Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Khi Walt Disney quyết định xây dựng Disney World ở Florida, ông
đã tuyên bố: 'Nơi đây sẽ đủ chỗ cho tất cả những ý tưởng và kế hoạch
chúng ta có thể tưởng tượng'. Và sự thật đúng là như vậy!


Ở Disney World
có tất cả mọi thứ. Được mở cửa từ năm 1971, Disney World rộng lớn, có
diện tích rộng gấp 2 lần Manhattan và lớn gấp 150 lần Disneyland ở
California.

 





Có thể nói Disney World là
Du lịch Nam Mỹ - Nổi tiếng trên toàn thế giới, Iguazu là một trong những thác nước thiên nhiên hùng vĩ và cao ngoạn mục, được nhiều người viếng thăm nhiều nhất ở Nam Mỹ.



Đây là thác nước của sông Iguazu, nằm trên đường biên giới của hai nước Brazil và Argentina. Thác Iguazu cao và rộng hơn so với thác Niagara, thác có hai tầng gồm nhiều ngọn nước lớn nhỏ khác nhau với hình dạng móng ngựa.Thác
Du lịch Mỹ - Ngày càng nhiều hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu, mục đích khác
nhau và phụ thuộc thời gian, khả năng tài chính, sở thích của du khách.
Vài năm gần đây, một số người Việt Nam thực hiện những chuyến du lịch
"bụi" trong nước thường được gọi đùa là "Ta ba lô"; trong số đó, có
nhiều người đang tính thực hiện chuyến du lịch "bụi" ở bờ tây nước Mỹ.

Xin giới thiệu phần tư vấn của
Du lịch Mỹ - Các sinh viên Mỹ vô cùng tự hào về ngôi trường của mình mỗi mùa hoa anh đào nở đấy.Hàng năm, tại Washington đều diễn ra Lễ hội Hoa Anh Đào
(27/3 - 11/4). Tuy vậy năm nay là một năm rất đặc biệt vì nó đánh dấu
tròn 100 năm loài hoa đẹp mê hồn được chính thức trồng tại Mỹ (1912 -
2012).Những ngày này, sinh viên của Đại học Washington
đang hòa mình vào không khí rực rỡ và náo nhiệt
Du lịch Nam Mỹ - Lâu nay, khi nói đến các từ balneario,
bossa nova, carnival, favela, macarena, samba... là nhiều người nhớ
ngay đến Rio de Janeiro, thành phố lớn nhất, đông dân nhất, náo động
nhất của Brazil nói riêng và Nam Mỹ nói chung. Với những bãi
biển tuyệt đẹp như Barra da Tijuca, Copacabana, Ipanema, Leblon... thành
phố này cũng chính là điểm đến thu hút nhiều du khách nhất ở Nam Mỹ

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Du lịch Nam Mỹ - Được khánh thành năm 1950, khi World Cup được tổ chức ở Brazil. Maracana có thông tin cho biết từng đón tiếp khoảng 200.000 khán giả (nhiều nhất thế giới). Ngày 16/7/1950, 199.854 khán giả đã đến sân Maracana Municipal để theo dõi trận chung kết World Cup 1950 giữa hai đội Brazil và Uruguay. Con số khán giả này cũng là số kỷ lục của một sự kiện thể thao từ xưa đến nay. Năm

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Anh bạn người ngoại quốc đến tìm tôi, mang theo niềm băn khoăn không biết tìm nơi nào để trả hai con cò nhỏ mà anh vô tình có được về “nhà” của chúng. 

Thấy anh xót xa ngó hai con cò yếu ớt bị nhốt trong rọ, tôi tự nhủ không được ngại khó, phải đưa chúng, và cả người bạn yêu thiên nhiên này nữa, về đúng nơi được gọi là xứ sở của các loài chim...

Thả chim, bắt cá ở U Minh Hạ

6 giờ sáng, chiếc máy bay đưa chúng tôi từ phi trường Tân Sơn Nhất xuống sân bay Cà Mau. 6 giờ 50, hai du khách mang theo hai con cò hối hả đón xe ôm phóng thẳng ra bến tàu cao tốc để đi U Minh Hạ.

Ca nô lướt sóng giữa dòng sông rộng mênh mông, giữa tiếng rì rào của rặng tràm xanh mướt hai bên bờ. 45 phút sau, chúng tôi phải chuyển qua chiếc ghe chèo nhỏ bé thì mới có thể len lỏi giữa ngút ngàn đước xòe rễ ngoằn nghèo, gốc mắm xù xì và lềnh khênh tràm.

Chim sáo nâu, sáo đen dạn dĩ chuyền cành, vài con vạc khuấy dòng nước đã đỏ ngầu thành nâu sậm sủi bọt. Và cò, đúng là xứ sở cò, tổ cò thấp thoáng trong bụi, lơ lửng ngọn cây, phân cò rớt trắng phau lá tràm.

Chúng tôi vừa mở cửa lồng, đôi cò lập tức bay vút lên cao rồi đậu trên một nhánh bần, ngước mỏ như cám ơn đã cứu mạng chúng. Đàn cò xúm xít chào mừng bạn mới.
Cò ở đây đủ loại: cò lửa lưng hung hung chạy tới chạy lui từng bầy, cò trắng lả lướt bay lượn. Trên không trung, vài vạt bông lau phất phơ hệt mây bay.

Trên mặt nước, rau cỏ không tên đua nhau vươn, bông tím, bông vàng, nụ đỏ dệt thành tấm thảm tuyệt sắc. Giữa trảng cỏ năng mơn mởn cùng bèo, súng nở hoa tím biếc, đám gà nước lông vàng đen, mỏ đỏ, ngực màu thiên thanh lăng xăng kiếm ăn.

Đi trong Vườn quốc gia U Minh Hạ rợp bóng cây, lâu lâu mới gặp vài tia nắng óng ánh trên mặt nước đỏ nâu. Du khách được quyền mua vé câu cá nên chúng tôi hưởng thú vừa ngoạn cảnh vừa buông mồi câu.

Trong khi cần câu của tôi dính hai con cá lóc to hơn bắp tay, thì bạn đồng hành buồn hiu vì cả tiếng đồng hồ mà dây câu vẫn... im re. Bỗng dây câu nhấp nhấp, bạn tôi giựt lẹ, chao ôi khủng khiếp, một con rắn rằn ri uốn éo!
Người lái ghe cười tỉnh bơ, vừa cầm đầu con rắn tháo ra khỏi lưỡi câu, vừa giải thích: rắn bông súng chỉ ăn cá chứ không cắn người, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như các loài rắn khác.

Ghe của chúng tôi cặp vô chòi lá giữa rừng. Vợ chồng bác lái ghe đã chuẩn bị sẵn rơm. Bác trai lúi húi nhúm lửa rồi xiên từng con cá lóc và con rắn bông súng vô cành cây, đút vào lửa rơm. Phút chốc mùi thơm nồng khắp không gian...

Chạm vào cột mốc quốc gia

Ngày kế tiếp, chúng tôi đón tàu đi Đất Mũi. Vòng cung phù sa từ các dòng sông đổ ra biển lắng tụ thành hàng trăm hecta bãi bồi trải từ phía đông sang tây của Đất Mũi. Lớp lớp sú, vẹt, mắm, đước xanh thăm thẳm hừng hực sức sống.

Chúng tôi thích thú chứng kiến những trái đước, vẹt rơi thẳng tắp xuống bùn. Đây sẽ là những “chiến sĩ” tương lai bảo vệ đất đai không bị hải vương cuốn trôi.
Một bờ kè bằng đá kiên cố được xây dựng quanh bờ chót mũi. Phía ngoài kè, nhà hàng thủy tạ nổi lên giữa bốn bề sóng nước, chiếc cầu nhỏ nối với nhà hàng Đất Mũi, trông cô đơn một cách lãng mạn.

Một cảm giác thật khó tả khi đứng bên mốc tọa độ quốc gia với điểm tọa độ GPS 001. Biểu tượng mũi Cà Mau hình mũi thuyền có bệ cao màu trắng ghi dòng chữ: 8º37’30” Vĩ độ Bắc, 104º43” Kinh độ Đông, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay.

Tàu từ giã Đất Mũi, đưa chúng tôi tham quan chợ nổi Năm Căn. Tấp nập ghe xuồng bán thơm, vú sữa, mít, chuối, bánh tét, bánh bò, rau cải, vải vóc... Chợ trên sông nhộn nhịp còn hơn chợ trên bờ.

Rời chợ nổi, chúng tôi đến Hòn Đá Bạc. Bước lên cây cầu dài hơn 400 mét nối đất liền với đảo, sóng biển nhấp nhô hai bên, cảm giác phiêu diêu bềnh bồng. Đảo nhiều đá, tảng nối tảng liền khít chồng chất nhau.

Trên đảo có một khoảng đồi rộng khoảng 50m2, gọi là “Sân Tiên”. Có truyền thuyết rằng, nơi đây xưa tiên nữ hay tắm. Lăng Ông Nam Hải oai nghiêm sừng sững trên đỉnh núi của hòn, bên trong thơ bộ xương cá voi dài trên chục mét, nặng 14 tấn.
Phía dưới chân Lăng Ông, sát mép nước là bức tượng đá Bàn Tay Phật. Kỳ lạ, giữa biển khơi, nhưng bàng cổ thụ vẫn sum suê đầy sức sống cùng rừng và thảm thực vật nguyên sinh.

Tha thẩn tìm yến sào men vách đá và hàu ở kẹt đá là một thú vui chỉ nơi đây mới có. Cảnh thần tiên hoa cỏ chìm lẫn trong đại dương khiến Hòn Đá Bạc chẳng khác nào bồng lai biển khơi...

Muốn thăm hết thắng cảnh Cà Mau phải mất nhiều thời gian: nào đảo đá Hòn Khoai và rừng nguyên sinh gần như nguyên vẹn; nào di tích Đình Tân Hưng; nào bãi biển cát vàng Khai Long...

Nhiều nhất phải kể đến sân chim: Chà Là, Đầm Dơi, Tân Tiến, ngay giữa thành phố cũng có sân chim Cà Mau khá lớn. Khi bình minh lên và lúc hoàng hôn xuống, chim bay rợp trời, du khách tha hồ chiêm ngưỡng thế giới thiên điểu trên chóp mũi Cà Mau.

Du lịch, GO! - Theo Dương Văn Minh Lộc / Doanh nhân Sài Gòn
Trong hai ngày 19 và 20-3-2012 (tức ngày 27 và 28-2 âm lịch) vừa qua, Khu di tích văn hóa Giàn Gừa (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã tổ chức lể vía Bà Thương Động Cố Hỉ. Lễ hội thu hút trên 10.000 lượt người từ khắp nơi đến tham dự.

< Giàn Gừa rộng 4.000 mét vuông, thân và cành gừa đan quyện nhau chằng chịt.

Hai ngày nầy, Khu di tích Giàn Gừa (Giàn Gừa) đã diễn ra một số lễ hội hấp dẫn, như múa lân, đánh quyền, múa kiếm, múa côn, múa thương, múa võ bộ... Đêm vào đám có biểu diễn đờn ca tài tử do nhóm đờn ca tài tử ấp Nhơn Khánh biểu diễn. Trưa ngày lễ chính, có múa bóng truyền thống, do hai bóng từ Vị Thủy (Hậu Giang) phục vụ. Hai bà bóng nầy, từ 5-6 năm nay, năm nào đến lễ vía Bà cũng đều đến phục vụ.


< Cổng vào khu di tích văn hóa Giàn Gừa.

Con đường trước Giàn Gừa nằm cặp rạch Bà Thợ, hai đầu đường có hai cổng với hai tấm bảng màu vàng chữ đỏ: "Khu di tích văn hóa Giàn Gừa". Qua cổng, có tấm bảng chính, ghi: "Cổ Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ", cũng chữ màu đỏ trên nền sơn vàng. Hai bên cổng là cặp liễn đối: “Thánh miếu uy linh đạo đức muôn đời pháp hoa thịnh / Cổ tự hùng oai chánh giáo vạn kiếp tân trung hưng”.

Hai bên cổng là hàng rào sắt trên bờ tường cẩn đá xanh được sơn phết đẹp đẽ. Cảnh quan càng thêm hấp dẫn nhờ những lá cờ đuôi nheo treo dọc treo ngang cùng hàng bao nhiêu khách thập phương đen đặc lẫn trong những bàn ghế phục vụ ăn uống miễn phí cho mọi người.

Năm nay, ngày vía chính, Giàn Gừa cúng Bà 3 con heo quay; sau lễ, xẻ thịt phục vụ khách thập phương “hưởng lộc”. Không khí náo nhiệt với tiếng trống, tiếng loa phóng thanh vang vang những lời giới thiệu, khác hẳn với không khí nhiều năm trước, khi chúng tôi đến đây, hết sức vắng lặng.


< Khách thập phương dự hội trong ngày vía Bà.

Lúc bấy giờ, ông Phan Ngọc Sơn là một người bảo vệ khu vực này đã cho chúng tôi biết, ông cố bà ngoại vợ anh bảo từ nhỏ đã thấy Giàn Gừa nầy. Thời chiến tranh chống Mỹ, Giàn Gừa bị pháo bắn sập hết một phần. Trước năm 1989 nơi đây có nhiều cò, phần bị con người săn bắn, phần môi trường sống thay đổi (vườn thay ruộng) nên chỉ còn một ít chim cư trú.

Nhưng bây giờ, theo ông Nguyễn Hữu Phước (Bảy Phước), cho biết những thông tin khác biệt về khu Giàn Gừa. Vì là phó ban văn hóa – xã hội Khu di tích văn hóa Giàn Gừa nên số liệu ông Bảy Phước cung cấp có lẽ chính xác hơn.

Theo ông, giữa thế kỷ 19, năm Đinh Tỵ (1857), có một người họ Nguyễn từ sông Tiền đến đây khai hoang, khẩn đất, lập nghiệp. Giữa bao la đất rừng đó đã có giàn gừa, rộng trên một hécta (10.000 mét vuông), ăn sang con rạch Bà Thợ. Đất của ông nhiều nên người ta gọi ông là ông Cả (Cả Nguyễn). Hiện nay phần đất có giàn gừa vẫn là đất của ông Cả Nguyễn, hậu duệ ông nay đến đời thứ 6.

Để khẩn hoang, ông cho đấp đập làm ruộng, làm rẫy. Việc khai thác đất chẳng may gây ra hỏa hoạn làm cháy hết giàn gừa. Tai nạn nầy kéo theo tai nạn khác khá huyền bí, là con cháu ông Cả bị bịnh chết rất nhiều. May mắn, có ông Bảy ở núi ghé qua, bảo phải trồng lại cây gừa thì mới qua khỏi kiếp nạn. Bởi giàn gừa là nơi Bà ngự. Nay cây cháy, Bà không chỗ nương náu. Con cháu ông Cả vâng lời trồng lại cây gừa, lập miếu thờ Bà Cố Hỉ bằng cây lá, rồi xây xi măng vào năm 1989.

Ông Bảy Phước cho biết mỗi năm Giàn Gừa có một lễ chính và 2 lễ phụ. Lễ chính vào ngày 28-2 âm lịch (ngày trồng lại gừa và lập miếu Bà Cố Hỉ, cách nay 155 năm), cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.... Đêm 27 nhóm họp, phục vụ văn nghệ, đờn ca tài tử. Sáng ngày 28 cúng heo trắng, có múa bóng rỗi. Tục cúng heo trắng, chè, xôi, bông hoa, múa bóng có từ sau 1975. Trước đó chỉ cúng đầu heo.

Ngoài ra Giàn Gừa còn hai lễ khác, tính theo dương lịch là ngày 27-7 (ngày Thương binh - Liệt sĩ) và ngày 22-12 (ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam), vì nơi đây từng là nơi đóng quân, là căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp đuổi Mỹ của nhân dân ta. Trong khuôn viên Giàn Gừa, bên phải cổng vào có đền thờ Bác Hồ và bàn thờ Mười cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, xây dựng năm 2011.

Giàn Gừa hiện nay rộng đến 4.000 mét vuông với tán gừa nầy nối với nhánh gừa nọ, đan quyện nhau, cành nhủi xuống đất đâm rễ thành cây, không dứt; không chỉ trong khuôn viên mà còn “bò” ra bên ngoài, vượt qua rạch Bà Thợ, phát triển thêm. Giàn gừa quá lớn rộng nên máy chụp hình “bó tay”, chỉ có máy quay phim mới “diễn tả” hết tầm vóc khổng lồ của nó.

< Miếu Bà Cố Hỉ Thượng Động.

Giữa giàn gừa có ngôi miếu nhỏ bằng gạch với cặp liễn hai bên cửa miếu. Đó là miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ. Năm 2009, được sự ủng hộ của chánh quyền địa phương, Giàn Gừa trở thành khu di tích văn hóa, sửa sang khá nhiều. Ngoài xây hàng rào với hai tấm bảng chính, còn đắp tượng hai con kỳ lân màu vàng chói chào đón khách vào cổng, tượng hai con cọp trắng, cọp vàng hầu hai bên Miếu Bà Cố Hỉ.

Dù ở một nơi heo hút nhưng khách viếng Giàn Gừa từ nhiều nơi trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, do một người đến, về “truyền khẩu” cho nhiều người khác... Bình quân ngày thường Giàn Gừa có từ 60 khách, dịp Quốc khánh 2-9-2011 lên đến con số trên 2.000 người. Tết Nhâm Thìn 2012, từ mồng 2 tết đến gần cuối tháng Giêng, mỗi ngày có đến 300 khách viếng. Năm 2011, lễ cúng chính thu hút 6.000 người. Khách đông phải mướn lực lượng bảo vệ trông giữ xe. Khu di tích văn hóa Giàn Gừa là một điểm tham quan du lịch sinh thái, một giá trị di sản văn hóa độc đáo của chẳng riêng gì ấp Nhơn Khánh.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG Online
“Phượt” (hay gọi một cách dân dã hơn là “du lịch bụi”) đang ngày một trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ ở Việt Nam. Và bên cạnh mục đích ban đầu của phượt là để khám phá những vùng đất mới, nghỉ ngơi thư giãn, tiếp xúc với văn hóa, cư dân bản địa… trong giới “phượt thủ” đã xuất hiện những chuyến đi liều lĩnh, có phần quái dị mà người ngoài cuộc khó có thể tưởng tượng ra.

Nướng thịt bằng… bô xe máy

Phải nói luôn là, đa số giới trẻ, học sinh, sinh viên khi đi du lịch chủ yếu với mục đích thăm thú ngó nghiêng, chụp ảnh… Nhưng quả thật, chỉ cần tham gia một thời gian vào những chuyến đi của các “phượt thủ” (mà chủ yếu quy tụ trên các diễn đàn ttvnol.com và phuot.com), người ta có thể choáng trước những trò quái dị mà chỉ người có trí tưởng tượng phong phú nhất mới có thể nghĩ ra. Một trong số đó là… nấu ăn bằng bô xe máy.

Có thời gian tham gia vào các tour du lịch bụi cùng với nhóm Fanl…, tôi đã được thưởng thức trải nghiệm về những ngày "trên từng cây số" với một nhóm bạn trẻ, mỗi người một công việc song đều có chung sở thích phiêu lưu trên các cung đường. Trước khi đi, leader (trưởng nhóm) đã phân công cho một số thành viên mua đồ ăn, nước uống… mang theo.

Để khi tới những nơi đẹp đẽ, nơi sơn thủy hữu tình chúng tôi sẽ mang đồ ăn xuống. Và cảm giác uống một ly cà phê nóng ở trên đỉnh núi với mây trắng xóa bao quanh, với gió thổi vi vu… thực sự là những trải nghiệm khó quên. Hoặc một đêm trăng sáng, quây quần bên một đống lửa cùng nhau chuyền tay một xiên thịt nướng cũng khiến bao mệt mỏi tan biến.

Nhưng không dừng lại ở đó, thời gian gần đây trong các “phượt gia”, “phượt thủ” rộ lên phong trào "nấu cỗ" bằng ống bô xe máy. Có thể tưởng tượng đơn giản như thế này. Mỗi ngày trung bình một chiếc xe máy đi chừng 100-150km. Vậy là phượt thủ đã nảy ra ý định dùng sức nóng của ống bô xe để… làm chín thức ăn. Thịt bò (lợn, gà…) sẽ được thái nhỏ, rồi tẩm ướp gia vị, gói vào giấy bạc rồi buộc chặt vào ống bô. Sau khi vượt tầm 50-60km, sức nóng của ống bô sẽ làm chín thịt. Với mỗi nhóm đi khoảng 3-5 xe là có thể nướng thịt bò, cá… để khi dừng chân là có thể "xơi ngay cho giòn".

Một “phượt gia” đã từng chén món thịt kiểu này mô tả với tôi, vẻ rất phấn khích: "Đây là cách nướng tận dụng nhiệt lượng tỏa ra khi xe máy chạy. Thịt trong giấy bạc sẽ hấp thu nhiệt và chín dần dần. Thời gian để thịt chín hẳn là sau khi đi được từ 45-60 km (tùy tốc độ, địa hình đường chạy...).

Có thể dùng rất nhiều loại thịt khác nhau để làm món này, nhưng thịt bò thăn và thịt ba chỉ là ngon nhất".

Tuy nhiên, cá nhân tôi thì thấy hơi… ghê ghê khi được mời nếm thử món ăn kỳ dị này. Theo cảm quan cá nhân thì thấy có vẻ như thịt đã chín, và còn… dậy mùi thơm. Tuy nhiên cứ nghĩ đến cảnh chiếc xe chạy hàng trăm kilômét, băng qua những cung đường bụi bặm, bẩn thỉu; bô xe lại là chỗ gần như thấp nhất của xe là tôi không dám đụng đũa. Một “phượt gia” lão làng thì khuyên… chớ có ăn. Anh này cho biết, ống xả của xe máy là nơi thải các khí độc hại như cácbonic, nitơ… Không ai đảm bảo được những khí đó sẽ không bị ám vào món thịt nướng. Bên cạnh đó, việc bọc thêm bất cứ thứ gì vào bô xe cũng khiến cho việc đi lại mất an

Ăn bờ ở bụi

Có những “phượt thủ”, nhiều khả năng do đã chán chăn ấm nệm êm, nên đã nghĩ ra những chuyến đi rất quái chiêu. Họ cũng đi bằng xe máy, nhưng thay vì ăn uống nghỉ ngơi ở các nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn… thì lại rủ nhau ăn bờ ở bụi, đúng theo tiêu chí "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Nhân dịp chuẩn bị ra trường, một nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc đã rủ nhau phượt một chuyến để đời. Nguyên do là một “phượt gia” trong nhóm được người bạn đi du học kể lại chuyến đi của họ. Rằng họ dùng ôtô, chất lên đó lều bạt, thức ăn, nước uống và cả nồi niêu xoong chảo… để đi một chuyến xuyên rừng. Đến bữa thì hạ đồ xuống nấu nướng, tối đến thì tìm chỗ rộng rãi để hạ trại nghỉ ngơi…

Nghe kể thích quá, Thanh (leader của nhóm) cũng lên kế hoạch sẽ "xuyên rừng" theo kiểu ấy, nhưng bằng xe máy. Từ Hà Nội, họ lên Phú Thọ, qua Yên Bái, vòng lên Hà Giang rồi xuyên sang Lào Cai, xuống Sơn La… Hành trình kéo dài đến hai tuần với mục tiêu ghi lại một thời để nhớ.

Vậy nhưng, nhóm của Thanh quên rằng điều kiện môi trường, khí hậu của nước bạn khác với Việt Nam. Bên cạnh đó, những người tổ chức, tham gia các chuyến đi dạng này đều phải qua một khóa huấn luyện, dạng như hướng đạo sinh. Họ phải được trang bị một số kiến thức để có thể tồn tại ở môi trường thiếu thốn về nước sạch, về vệ sinh… Do không lường được hết được những khó khăn trước mắt, nên chuyến đi của Thanh cùng bạn bè đúng là đã trở thành kỷ niệm khó quên, nhưng là kỷ niệm… buồn.

Thanh kể lại. Ngày đầu tiên lên đường, cả nhóm rất hào hứng vừa đi vừa hát hò ỏm tỏi. Tối hôm đó, dừng chân tại ven một thị trấn hiu hắt của tỉnh Sơn La, mấy anh em dựng xong lều bạt thì trời sụp tối. Ý định vào chợ mua đồ, rồi xuống nhà dân xin nước nấu ăn bị phá sản. Cả nhóm chia nhau vài miếng lương khô. Tối hôm đó, sương xuống dày đặc. Nằm ôm nhau run cầm cập. Đến sáng hôm sau thì không ai bảo ai cùng đồng thanh: "Về thôi nhỉ".

Một nhóm khác, tuy lộ trình có khác nhóm của Thanh một chút song muốn dấn thân vào nơi rừng sâu núi thẳm, "nơi mà chưa từng có bước chân người". Lý do mà họ đưa ra là muốn hòa cùng thiên nhiên và cũng để "khẳng định bản thân". Khẳng định gì thì không biết, nhưng hậu quả nhãn tiền là tốn tiền, phí sức mà lại chẳng vui. Không muốn nói đó còn là kỷ niệm hãi hùng trong đời.

Tuấn (sinh viên Trường đại học Giao thông) cùng 5 chiến hữu lên đường trên 3 con "Rim chiến". Do đã có kinh nghiệm về những chuyến phượt đường rừng nên mấy ngày đầu tour, nhóm của Tuấn đều đi đúng lịch trình. Cứ đến bữa là hạ trại dựng lều, nấu cơm nấu nước, rượu chè rất là vui vẻ. Thậm chí, các "phượt sĩ" còn trổ tài đàn địch, hát ca vang cả núi rừng. Nhưng càng về cuối hành trình, sức khỏe càng giảm sút. Đặc biệt, do ham vui nên bữa cơm nào cũng chén chú chén anh. Tới hôm thứ năm của cuộc hành trình, một thành viên trong nhóm không làm chủ tốc độ đã… phi thẳng vào ta luy đường. Người ngợm may không sao, nhưng xe thì… nát tươm. Vậy là cuộc hành trình buộc phải hủy. Xe được khênh ra quốc lộ, chờ có xe khách chạy qua thì tống lên nhờ chở thẳng về Hà Nội.

Có thể thấy rằng, nhiều “phượt gia” hiện tại có niềm ham mê với những vùng đất mới, và sự liều lĩnh cũng… có thừa. Chính điều này đã gây nên những hậu quả không chỉ với bản thân “phượt thủ”, mà gia đình của họ cũng phải chịu.

Cũng có niềm đam mê những cung đường và muốn khám phá những nơi sơn cùng thủy tận. Nhóm phượt mang tên Chinhphucpro đã rủ nhau ra một trong những đảo ở hồ Thác Bà (Yên Bái). Nơi đây không có điện lưới, sóng điện thoại cũng không. Họ dự định sẽ sống một tuần ngoài đảo và cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Họ (trong đó còn có một nữ phượt thủ) suy nghĩ một cách ngây thơ rằng, Robison còn sống được nơi hoang đảo thì chả cớ gì mà mình lại không cả.

Nhưng sau khi đã lên thuyền, nhờ một ngư dân đưa ra đảo thì họ mới thấy "chợn" với quyết định của mình. Tuy cũng chuẩn bị đầy đủ lều bạt, lương thực, thực phẩm song tất cả đều không ngờ được những chuyện có thể xảy ra nơi đây.

Tấm bạt không đủ bền để chống chọi với những cơn mưa như trút nước. Và ban đêm, khi sương núi xuống thì các phượt gia đều trằn trọc vì quá rét. Ngày thứ ba của chuyến đi, nước dự trữ đã hết họ phải dùng nước sông để sinh hoạt. Và hậu quả là cả đoàn đã bị "tào tháo đuổi". Tình cảnh càng trở nên bi đát hơn, khi thành viên nữ bị lạc trong rừng.

Kết cục là, khi ngư dân quay thuyền ra đón đoàn thì thấy một cảnh tượng đầy hài hước. Mấy người trông như thổ phỉ, ngồi túm lại một chỗ và đang… khóc ròng vì sợ sẽ phải ở lại nơi đây cả đời. “Phượt thủ” nữ về đến nhà mới biết, gia đình bạn bè đang tìm loạn lên, tưởng cô bị lừa bán ra nước ngoài nên chuẩn bị đi báo công an!

Và những kỷ lục không giống ai

Trên Chuyên đề ANTG đã từng đề cập tới kỷ lục của một “phượt thủ”. Thiếu gia H, "điên" sống tại TP HCM đã có một chuyến xuyên Việt trong chưa đầy 24 giờ đồng hồ bằng chiếc xe Honda CBR 1000 phân khối. Nhưng trước đó, làng phượt cũng từng xôn xao trước một kỷ lục khác. Đó là đi từ Hà Nội - Hà Giang dài hơn 320km trong 4 giờ 55 phút trên chiếc xe Future Neo.

Với những người có sức khỏe, và cả khả năng "chai mông" trên yên xe thì cung đường này đi với tốc độ khẩn trương cũng phải mất 8-10 tiếng đồng hồ. Ngay cả những “phượt gia” được coi là “chiến” nhất, với những con chiến mã dung tích cả ngàn phân khối thì cũng khó lặp lại thành tích trên. Bởi đây vốn là tuyến đường rất đông xe đi lại, hơn nữa những đèo dốc khiến cho người ta không thể đi nhanh, và đặc biệt là nguy hiểm luôn rình rập ở từng kilômét.

Sau khi đã thiết lập xong kỷ lục trên, tác giả đã mở hẳn một cuộc "cá độ" rằng nếu ai có thể phá được thì sẽ mất cho người kia 10 triệu đồng và ngược lại. Cũng đã có “phượt thủ” nhận lời, song rất may đó chỉ là chuyến "phượt mồm". Cuộc đua trên đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Khi mà cuộc đấu phóng nhanh vượt ẩu của làng phượt còn chưa ngã ngũ, thì một “phượt thủ” lại nghĩ ra một trò quái chiêu hơn, đó là đuổi theo tàu hỏa.

Theo một số người trong cuộc thì H. vì muốn bạn gái bất ngờ nên sau khi tiễn người bạn gái ra ga Hà Nội để lên Lào Cai nên đã chờ khi tàu rời bánh là nổ máy bám theo. Do chưa bao giờ đi tuyến này nên H. phải vừa đi vừa "alô" cho người thân ở Hà Nội nhờ chỉ đường. Đến Yên Bái, H. vẫn kịp mua vé tàu để rồi sau đó cùng với người yêu lên Sapa chơi.


Cuộc đua kỷ lục và ẩn họa trên những cung đường “phượt”
Dân ‘phượt điên’ và những kỷ niệm kinh hoàng


Trên box du lịch của diễn đàn ttvnol cũng có một topic sưu tập các kỷ lục trên những cung đường phượt. Một trong những kỷ lục kỳ khôi nhất là một “phượt gia” đã từng đứng suốt hai tháng trời trên xe ôtô. Không phải là anh này thích đứng mà vì xe… không có chỗ ngồi. Kết quả sau chuyến phượt này đôi chân anh ta đã sưng to như chân voi và sụt mất gần chục ký. Chẳng hiểu tới đây sẽ còn những kỷ lục nào của các “phượt gia” điên nữa không! Chỉ biết rằng, họ vẫn đang đùa với tính mạng của chính mình.

Du lịch, GO! - Theo báo ConganNhandan, internet
Giống như phiên "chợ tình" Khau Vai của người Mông ở Hà Giang hay "chợ tình" Sa Pa (Lào Cai), người Ma Coong ở bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) cũng có đêm tình nhân của riêng mình. Đêm ấy chỉ diễn ra một lần trong lễ hội đập trống.

< Trong đêm lễ hội Đập trống của đồng bào Ma Coong.

Rạo rực đêm hội

Người Ma Coong ở Thượng Trạch có 287 hộ (1.557 khẩu), cư trú tại 18 bản làng dọc biên giới Việt - Lào. Lễ hội đập trống của họ được tổ chức tại bản Cà Roòng, mảnh đất linh thiêng của người Ma Coong.

Khi chúng tôi đến nơi, trên khoảng sân rộng giữa bản, già làng Đinh Năng cùng các thanh niên khoẻ mạnh đang bịt trống hội.

Theo phong tục, người Ma Coong lấy chi cúp, một loại cây thuốc rỗng ruột, sống hàng chục năm giữa đại ngàn làm tang trống. Tang trống được giữ từ năm này qua năm khác, chỉ khi nào hỏng mới thay. Mặt trống mỗi năm thay một lần vào mùa lễ hội. Trong năm, khi làm thịt trâu, già làng sẽ chọn tấm da đẹp nhất treo lên gác bếp để xông khói. Cuối năm thì đem ra làm mặt trống chuẩn bị cho lễ hội.

< Trống của người Ma Coong có hìn dạng khá đặc biệt.

Người Ma Coong có cách bịt trống khá đặc biệt. Họ dùng những sợi mây rừng chuốt kỹ, đem luộc trong nồi đồng. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của già làng, những bàn tay chắc khoẻ của cánh thanh niên luồn từng sợi mây vào tấm da trâu, riết căng, ép chặt vào hai mặt trống.

Những sợi dây mây buộc giăng ngang dọc trên tang trống lại được căng một lần nữa bằng những nêm tre già đóng chặt, kéo cho mặt trống có hình thù như quả cầu gai.

Chập choạng tối, sương quấn lấy những ngọn cây, mái nhà sàn, từ các lối mòn dẫn vào bản bắt đầu rậm rịch bước chân của các chàng trai, cô gái, của đàn ông, đàn bà các bản trong xã đổ về bản Cà Roòng tham gia lễ hội. Có nhiều người ở các bản xa như A Ky, Cồn Roày, Cu Tồn và cả đồng bào Ma Coong ở nước bạn Lào cũng tới.

Các tộc người ở gần đó như A Rem, Trì, Ca Rai cũng hào hứng đến chung vui. Anh Y Heng, người Ma Coong ở nước bạn Lào cho biết: "Nhà miềng ở rất xa nên miềng phải tranh thủ đi từ khi con gà chưa thức giấc, chừ con trăng vừa lên mới tới đó. Năm nào miềng cũng đi cả".

Người Ma Coong, A Rem, Vân Kiều và cả du khách phương xa quây tròn trên một vùng đất rộng giữa bản, trống được treo lên, lửa cũng cháy rực. Lễ hội bắt đầu …

Già bản Đinh Năng bày lễ vật và 7 mâm cỗ cúng Giàng. Mỗi mâm cỗ gồm một con gà trống, một con cá, một líp xôi, đọt măng rừng, đọt mây, cây đoác. Trước 7 mâm là 7 hũ rượu thiêng, loại rượu ủ bằng những lá cây rừng đặc biệt của người Ma Coong với nếp ngon được cất cả năm mới đưa ra. Cá cúng Giàng được bắt từ khúc suối cấm, đây là đoạn ngăn của con suối A Ky.

Vào khoảng tháng 5 hằng năm là dân bản Cà Roòng lại ngăn con suối A Ky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và phân công người trông coi khúc suối không cho ai vào đó bắt cá, nếu vi phạm sẽ bị làng phạt vạ rất nặng. Trước khi lễ hội diễn ra sẽ có lễ "thả lưới" tại khúc suối cấm này. Đích thân già làng thả lưới, những con cá bắt được dùng cúng lễ và sau đó chia cho cả bản cùng ăn. Sau khi lễ hội đập trống kết thúc, khúc suối mới được đánh bắt cá tự do.

Già làng Đinh Năng trong lễ phục váy đỏ pha những đường xanh chạy dọc tượng trưng cho sức sống như cây rừng đại ngàn giữa Trường Sơn của người Ma Coong, để tóc xoã, bắt đầu cúng. Ông đốt những ngọn nến bằng sáp ong cháy, hắt ra thứ ánh sáng lung linh huyền ảo. Già cất tiếng: "Khấn mời Giàng, mời con ma mót về ăn nắm xôi, uống cần rượu, coi lễ hội để phù hộ cho người Ma Coong được mùa, được cái ăn, cái mặc, sinh sôi như cây trên rừng, dẻo dai như suối trước bản. Mời về, mời về".

Sau vài lượt khấn, già làng đến bên ché rượu thiêng uống hơi rượu đầu tiên, tiếp đó lần lượt đến các người già và chức sắc được mời uống. Sau đó, khách và chủ nhà đều được uống thoả thích.

Những cô gái xinh nhất bản trong những bộ váy đặc trưng của người Ma Coong bắt đầu nhảy múa quanh chiếc trống. Năm chàng trai khoẻ mạnh nhất bản bắt đầu dùng những chiếc dùi trống làm bằng thân cây mây đánh dồn vào hai mặt trống.
Cạnh đó là hai người già cầm trịch đánh chiêng. Cứ 5 nhịp chiêng thì thỉnh 3 nhịp trống với tốc độ nhanh. Sau 3 lượt thỉnh trống thì phần lễ hội đập trống bắt đầu.

Dân bản ùa vào, ai cũng háo hức đánh hết sức vào trống. Quyện vào tiếng trống là tiếng chiêng ngân vang làm lay động cả núi rừng. Tiếng trống tùng, tùng như men say, nghe thật lạ, nó hẳn được gợi hứng từ tiếng gọi ngày đêm trầm hùng mà thắm thiết của gió, những ngọn gió dữ dội, hùng tráng mà vô cùng thâm trầm, thổi ngày đêm, bốn mùa, vĩnh cửu.

Những tiếng hô lớn đồng thanh: "Roa lữ Giàng ơi! Roa lữ Giàng ơi!" (Vui quá trời ơi) cất lên hoà chung nhịp trống. Đống lửa giữa sân thỉnh thoảng được cho thêm củi, rừng rực bốc cao.

Người đánh trống, người nhảy múa, rồi đến bên hũ rượu sà xuống vít cần hút, đến say cả đất trời. Cứ vậy, ché rượu cần nghiêng, điệu nhảy nghiêng, cả núi rừng cũng nghiêng, chỉ còn tiếng trống vang mãi. Từ chập tối, trai gái ở 18 bản người Ma Coong và các bản làng khác đã tìm nhau, thì thầm trò chuyện, tặng quà làm quen: Mời nhau một ngụm rượu, trái ổi, trao nhau chiếc kẹp tóc, khăn tay. Giá trị món quà không quan trọng, chỉ là cái cớ cho trai gái tìm đến nhau mà thôi. Khi rượu đã ngà say, chuyện đã nồng, con tim đã đập chung nhịp, các cặp trai gái chen nhau vào đập trống và cùng nôn nao ngóng chờ phút giây vỡ trống.

Đêm tình nhân

Ánh trăng rừng đã quá đỉnh đầu, tiếng trống, tiếng chiêng càng vang. Mọi người cố sức đánh cho trống vỡ trước khi trời sáng vì người Ma Coong cho rằng, nếu trống không vỡ ngay trong đêm này thì năm đó mùa màng thất bát, người làng đói khổ và sẽ gặp phải tai hoạ. Người này mệt có người khác vào thay, tiếng chiêng, tiếng trống không bao giờ dứt lặng.

Mặt trống rung lên bần bật rồi bất ngờ một tiếng bụp. Mặt trống vỡ. Tiếng hát hò, nhảy múa bỗng lặng đi, sau đó là tiếng hét rền vang núi rừng. Và rồi từng đôi, từng đôi cầm tay, níu áo nhau đến bên bờ suối A Ky tình tự. Chỉ trong chốc lát, khu vực lễ hội thưa vắng hẳn. Với nam thanh nữ tú chưa lập gia đình thì đây là đêm bắt đầu của sự hẹn hò, đính ước.

Đây cũng là đêm duy nhất trai gái, kể cả những người đàn ông, đàn bà đã có gia đình cũng được Giàng cho phép gắn kết nhau, được bỏ nhà một đêm với người mà họ thích. Đêm gắn kết không có dị nghị, không có sự ghen tuông. Giống như một bài dân ca được hát trong đêm: "Để trăng mọc trong đêm, để anh được yêu em. Để không gần mặt xa lòng…".

Không có ghen tuông, chỉ có hoa thơm và trăng đại ngàn. Đêm tình nhân đã có từ xa xưa tới nay vẫn được người Ma Coong nâng niu, gìn giữ. Sau đêm đó, ai về nhà nấy, mọi chuyện tan biến vào con nước chảy róc rách của dòng A Ky. Họ lại cùng vợ cùng chồng lên nương, xuống suối tiếp tục đưa cái ngô hạt lúa về nhà. Còn trong năm, nếu có ai ngoại tình thì bị làng phạt vạ rất nặng, bị đuổi ra khỏi bản.

Đêm nay còn là lúc để những người dân bản uống với nhau ngụm rượu, giải toả những khúc mắc, va chạm trong cuộc sống thường ngày chưa có cơ hội giãi bày, làm cho tình người thêm bền chặt.

Bên đống lửa bập bùng, bên ché rượu nghiêng cứ vơi lại đầy, càng khuya, trời càng lạnh, lửa càng đượm. Trong màn sương mù đặc quánh, già làng Đinh Năng trầm tư như để ngược lại dòng thời gian: "Không biết từ đời nào người Ma Coong đã có lễ hội đập trống, chỉ biết người già nói lại, ngày xưa, vùng đất của người Ma Coong đang ở bỗng xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, đêm đêm nó vào nương rẫy của dân bản ăn ngô, phá lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, bệnh tật hoành hành. Mọi người sống rất khổ sở.

Rồi trong giấc ngủ của già làng, Giàng đã hiện lên bày cách làm trống cho người Ma Coong trừ con khỉ ác. Khi con khỉ tìm đến bản, mọi người đem chiếc trống chuẩn bị sẵn cùng những chiếc chiêng đồng loạt đánh lên, khỉ ác nghe tiếng chiêng, tiếng trống thì sợ hãi mà chạy mất không bao giờ dám quay trở lại. Từ đó, người Ma Coong, người A Rem làm ăn được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.

Thế là hàng năm, vào ngày 16 tháng Giêng người Ma Coong lại tổ chức lễ hội đập trống. Vào đêm hội đập trống, người chủ lễ không chỉ cúng xin Giàng cho người Ma Coong no đủ, được mùa mà còn xin Giàng cho người Ma Coong được một đêm tình yêu".

Anh Đinh Xon trầm ngâm: "24 mùa đập trống trước, miềng tìm được Y Run. Khi Y Run mất, mùa đập trống năm 1993 mình lại tìm được Y Hen. Mùa đập trống năm ngoái thôi, Đinh Vai ở bản đã tìm được Y My ở bản Chăm Pu, nay đã có một đứa con rồi…Mùa lễ hội năm nay không biết bao nhiêu người trẻ lại tìm được nhau mà nên vợ nên chồng. Miềng vui cái bụng lắm".

Tạm rời xa vùng đất Cà Roòng, rời xa đêm lễ hội quên đất trời, tôi ngỡ như mình vừa chiêm bao. Câu ca của người Ma Coong cứ hiện về: "Xin Giàng làm cho mặt trời lên trong ngày, mặt trăng mọc trong đêm để anh được yêu em…". Câu ca cùng những cánh rừng già thâm u, những con dốc thăm thẳm, những cây cổ thụ ngàn đời thỉnh thoảng lại hiện về, để rồi lòng say chếnh choáng.

Những lễ hội 'ngoại tình' kỳ lạ của vùng cao
Lạ lùng tục "coong trình" của người Dao đỏ

Du lịch, GO! - Theo báo Kinh tế Nông thôn cùng nhiều nguồn ảnh khác
Không chỉ là địa chỉ du lịch hấp dẫn của hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh, đến đèo An Khê, du khách sẽ được mắt thấy, tai nghe biết bao câu chuyện kể về nhà Tây Sơn, về Tây Sơn thượng đạo, về đất Cửu An, Tú Thủy, núi Hoàng Ðế, đồng Cô Hầu, về anh hùng Ngô Mây ôm bom giết giặc Pháp tại đường đèo...

Ðèo An Khê nằm trên quốc lộ 19 nối liền hai tỉnh Bình Ðịnh và Gia Lai, cao 740 m, dài 10 km. Ngày xưa, đèo này gọi đèo Mang (không phải đèo Mang Yang nằm giữa An Khê và Pleiku), theo tiếng Ba Na có nghĩa là cửa, ngõ.
Thời nhà Nguyễn gọi là đèo Vĩnh Viễn, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Ðịnh. Tên đèo An Khê xuất hiện khi người Pháp xây dựng quốc lộ 19, mở rộng đèo như ngày nay.

Ðèo An Khê ngày trước là con đường núi quanh co, khúc khuỷu, có nhiều hang hóc, vách đá chắn ngang hiểm trở. Thời ấy, người Kinh và người Ba Na giao thương, trao đổi phẩm vật thường dùng đèo Vạn Tuế qua ngã Vĩnh Thạnh và Cửu An, cách đó chừng 10 km về phía bắc.

Tuy được mở rộng sau này, nhưng đèo An Khê vẫn còn những cái "ngoẹo" khá nguy hiểm như ngoẹo Cây Khế, ngoẹo Ðồng Tiến, ngoẹo Hang Dơi... Mỗi cái "ngoẹo" trên đây đều gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử cũng như những tai nạn xe cộ thảm khốc sau này.

Thật vậy, suốt đường đèo An Khê, mỗi bờ suối, mỗi đồi gò, mỗi vách đá là cả một trang sử sống qua thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn cũng như qua  những năm kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước.

Núi Ông Bình cao 840 m, rậm rạp và bề thế, vừa hiểm vừa hùng, là đài quan sát tự nhiên có thể kiểm soát cả đèo An Khê, vùng thung lũng An Khê (Tây Sơn thượng đạo) và vùng lưu vực thượng nguồn sông Côn (Tây Sơn hạ đạo). Quốc lộ 19 quanh co, bao lấy chân núi Ông Bình, nếu đứng từ ngoẹo Cây Khế trông xuống chẳng khác nào con trăn núi khổng lồ quấn lấy chân non.

Theo ký ức của nhân dân địa phương, núi Ông Bình là nơi Nguyễn Huệ đóng quân (ông Bình là tên chữ của Nguyễn Huệ lúc còn ở quê nhà). Sườn núi phía đông bắc có nhiều hang động. Lớn nhất là hang Tối Trời và hang Cọp. Hang Tối Trời ngày cũng như đêm, tối đen như mực.

Ði vào hang phải dùng đuốc để soi sáng lối đi. Còn hang Cọp thì to lớn và rộng thênh thang, có thể lưu trú hàng trăm chiến binh cùng một lúc.

Chính vì vậy, Nguyễn Huệ đã dùng hang động ở đây làm nơi trú quân và là nơi xuất  phát đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn. Cũng theo các bô lão địa phương, thì thời Cần Vương nguyên soái Mai Xuân Thưởng thất trận ở Bàu Sấu (huyện An Nhơn), cũng lui về tạm ẩn ở núi Ông Bình một thời gian để chờ cơ hội.

Núi Ông Nhạc còn gọi là Ông Nhược nằm ở tây nam đèo An Khê, cao chừng 600 m, đối diện với núi Ông Bình, bề thế chẳng kém. Nơi đây cũng là nơi trú quân của Nguyễn Nhạc và là điểm xuất quân xuống đồng bằng dựng cờ khởi nghiệp của nhà Tây Sơn. Hiện nay, ở hai ngọn núi này còn lưu lại di tích gò Kho và bờ lũy Ông Nhạc.

Ở gần đỉnh đèo, liền với núi Ông Bình bây giờ là xóm Ké, xã Song An, huyện Ðác Pơ (An Khê cũ) là nơi mà ngày xưa gọi là kho "Binh lương đồ trận", là nơi tập kết quân lương để khởi nghĩa. Sau này gọi là gò Kho, còn gọi là gò Quán, bởi  về sau, đây còn là nơi trao đổi hàng hóa, phẩm vật giữa miền xuôi và miền núi.

Xa hơn về phía đông nam là lũy Ông Nhạc, nay vẫn còn dấu tích. Bờ lũy xây bằng đất, có nơi cao đến 10 m, nối liền hai sườn núi Ông Nhạc và Ông Bình xuyên qua đèo An Khê. Do chiến tranh, bom đạn cày phá nên lũy Ông Nhạc đã bị san bằng nhiều đoạn.

Lũy Ông Nhạc, theo các nhà khoa học và quân sự, có thể được xem như tuyến phòng ngự phía đông của Tây Sơn thượng đạo nhằm ngăn chặn bước tiến quân của Chúa Nguyễn lúc bấy giờ.

Ngày nay, đèo An Khê cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn của hai tỉnh Gia Lai và Bình Ðịnh. Ðến tận nơi, du khách sẽ được mắt thấy, tai nghe biết bao câu chuyện kể về nhà Tây Sơn, về Tây Sơn thượng đạo, về đất Cửu An, Tú Thủy, núi Hoàng Ðế, đồng Cô Hầu, về anh hùng Ngô Mây ôm bom giết giặc Pháp tại đường đèo...

Ðến thăm đèo An Khê, du khách đã đặt chân lên đất Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo của thời khởi nghĩa Tây Sơn.

Du lịch, GO! - Theo Nhân Dân, internet

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Vùng đất Nam Bộ ruộng lúa mênh mông, sông ngòi chằng chịt là nơi sinh sôi của bao nhiêu loài tôm cá, thủy sản: “Ruộng đồng mặc sức chim bay – Biển hồ lênh láng mặc bầy cá đua”.

< Những con cá lóc tươi ngon vừa bắt dưới sông lên chỉ cần rửa sạch, không cần sơ chế, cắm xuyên que từ đầu đến đuôi để chuẩn bị nướng. Hình ảnh cá lóc chổng ngược trông rất lạ mắt và thú vị.

Chính vì vậy cái thú thả cần sông hay tát đìa bắt cá về chế biến món ăn đã trở thành một kiểu thưởng thức ẩm thực độc đáo ở miền Tây Nam Bộ. Trong đó, Đồng Tháp, An Giang, Cá Mau… là xứ mà cá lóc nhiều và ngon đặc biệt.

< Sau đó, cá được phủ rơm lên để chuẩn bị nướng.

Cá lóc (miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối) nướng trui là một món ăn dân dã đặc trưng cho miền đồng nước miền Tây Nam Bộ Việt Nam, với hương vị độc đáo và cách chế biến rất đơn giản. Món ăn này gắn liền với quá trình khai hóa đất phương Nam của dân tộc Việt.

Mỗi lần tát đìa, đến lúc nước cạn là giai đoạn gay cấn nhất, đám trê, rô cố chúi sâu vào lớp bùn đáy để trốn, còn cá lóc thì cố vượt lên để lách qua bờ thoát thân, nhưng đìa đã cạn, cứ lên tới nửa thành đìa thì rớt xuống. Người dưới đìa cứ thấy con lóc nào phóng lên là lập tức chộp con đó.

< Muốn cá ngon thì phải chọn loại rơm thật vàng, thật sạch.

Tại bàn tiệc dã chiến, những tàu lá chuối xanh mượt đã được xếp dài ở giữa. Bên trên xấp lá chuối là những xấp bánh tráng dẻo trắng phau, đọt xoài, lá lụa, quế vị, húng lủi v.v. tươi roi rói, xen lẫn là những lát chuối chát, khế chua, đôi khi còn có thêm những trái điều chín vàng ươm v.v.. Cạnh đó là tô mắm me cay hoặc muối ớt để chuẩn bị cho một món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon và được người dân Nam Bộ rất mê, món Cá lóc nướng trui.

< Ngọn lửa rơm cháy đượm sẽ giúp cá chín đều...

Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1 kg là vừa, thịt cá vừa ngọt, thơm, lại dễ nướng. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều khi nguời ta còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá vì như vậy thì khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm lửa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, tanh.

< Lớp tro nóng làm thịt cá thêm thơm và ngọt.

Nhìn đụm rơm cháy đỏ, tiếng mỡ nổ lốp bốp, thật sướng tai, sướng mũi vì cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng, không giống với loại cá nào khác. Mùi thơm toả ra từ lớp vẩy, thớ thịt và có cả mùi hơi khét của da. Cá chín đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá để lộ ra thịt cá trắng và thơm, banh ra làm đôi là ăn được.

< Sau khi tàn rơm được khều ra, những con cá lóc nướng vàng ươm, vây cá bị cháy sạch, tỏa mùi thơm khó cưỡng.

Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy. Hãy nhai thật chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rau cỏ, đồng ruộng như ngấm vào tận ruột gan, ăn một lần nhớ mãi.

< Đĩa cá lóc nướng trui trông thật hấp dẫn và ngon lành!

Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Có  khi cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột cũng cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Datviet, Dongthap