống qua 80 mùa rẫy, chép miệng.
Mỗi nốt thăng hay trầm trong cuộc đời người phụ nữ nơi này ít nhiều có liên quan đến vòng mã não. Lựa chọn chiếc vòng nào cũng giống như việc chọn một người chồng, tốt xấu ra sao không dễ thay đổi.
Biểu tượng giàu sang
Thời hoàng kim, chỉ cần nhìn vào chuỗi mã não dân bản có thể biết chủ nhân của nó là người như thế nào: giàu sang hay bần hàn, kiêu ngạo hay nhút nhát... “Thời của mẹ, không phải ai cũng có mã não để đeo, không phải ai cũng đeo được vòng đẹp. Nhớ thuở trước, để có một chiếc vòng mã não tặng mẹ, gia đình bố đã phải đổi một con trâu bạc”, bà Giả Tơ, xã A Ngo, nói.
“Ngày xưa nhà của mẹ quá nghèo, không có trâu bò nên sau khi thu hoạch rẫy ngô, phải bán đi phân nửa mới mua được 1 chuỗi vòng đã cũ. Không đẹp lắm nhưng gia đình mẹ cũng đã rất tự hào”, Giả Siêng ngồi kế bên tiếp lời.
Vậy nên giá trị của người phụ nữ thuở đó hằn vết lên những chiếc mã não. Khi còn là con gái, nếu không có vòng mã não của thần bổn mạng đẹp thì trai bản sẽ không yêu. Khi đã có gia đình mà trên cổ không đeo thật nhiều vòng mã não cũng sẽ không được kính trọng. Cho đến tận bây giờ, nếu ai đó sở hữu những chuỗi vòng mã não lớn, khác biệt với hết thảy những chuỗi vòng còn lại cũng đủ đảm bảo cho nhiều người ngước nhìn. Biết giá trị đó, người đeo bao giờ cũng ưỡn ngực kiêu hãnh.
< Đôi khuyên tai bằng bạc bây giờ phụ nữ Pa kô ít đeo trong các dịp lễ hội.
Bà Giả Tơ còn nói rằng người phụ nữ Pa Kô khi đã có tuổi thì không bao giờ bỏ những thứ như vòng bạc, chuỗi mã não ra khỏi người vì như vậy sẽ rất dễ bị ốm. Họ cho rằng những đồ vật ấy đều có hồn vía và gắn liền ở trong đó rồi. Cho người khác mượn có nghĩa là cho cả linh hồn nên sự giàu sang, quyền lực cũng theo đó mà tiêu tán.
Người trẻ hiện nay của những bản làng trên dãy Trường Sơn không còn tôn sùng vòng mã não như thế hệ trước. Dẫu họ đều có vòng mã não 1 hạt để thần bổn mạng trú ngụ nhưng chỉ đeo khi có việc cúng quảy trong nhà. Phần nữa, giá trị huyền ảo của những chiếc vòng mã não dần mất đi khi hiện nay giá của chúng không quá đắt, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua được. “Nhiều khi nghĩ cũng tiêng tiếc vì trước nay mình đã quen mắt với việc đã là phụ nữ phải có vòng mã não. Những chuỗi mã não đẹp, có giá trị lại mất dần đi khi phải chôn theo người chết nhưng tôi tin rằng mã não vẫn có một hấp lực nào đó để tự tạo nên vị trí khó thay đổi một sớm một chiều trong lòng người Pa Kô, Vân Kiều…”, ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, trăn trở.
Lời nguyền mã não
Theo những người già ở xã A Ngo (H.Đakrông, Quảng Trị), vì mỗi vòng mã não đều ứng với từng người, nên tự thân chúng cũng có những lời nguyền. Điều kiêng kỵ nhất là vòng mã não bị mất, bị sứt mẻ vì như thế tai ương sẽ giáng lên đầu chủ nhân.
Trước đây, phụ nữ trong những gia đình giàu có, khi thấy vòng mã não bị rạn, sứt họ phải nhường chuỗi mã não cho người nghèo, chấp nhận nhường một ít tài lộc của mình để người khác gánh tai ương cho. Sau đó, họ sẽ làm lễ cúng tạ tội, xin đeo một chuỗi mã não mới để thay đổi vận mạng cho chính mình.
Bí mật đôi khuyên tai
Đôi khuyên tai là vật trang sức không thể thiếu của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) trong các dịp lễ hội. Ít người biết rằng, chính đôi khuyên tai ấy trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là nơi cất giấu tài liệu cách mạng an toàn.
Cất giấu tài liệu mật
Trong dịp đi công tác ở các xã miền núi huyện Đakrông, tôi thực sự bị thu hút bởi câu chuyện về đôi khuyên tai của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô qua lời kể sôi nổi của chị Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông. Chị Cúc vốn là người Pa kô, lại được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên chị rất am hiểu các phong tục tập quán của người Vân kiều, Pa kô cũng như những phương thức hoạt động cách mạng bí mật trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của cha ông.
Chị Hồ Thị Kim Cúc cho biết: Khuyên tai theo tiếng Pa kô gọi là păroih, còn tiếng Vân kiều gọi là kărvang. Hàng trăm năm về trước, phụ nữ đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô đã biết tìm kiếm những hòn đá suối, đá núi, trái cây nhiều màu sắc để làm vật trang sức cho mình. Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, đưa bạc nén, bạc cộ lên các bản làng Vân kiều, Pa kô để phục vụ cho mục đích xâm lược. Nhiều nghệ nhân có tay nghề cao đã dùng bạc để sáng chế ra các loại trang sức mới lạ phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô.
Đối với trang sức đeo cổ, các nghệ nhân dùng những vòng bạc đặc, to để uốn tròn vừa đủ bó sát cổ hoặc đính các đồng bạc lại với nhau bằng sợi cước thành một vòng tròn và kết hợp với hạt cườm đá đủ sắc màu, khi đeo vào cổ phải dài xuống quá ngực. Ngoài ra, họ còn dùng bạc đưa vào lò lửa nung chảy để kéo dài, dát mỏng, tạo cho sợi bạc uốn lượn thành từng vòng nhỏ nối liền nhau...
Với vòng, nhẫn đeo tay, họ làm vòng, nhẫn bạc với nhiều kích cỡ khác nhau theo sở thích của từng người. Riêng đôi khuyên tai, các nghệ nhân dùng bạc tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại hình tròn to khi đeo vào sẽ tăng thêm nét đẹp của gương mặt người phụ nữ Vân kiều, Pa kô.
Chị Hồ Thị Kim Cúc cho biết thêm: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Vân kiều, Pa kô ý thức được rằng đi theo cách mạng là con đường duy nhất để cùng đồng bào cả nước sớm thoát khỏi ách nô lệ. Không quản ngại hiểm nguy trước sự đàn áp của quân thù, đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô tự nguyện làm giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế quân lương…
Riêng xã Tà Rụt (Đakrông) là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng nên việc vận chuyển tài liệu bí mật của cách mạng từ xã Tà Rụt đi các vùng khác và ngược lại, luôn được cán bộ nằm vùng cân nhắc, tìm kiếm phương thức để địch không phát hiện. Để giúp cách mạng, các nghệ nhân trong vùng đã kỳ công làm ra những chiếc khuyên tai vừa mang tính thẩm mỹ, vừa cất giấu an toàn tài liệu bí mật khi vận chuyển.
Có hai loại khuyên tai được làm ra để phục vụ cho việc vận chuyển tài liệu mật đó là loại dùng gỗ nhẹ, rỗng bên trong, sau đó bọc lớp bạc mỏng bên ngoài (loại khuyên tai này dùng để vận chuyển tài liệu mật bằng giấy) và loại dùng ống tre già, nhỏ, bọc bên ngoài lớp bạc mỏng, hai bên đầu đeo tai dán hai miếng gương tròn vừa với lỗ rỗng của khuyên tai (loại này dùng để vận chuyển đá lửa). Những loại khuyên tai này thường tròn, to hơn loại khuyên tai vốn có để đảm bảo sức chứa bên trong.
Năm nay đã trên 80 tuổi nhưng khi nhắc đến năm tháng tham gia cách mạng, đôi mắt Giả Hê ở thôn A Vương (xã Tà Rụt) như sáng lên. Bà kể: “Hồi đó, gia đình mẹ thuộc diện khá giả trong vùng, ban ngày "ngọt nhạt" với lính Pháp nhưng ban đêm, người trong gia đình mẹ bí mật gùi lúa, gạo vào rừng cho bộ đội rồi đưa ngược tài liệu mật ra cho cán bộ nằm vùng. Thấy người nhà, người trong bản ai cũng theo cách mạng, nên năm lên 14 tuổi mẹ đã góp sức với họ.
< Thế hệ trẻ người Vân kiều, Pa kô hôm nay.
Hồi đó, khi đi qua các điểm kiểm tra của địch, nhiều giao liên do không giấu cẩn thận tài liệu mật nên bị phát hiện rồi bị bắt, tra tấn dã man. Sau một thời gian nghiên cứu, cán bộ cách mạng hoạt động bí mật cùng với các nghệ nhân trong các bản làng bàn bạc, thống nhất phương án chọn phụ nữ làm giao liên vận chuyển tài liệu mật. Bởi phụ nữ là đối tượng mà địch ít nghi ngờ và việc đeo các trang sức là điều kiện thuận lợi để giấu tài liệu mật an toàn.
Sau đó, bằng tài năng khéo léo của mình, các nghệ nhân đã tạo ra những đôi khuyên tai đẹp mắt, nhưng rỗng ở bên trong đặt tài liệu mật cuốn tròn lại. Trên người mẹ bao giờ cũng mang đầy trang sức nhưng chỉ có đôi khuyên tai là đảm đương nhiệm vụ cao cả đó”.
Ngồi bên cạnh Giả Hê, Giả Măng ở thôn A Vương (xã Tà Rụt) không giấu được niềm tự hào góp chuyện: “Mỗi lần viện cớ vào rừng chặt củi, kiếm trái cây rừng để gặp bộ đội đưa thư, khi trở về qua các điểm kiểm tra của địch, mẹ luôn vui cười như không biết gì. Bọn chúng cũng tò mò kiểm tra vòng tay, vòng cổ bằng bạc của mẹ nhưng không hề chú ý đến đôi khuyên tai. Nhờ vậy mà hàng chục lần vận chuyển tài liệu mật cho cán bộ, mẹ không bị địch phát hiện. Đúng là đôi khuyên tai như có phép lạ con ạ!”.
< Người Pa Kô trên nương.
Khi biết tôi muốn được nhìn tận mắt đôi khuyên tai, Giả Măng liền bắc thang leo lên gác tìm chiếc túi vải đã úa màu và đưa xuống cho khách xem. Bên trong chiếc túi là vòng đeo cổ bằng đồng bạc, dây bạc uốn tròn, dây đá ngọc đỏ, chiếc vòng bạc khá nặng nhưng không có đôi khuyên tai. Như hiểu ánh mắt băn khoăn của tôi, Giả Măng giải thích: “Hồi trước, lỗ tai mẹ bị đứt nên một chiếc khuyên tai của mẹ bị rơi đâu mất, chiếc còn lại cũng thất lạc. Cũng may, vòng cổ, vòng tay của mẹ vẫn còn”.
Nguy cơ mai một
Qua các chuyến công tác miền núi, tôi lân la hỏi thăm những phụ nữ cao tuổi còn đeo hoặc cất giữ khuyên tai bằng bạc ở các bản làng như bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa), xã Tà Long, A Bung, A Vao, Tà Rụt…(Đakrông) và được biết, sau giải phóng phần lớn đồ trang sức của họ không còn. Lý do chủ yếu là trong những năm khó khăn, họ đã bán hoặc đổi khuyên tai bằng bạc lấy nhiều loại hàng hóa khác phục vụ cho cuộc sống nghèo khó hàng ngày.
Pỉ Hồng, bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh) buồn buồn cho biết: “Ngày trước, mẹ cũng có vòng tay, vòng cổ, khuyên tai bằng bạc nhưng do kinh tế khó khăn nên mẹ phải bán lại cho người ta để mua gạo, áo quần… Giờ nghĩ lại tiếc lắm, nếu mình giữ được các loại trang sức đó thì sau này truyền lại cho con cháu và để con cháu biết được người phụ nữ Vân kiều, Pa kô xưa khi đeo nó đẹp và ý nghĩa như thế nào”.
< Phụ nữ Pa Kô ngày nay ít dùng trang sức bằng bạc.
“Bây giờ lớp trẻ ít đeo khuyên tai bằng bạc. Và những đôi khuyên tai dùng để vận chuyển tài liệu mật ngày xưa, hiện tại rất hiếm người còn lưu giữ được. Mẹ bây giờ già yếu rồi, chỉ còn bộ trang sức này và mẹ có tâm nguyện là sẽ cho cô gái nào biết được giá trị thực sự của nó". Đó là lời tâm sự của Giả Hê khi chia tay tôi.
Những lời tâm sự chân thật của Giả Hê khiến tôi trăn trở mãi với câu hỏi liệu đã đến lúc ngành bảo tồn - bảo tàng cần tìm kiếm, lưu giữ những đôi khuyên tai được các nghệ nhân Vân kiều, Pa kô chế tạo riêng cho việc vận chuyển tài liệu mật phục vụ cách mạng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bởi những đôi khuyên tai đó ngoài giá trị về mặt văn hóa thì còn là chứng tích của cách làm cách mạng vừa bí mật, vừa rất sáng tạo của đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô.
Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, Quangtri online, internet
Lang thang qua những bản làng miền tây Quảng Trị, đâu đâu cũng thấy những người phụ nữ Pa Kô, Vân Kiều đeo trên cổ, trên tay những chiếc vòng mã não nhiều màu sắc.
Chẳng biết tự bao giờ, phụ nữ vùng cao có tục đeo vòng mã não, không riêng gì đồng bào Pa Kô, Vân Kiều mà cả người Tà Ôi ở Thừa Thiên-Huế cũng còn giữ nét văn hóa này. Ngày nay, việc bỏ tiền ra mua một vòng mã não hẳn sẽ không khó, nhưng nếu là ngày xưa kiếm đâu ra chúng giữa chốn rừng thiêng nước độc?
Mã não hẳn phải là biểu trưng cho một điều gì đó không thể thay thế thì mới có thể tồn tại từ đời này sang đời khác. Luẩn quẩn trong những câu hỏi chẳng có câu trả lời, nhưng rồi tôi mau chóng quên đi hết thảy bởi bị vẻ đẹp của những chiếc vòng lạ cuốn hút.
Chiếc vòng linh hồn
Theo ông Caray Sức, cán bộ văn hóa xã Tà Rụt, người được mệnh danh là nhà “Pa Kô học”, có 2 cách để những vòng mã não hiện diện ở người phụ nữ. Bởi ngay từ khi sinh ra, mỗi bé gái đều có một chiếc vòng mã não cho riêng mình. Đó là một chiếc vòng chỉ có một hạt mã não, là vật thiêng để Giàng Cợt (thần bổn mạng) trú ngụ. “Vòng mã não này sẽ là linh hồn của mỗi người, sẽ ứng với cuộc đời người đó, không được cho, tặng bất kỳ ai. Nếu lỡ làm mất thì phải làm lễ cúng để làm lại vòng khác và khi chết đi cũng sẽ được chôn theo”, Caray Sức nói.
Khi tình yêu xuất hiện thì cũng là lúc vòng mã não một lần nữa thể hiện uy quyền. Từ xưa, vòng mã não luôn là thứ không thể thiếu trong việc cưới hỏi của người Pa Kô, Vân Kiều. Đó có thể là một trong những vật thách cưới mà bên nhà nữ yêu cầu phải có hay giản đơn là một kỷ vật biểu trưng cho tình yêu của chàng trai dành cho bạn tình của mình. Tùy vào điều kiện, “vòng mã não tình yêu” có thể gồm 3 hạt trên 1 xâu hoặc 4 hạt trên 1 xâu gồm 2 chuỗi. Tương truyền, hễ con gái nhận vòng mã não của người khác giới có nghĩa là trái tim đã thuộc về người đó. Vậy nên dù cô gái có xinh như đóa hoa rừng, có mái tóc dài như suối, da trắng như mây thì trai bản cũng không “thèm” (hoặc không dám) để ý nếu thấy cô ta đã đeo lên cổ một chuỗi hạt thề hẹn.
“Nhưng mã não không chỉ đem lại điều tốt đẹp, đôi khi chúng gây nên nhiều tai hại, nhiều tình yêu ngang trái. Có chàng trai yêu cô gái đã nhiều năm, đã định ngày sang dạm hỏi thì tá hỏa khi thấy “dấu hiệu” nàng đã thuộc về người khác. Nói mô xa, thằng Kưm, cháu trai của ta, cũng đã giận dỗi bỏ sang Lào lấy vợ vì người yêu phụ tình, ham chiếc vòng mã não đẹp...”, bà Giả Hươu (trú thôn A Đăng, xã Tà Rụt), người đã sống qua 80 mùa rẫy, chép miệng.
Mỗi nốt thăng hay trầm trong cuộc đời người phụ nữ nơi này ít nhiều có liên quan đến vòng mã não. Lựa chọn chiếc vòng nào cũng giống như việc chọn một người chồng, tốt xấu ra sao không dễ thay đổi.
Biểu tượng giàu sang
Thời hoàng kim, chỉ cần nhìn vào chuỗi mã não dân bản có thể biết chủ nhân của nó là người như thế nào: giàu sang hay bần hàn, kiêu ngạo hay nhút nhát... “Thời của mẹ, không phải ai cũng có mã não để đeo, không phải ai cũng đeo được vòng đẹp. Nhớ thuở trước, để có một chiếc vòng mã não tặng mẹ, gia đình bố đã phải đổi một con trâu bạc”, bà Giả Tơ, xã A Ngo, nói.
“Ngày xưa nhà của mẹ quá nghèo, không có trâu bò nên sau khi thu hoạch rẫy ngô, phải bán đi phân nửa mới mua được 1 chuỗi vòng đã cũ. Không đẹp lắm nhưng gia đình mẹ cũng đã rất tự hào”, Giả Siêng ngồi kế bên tiếp lời.
Vậy nên giá trị của người phụ nữ thuở đó hằn vết lên những chiếc mã não. Khi còn là con gái, nếu không có vòng mã não của thần bổn mạng đẹp thì trai bản sẽ không yêu. Khi đã có gia đình mà trên cổ không đeo thật nhiều vòng mã não cũng sẽ không được kính trọng. Cho đến tận bây giờ, nếu ai đó sở hữu những chuỗi vòng mã não lớn, khác biệt với hết thảy những chuỗi vòng còn lại cũng đủ đảm bảo cho nhiều người ngước nhìn. Biết giá trị đó, người đeo bao giờ cũng ưỡn ngực kiêu hãnh.
< Đôi khuyên tai bằng bạc bây giờ phụ nữ Pa kô ít đeo trong các dịp lễ hội.
Bà Giả Tơ còn nói rằng người phụ nữ Pa Kô khi đã có tuổi thì không bao giờ bỏ những thứ như vòng bạc, chuỗi mã não ra khỏi người vì như vậy sẽ rất dễ bị ốm. Họ cho rằng những đồ vật ấy đều có hồn vía và gắn liền ở trong đó rồi. Cho người khác mượn có nghĩa là cho cả linh hồn nên sự giàu sang, quyền lực cũng theo đó mà tiêu tán.
Người trẻ hiện nay của những bản làng trên dãy Trường Sơn không còn tôn sùng vòng mã não như thế hệ trước. Dẫu họ đều có vòng mã não 1 hạt để thần bổn mạng trú ngụ nhưng chỉ đeo khi có việc cúng quảy trong nhà. Phần nữa, giá trị huyền ảo của những chiếc vòng mã não dần mất đi khi hiện nay giá của chúng không quá đắt, chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đồng là có thể mua được. “Nhiều khi nghĩ cũng tiêng tiếc vì trước nay mình đã quen mắt với việc đã là phụ nữ phải có vòng mã não. Những chuỗi mã não đẹp, có giá trị lại mất dần đi khi phải chôn theo người chết nhưng tôi tin rằng mã não vẫn có một hấp lực nào đó để tự tạo nên vị trí khó thay đổi một sớm một chiều trong lòng người Pa Kô, Vân Kiều…”, ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt, trăn trở.
Lời nguyền mã não
Theo những người già ở xã A Ngo (H.Đakrông, Quảng Trị), vì mỗi vòng mã não đều ứng với từng người, nên tự thân chúng cũng có những lời nguyền. Điều kiêng kỵ nhất là vòng mã não bị mất, bị sứt mẻ vì như thế tai ương sẽ giáng lên đầu chủ nhân.
Trước đây, phụ nữ trong những gia đình giàu có, khi thấy vòng mã não bị rạn, sứt họ phải nhường chuỗi mã não cho người nghèo, chấp nhận nhường một ít tài lộc của mình để người khác gánh tai ương cho. Sau đó, họ sẽ làm lễ cúng tạ tội, xin đeo một chuỗi mã não mới để thay đổi vận mạng cho chính mình.
Bí mật đôi khuyên tai
Đôi khuyên tai là vật trang sức không thể thiếu của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) trong các dịp lễ hội. Ít người biết rằng, chính đôi khuyên tai ấy trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là nơi cất giấu tài liệu cách mạng an toàn.
Cất giấu tài liệu mật
Trong dịp đi công tác ở các xã miền núi huyện Đakrông, tôi thực sự bị thu hút bởi câu chuyện về đôi khuyên tai của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô qua lời kể sôi nổi của chị Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông. Chị Cúc vốn là người Pa kô, lại được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng nên chị rất am hiểu các phong tục tập quán của người Vân kiều, Pa kô cũng như những phương thức hoạt động cách mạng bí mật trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của cha ông.
Chị Hồ Thị Kim Cúc cho biết: Khuyên tai theo tiếng Pa kô gọi là păroih, còn tiếng Vân kiều gọi là kărvang. Hàng trăm năm về trước, phụ nữ đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô đã biết tìm kiếm những hòn đá suối, đá núi, trái cây nhiều màu sắc để làm vật trang sức cho mình. Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, đưa bạc nén, bạc cộ lên các bản làng Vân kiều, Pa kô để phục vụ cho mục đích xâm lược. Nhiều nghệ nhân có tay nghề cao đã dùng bạc để sáng chế ra các loại trang sức mới lạ phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô.
Đối với trang sức đeo cổ, các nghệ nhân dùng những vòng bạc đặc, to để uốn tròn vừa đủ bó sát cổ hoặc đính các đồng bạc lại với nhau bằng sợi cước thành một vòng tròn và kết hợp với hạt cườm đá đủ sắc màu, khi đeo vào cổ phải dài xuống quá ngực. Ngoài ra, họ còn dùng bạc đưa vào lò lửa nung chảy để kéo dài, dát mỏng, tạo cho sợi bạc uốn lượn thành từng vòng nhỏ nối liền nhau...
Với vòng, nhẫn đeo tay, họ làm vòng, nhẫn bạc với nhiều kích cỡ khác nhau theo sở thích của từng người. Riêng đôi khuyên tai, các nghệ nhân dùng bạc tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng phổ biến nhất là loại hình tròn to khi đeo vào sẽ tăng thêm nét đẹp của gương mặt người phụ nữ Vân kiều, Pa kô.
Chị Hồ Thị Kim Cúc cho biết thêm: Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Vân kiều, Pa kô ý thức được rằng đi theo cách mạng là con đường duy nhất để cùng đồng bào cả nước sớm thoát khỏi ách nô lệ. Không quản ngại hiểm nguy trước sự đàn áp của quân thù, đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô tự nguyện làm giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng, tiếp tế quân lương…
Riêng xã Tà Rụt (Đakrông) là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng nên việc vận chuyển tài liệu bí mật của cách mạng từ xã Tà Rụt đi các vùng khác và ngược lại, luôn được cán bộ nằm vùng cân nhắc, tìm kiếm phương thức để địch không phát hiện. Để giúp cách mạng, các nghệ nhân trong vùng đã kỳ công làm ra những chiếc khuyên tai vừa mang tính thẩm mỹ, vừa cất giấu an toàn tài liệu bí mật khi vận chuyển.
Có hai loại khuyên tai được làm ra để phục vụ cho việc vận chuyển tài liệu mật đó là loại dùng gỗ nhẹ, rỗng bên trong, sau đó bọc lớp bạc mỏng bên ngoài (loại khuyên tai này dùng để vận chuyển tài liệu mật bằng giấy) và loại dùng ống tre già, nhỏ, bọc bên ngoài lớp bạc mỏng, hai bên đầu đeo tai dán hai miếng gương tròn vừa với lỗ rỗng của khuyên tai (loại này dùng để vận chuyển đá lửa). Những loại khuyên tai này thường tròn, to hơn loại khuyên tai vốn có để đảm bảo sức chứa bên trong.
Năm nay đã trên 80 tuổi nhưng khi nhắc đến năm tháng tham gia cách mạng, đôi mắt Giả Hê ở thôn A Vương (xã Tà Rụt) như sáng lên. Bà kể: “Hồi đó, gia đình mẹ thuộc diện khá giả trong vùng, ban ngày "ngọt nhạt" với lính Pháp nhưng ban đêm, người trong gia đình mẹ bí mật gùi lúa, gạo vào rừng cho bộ đội rồi đưa ngược tài liệu mật ra cho cán bộ nằm vùng. Thấy người nhà, người trong bản ai cũng theo cách mạng, nên năm lên 14 tuổi mẹ đã góp sức với họ.
< Thế hệ trẻ người Vân kiều, Pa kô hôm nay.
Hồi đó, khi đi qua các điểm kiểm tra của địch, nhiều giao liên do không giấu cẩn thận tài liệu mật nên bị phát hiện rồi bị bắt, tra tấn dã man. Sau một thời gian nghiên cứu, cán bộ cách mạng hoạt động bí mật cùng với các nghệ nhân trong các bản làng bàn bạc, thống nhất phương án chọn phụ nữ làm giao liên vận chuyển tài liệu mật. Bởi phụ nữ là đối tượng mà địch ít nghi ngờ và việc đeo các trang sức là điều kiện thuận lợi để giấu tài liệu mật an toàn.
Sau đó, bằng tài năng khéo léo của mình, các nghệ nhân đã tạo ra những đôi khuyên tai đẹp mắt, nhưng rỗng ở bên trong đặt tài liệu mật cuốn tròn lại. Trên người mẹ bao giờ cũng mang đầy trang sức nhưng chỉ có đôi khuyên tai là đảm đương nhiệm vụ cao cả đó”.
Ngồi bên cạnh Giả Hê, Giả Măng ở thôn A Vương (xã Tà Rụt) không giấu được niềm tự hào góp chuyện: “Mỗi lần viện cớ vào rừng chặt củi, kiếm trái cây rừng để gặp bộ đội đưa thư, khi trở về qua các điểm kiểm tra của địch, mẹ luôn vui cười như không biết gì. Bọn chúng cũng tò mò kiểm tra vòng tay, vòng cổ bằng bạc của mẹ nhưng không hề chú ý đến đôi khuyên tai. Nhờ vậy mà hàng chục lần vận chuyển tài liệu mật cho cán bộ, mẹ không bị địch phát hiện. Đúng là đôi khuyên tai như có phép lạ con ạ!”.
< Người Pa Kô trên nương.
Khi biết tôi muốn được nhìn tận mắt đôi khuyên tai, Giả Măng liền bắc thang leo lên gác tìm chiếc túi vải đã úa màu và đưa xuống cho khách xem. Bên trong chiếc túi là vòng đeo cổ bằng đồng bạc, dây bạc uốn tròn, dây đá ngọc đỏ, chiếc vòng bạc khá nặng nhưng không có đôi khuyên tai. Như hiểu ánh mắt băn khoăn của tôi, Giả Măng giải thích: “Hồi trước, lỗ tai mẹ bị đứt nên một chiếc khuyên tai của mẹ bị rơi đâu mất, chiếc còn lại cũng thất lạc. Cũng may, vòng cổ, vòng tay của mẹ vẫn còn”.
Nguy cơ mai một
Qua các chuyến công tác miền núi, tôi lân la hỏi thăm những phụ nữ cao tuổi còn đeo hoặc cất giữ khuyên tai bằng bạc ở các bản làng như bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa), xã Tà Long, A Bung, A Vao, Tà Rụt…(Đakrông) và được biết, sau giải phóng phần lớn đồ trang sức của họ không còn. Lý do chủ yếu là trong những năm khó khăn, họ đã bán hoặc đổi khuyên tai bằng bạc lấy nhiều loại hàng hóa khác phục vụ cho cuộc sống nghèo khó hàng ngày.
Pỉ Hồng, bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh) buồn buồn cho biết: “Ngày trước, mẹ cũng có vòng tay, vòng cổ, khuyên tai bằng bạc nhưng do kinh tế khó khăn nên mẹ phải bán lại cho người ta để mua gạo, áo quần… Giờ nghĩ lại tiếc lắm, nếu mình giữ được các loại trang sức đó thì sau này truyền lại cho con cháu và để con cháu biết được người phụ nữ Vân kiều, Pa kô xưa khi đeo nó đẹp và ý nghĩa như thế nào”.
< Phụ nữ Pa Kô ngày nay ít dùng trang sức bằng bạc.
“Bây giờ lớp trẻ ít đeo khuyên tai bằng bạc. Và những đôi khuyên tai dùng để vận chuyển tài liệu mật ngày xưa, hiện tại rất hiếm người còn lưu giữ được. Mẹ bây giờ già yếu rồi, chỉ còn bộ trang sức này và mẹ có tâm nguyện là sẽ cho cô gái nào biết được giá trị thực sự của nó". Đó là lời tâm sự của Giả Hê khi chia tay tôi.
Những lời tâm sự chân thật của Giả Hê khiến tôi trăn trở mãi với câu hỏi liệu đã đến lúc ngành bảo tồn - bảo tàng cần tìm kiếm, lưu giữ những đôi khuyên tai được các nghệ nhân Vân kiều, Pa kô chế tạo riêng cho việc vận chuyển tài liệu mật phục vụ cách mạng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Bởi những đôi khuyên tai đó ngoài giá trị về mặt văn hóa thì còn là chứng tích của cách làm cách mạng vừa bí mật, vừa rất sáng tạo của đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô.
Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, Quangtri online, internet
0 nhận xét :
Đăng nhận xét